Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam

Thursday - 20/07/2017 06:55
Sáng 19/7, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong nội dung hằng năm Hội Cựu giáo chức báo cáo chương trình, kết quả công tác năm với lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Hội cựu giáo chức sáng ngày 19/7.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Hội cựu giáo chức sáng ngày 19/7.

Tại buổi làm việc, GS. Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho biết, hiện nay, 60/63 tỉnh, thành phố, 462 huyện, 6.851 xã/phường và 42 trường Đại học trong cả nước đã thành lập được Hội Cựu giáo chức. Thời gian qua, tổ chức Hội các cấp đã quan tâm tới việc xây dựng, phát triển Hội và có những hoạt động toàn diện sáng tạo, đạt kết quả tích cực, được chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục quan tâm hỗ trợ.

Tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, trong năm 2016, Hội đã xét trợ cấp một lần cho giáo viên về hưu sau 31/3/1993 chưa được tính thâm niên trong BHXH là 190.000 người.

Hội cũng tổ chức quyên góp, hỗ trợ khu tưởng niệm liệt sĩ Hoàng Sa và Tượng đài liệt sĩ Gạc Ma; kêu gọi đóng góp hỗ trợ nhà giáo nghỉ hưu các tỉnh miền Trung bị lũ lụt cuối năm 2016 được gần 600 triệu đồng; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Quỹ tình nghĩa hỗ trợ các hoàn cảnh cựu giáo chức khó khăn.

Cũng trong năm 2016, Hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành xây dựng Phòng truyền thống của ngành. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cũng như nâng cao niềm tự hào nghề nghiệp của các thế hệ giáo viên.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Hội tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, phản biện chính sách giáo dục, đồng thời đồng hành với ngành giáo dục trong hoạt động khuyến học, phân luồng học sinh, giáo dục kĩ năng sống, điều tra mức độ hài lòng của xã hội đối với giáo dục…

Với vai trò bảo vệ quyền lợi cho hội viên là  những nhà giáo đã nghỉ hưu, hiện nay, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đang tiếp tục kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về chế độ chính sách trợ cấp một lần cho nhà giáo làm quản lí giáo dục chưa được phụ cấp thâm niên trong lương hưu và chế độ cho cô giáo mầm non nghỉ hưu chưa có chế độ.

Hội cựu giáo chức Việt Nam do GS. NGND Phạm Minh Hạc – Chủ tịch Hội dẫn đầu.

Tại buổi làm việc, Hội Cựu giáo chức một lần nữa xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo về 2 kiến nghị nói trên trước khi báo cáo Thủ tưởng Chính phủ.

Thay mặt Hội Cựu giáo chức, GS. Phạm Minh Hạc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện để trong thời gian tới Hội được thực hiện hoặc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ khoa học. Đồng thời, đề nghị Bộ có ý kiến với một số địa phương chưa cho thành lập Hội ở địa phương để sớm hoàn thiện mạng lưới Hội Cựu giáo chức trong cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những đóng góp của Hội Cựu giáo chức Việt Nam đối với sự phát nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian qua. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các thầy, cô giáo sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về nghỉ hưu nhưng vẫn dành tâm huyết cho ngành đó là điều rất đáng trân trọng.

Bộ trưởng khẳng định, ngành Giáo dục luôn dành sự quan tâm cho đặc biệt cho đội ngũ nhà giáo, dù đó là đội ngũ đã nghỉ hưu, hay những người đang công tác và thậm chí là cả những em sinh viên đang học tập trong môi trường sư phạm. Đội ngũ giáo viên chính là những người quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục, vì vậy, một trong chín nhiệm vụ chủ yếu của ngành đã được xác định là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Quá trình đổi mới giáo dục đào tạo đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, góp ý, phản biện để tốt lên, do đó theo Bộ trưởng, sự quan tâm, đồng hành của Hội Cựu giáo chức sẽ giúp cho các chính sách của ngành thiết thực và hiệu quả hơn.

Đánh giá về một số nội dung phối hợp giữa Hội Cựu giáo chức và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua, Bộ trưởng cho rằng, đã có khởi sắc nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Chính vì vậy, thời gian tới công tác kết nối thông tin, phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Cựu giáo chức cần phải được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, hai bên cần quan tâm tới công tác thống kê để toàn ngành có được hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện, thống nhất.

Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm chung với Lãnh đạo Hội cựu giáo chức Việt Nam.

Đối với hai kiến nghị về chế độ chính sách cho giáo viên đã nghỉ hưu xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cho biết, đây là hai kiến nghị đúng tuy nhiên để giải quyết được thì thẩm quyền không chỉ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cần có chủ trương từ Chính phủ để rà soát lại đội ngũ.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao nội dung công tác năm 2017 của Hội, trong đó có nội dung quan tâm giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tại địa bàn dân cư, bởi theo Bộ trưởng, chính các thầy cô giáo nghỉ hưu sẽ là tấm gương cho học sinh và những thầy cô đang công tác trong ngành.

Một số đề xuất được phối hợp với Bộ của Hội Cựu giáo chức như tham gia tư vấn phân luồng học sinh sau THCS, THPT; tham gia tư vấn xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; tiếp tục đóng góp tư liệu cho Phòng truyền thống; tham gia Ban Chỉ đạo giám sát thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Ủy ban TWMTTQVN; tham gia đóng góp giải pháp tổ chức thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự ghi nhận và ủng hộ.

Bộ trưởng cũng hứa sẽ có ý kiến với những tỉnh, thành phố chưa thành lập Hội để trong thời gian sớm nhất mạng lưới Hội Cựu giáo chức sẽ mở rộng tới 63/63 tỉnh/thành phố trong cả nước.

Source: Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4913)

Total notes of this article: 0 in 0 rating

Click on stars to rate this article

  Reader Comments

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second