Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đóng vai trò quan trọng trong quá trình sử dụng nhân lực của xã hội, nó đảm bảo một phần an sinh xã hội khi giải quyết được một khó khăn cho người lao động (NLĐ) khi họ bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…
Hội thảo giải pháp nhằm hạn chế và khắc phục những bất cập
trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Trong công tác triển khai thực hiện chính sách BHTN những mặt đạt được như: - Hệ thống văn bản hướng dẫn BHTN đã tương đối hoàn thiện, đầy đủ thuận tiện cho quá trình tổ chức, thực hiện; - Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức đúng vai trò, vị trí của mình trong việc thực hiện BHTN đặc biệt là công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh; - Nhân lực và cơ sở vật chất tại các địa phương đã tương đối đầy đủ và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện; - Các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn cầu lao động, tìm hiểu về nhu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ) để có những tư vấn việc làm hoặc tư vấn học nghề phù hợp. Một số TTDVVL còn chủ động xây dựng chương trình học, thời gian và hình thức đào tạo phù hợp với đối tượng người học là người thất nghiệp để hỗ trợ tốt nhất từ khâu tham gia học nghề đến khâu tìm việc làm mới; - Người thất nghiệp đã ý thức việc học tập, nâng cao trình độ để chuyển đổi nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với bản thân họ, tại nhiều địa phương, NLĐ sẵn sàng đầu tư chi phí học nghề,… bù vào phần chênh lệch so với chi phí được hỗ trợ để hoàn thành hết khóa học nghề; - Các cơ sở dạy nghề cũng đã chủ động hơn trong việc đào tạo nghề đối với đối tượng là người thất nghiệp như xây dựng khung chương trình, mức học phí, quy trình thanh quyết toán chi phí học nghề. Tuy nhiên, trong thực hiện chính sách BHTN còn một số bất cập, cụ thể như:
1. Bất cập trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Trong quá trình thực hiện chính sách BHTN, có nhiều bất cập sảy ra, theo rà soát của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến hết tháng 7/2019 NLĐ trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tham gia BHXH, BHTN dẫn đến phải thu hồi số tiền hưởng TCTN là 71.952.526.126 đồng. Ngày 22/10/2019, Cục Việc làm đã ban hành Công văn số 1096/CVL-BHTN chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh/thành phố kiểm tra, rà soát các trường hợp phải thu hồi tiền hưởng BHTN sai quy định. Kết quả thu được theo số liệu báo cáo của các địa phương về tình hình rà soát, thu hồi tiền hưởng BHTN tính đến hết tháng 9/2019 cho thấy: - Tổng số tiền phải thu hồi theo rà soát của BHXH Việt Nam là: 71.952.526.126 đồng; - Tổng số tiền phải thu hồi sau khi các địa phương rà soát lại là: 74.569.250.770 đồng; - Tổng số tiền đã thu hồi được là: 24.643.719.592 đồng (bằng 33% so với tổng số tiền phải thu hồi sau khi rà soát lại); - Tổng số tiền còn lại phải thu hồi là: 49.925.531.178 đồng.
Trong việc thực hiện chính sách BHTN, các Sở LĐ-TB&XH đã tăng cường chỉ đạo các TTDVVL phối hợp với cơ quan BHXH rà soát, liên hệ, đề nghị NLĐ cung cấp hồ sơ có liên quan nhằm xác minh lại các trường hợp bị thu hồi, qua quá trình xác minh có một số vấn đề sau:
v Trường hợp NLĐ vừa đóng BHXH, BHTN vừa hưởng TCTN đúng quy định
Qua quá trình rà soát, xác minh đã phát hiện một số trường hợp nằm trong danh sách kiến nghị thu hồi vì vừa đóng BHXH, BHTN vừa hưởng TCTN nhưng NLĐ không vi phạm các quy định về TCTN, cụ thể:
- NLĐ đang hưởng TCTN thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng: Theo Luật BHXH, từ ngày 01/01/2018, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, theo Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn thì NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động dưới 03 tháng không được coi là có việc làm nên NLĐ vẫn đáp ứng đủ điều kiện hưởng TCTN. Tương tự, NLĐ đang hưởng TCTN làm việc theo hợp đồng này thì không bị chấm dứt mà vẫn tiếp tục hưởng TCTN. Do đó, NLĐ có thể vừa đóng BHXH bắt buộc vừa hưởng TCTN.
- NLĐ bị chấm dứt hưởng TCTN vào 1 ngày trong tháng hưởng TCTN nên được hưởng TCTN cả tháng đó: Theo quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm thì NLĐ đóng BHXH, BHTN theo tháng dương lịch. Trong khi, thời điểm hưởng TCTN được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN, tháng hưởng TCTN được tính từ ngày NLĐ bắt đầu hưởng TCTN đến ngày đó của tháng sau trừ 01 ngày và NLĐ bị chấm dứt hưởng TCTN vào một ngày của tháng đang hưởng TCTN được hưởng TCTN của cả tháng đó. Vì vậy, NLĐ có thể có 01 tháng vừa hưởng TCTN vừa tham gia BHXH, BHTN.
v Trường hợp NLĐ hưởng sai quy định phải thu hồi do:
- Người lao động: + Có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN nhưng không thông báo với TTDVVL theo quy định nên sau khi rà soát mới phát hiện NLĐ không đáp ứng đủ điều kiện hưởng dẫn đến phải thu hồi; + Có việc làm trong thời gian đang hưởng TCTN nhưng không thông báo với TTDVVL để chấm dứt hưởng TCTN mà vẫn tiếp tục nhận TCTN.
- Người sử dụng lao động: Tham gia và đóng BHTN cho NLĐ chậm so với quy định hoặc trốn đóng, nợ đóng BHTN nên sau khi NSDLĐ thực hiện đóng BHXH, BHTN bù cho thời gian này thì NLĐ bị trùng tháng đóng với tháng hưởng TCTN dẫn đến phải thu hồi.
- Cơ quan BHXH: + Thu BHTN đối với thời gian thử việc của NLĐ theo đề nghị của NSDLĐ; + Chi TCTN trước thời hạn chi trả theo quy định pháp luật; + Một số ít trường hợp NLĐ được cấp nhiều sổ BHXH do tham gia BHXH, BHTN ở nhiều đơn vị. Do đó, khi cơ quan BHXH thực hiện rà soát, gộp sổ BHXH thì mới phát hiện NLĐ bị trùng thời gian đóng và thời gian hưởng TCTN.
Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHTN, thực tế cho thấy:
v Những mặt được: - Công tác rà soát, thu hồi được triển khai đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành LĐ-TB&XH và ngành BHXH; - Bên cạnh việc tự rà soát hoặc phối hợp rà soát, các hoạt động như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng được đẩy mạnh để kịp thời phát hiện các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHTN; - Hoạt động tuyên truyền chính sách BHTN đến NLĐ, NSDLĐ được chú trọng đặc biệt là việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn tại các địa phương và tại các đơn vị sử dụng lao động trong việc tuyên truyền, vận động NLĐ, NSDLĐ thực hiện quyết định thu hồi hoặc phối hợp cung cấp các giấy tờ liên quan đến hoạt động rà soát, thu hồi.
v Những khó khăn, vướng mắc
Về phía đối tượng bị thu hồi: - Ý thức tuân thủ pháp luật của NLĐ, NSDLĐ còn hạn chế, các chế tài xử phạt về BHTN còn chưa đầy đủ nên vẫn còn tình trạng chây ỳ không thực hiện quyết định thu hồi; - Đối tượng hưởng TCTN chủ yếu là lao động phổ thông, vì vậy NLĐ rất dễ nhảy việc, thay đổi nơi ở, số điện thoại liên lạc... do đó việc liên hệ để xác minh, thu hồi tiền TCTN gặp nhiều khó khăn; - NLĐ thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập không cao nên khả năng tích lũy ít; một số trường hợp hiện tại đã mất khả năng lao động, không có điều kiện để nộp lại tiền hưởng TCTN,... Vì vậy, khó thực hiện thu hồi số tiền NLĐ đã hưởng; - Một số trường hợp NLĐ đã chết, mất tích, ra nước ngoài định cư nên không thể thực hiện thu hồi được số tiền đã hưởng.
Về phía cơ quan tổ chức thực hiện: - Do hiện nay chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của NLĐ, vì vậy vẫn xảy ra tình trạng NLĐ vừa hưởng TCTN vừa có việc làm. Việc TTDVVL phát hiện NLĐ có việc chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tự giác của NLĐ hoặc do cơ quan BHXH phản hồi sang; - Chưa triển khai kết nối phần mềm quản lý BHTN của ngành LĐ-TB&XH với cơ quan BHXH để phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết hưởng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ trong việc hưởng các chế độ BHTN, giảm bớt thủ tục hành chính và kiểm tra, kiểm soát kịp thời khi thực hiện chính sách BHTN tránh tình trạng gian lận, trục lợi Quỹ BHTN; - Bộ máy thực hiện BHTN chưa thông suốt từ Trung ương đến địa phương, gây khó khăn cho việc chỉ đạo, triển khai và không kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; - Tại một số địa phương, công tác phối hợp thực hiện rà soát, thu hồi giữa ngành LĐ-TB&XH với ngành BHXH chưa nhuần nhuyễn, vẫn còn tâm lý đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến ảnh hưởng tới hiệu quả và tiến độ thu hồi; - Nhân sự thực hiện nhiệm vụ BHTN còn tại TTDVVL và tại cơ quan BHXH còn hạn hẹp, chưa có nhân sự chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thu hồi. Do đó, tiến độ thu hồi cũng bị ảnh hưởng.
2. Giải pháp nhằm hạn chế và khắc phục
Để khắc phục nhưng khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHTN đặc biệt là hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi Quỹ BHTN và thực hiện thu hồi dứt điểm số tiền hưởng BHTN sai quy định, Cục Việc làm đã đề xuất một số giải pháp như:
1) Hoàn thiện hệ thống pháp luật BHTN
- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và NLĐ, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN, phát huy các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị TTLĐ.
- Sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHTN theo hướng nâng cao mức xử phạt, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả và bổ sung thêm các hành vi vi phạm để tăng tính răn đe, tuân thủ quy định pháp luật của NLĐ, NSDLĐ và các cơ quan, ban ngành trong quá trình tổ chức thực hiện BHTN.
2) Tăng cường nâng cao năng lực của cán bộ thực hiện BHTN, đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm bổ trợ để vừa thực hiện hiệu quả việc giải quyết các chế độ BHTN cho NLĐ vừa tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NLĐ về quyền, trách nhiệm khi tham và hưởng BHTN.
3) Tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách BHTN: Nội dung tuyên truyền không chỉ tập trung vào các quy định về tham gia và hưởng các chế độ BHTN mà còn cần phải chú ý tuyên truyền vai trò của chính sách, các hành vi vi phạm về BHTN, hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với từng hành vi nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của đối tượng được tuyên truyền từ đó hạn chế hành vi gian lận trục lợi Quỹ BHTN.
4) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, tự rà soát tình hình tham gia và hưởng các chế độ BHTN của ngành LĐ-TB&XH và ngành BHXH như:
- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên đề về BHTN nhằm rà soát, phát hiện những vấn đề phát sinh từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách; đồng thời phát hiện các hành vi vi phạm để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra, kiểm tra và đề xuất các biện pháp để thi hành dứt điểm các kiến nghị còn tồn đọng.
- Tăng cường hoạt động phối hợp rà soát, tự rà soát việc tham gia và hưởng các chế độ BHTN của hiểm xã hội các tỉnh và các TTDVVL nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm.
5) Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm, vì đây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu, xem xét xây dựng mô hình chuẩn của TTDVVL để thực hiện tốt các nhiệm vụ tư vấn, thông tin TTLĐ, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động và dạy nghề...
6) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN: Hình thành cơ sở dữ liệu về thu, chi, quản lý đối tượng tham gia và hưởng BHTN ở Trung ương; hoàn thiện, nâng cấp phần mềm BHTN; thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan LĐ-TB&XH, BHXH, kế hoạch đầu tư, thuế, tài chính, đơn vị sử dụng lao động và NLĐ trong việc quản lý, thu thập, tổng hợp, lưu trữ, cung cấp thông tin TTLĐ, giải quyết các chế độ BHTN cho NLĐ.
7) Tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BHTN, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật về mô hình tổ chức thực hiện BHTN, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực nhân sự thực hiện BHTN để xây dựng mô hình tổ chức thực hiện BHTN ở Việt Nam hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn tại các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.
Hình ảnh đại biểu phát biểu tại hội thảo
Chính sách BHTN đã giúp NLĐ nhanh chóng quay trở lại TTLĐ với ưu tiên là giới thiệu việc làm được đặt lên hàng đầu. Cán bộ, nhân viên thực hiện tư vấn chính sách BHTN đến NLĐ để từng bước họ nhận thức được rằng “TCTN là hỗ trợ một chi phí để sớm tìm được việc làm quay trở lại làm việc, chứ không phải ngồi ở nhà hưởng hết TCTN rồi mới đi làm”, làm cho NLĐ hiểu sâu sắc, BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.
-----------------
[1] Quốc hội (2013). Luật số: 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013, Luật Việc làm.
[2] Quốc hội (2014). Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, Luật Bảo hiểm xã hội.
[3] Chính phủ (2006). Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007, quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
[4] Chính phủ (2013). Nghị định Số: 196/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013, quy định thành lập và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm.
[5] Chính phủ (2015). Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn