ĐỀ ÁN ‘‘NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP”

Thứ sáu - 20/09/2019 14:33

     Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động,... là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, nhưng quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm cho người lao động.

1

Ảnh : Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực việc làm

     Tổng kết lại 10 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, với 10 thành tựu nổi bật như sau: chính sách bảo hiểm thất nghiệp liên tục được khẳng định trong văn bản Luật và được hướng dẫn đầy đủ, kịp thời; tính đến hết năm 2018, cả nước có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 25,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt so với dự kiến; hỗ trợ cho gần 5 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí [1]. Kết quả này minh chứng bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành điểm tựa của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề chưa đạt được kết quả như mong muốn, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả... Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các hạn chế đó, nhưng một nguyên nhân quan trọng chính là năng lực hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN.

     Chính vì vậy, ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội [2], trong đó nêu lên 11 nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó bảo hiểm thất nghiệp được cải cách một cách toàn diện, triệt để. Ngày 08/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW [3], trong đó, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”. Đề án được xây dựng trên cơ sở rà soát, tổng kết, đánh giá 10 năm tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức các buổi làm việc với một số địa phương cùng với nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là các quốc gia thực hiện thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp/bảo hiểm việc làm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đức,... Dự thảo đề án đã nhận được ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan; các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia trong và ngoài nước, thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo và đóng góp ý kiến trực tiếp và bằng văn bản. Ngày 30/7/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” với các nội dung chủ yếu như sau:

     1. Quan điểm của Đề án

     - Hoàn thiện quản lý bảo hiểm thất nghiệp phải đặt trong chương trình tổng thể cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lao động, tiền lương, thu nhập mà nền tảng là các chính sách kinh tế của nhà nước.

     - Tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả hiệu lực, hiện đại, nâng cao niềm tin, hấp dẫn và phục vụ đối tượng tham gia, hưởng thụ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn.

     - Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các hội đoàn thể, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động.

     - Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, tiếp tục hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

     - Chi phí tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp lấy từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, không lấy từ ngân sách nhà nước.

     - Có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm biến đổi cấu trúc của thị trường lao động.

     2. Mục tiêu đề án

     2.1. Mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.

     2.2. Mục tiêu cụ thể

     - Giai đoạn đến năm 2021: 100% nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp giữa cơ quan lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội;  toàn bộ chi phí thực hiện bảo hiểm thất nghiệp lấy từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực và hiệu quả của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

     - Giai đoạn đến năm 2025: 100% trung tâm dịch vụ việc làm đạt tiêu chuẩn và được hiện đại hóa; thực hiện tiêu chí đánh giá năng lực và hiệu quả của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; hoàn tất việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt mức 85%.

     - Giai đoạn đến năm 2030: chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt mức 90%.

     3. Nhiệm vụ và giải pháp

      Đề án đã đưa ra 12 nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo hiểm thất nghiệp như sau: nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; nhóm giải pháp nâng cao năng lực nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính và nguồn tài chính; nhóm giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; các nhóm giải pháp khác về cơ sở vật chất, công tác quản trị thị trường lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường công tác hỗ trợ học nghề, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, phối hợp thực hiện và hợp tác quốc tế.

     Trong đó, nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức thực hiện, chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở tổ chức đánh giá, phân loại chất lượng nhân sự; xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cải cách chế độ, chính sách sử dụng, thu hút, đãi ngộ, khen thưởng gắn với hiệu quả công việc,... Nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính và nguồn tài chính theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW: “Toàn bộ chi phí tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Các hoạt động khác của trung tâm dịch vụ việc làm do Ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn hợp pháp khác” [2]. Ngoài ra, việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được chú trọng. Đồng thời, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu trong công tác tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

     Đề án đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất về bảo hiểm thất nghiệp đối với Quốc hội, Chính phủ trong đó nhấn mạnh về việc hoàn thiện chính sách việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp để bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm: xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp thành chính sách bảo hiểm việc làm và điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp./.

 

-------------------

[1] Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Cục Việc làm (2019). Mười năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
[2] Ban Chấp hành Trung ương (2018). Nghị quyết số 28-NQ/TW  ngày 23 tháng 5 năm 2018 Nghị quyết hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách  chính sách bảo hiểm xã hội.
[3] Chính phủ  (2018). Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018  về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây