CHẤT LƯỢNG VIỆC LÀM TRONG KỶ NGUYÊN 4.0: MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH TỪ NHÓM DOANH NGHIỆP FDI

Thứ ba - 12/11/2019 09:22

TS. Nguyễn Hoa Tâm, Trường Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở II) báo cáo tại hội nghị

Theo tác giả Nguyễn Hoa Tâm, Trường Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở II) khi trao đổi về chất lượng việc làm (CLVL) trong kỉ nguyên 4.0 tại Hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí, tổ chức ngày 18/9/2019 tại thành phố Cần Thơ cho thấy:

1. Doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment) là doanh nghiệp (DoN) có vốn đầu tư nước ngoài và sử dụng nguồn vốn này là chủ yếu trong các hoạt động kinh doanh của mình. DoN có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài bao gồm: - DoN 100% vốn nước ngoài; - DoN liên doanh giữa nước ngoài và các đối tác trong nước; - Thông thường, DoN được gọi là doanh nghiệp FDI khi có góp vốn từ nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu; - Hiện nay, loại hình DoN này khá phổ biến ở các nước trên thế giới như một cách để các đơn vị, chủ đầu tư kinh doanh đi theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và làm phong phú hóa các mô hình kinh doanh đã có, tối ưu chi phí và lợi nhuận mang lại, cũng như củng cố vị trí của chính họ trên thị trường.

Tại Việt Nam, thông qua hình thức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã tiếp thu được những công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực viễn thông, khai thác dầu khí, hoá chất, điện tử và một số ngành sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu trong nước. Có thể nói, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cùng các phương thức kinh doanh mới đã tạo ra sự cạnh tranh sôi động ngay tại thị trường trong nước, thúc đẩy từng DoN trong nước phải đổi mới chất lượng sản phẩm và áp dụng phương pháp các kinh doanh hiện đại. Và, bộ phận DoN FDI đã có những đóng góp không nhỏ đối với sự tăng trưởng nền kinh tế Việt nam trong những năm qua.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ ngày càng mạnh mẽ, không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà các quốc gia nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đều quan tâm đến vấn đề việc làm được tạo ra từ dòng vốn đó. Chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Chính phủ Việt Nam đến năm 2030 đã khẳng định chỉ tiếp nhận những dòng vốn FDI kèm theo các cam kết: 1) bảo vệ môi trường; 2) chuyển giao công nghệ cho nước chủ nhà; 3) hướng đến sử dụng nhân lực trình độ cao (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018). Tuy nhiên, khẳng định đó lại cho thấy những điều đang bị bỏ ngỏ ở nhóm DoN FDI có mặt tại Việt Nam hiện nay.

DoN FDI đã có hơn 30 năm đóng góp rất đáng trân quý vào sự phát triển của KT-XH của nước ta. Với thời gian đầu tư tính theo thập kỷ, các DoN FDI hiện hữu đang giải quyết vấn đề việc làm cho hàng triệu lao động trong nước và một số lượng việc làm tương tự trong khu vực phụ trợ. Bên cạnh những đóng góp không thể phủ nhận đó, CLVL trong khu vực DoN FDI vẫn đang đặt ra những câu hỏi lớn cần được trả lời. CLVL trong các DoN FDI hiện nay còn tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng quan ngại cả trên phương diện pháp lý và thực tiễn hoạt động. Có những dấu hiệu cho thấy, các DoN FDI sử dụng chiến lược chi phí thấp đang làm gia tăng mâu thuẫn về lợi ích giữa giới chủ và NLĐ. Hoạt động đại diện và bảo vệ lợi ích của tổ chức công đoàn dường như còn mờ nhạt; hoạt động đấu tranh tự phát của NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn âm ỉ, thỉnh thoảng lại bùng phát dữ dội. Hiện tượng gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những địa phương có mức độ phát triển KT-XH thấp hơn đã phần nào nói lên chiến lược quan hệ lao động khép kín của DoN FDI.

Trong khi đó, cuộc CMCN 4.0 đang tiến đến gần hơn với sự xuất hiện ngày càng rõ rệt của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất và quản lý, vận hành DoN. Tương lai của những cỗ máy “làm không công” đang hiện ra rõ hơn, đe doạ trực tiếp vào cơ hội làm việc của nhóm lao động đơn giản. Theo đó, yêu cầu của công nghệ trong tương lai đang đặt ra những thách thức nhất định đối với trình độ chuyên môn kỹ thuật của NLĐ. Đồng thời, có những vấn đề đặt ra cần giải quyết như: 1) Liệu CLVL của những DoN FDI hiện nay có thể thay đổi để bắt nhịp cùng với quá trình hiện đại hoá của cuộc CMCN 4.0 hay không; 2) Nếu có thể thay đổi được CLVL thì cần chuẩn bị những gì để thực hiện những thay đổi đó; 3) Những thay đổi cần được thực hiện như thế nào để có thể đáp ứng được những yêu cầu đã đặt ra trong chiến lược phát triển của Việt Nam?

Để có thể trả lời được những điều đó, đánh giá thực trạng CLVL trong DoN FDI trước tình cảnh nền công nghiệp chuyển đổi nhanh chóng hiện nay trở nên rất quan trọng. Việc đánh giá không chỉ giúp gia tăng nhận thức mà còn góp phần cho các hoạt động ứng phó của các bên liên quan tốt hơn trước những thay đổi nhanh chóng đó. Hoạt động đánh giá đó đang được đặt trong bối cảnh nhiều yếu tố cần được xem xét cùng lúc như: - Quan điểm chiến lược của chủ đầu tư; - Trình độ và tốc độ thay đổi kỹ thuật công nghệ hiện nay; - Bối cảnh KT-XH mới nổi của nước ta; - Mức độ kỳ vọng của NLĐ về chất lượng việc làm; - DoN FDI đã đáp ứng mức độ kỳ vọng đó của họ được đến đâu? Những điều đó cần được mô tả một cách kỹ lưỡng để vừa phản ánh thực trạng vừa hướng đến tăng CLVL theo khuynh hướng nhiều việc làm hơn với chất lượng ngày một tốt hơn.

2. Chất lượng việc làm

Chất lượng việc làm (the quality of employment) được các nhà nghiên cứu và thực hành về lao động xem xét với tư cách của một khái niệm đa hướng (multidimensional concept) và phức tạp (Burchell. B., at al, 2013). Trong đó, mỗi chiều (dimension) cụ thể cho phép nhận diện hoặc phản ánh một hoặc một vài đặc trưng xung quanh trạng thái của CLVL. Tùy theo mục đích nghiên cứu mà các chiều của khái niệm được phân tách hoặc sát nhập với nhau, nhưng tất cả các chiều đều hướng đến việc nhận biết những điều gì sẽ đem lại công việc tốt hơn cho NLĐ.

Hiện tại có 4 xu hướng tiếp cận CLVL, bao gồm: 1) Tiếp cận từ giác độ của NLĐ; 2) của người sử dụng lao động; 3) người thiết kế chính sách; 4) các đối tác xã hội khác. Mỗi xu hướng thường có 3 cấp độ để tiếp cận, bao gồm: 1) cấp độ DoN; 2) cấp độ ngành; 3) cấp độ quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay một cấp độ nữa được đề xuất, đó là nghiên cứu quốc tế ở cấp độ quốc tế nhằm xây dựng những hình ảnh so sánh mang tính chất toàn cầu hơn. Do có nhiều cách tiếp cận khác nhau như vậy, nên việc lựa chọn cách tiếp cận và các thành phần khái niệm phản ánh CLVL ở cấp độ quốc gia cần nhận được sự đồng thuận nhiều hơn từ các đối tác trong quan hệ lao động và cộng đồng xã hội. Các chiều của khái niệm CLVL cũng cần được địa phương hóa từ góc độ nhận thức của NLĐ ở Việt Nam. Quá trình điều chỉnh này nhằm đảm bảo tính tương thích về dữ liệu lao động giữa Việt Nam và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Do đó, nhiệm vụ cần thực hiện trong việc thiết kế nghiên cứu về CLVL đó là: - Xác định được những chiều (dimensions) phù hợp để phản ánh CLVL; - Xác định được thang mức độ trong nhận thức của cộng đồng lao động về những chiều này. Quá trình phân tích từ 7 chiều phản ánh CLVL được Liên hợp quốc (2015) khuyến nghị  (UNITED NATIONS, 2015), có 5 chiều được đề xuất đưa vào nghiên cứu CLVL tại Việt Nam, bao gồm: 1) Điều kiện lao động và cường độ làm việc; 2) Thu nhập và lợi ích từ công việc; 3) Sức khỏe và an toàn của việc làm; 4) Cân bằng công việc, cuộc sống; 5) Các quyền cơ bản khác của NLĐ.

3. Bộ công cụ đo lường chất lượng việc làm

Từ kết quả khảo cứu tài liệu, các chiều của khái niệm CLVL và các biến quan sát được mô phỏng như sau:

Nội dung đo lường

Biến quan sát đề xuất

1. Điều kiện lao động và cường độ làm việc

An toàn lao động tại nơi làm việc

- Nguy cơ tai nạn từ công việc

- Phòng hộ lao động

- Tập huấn về tình huống bất ngờ

Cường độ làm việc

- Khối lượng công việc trong ngày

- Sự căng thẳng khi làm việc

- Tốc độ thực hiện công việc

2. Thu nhập và lợi ích từ công việc

Thu nhập

- Không phải tiết kiệm trong ăn uống

- Mua đủ đồ dùng trong gia đình

- Sẵn sàng tặng một phần thu nhập cho người thân

Lợi ích phi tài chính

- Công việc phù hợp với đặc điểm bản thân

- Cơ hội phát triển bản thân ở nơi làm việc

- Đồng nghiệp thân thiện

3. Sức khoẻ và an ninh việc làm

Sức khoẻ thể chất

- Lo lắng sau khi khám sức khoẻ định kỳ

- Thời gian tập thể dục

- Mệt mỏi sau quá trình làm việc

Sức khoẻ tâm thần

- Mất ngủ

- Dễ nổi nóng

- Hồi hộp khi quản lý đặt câu hỏi

An ninh việc làm

- Yên tâm về hợp đồng lao động

- Không bị mất việc làm vô cớ

- Các khoản bảo hiểm được thực hiện tốt

4. Cân bằng công việc và cuộc sống

Thời gian làm việc

- Số giờ làm thêm mỗi tuần

- Chấm công chặt chẽ

Kế hoạch sử dụng quỹ thời gian

- Mọi hoạt động đều được sắp xếp từ trước

- Được hỏi khi khi thay đổi thời gian làm việc

Thời gian dành cho cuộc sống

- Không lo lắng về công việc khi đã rời khỏi nơi làm việc

- Có thể sắp xếp công việc để giải quyết việc riêng

5. Các quyền cơ bản khác của NLĐ

Tiếng nói tại nơi làm việc

- Sẵn sàng nói lên quan điểm của mình

- Đồng nghiệp, quản lý tôn trọng ý kiến của mình

Tham gia công đoàn

- Tự tìm hiểu để tham gia công đoàn

- Cảm thấy tự hào vì là thành viên công đoàn

4. Một số hàm ý về chất lượng việc làm trong kỷ nguyên 4.0

Trong kỷ nguyên của công nghệ 4.0, khi xem xét những vấn đề quan trọng từ góc độ định hướng, góc độ chính sách và cả thực tiễn xã hội đối với quan hệ lao động và CLVL trong kỷ nguyên 4.0 nói chung và trong khu vực DoN FDI nói riêng có thể thấy nổi lên những vấn đề như sau:

* Vấn đề công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 đã cận kề và đã có dấu hiệu xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những vấn đề đặt ra cho thấy cần có cuộc đua thực sự giữa tốc độ phát triển công nghệ và tốc độ cải tiến, cập nhật của chất lượng nguồn nhân lực. Đây là vấn đề tất yếu trong kỷ nguyên số.
* Vấn đề về CLVL. Đã chú trọng những chỉ tiêu quan trọng phản ánh bản chất của CLVL, trong đó có những chỉ tiêu tập trung không chỉ vào kiến thức mà còn cả kỹ năng của NLĐ. Đặc biệt là lao động có chuyên môn nghề nghiệp.

Theo số liệu thống kê của 47/63 Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, trình độ chuyên môn của NLĐ trong tháng 10/2019 tính trên tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho thấy:

- NLĐ có trình độ đại học và trên đại học: 19,1% số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- NLĐ có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp: 7,2%;

- NLĐ có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp: 7,6%;

- NLĐ có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp: 3,0%;

- NLĐ thất nghiệp là lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn): 63,0%.

Theo số liệu thống kê của 43/63 Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, loại hình tổ chức, DoN, NLĐ làm việc trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:  Tổ chức, DoN có NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp,  DoN FDI: 36,2%.

* Về quan hệ lao động, việc thống nhất quan điểm về quan hệ lao động và lợi ích thực sự trong mối quan hệ giữa giới chủ và NLĐ. Vấn đề tăng cường chất lượng của tổ chức đại diện cho các chủ thể quan hệ lao động được đặt ra ngày càng rõ ràng hơn. Trong đó, với một hành lang pháp lý tốt hơn và phù hợp hơn, hệ thống quan hệ lao động sẽ có những bước tiến rõ rệt hơn trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0. Quá trình này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển, mang tới nhiều việc làm cho NLĐ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam trong kỷ nguyên số. Vì vậy, để tận dụng cơ hội trong thời đại CMCN 4.0, NLĐ cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp mới để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đáp ứng được yêu cầu về CLVL trong kỉ nguyên 4.0.

------------

[1] Burchell. B., at al. (2013). The quality of employment and decent work: definitions, methodologies, and ongoing debates. Cambridge Journal of Economics, 459-477.
[2] Chử Thị Lân - Quyền Đình Hà (2014). Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng việc làm của người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức ở Hà Nội. Tạp chí Khoa học và Phát triển, 955-963.
[3] Kenta Goto - Yukiko Arai (2017). Cải thiện số lượng và chất lượng việc làm thông qua các phương thức thực hành kinh doanh và lao động có trách nhiệm xã hội trong ngành Điện tử ở Việt Nam. Hà Nội: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
[4] Nguyễn Bá Ngọc (2013). Một số ý tưởng đề xuất khi thực hiện trả lương công chức theo vị trí việc làm. Khoa học lao động và xã hội - số 34/Quý I, 8-19.
[5] Cục Việc làm - Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (2019). Báo cáo về kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cả nước tháng 10/2019.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây