CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG DI CƯ

Thứ năm - 02/05/2019 22:35

     Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, lao động di cư từ nông thôn lên thành thị hay lao động di cư tập trung tại các khu công nghiệp là xu thế tất yếu. Di cư là một vấn đề kinh tế - xã hội, nó gắn liền với việc làm, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, cơ cấu dân số, môi trường, phát triển kinh tế…
     Lao động có thể di cư từ vùng này đến vùng khác trong phạm vi biên giới của một quốc gia hay di cư từ quốc gia này đến quốc gia khác trong một thời gian nhất định với mục đích cụ thể, mà chủ yếu là lao động, làm việc. Di cư vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của quá trình phát triển. Di cư đã và đang trở thành sự lựa chọn của người dân nhằm cải thiện kế sinh nhai và tạo cơ hội làm ăn cho mình và nó trở thành một cấu thành không thể thiếu được của quá trình phát triển đặc trưng cho mối quan hệ qua lại giữa vùng miền và lãnh thổ.
     Di cư là yếu tố quan trọng, là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phân bổ lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Chính phủ các nước. Kinh tế phát triển, quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế diễn ra nhanh chóng cùng với chính sách mở cửa, hội nhập dẫn đến việc di cư nội địa và di cư quốc tế tăng lên.
     
Lao động di cư cần được đảm bảo các quyền sau: quyền về an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội); quyền về tự do việc làm, lao động; quyền đảm bảo về sinh kế và thu nhập; quyền về nơi cư trú, nhà ở, tự do đi lại; quyền học tập; quyền tự do kinh doanh; quyền tiếp cận thông tin và thụ hưởng các giá trị văn hóa…

     Lao động di cư hiện nay chiếm tỉ lệ khoảng 70% lực lượng lao động tại các thành phố, các khu công nghiệp lớn. Lao động di cư thường là những người lao động nghèo, trình độ thấp, chủ yếu xuất thân từ nông thôn nên trình độ tay nghề thấp, thậm chí chưa qua đào tạo nghề, tác phong công nghiệp và kiến thức pháp luật hạn chế, công việc không ổn định, lâu bền. Khi di cư lên thành phố hoặc các khu công nghiệp làm việc, họ phải thuê nhà trọ và phải trả chi phí điện, nước cao gấp 2-3 lần người dân thành phố, con cái phải để lại quê hoặc đi theo bố mẹ mà không được vào học trường công, chịu rất nhiều thiệt thòi. Kết quả của điều tra cho thấy diện tích ở trung bình của lao động di cư nhỏ hơn so với người không di cư. Hơn 40% số người di cư ở diện tích bình quân đầu người thấp hơn 10m2 trong khi đó tỷ lệ này ở người không di cư là 16%.
     Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động di cư như: dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục đào tạo; dịch vụ thông tin-thể thao-khoa học; dịch vụ việc làm; dịch vụ cộng đồng và trợ giúp xã hội… nhìn chung không có sự ngăn cấm nhưng đâu đó vẫn tồn tại những rào cản, trong đó đặc biệt là dịch vụ việc làm vì đây là mối quan tâm hàng đầu của người lao động di cư. Đặc biệt, lao động di cư chủ yếu là những người trẻ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, không đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, nên chính sách tạo việc làm cho nhóm lao động di cư này cần được đặc biệt quan tâm.

5

Ảnh 1: Người lao động di cư về làm việc tại các khu công nghiệp lớn

     Vì vậy, lao động di cư phải được hoạch định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, địa phương, khu vực và cả nước. Nhà nước cần ban hành các chính sách và quy định pháp luật liên quan đến lao động di cư. Cụ thể như:
     Một là, tư vấn, giới thiệu việc làm: Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương.
     Hai là, cho lao động di cư vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm. (Mục 1 Chương II Luật Việc làm [1], Nghị định số 61/2015/NĐ-CP [2], Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH [3], Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH [4]): Người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cư trú hợp pháp tại địa phương có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động thì được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Mức vay tối da 50 triệu đồng/người lao động.
     Ba là, khuyến khích và hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi; nhà ở cho công nhân... ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, triển khai việc tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo tại nơi có nhiều lao động nữ... (Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 quy định chi tiết một sô điều của Bộ luật Lao động vê chính sách đối với lao động nữ [5]).
     Bốn là, thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ người lao động di cư. Hoạt động “Hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên” thuộc Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ [6]).
     Năm là, khảo sát tình hình lao động di cư tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm có đông lao động di cư đến và các địa phương có đông lao dộng di cư đi; Khảo sát tình hình lao động di cư tại các tỉnh giáp biên giới để có các chính sách phù hợp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động di cư.

Sáu là, các trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện hỗ trợ lao động di cư về các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin lao động, việc làm; tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng tìm việc, làm việc.
     Ngoài ra, Nhà nước cũng cần lưu ý hoàn thiện và thực hiện các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ những người cao tuổi, trẻ em ở quê nhà (nơi đi). Bên cạnh những lợi ích mà di cư đem lại đối với điểm đi, những người thân ở lại như cha mẹ già, con nhỏ cũng là một mối quan tâm lớn phía sau làn sóng di cư. Những vấn đề này bao gồm sự thiếu hụt lao động dẫn đến người già và trẻ em phải làm việc trong khoảng thời gian cao điểm đi kèm đó là sự thiếu sự quản lý của cha mẹ về học hành của con cái. Vì vậy, cần hoàn thiện và thực hiện các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ những người già và trẻ em ở quê nhà để đảm bảo để di cư đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của ở đầu đi và đầu đến.

6

Ảnh 2: Lao động của Việt Nam di cư ra nước ngoài làm việc

     Di cư trong những năm qua đã và đang trở thành sự lựa chọn của người dân nhằm cải thiện kế sinh nhai và tạo cơ hội làm ăn cho mình. Lao động di cư trở thành một cấu thành không thể thiếu được của quá trình phát triển qua lại giữa vùng miền và lãnh thổ. Di cư giúp phát triển kinh tế bởi di cư sẽ giúp phân bổ lại nguồn lực lao động từ những nơi thừa lao động sang những nơi cần lao động.
     
Lao động di cư luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, họ là những người lao động và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội chung. Nhà nước cần ban hành chính sách giúp lao động di cư tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội… đây cũng là những quyền cơ bản của công dân mà người di cư hoàn toàn có quyền được hưởng.
------------

[1] Quốc hội (2013). Luật số 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013. Luật Việc làm.
[2] Chính phủ (2015). Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09 tháng 07 năm 2015. Nghị định quy định  về  chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.
[3] Bộ Lao động - Thương binh Và Xã hội (2015) Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 11 tháng 11 năm 2015, Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều  về quỹ quốc gia  về việc làm quy định tại nghị đị số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.
[4] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017). Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH,  ngày 21 tháng 8 năm 2017, thông tư sửa đổi bổ  sung một số điều của thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về quỹ Quốc gia về việc làm  quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính  sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về  việc làm.
[5] Chính phủ (2015). Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 quy định chi tiết một sô điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ.
[6] Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020.

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây