Nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động và các nhóm lao động đặc thù, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chính sách như sau:
- Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, quy định các mục tiêu và giải pháp nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, đồng thời tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động [1];
- Quyết định số 2474/QĐ- TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 [2];
- Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định vê chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm [3];
- Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ [4].
Bên cạnh đó, Nhà nước còn ban hành chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách phát triển dịch vụ việc làm và thị trường lao động đều hướng tới việc hỗ trợ học nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ và lao động thanh niên [5]… Ngoài ra, trong Luật Việc làm [6]; Luật bình đẳng giới [7]; Bộ luật lao động; Luật thanh niên… đều quan tâm đến bình đẳng giới và các nhóm lao động đặc thù.
Với sự quan tâm sâu sát của Nhà nước và sự tham gia vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và và nhân dân, tình hình lao động việc làm giai đoạn vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể như sau:
Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016 của Tổng cục Thống kê [8], lực lượng lao động cả nước là 54,445 triệu người, trong đó lao động nữ là 26,372 triệu người (chiếm 48,4% lực lượng lao động); 68,1% lao động nữ tập trung ở khu vực nông thôn; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ khoảng 72,5%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam là 82,4%.
Lực lượng lao động thanh niên (15-29 tuổi) khoảng 14,4 triệu người (chiếm 26,3%), thanh niên nông thôn khoảng 9,9 triệu người.
Chất lượng lao động từng bước được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về đào tạo chuyên môn, kỹ thuật: chỉ có 20,9% lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó 12,0% lao động đã qua đào tạo có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tỷ lệ này ở lao động nữ tương ứng là 18,4% và 12,6%; ở lao dộng thanh niên tương ứng là 28,1% và 11,7%.
Số liệu tính đến đầu năm 2019, cả nước có 53,3 triệu lao động có việc làm, trong đó, có 25,86 triệu lao động nữ có việc làm (chiếm 48,5%), 13,5 triệu thanh niên có việc làm (chiếm 2/3 thanh niên Việt Nam). Tuy nhiên, chất lượng việc làm còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao. Cụ thể:
- Lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao như dịch vụ, dệt may, da giày,... (chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các ngành này); 62,3% lao động nữ làm việc trong gia đình và tự làm (tỷ lệ này của cả nước là 56,0%); 40,8% lao động nữ làm những công việc giản đơn (tỷ lệ này của cả nước là 38,0%); 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (tỷ lệ này của cả nước là 41,9%). Lương bình quân tháng của lao động nữ làm công hưởng lương khoảng 4,74 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,30 triệu đồng.
- Thanh niên làm công hưởng lương chiếm 58,6%, nhưng gần 1/2 trong số đó không có hợp đồng bằng văn bản; 41,4% thanh niên làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương, riêng tại khu vực nông thôn tỷ lệ này khá cao (50,8%). Xét theo cơ cấu việc làm, có 35,5% thanh niên làm việc trong ngành nông nghiệp; 33,6% thanh niên làm việc trong ngành công nghiệp và xây dựng; 30,9% thanh niên làm việc trong ngành dịch vụ (cơ cấu chung của cả nước là 41,54%, 25,05% và 33,41%). Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, có đến 47,2% thanh niên vẫn làm việc trong ngành nông nghiệp với năng suất, chất lượng thấp.
Tình trạng thất nghiệp của thanh niên tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, chiếm 70,1%, trong đó số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15-24 tuổi chiếm 55,3%. Mức độ thất nghiệp của thanh niên có xu hướng tăng dần theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có trình độ cao đẳng khoảng 18,1%, đại học trở lên là 23%, trong khi tỷ lệ này của nhóm thanh niên có trình độ sơ cấp và trung cấp thấp hơn (lần lượt 5,3% và 11,8%).
Ảnh 1: Hội thảo thực tiễn và chính sách về việc làm bền vững cho phụ nữ nhập cư
Với những chính sách đã ban hành và đi vào cuộc sống người lao động, lĩnh vực lao động việc làm đã có những kết quả đáng ghi nhận như: ban hành và tổ chức thực hiện chính sách về việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, cho lao động nữ, lao động thanh niên nói riêng, đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy việc làm, thị trường lao động, góp phần tạo thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội; chất lượng lao động, năng suất lao động được nâng cao. Cơ cấu lao động theo các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực từ nông, lâm, thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; cơ bản giải quyết được việc làm cho người lao động, góp phần cân đối cung - cầu lao động… Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện triển khai, các chính sách vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau: hệ thống chính sách việc làm còn thiếu các chính sách riêng nhằm đây mạnh tạo việc làm cho lao động nữ, lao động thanh niên, các nguồn lực hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp còn hạn chế; chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định, bền vững trong việc làm và hiệu quả tạo việc làm còn thấp, đặc biệt đối với lao động nữ; lao động nữ nông thôn; các dự án cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, mức cho vay thấp, lãi suất chưa linh hoạt, nhu cầu vay vốn lớn nhung nguồn vốn chỉ đáp ứng được 30-35% nhu cầu vay vốn của lao động; dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn yếu; thông tin về việc làm, nghề nghiệp chưa được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời...
Để đạt được mục tiêu hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động và các nhóm lao động đặc thù, lãnh đạo các ngành chức năng cần quan tâm chỉ đạo một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là, đẩy mạnh thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển hài hoà, bền vững các vùng để tận dụng lợi thế cậnh tranh của đất nước, thu hút và giải quyết việc làm cho lao động, trong đó có lao động nữ;
Hai là, hoàn thiện thế chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập; xây dựng các chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nữ, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ...
Ba là, tăng cường lồng ghép nội dung bình đẳng giới, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nữ, nhất là ở khu vực nông thôn thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn, vệ sinh lao động;
Bốn là, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương để có những chính sách phù hợp nhằm thu hút nguồn lao động có trình độ chuyên môn về công tác ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế, xã hội ở tất cả các khu vực trên phạm vi cả nước.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn lớn tuổi;
Sáu là, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, chú trọng đẩy mạnh dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin vê cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo... giúp thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, lập nghiệp, tham gia thị trường lao động;
Bảy là, nâng cao năng lực của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trong đó có lao động nữ, lao động thanh niên và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm với các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường cao đẳng, đại học nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò kết nối cung - cầu lao động; chú trọng phát triển các kỹ năng “mềm”, kỹ năng làm việc cho sinh viên ; tổ chức thường xuyên phiên giao dịch việc làm lưu động đến các vùng nông thôn, tăng cơ hội tiếp cận thông tin việc làm phù hợp với trình độ và khả năng cho lao động nữ;
Tám là, ưu tiên cho vay vốn giải quyết việc làm đối với các dự án tạo nhiều việc làm cho lao động thanh niên, lao động nữ nông thôn từ Quỹ quốc gia về việc làm;
Chín là, tăng cường thông tin, tuyên truyên vê các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách về lao động - việc làm.
Trên đây là một số giải pháp cơ bản để triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước một cách hiệu quả nhất, nhằm mục tiêu hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động và các nhóm lao động đặc thù như lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ ở nông thôn; lao động là thanh niên; lao động đi làm việc tại nước ngoài… Hy vọng với sự quyết tâm cao, Nhà nước và toàn dân sẽ thực hiện thành công mục tiêu đặt ra: ổn định tình hình kinh tế, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng xã hội tạo tiền đề quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo người dân có việc làm ổn định với mức thu nhập cao./.
----------------------
[1] Thủ tướng Chính phủ (2010). Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020;
[2] Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược; phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
[3] Chính phủ (2015). Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;
[4] Chính phủ (2015). Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ.
[5] Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
[6] Quốc hội (2013). Luật số: 38/2013/QH13, ngày 16 tháng 11 năm 2013, Luật Việc làm;
[7] Quốc hội (2006). Luật số 73/2006/QH11 của Quốc hội, Luật Bình đẳng giới.
[8] Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016 của Tổng cục Thống kê;
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn