Ảnh 1: Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019
Năm 2018, Cục Việc làm đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao về lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể Cục việc làm đã xây dựng hoàn thành 10 văn bản pháp luật cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ và đang tiếp tục hoàn thiện 6 văn bản đang dự thảo; Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 58,6%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,2%, giảm 0,02% so với năm 2017; thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động; tiến hành điều tra khảo sát đơn vị sử dụng lao động và người lao động; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 12,24 triệu người tham gia; tổ chức công tác xúc tiến, quản lý thị trường lao động...
Với những kết quả đáng ghi nhận năm 2018, Cục Việc làm tiếp tục phát huy những mặt mạnh, triển khai nhiệm vụ được giao trong năm 2019 như sau:
- Thực hiện hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động thông qua dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm;
- Duy trì tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới mức 4%;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24-25%;
- Tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng trên 2 triệu lượt người, nâng tỉ lệ lao động có việc làm trên 33,5%;
- Cung cấp thông tin thị trường lao động, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Cục Việc làm đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ để xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai các hoạt động về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động nước ngoài, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Thứ nhất, tham gia xây dựng văn bản pháp luật như Luật việc làm, Luật lao động, góp ý cho các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn, soạn dự thảo luật về các lĩnh vực như; việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội; tư vấn, đóng góp ý kiến về quản lý nhà nước và thủ tục hành chính liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Thứ hai, triển khai các hoạt động về chính sách việc làm, phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, triển khai các hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề; đầu tư đồng bộ khoảng 100 nghề trọng điểm, bảo đảm đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp ở các cấp độ; hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 8.800 lao động để đưa khoảng 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tư vấn chính sách việc làm và học nghề trong đó 45% đến 50% số người lao động đến các Trung tâm dịch vụ việc làm được giới thiệu việc làm và 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công; giảm trung bình hằng năm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (khai khoáng, xây dựng, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất và một số ngành, nghề khác); hỗ trợ thí điểm cho 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động (OHSAS 18001, SA 8000,...) và xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tập trung phát triển hệ thống phân tích thông tin, dự báo thị trường lao động; nâng cao năng lực hệ thống dịch vụ việc làm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý hoạt động dịch vụ việc làm...
Hiện nay, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện vẫn chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước; công tác quản lý và nắm thông tin tin lao động về số lượng, cơ cấu, chất lượng, độ tuổi, giới tính… chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác; hoạt động phân tích và dự báo thị trường lao động còn yếu kém, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định các chính sách phát triển thị trường lao động nói chung, chính sách phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm nói riêng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập, trong đó việc hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động là một nhiệm vụ quan trọng, bao gồm các nội dung; đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo... giúp người lao động lựa chọn và quyết định tiếp cận việc làm phù hợp.
Thứ tư, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm và các hoạt động chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm; tổ chức thông tin các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đến người dân.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách an sinh xã hội rất quan trọng, đóng góp rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi và ổn định cuộc sống của người lao động trong thời gian chưa tìm được việc làm mới. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm mục đích giúp người lao động có được sự ổn định trong cuộc sống để quay trở lại thị trường lao động sớm nhất. Mặt khác, vai trò của bảo hiểm thất nghiệp còn là nhằm ổn định tình hình xã hội, hạn chế các hành vi tiêu cực xảy ra từ việc thất nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của cá nhân, địa phương cũng như sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy Bộ lao động Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện các hoạt động về chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc năm với mục tiêu đặt ra: nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho người lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân đầu người; giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp; giảm nghèo bền vững, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.
Thứ năm, thực hiện quản lý lao động trong nước và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Ảnh 2: Phó Cục trưởng Cục Việc làm Lê Quang Trung trình bày báo cáo tại Hội nghị
Với những nhiệm vụ cụ thể này, Cục Việc làm đưa ra các giải pháp triển khai hoạt động năm 2019 như sau:
1) Xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức, viên chức, người lao động để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; nâng cao tính chủ động, sáng tạo và tham mưu của công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện các nhiệm vụ;
2) Tăng cường tổ chức sinh hoạt thường xuyên các chuyên đề, nghiên cứu khoa học. Đồng thời chủ động nghiên cứu các vấn đề phát sinh tác động đến vấn đề việc làm;
3) Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo ra một thị trường lao động toàn cầu, đảm bảo chất lượng nguồn lao động cho các tổ chức có nhu cầu sử dụng lao động; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao;
4) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, các Bộ ban ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao;
5) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Cục Việc làm.
Trên đây là mục tiêu, nhiệm vụ của Cục Việc làm được giao và kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2019. Cục Việc làm đã chủ động xây dựng các kế hoạch chi tiết về việc làm, thị trường lao động, bảo hiếm thất nghiệp, quản lý lao động nước ngoài nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho.
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn