BỘ CÔNG CỤ HƯỚNG NGHIỆP CỦA ILO VÀ MỘT SỐ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI

Thứ hai - 28/10/2019 11:09

     Hướng nghiệp là các hoạt động nhằm hỗ trợ mọi cá nhân chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân, đồng thời thỏa mãn nhu cầu nhân lực cho tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp (thị trường lao động) ở cấp độ địa phương và quốc gia. Hướng nghiệp không chỉ là sự lựa chọn một nghề nghiệp mà mình yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp với mình, mà hướng nghiệp được hiểu chính xác nó là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như: đánh giá nghề nghiệp (career assessment), quản lý nghề nghiệp (career management) và phát triển nghề nghiệp (career development). Hướng nghiệp là một quá trình liên tục tác động từ khi người học còn ngồi học ở bậc phổ thông, qua quá trình trao dồi chuyên môn nghề nghiệp và tìm được nơi lao động phù hợp. Ở một góc độ khác, hướng nghiệp có hiệu quả tạo ra một lực lượng lao động có định hướng rõ ràng, do vậy họ có năng lực nghề nghiệp tốt, làm tăng năng suất lao động, góp phần cho sự phát triển về KT-XH.

     Mục tiêu của hướng nghiệp không phải chỉ là giúp học sinh tìm được việc làm tốt mà còn trang bị cho các em hương pháp phát huy tối đa năng lực bản thân, vừa có ích cho bản thân cũng như có ích cho xã hội. Những người lao động trẻ thường nắm lấy cơ hội chọn “việc làm tốt” chứ không dựa trên sự đam mê và năng lực cá nhân. Hướng nghiệp còn có mục tiêu giúp các em học sinh phân biệt giữa nghề nghiệp và việc làm. Theo đó giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận của giáo dục toàn diện giúp mỗi học sinh có sự hiểu biết về tính chất của ngành nghề mà mình hướng tới, biết phân tích thị trường hoạt động và tháo gỡ vướng mắc hoặc rèn luyện bản thân từ đó, mỗi học sinh tự xác định được đâu là nghề nghiệp phù hợp hoặc không phù hợp với mình.

Ảnh 1: hoạt động hướng nghiệp cho học sinh của trường Đại học Hoa Lư

     Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực... Tập trung giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...” là mục tiêu hàng đầu Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong những năm qua, vấn đề hướng nghiệp được quan tâm và coi trọng: Khoản 4- Điều 6 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: “Nhà nước có chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển KT-XH”. Hoạt động hướng nghiệp được thực hiện trong cả hành trình học tập và làm việc suốt cuộc đời người lao động. Hướng nghiệp trong các trường dạy nghề là một giai đoạn quan trọng trong hành trình đó.

     Tuy nhiên, hướng nghiệp và quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường dạy nghề hiện nay chưa được coi trọng đúng mức từ nhận thức đến hành động và chưa được đặt đúng vị trí vốn có và cần có, nhất là khi Luật giáo dục nghề nghiệp định hướng đào tạo chuyển nhanh từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động; công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường dạy nghề còn nhiều bất cập, thiếu hiệu quả đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của nhà trường… Chính vì vậy ILO đã đưa ra một bộ công cụ hướng nghiệp nhằm giúp người lao động chọn đúng ngành nghề, phù hợp với năng lực và sở thích, tạo ra hiệu quả cao trong lao động sản xuất kinh doanh.

     Nội dung của hướng nghiệp là giúp học sinh tìm ra con đường khám phá nghề nghiệp. hướng nghiệp được tạo nên từ 4 thành phần liên kết với nhau, còn gọi là 4 bước liên hoàn, gồm: (1) tìm hiểu bản thân: giúp học sinh hiểu đúng về sở thích bản thân, mong muốn của bản thân, động cơ thực hiện, khả năng và năngg khiếu, nhận thức về việc làm và nghề nghiệp; (2) tìm hiểu thế giới nghề nghiệp: người trẻ chọn nghề thường giới hạn ở một số nghề phổ biến, người lao động cần khám phá những nghề mới, những cơ hội mới, mở rộng tầm nhìn khi chọn nghề; (3) xây dựng các phương án chọn nghề: khi bước ra ngoài xã hội, có quá nhiều nghề khiến cho người lao động trẻ choáng ngợp, không biết nên chọn nghề nào cho phù hợp với năng lực cá nhân, vì vậy cần xây dựng các phương án nghề nghiệp, phân tích các ưu điểm nhược điểm của từng loaị nghề để lựa chọn đúng nghề, phát huy tối đa được năng lực của bản thân; (4) chuẩn bị cho nghề nghiệp: đây là bước chuẩn bị cho nghề nghiệp, người lao động xây dựng kế hoạch phát triển nghề trong từng phương án.

     GDHN ở trường dạy nghề giúp cho học sinh học nghề chọn được một nghề cụ thể phù hợp trong một số nghề mà trường đang đào tạo. Do vậy, đặc trưng GDHN ở trường dạy nghề là thích ứng nghề. Vì thích ứng nghề chỉ xuất hiện khi học sinh bắt đầu học nghề, được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, rèn luyện tay nghề trong các trường dạy nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

     GDHN ở trường dạy nghề hướng đến quá trình thích ứng nghề, phạm vi diễn ra ở trường dạy nghề, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng lao động và đối tượng chủ yếu là thanh niên tự do ở các cộng đồng dân cư, thanh niên xuất ngũ và thanh niên nông thôn trong quá trình đô thị hóa, HS phổ thông, HS học nghề; người lao động khi chuyển nghề và đổi nghề.

     Một Bộ Tài liệu Hướng nghiệp Sáng tạo xây dựng riêng cho Việt Nam vừa được giới thiệu bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng tổ chức, nhằm mục đích giúp thanh niên có thể tự đưa ra những lựa chọn phù hợp cho tương lai của chính mình. Bộ Tài liệu Hướng nghiệp Sáng tạo được thiết kế riêng cho Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về hướng nghiệp. Bộ tài liệu này được ILO phối hợp cùng với các chuyên gia giáo dục và đào tạo Việt Nam xây dựng. Với chủ đề “Mô hình giáo dục hướng nghiệp mới cho nhà trường phổ thông Việt Nam”, bộ tài liệu hướng nghiệp giúp cho học sinh và cha mẹ nói lên suy nghĩ cảm nhận về các phương pháp hướng nghiệp và ảnh hưởng đối với kế hoạch tương lai của học sinh. Bộ tài liệu (bao gồm sách bài tập học sinh và sách hướng dẫn giáo viên, bộ sách tra cứu thông tin nghề nghiệp và bộ đồ dùng dạy học) được kỳ vọng giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về lựa chọn nghề nghiệp tương lai, triển vọng việc làm, ưu nhược điểm của bản thân, từ đó đưa ra quyết định với đầy đủ thông tin.

Ảnh 2: Sinh viên Đại học Đông Á tìm hiểu về nghề nghiệp trong tiết học hướng nghiệp.

     Bộ tài liệu ban đầu đã được áp dụng thí điểm với 2.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông và 300 thanh niên ngoài nhà trường tại các tỉnh Phú Thọ, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Hiện nay, tài liệu đang được thí điểm mở rộng cho 12.700 học sinh tại ba tỉnh trên. Mặc dù mới được triển khai thử nghiệm trong thời gian ngắn tại ba tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam, nhưng những kết quả ban đầu thu được từ khi áp dụng tài liệu này có ý nghĩa hết sức to lớn. Các tài liệu dành cho học sinh, giáo viên và các phương tiện dạy học đi kèm bước đầu đã tạo ra được những thay đổi quan trọng trong nhận thức và suy nghĩ của cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.

     Bộ tài liệu hướng nghiệp mới được xây dựng trong Chương trình Việc làm cho Thanh niên Nông thôn của ILO, được thực hiện đã góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên tại Việt Nam. Kết quả sau triển khai ở một số trường cho thấy:

- Hầu hết các học sinh có định hướng tốt trong việc lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn con đường học tập phù hợp với điều kiện bản thân và gia đình.
- Học sinh tự đánh giá được năng lực bản thân trong việc quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
- Các cha mẹ học sinh tham gia nhiều hơn trong việc lựa chọn nghề và con đường học tập của học sinh.
- Các trường trung cấp, cao đẳng khi sử dụng bộ công cụ để hướng nghiệp và tuyển sinh đạt kết quả tuyển sinh tốt hơn.
- Tỷ lệ học sinh, sinh viên nghỉ học sau khi nhập học thấp hơn.
- Các trường kết hợp tư vấn tuyển sinh trước khi vào trường và hướng nghiệp khi đã nhập học.
- Bộ công cụ được sử dụng linh hoạt, có thể thực hiện từng phần hoặc cả chương trình tuỳ theo đối tượng và nhu cầu tuyển sinh của các trường. Bộ công cụ được sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với điều kiện mới và sự xuất hiện cả các ngành nghề mới.
- Các trường thuường xuyên phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương tổ chức ngày hội hướng nghiệp giúp học sinh tìm hiểu rõ hơn về nghề nghiệp, lựa chọn cơ sở đào tạo nghề phù hợp.

     Trên đây là nội dung về vấn đề hướng nghiệp cho học sinh theo bộ công cụ hướng nghiệp của ILO về hướng học, hướng nghề, hướng trường, chọn ngành nghề, bậc học phù hợp với năng lực bản thân, kinh tế gia đình và sở thích cá nhân và một số kết quả đạt được khi thực hiện áp dụng bộ công cụ hướng nghiệp đối với lao động trẻ. Thông qua bộ công cụ hướng nghiệp, học sinh có cơ hội tìm hiểu, đặt câu hỏi thắc mắc từ đó có nhận thức đúng đắn trong việc chọn nghề trong tương lai.

---------------

[1] Tổ chức Lao động quốc tế: https://www.ilo.org/global/publications/WCMS_098255/lang--en/index.htm
[2] Trường Đại học Đông Á:  https://donga.edu.vn/
[3] Trường Đại học Hoa Lư: http://hluv.edu.vn/vi

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây