Lao động nữ là nguồn nhân tố quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội. Lao động nữ có vai trò quan trọng trong chăm sóc gia đình, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước và trong lao động sản xuất, đóng góp một phần to lớn công sức và trí tuệ cho nền hoà bình và văn minh nhân loại. Tuy nhiên, do có những đặc điểm riêng biệt về sinh học đặc biệt, lao động nữ phải thực hiện thiên chức sinh đẻ và nuôi con; cơ thể người phụ nữ không có cấu trúc để chịu đựng những tác động lớn, phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố độc hại, nguy hiểm... mà lao động nữ khó khăn hơn so với lao động nam về tìm kiếm việc làm, ổn định việc làm lâu dài và bảo đảm thu nhập. Hơn nữa, cũng do phải thực hiện thiên chức nên lao động nữ cần thiết được bảo vệ khi tham gia quan hệ lao động, tránh những ảnh hưởng có hại từ điều kiện lao động đến chức năng sinh đẻ và nuôi con của họ, tức là ảnh hưởng đến quá trình tái sản xuất mở rộng lực lượng lao động. Vì thế, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia đều có quy định riêng để bảo vệ lao động nữ.
Theo kết quả nghiên cứu về lao động nữ tại Việt Nam do Mạng lưới Hỗ trợ lao động di cư Việt Nam (M.net) công bố đầu năm 2019, lao động nữ chiếm hơn 64% tổng số lao động trong các khu công nghiệp. Các ngành sử dụng lao động phổ thông như dệt may, chế biến thủy sản có tới hơn 70% là lao động nữ... Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, lao động nữ đứng trước nguy cơ mất việc làm do bị máy móc thay thế. Chính vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho nữ giới tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể hóa quyền bình đẳng và tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nữ. Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: (1) Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; (2) Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; (3) Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới [1].
Nhà nước bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ, nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ bình đẳng với lao động nam trong các hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, tìm việc làm và được bảo đảm việc làm trong quá trình tham gia quan hệ lao động. Đồng thời, Nhà nước có các biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Ngoài ra, Nhà nước rất chú trọng đến các quyền lợi riêng của lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động. Theo đó, lao động nữ không chỉ được bảo đảm việc làm ổn định, thường xuyên, lâu dài, mà còn được bảo đảm các điều kiện lao động an toàn, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ nghề nghiệp và nhất là được bảo đảm thu nhập, phúc lợi.
Các chính sách nhằm giúp lao động nữ phát huy được khả năng, trình độ của mình vừa cống hiến cho xã hội vừa thực hiện tốt thiên chức trong gia đình, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội bao gồm:
Thứ nhất, Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa XI, trong đó dành riêng Điều 13 quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động [2];
Thứ hai, Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội khóa XIII, trong đó dành riêng một Chương X. Những quy định riêng đối với lao động nữ, quy định các chính sách của Nhà nước, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với LĐN, bảo vệ thai sản, bảo vệ việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản và những công việc không được sử dụng lao động nữ [3];
Thứ ba, Luật việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 của Quốc hội khóa XII, trong đó cũng quy định về nguyên tắc bình đẳng về cơ hội việc làm và thu nhập (khoản 2 Điều 4), hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số (khoản 6 Điều 5) [4];
Thứ tư, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ, quy định về đại diện của lao động nữ; quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; tô chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ [5];
Thứ năm, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có các quy định liên quan hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ như hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, chính sách việc làm công, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo họp đồng [6];
Thứ sáu, Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, quy định các mục tiêu và giải pháp nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tê, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động [7].
Thứ bảy, Nghị định số 61/2015/NĐ- CP [6], Thông tư số 45/2015/TT-BLDTBXH [8], Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH) [9] về cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm; Quỹ quốc gia về việc làm còn dành riêng một kênh quản lý nguồn vốn cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với tổng số vốn 68,84 tỷ đồng để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho các hội viên.
Ngoài những chính sách trên, Nhà nước luôn khuyến khích và hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ như: khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc và thực hiện các chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật; hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lóp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi; nhà ở cho lao động nữ.
Nhìn chung, Nhà nước có chính sách hợp lý để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền làm việc của lao động nữ và hỗ trợ lao động nữ tập trung thời gian cho công việc, tăng cường sự tham gia của lao động nữ trong phát triên kinh tế - xã hội. Trên đây là những chính sách hết sức thiết thực đối với lao động nữ, có ý nghĩa giúp lao động nữ thực hiện tốt hơn những công việc được giao, từ đó nâng cao thu nhập. Đồng thời những chính sách này còn có ý nghĩa đảm bảo tâm lý của lao động nữ, lao động nữ tiếp tục có cơ hội thực hiện việc làm, ổn định thu nhập và phát triển bản thân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
------------------
[1] Quốc hội (2013). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
[2] Quốc hội (2006). Luật số 73/2006/QH11 của Quốc hội, Luật Bình đẳng giới.
[3] Quốc hội (2012). Luật số: 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012. Bộ luật Lao động
[4] Quốc hội (2013). Luật số: 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013, Luật Việc làm
[5] Chính phủ (2015). Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ
[6] Chính phủ (2015). Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.
[7] Thủ tướng Chính phủ (2010). Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020;
[8] Bộ Lao động - Thương binh Và Xã hội (2015) Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 11 tháng 11 năm 2015, Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều về quỹ quốc gia về việc làm quy định tại nghị đị số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm
[9] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017). Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 21 tháng 8 năm 2017, thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về quỹ Quốc gia về việc làm quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn