1. Mở đầu
Theo Bộ Luật Lao động, việc làm là những hoạt động có ích không bị pháp luật ngăn cấm và đem lại thu nhập cho người lao động. Việc làm là nhu cầu, quyền lợi nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người lao động [1].
Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm là nhu cầu cơ bản của người lao động để có thể đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện [2]. Chính sách chăm lo, tạo việc làm cho người lao động là vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Việc làm có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là vấn đề không thể thiếu đối với người lao động. Hiện nay, việc làm đang là vấn đề nan giải, áp lực về việc làm đang ngày càng gia tăng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các nước trên thế giới. Giải quyết việc làm là mục tiêu quan trọng đối tượng chính là người lao động, một lực lượng chiếm tỷ lệ rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Như vậy, việc làm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tạo việc làm càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa cho sự phát triển đất nước vì: - Tạo điều kiện để người lao động tăng thu nhập, nâng cao đời sống đồng thời giảm các tệ nạn xã hội, làm cho xã hội ngày càng phát triển; - Tạo cơ hội cho người lao động thực hiện quyền được làm việc nhằm nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần xây dựng đất nước.
Do vậy, hoạt động truyền thông trên Tạp chí Giáo dục thông qua các bài báo khoa học, các bài viết đăng tải trên bản giấy hay trên trang website theo định hướng của Cục Việc làm [3], các trung tâm dịch vụ việc làm [4] có ý nghĩa thiết thực, góp phần tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về lao động, việc làm cho người lao động trên cả nước.
2. Nội dung
2.1. Khái niệm về báo chí và truyền thông
Theo Nguyễn Như Ý (chủ biên, 1999), Báo chí là “Các loại báo và tạp chí nói chung” [5; tr 112].
Theo Luật Báo chí, Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí; cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí; cải chính thông tin trên báo chí; xuất bản, in, phát hành báo in; truyền dẫn báo điện tử và truyền dẫn, phát sóng báo nói, báo hình [6].
Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn như: - Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; - Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; - Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; - Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; - Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; - Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.
Có thể hiểu, truyền thông là hoạt động truyền đạt thông tin thông qua trao đổi ý tưởng, cảm xúc, ý định, thái độ, mong đợi, nhận thức hoặc các lệnh, như ngôn ngữ, cử chỉ phi ngôn ngữ, chữ viết, hành vi và có thể bằng các phương tiện khác. Đó là sự trao đổi có ý nghĩa của thông tin giữa 2 hoặc nhiều thành viên. Các phương thức truyền tin là những sự tác động lẫn nhau qua một trung gian giữa ít nhất hai tác nhân cùng chia sẻ một ký hiệu tin tức hoặc một quy tắc mang một ý nghĩa nào đó. Trong báo chí, tin tức là các thông tin mới về những gì đã, đang hoặc sẽ diễn ra trong xã hội. Tin tức có thể có tác động đến nhiều người. Một bản tin trên báo chí phải đảm bảo hội tụ đầy đủ các yếu tố về thời gian, nội dung, địa điểm, đối tượng, lí do, quá trình diễn biến.
2.2. Vai trò của truyền thông
Mỗi loại hình báo chí sẽ đảm nhiệm những vai trò nhất định, tuy nhiên loại hình báo chí nào cũng mang những vai trò, chức năng chung là chuyển tải thông tin đến công chúng, đều có tính công khai, tính thời sự, tính tương tác, tính đa dạng, tính định kỳ… Tuỳ đặc điểm riêng của từng thể loại mà sẽ ưu tiên các tính năng để phát huy tốt được vai trò của thể loại báo đó.
Vai trò và vị thế của báo chí, cùng với các phương tiện truyền thông đại chúng, đã có những thay đổi sâu sắc với sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số và phổ biến thông tin trên Internet - là một hệ thống thông tin toàn cầu. Điều này đã tạo ra một sự thay đổi trong việc xem báo giấy, vì độc giả hàng ngày đọc tin tức thông qua điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác
2.3. Phương tiện truyền thông
Các phương tiện truyền thông hay các phương tiện thông tin là các phương tiện được sử dụng để truyền đạt thông tin một cách đại chúng, rộng rãi, tức là có khả năng đưa thông tin tới đại chúng một cách nhanh, thuận tiện và chính xác. Một số các phương tiện truyền thông phổ biến hiện nay như: - Internet là phương tiện truyền thông có số lượng sử dụng nhiều nhất; - Truyền hình là phương tiện truyền thông phổ biến tiếp theo, sự có mặt của truyền hình là một thay đổi lớn của nhân loại trong thế kỷ XX và nó vẫn là một công cụ quan trọng hiện nay; - Báo chí là một phương tiện cũng phổ biến và có mặt từ rất lâu, đây cũng là phương tiện truyền thông được các doanh nghiệp ưa dùng vì tính tin dùng của nó; - Ngoài ra còn có sách, phát thanh, quảng cáo, băng đĩa…
2.4. Các loại hình báo chí
Theo Luật Báo chí [6] đã giải thích rõ các loại hình:
Báo in là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in để phát hành đến bạn đọc, gồm báo in, tạp chí in.
Báo nói là loại hình báo chí sử dụng tiếng nói, âm thanh, được truyền dẫn, phát sóng trên các hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ khác nhau.
Báo hình là loại hình báo chí sử dụng hình ảnh là chủ yếu, kết hợp tiếng nói, âm thanh, chữ viết, được truyền dẫn, phát sóng trên các hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ khác nhau.
Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.
Mỗi loại hình có tính năng đặc thù riêng, chúng phối kết hợp với nhau 1 cách biện chứng để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
2.5. Truyền thông trên Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Giáo dục là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, phục vụ chức năng quản lí nhà nước của Bộ với nhiệm vụ: Nghiên cứu lí luận, khoa học giáo dục, thông tin về kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước; Nghiên cứu hướng dẫn chỉ đạo việc quán triệt quan điểm đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học kĩ thuật, cán bộ quản lí góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, khoa học giáo dục và cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lí cho các ngành học, cấp học [7].
Tạp chí Giáo dục được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động báo chí in số 294/GP-BTTTT, xác định rõ Tạp chí Giáo dục hoạt động theo tôn chỉ mục đích: Nghiên cứu hướng dẫn chỉ đạo việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp giáo dục; Thông tin giới thiệu công bố các công trình, kết quả nghiên cứu lí luận, khoa học giáo dục và các mô hình giáo dục tiên tiến ở trong nước và nước ngoài. Đối tượng phục vụ là cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và bạn đọc quan tâm trong toàn quốc [8].
Cùng với bản giấy, Tạp chí Giáo dục đã xây dựng trang thông tin điện tử, ngày 30/06/2016 được Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin Truyền thông cấp Giấy phép số 72/GP-TTĐT, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng [9]. Giấy phép quy định rõ: Thông tin đúng nội dung của Tạp chí Giáo dục bản in; tổng hợp thông tin liên quan đến lĩnh vực khoa học giáo dục trên cơ sở dẫn lại từ nguồn thông tin chính thức của các cơ quan báo chí trong nước hoặc các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, phù hợp với tôn chỉ, mục đích được quy định tại Giấy phép hoạt động báo chí in số 294/GP-BTTTT ngày 17/05/2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; phù hợp với quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng [10]; Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lí, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội [11]; các quy định của pháp luật về bản quyền và các quyết định có liên quan.
Đồng thời, Tạp chí Giáo dục được Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kì: 1) Phiên bản tiếng Việt: Tạp chí Giáo dục ISSN 2354-0753 từ ngày 09/7/2014 số 19/TTKHCN-ISSN [12]; 2) Phiên bản tiếng Anh: VIETNAM JOURNAL OF EDUCATION ISSN 2588-1477 từ ngày 08/12/2017 [13].
Các bài báo đăng tải trên tạp chí có cấu trúc theo chuẩn quốc tế: từ tiêu đề, tên tác giả, địa chỉ công tác, email, ngày nhận bài, chỉnh sửa và duyệt đăng; tóm tắt và từ khóa; nội dung nghiên cứu chia thành các mục chính: mở đầu, nội dung nghiên cứu: lược sử, phương pháp; kết luận, tài liệu tham khảo. Mỗi bài báo được phản biện 2 vòng độc lập, phản biện là nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, trong nước hay nước ngoài nhận xét, góp ý cho bài viết đảm bảo tính khoa học chính xác. Sau khi đăng tải, các bài báo được số hóa công khai, đây là nguồn tài nguyên tư liệu mở phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước và quốc tế.
2.5.1. Tạp chí Giáo dục bản in
Trên Tạp chí Giáo dục bản in, có rất nhiều bài viết khoa học, truyền thông về giáo dục, về đào tạo nghề, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, thị trường lao động được đăng tải, có sức lan tỏa rộng trong các cơ sở giáo dục của cả nước và quốc tế. Đối với bài nghiên cứu trên Tạp chí Giáo dục, tài liệu tham khảo, trích dẫn là các luật, nghị định, quyết định, luận án, bài báo đăng trên tạp chí được kết nối với đường link dẫn đến tài liệu gốc, các bài nghiên cứu tải về từ trang web dạng file PDF, khi độc giả đọc trên môi trường internet có thể bấm theo đường link dẫn đến file gốc. Điều này đảm bảo tính khoa học trung thực trong việc tham khảo, trích dẫn theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc khi truy cứu.
Độc giả tùy ý lựa chọn các bài nghiên cứu phù hợp tải về làm tư liệu tham khảo. Có thể nói, đây là nguồn tài liệu phong phú được đăng ở các chuyên mục bạn đọc lựa chọn, tải về “free” tham khảo, phục vụ cho công tác quản lí, giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học,… góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Điển hình như của các tác giả:
Nguyễn Minh Trí (2016). Giáo dục nhận thức về đi làm việc ở nước ngoài đối với học sinh phổ thông ở thành phố Cần Thơ. Tạp chí Giáo dục, số 345, tr 59-60;
Nguyễn Minh Trí (2014). Tạo điều kiện để học sinh trung học phổ thông tiếp cận thị trường lao động ở thành phố Cần Thơ. Tạp chí Giáo dục, số 346, tr 55-56.
Trịnh Hoàn Thúy Uyên (2013). Nâng cao năng lực tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho nhân viên tư vấn tại Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố Cần Thơ để hỗ trợ người thất nghiệp. Tạp chí Giáo dục, số 320, tr 63-64;
Trinh Hoàn Thúy Uyên (2013). Giải pháp nâng cao năng lực tư vấn việc làm cho nhân viên tư vấn trong hỗ trợ người thất nghiệp. Tạp chí Giáo dục, số 321, tr 62-63.
Các bài viết về thị trường lao động có thể kể đến như:
Nguyễn Đức Tuấn (2017). Thực trạng quản lí đào tạo nguồn nhân lực công nghệ theo nhu cầu thị trường lao động tại các trường cao đẳng công nghệ vùng đồng bằng Bắc bộ. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì 3/8/2017, tr 114-118.
Trần Phú Lộc (2016). Vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại tỉnh Bình Dương. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 3/2016, tr 76-78.
Phạm Tùng Lâm (2014). Nâng cao hiệu quả quản lí đào tạo người lao động Việt Nam trước khi tham gia thị trường lao động quốc tế. Tạp chí Giáo dục, số 331, tr 8-10.
Lê Anh Đức (2017). Quản lí phát triển chương trình đào tạo theo tiếp cận quan hệ trường và doanh nghiệp - Những vấn đề lí luận và thực tiễn. Tạp chí Giáo dục, số 398, tr 61-65; 52.
Các bài viết về đào tạo nghề:
Nguyễn Thị Thu Phương - Ngô Thị Tân Hương (2018). Thực trạng công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Tạp chí Giáo dục, số 423, tr 4-8.
Trần Thị Vành Khuyên (2017). Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì 3/8/2017, tr 104-107.
Phan Trần Phú Lộc (2016). Vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại tỉnh Bình Dương. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 3/2016, tr 76-78.
Nguyễn Văn Đệ - Trịnh Quốc Lập (2011). Đôi nét về đào tạo nghề ở Australia. Tạp chí Giáo dục, số 269, tr 64-65; 57.
Nguyễn Thị Tuyết Lan (2012). Một số mô hình liên kết đào tạo nghề trên thế giới. Tạp chí Giáo dục, số 294, tr 60-62.
Trương Minh Trí (2013). Nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong thời kì hội nhập. Tạp chí Giáo dục, số 302, tr 4-5; 55.
Đỗ Thụy Ngọc Hà (2019). Thực trạng và biện pháp dạy học tích hợp modulle “món ăn truyền thống Việt Nam” cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại thành phố Cần Thơ. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì 3 tháng 5/2019, tr 316-320; 301.
2.5.2. Trên website https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn
Trên trang web, Tạp chí Giáo dục có 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, truyền thông trên website có sức lan tỏa lớn, thu hút được nhiều độc giả, nhanh chóng và hiệu quả, thuận tiện đối với bạn đọc trong nước và quốc tế khi tìm hiểu, khai thác.
Khi chưa thực hiện việc số hóa, muốn tra cứu các bài nghiên cứu trên các số hàng năm của Tạp chí, độc giả đều phải tra lật giở từng trang trên/số; từng số/năm hoặc vào tổng mục lục đăng trên số cuối cùng của năm để tra trên tổng số bài của cả năm theo các chuyên mục. Việc thực hiện tốn thời gian, mất nhiều công sức, các bài báo photo lại từ cuốn Tạp chí sẽ không thuận tiện như việc tải các bài dạng file PDF trực tiếp từ chuyên mục “Tạp chí Giáo dục” trên website. Việc số hóa các bài nghiên cứu tạo điều kiện giúp bạn đọc khai thác nội dung các bài viết một cách thuận lợi, nhanh chóng ở mọi lúc, mọi nơi trên môi trường internet.
Cách khai thác:
Khai thác tài liệu theo từ khóa: nhập từ khóa vào ô tìm kiếm trên thanh công cụ ở trang website của tạp chí (https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn) sau đó nhấn phím enter, các bài viết trong kho dữ liệu được số hóa sẽ xuất hiện, bạn đọc có thể chọn tham khảo và tải về, thuận tiện trong việc tìm hiểu, tra cứu nghiên cứu khoa học. Ví dụ nhập từ khóa: đào tạo nghề; thị trường lao động; bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo việc làm,…
Khai thác tài liệu theo tên nhà khoa học: nhập họ tên của các nhà khoa học vào ô tìm kiếm và enter, các bài viết sẽ xuất hiện theo thứ tự, ví dụ như tên của các nhà khoa học như: Nguyễn Minh Trí; Lê Đức Anh; Nguyễn Văn Đệ,…
Trên trang website được mở đầy đủ các chuyên mục thông tin tuyên truyền; đào tạo - việc làm. Các bài tuyên truyền đăng tải trên website thuận lợi: nhanh, tiện; dung lượng bài viết không giới hạn; hình ảnh đẹp rõ nét, thời gian treo dài trong năm thuận lợi để bạn đọc tham khảo tìm kiếm. Đây là thế mạnh so với việc tuyên truyền trên bản giấy hay các phương tiện thông tin khác.
Hiện nay, ngoài những tài liệu gốc bản quyền của Tạp chí, biên tập viên khi tham khảo một số các tài liệu có đường link đến tài liệu gốc như thư viện pháp luật, không gian lưu trữ trực tuyến của Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin - Truyền thông,… ví dụ như khi nhấn phím ctrl + click to follow link vào tài liệu đó. Có thể nói, cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa, thúc đẩy nhanh chóng việc ứng dụng cộng nghệ vào mỗi ngành nghề, công việc cụ thể. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc kết nối, tiếp cận công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện nay các tài liệu phục vụ cho nghiên cứu như sách tham khảo, giáo trình của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu chưa được kết nối đồng bộ,… còn khó khăn cho việc tham khảo, trích dẫn.
3. Kết luận
Báo chí, truyền thông là vũ khí tư tưởng sắc bén của Ðảng và Nhà nước, ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Việc thông tin truyền thông đảm bảo theo Luật Báo chí [6] đó là “trung thực, phản ánh chính xác khi thông tin”. Bài báo không chỉ thuần túy đưa thông tin mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó biết bảo vệ lẽ phải, làm theo cái tốt, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, việc làm, đời sống xã hội. Đó vừa là niềm vinh dự lớn, vừa đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với những người làm báo.
Tài liệu tham khảo
[1] Quốc hội (2012). Luật số: 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012. Bộ luật Lao động.
[2] Quốc hội (2013). Luật số: 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013, Luật Việc làm.
[3] Bộ LĐ-TBXH (2017). Số: 996/QĐ-LĐTBXH, ngày 27/06/2017, Quyết đinh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Việc làm.
[4] Chính phủ (2013). Nghị định Số: 196/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013, Nghị định quy định thành lập và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm.
[5] Nguyễn Như Ý (chủ biên, 1999). Đại từ điển tiếng Việt. NXB Văn hóa - Thông tin.
[6] Quốc hội (2016). Luật số: 103/2016/QH13, ngày 05 tháng 4 năm 2016, Luật Báo chí.
[7] Chính phủ (2017). Nghị định số 69/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[8] Bộ Thông tin và Truyền thông (2016). Giấy phép hoạt động báo chí in số 294/GP-BTTTT, ngày 17/05/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông.
[9] Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (2016). Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 72/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử kí ngày 30/06/2016.
[10] Chính phủ (2013). Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
[11] Bộ Thông tin và Truyền thông (2014). Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lí, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
[12] Bộ Khoa học và Công nghệ (2014). Số 19/TTKHCN-ISSN ngày 09/7/2014, Mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kì (ISSN) Tạp chí Giáo dục ISSN 2354-0753.
[13] Bộ Khoa học và Công nghệ (2017). Số 48/TTKHCN-ISSN ngày 08/12/2017, Mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kì (ISSN) VIETNAM JUORNAL OF EDUCATION ISSN 2588-1477.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn