HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM QUA MẠNG ĐIỆN TỬ

Thứ ba - 20/08/2019 14:27

     Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu như ngày nay, vấn đề lao động di cư quốc tế diễn ra rất phổ biến và điều này trở thành mối quan tâm của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dòng lao động nước ngoài (LĐNN) vào Việt Nam ngày càng tăng với tốc độ lớn, do đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh dẫn đến nhu cầu LĐNN vào việt Nam làm việc tăng lên và do Việt Nam có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mới đòi hỏi người LĐNN có kinh nghiệm và có chuyên môn mới đảm đương được công việc mà nhân lực trong nước chưa thể đáp ứng được… LĐNN vào làm việc tại Việt Nam thường là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Nguồn lao động này đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần đào tạo nhân lực tại chỗ theo tương tác thẩm thấu, tạo môi trường cạnh tranh giữa lao động Việt Nam với lao động nước ngoài… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích lao động nước ngoài đem lại thì LĐNN mang theo nhiều tác động tiêu cực như: LĐNN được chuyển thu nhập về nước, điều này làm giảm tổng thu nhập quốc gia. Bên cạnh đó, LĐNN du nhập lối sống và văn hoá ngoại lai không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt, làm sai lệch các chuẩn mực đạo đức, văn hoá truyền thống. Chính vì vậy, Nhà nước ta phải đặt ra những vấn đề về quản lý lao động nước ngoài và đưa ra các chính sách các quy định về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng cường được sự giao hữu với các quốc gia khác.

1

Ảnh 1: Nguồn nhân lực chất lượng cao người nước ngoài trao đổi với người lao động Việt Nam

     Để phát huy những tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về quản lý LĐNN. Cụ thể, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/8/2017 hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử [1]. Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử theo mức độ 3 của dịch vụ công trực tuyến. Các nội dung liên quan được quy định trong Thông tư cụ thể như sau:
     Một là, đối tượng áp dụng: (1) Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP [2]; (2) Người sử dụng người LĐNN theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP [2]; (3) Cơ quan chấp thuận nhu cầu sử dụng người LĐNN là Cục Việc làm - Bộ LĐTB&XH; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao trong trường hợp được ủy quyền theo quy định của pháp luật; (4) Cơ quan cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 3 của Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP [3]; (5) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
      Hai là, hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài
     Hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người LĐNN bao gồm tờ khai và giấy tờ kèm theo phải phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, quản lý người LĐNN làm việc tại Việt Nam. Hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người LĐNN có các giấy tờ kèm theo ở dạng chứng từ giấy thì người sử dụng lao động phải chuyển đổi sang chứng từ điện tử dạng portable document format (pdf), document (doc, docx) hoặc joint photographic experts group (jpg), việc chuyển đổi phải phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ giấy và được chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử. Khi các giấy tờ ở dạng chứng từ giấy không còn giá trị pháp lý thì các tài liệu chứng từ điện tử cũng không còn giá trị pháp lý.
     Ba là, chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài
     Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người LĐNN, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người LĐNN theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đến cơ quan chấp thuận qua cổng thông tin điện tử [2], trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4, 5 và 8 Điều 172 Bộ luật Lao động [4] và Điểm e và h Khoản 2 Điều 7 Nghị định 11/2016/NĐ-CP [2]. Trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người LĐNN thì người sử dụng lao động gửi báo cáo giải trình thay đổi trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài qua cng thông tin điện tử.
     Trong thời hạn 12 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai và báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan chấp thuận trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp báo cáo chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan chấp thuận trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do. Sau khi nhận được trả lời kết quả báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc báo cáo đến cơ quan chấp thuận để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc báo cáo thì cơ quan chấp thuận phải trả kết quả cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ đăng ký của người sử dụng lao động.
     Trường hợp bản gốc báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người LĐNN không đúng với tờ khai và báo cáo đã gửi qua cổng thông tin điện tử thì cơ quan chấp thuận trả lời bằng văn bản hoặc qua thư điện tử hoặc thông báo trực tiếp cho người sử dụng lao động.
     Bốn là, cấp giấy phép lao động
     Trước ít nhất 7 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử [2]. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
     Sau khi nhận được trả lời kết quả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động thì cơ quan cấp giấy phép lao động phải trả kết quả cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ đăng ký của người sử dụng lao động. Trường hợp bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động không đúng với tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đã gửi qua cổng thông tin điện tử thì cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời bằng văn bản hoặc qua thư điện tử hoặc thông báo trực tiếp cho người sử dụng lao động.
     Năm là, cấp lại giấy phép lao động
     Trường hợp cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử [2]. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
     Sau khi nhận được trả lời kết quả hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động thì cơ quan cấp giấy phép lao động phải trả kết quả cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ đăng ký của người sử dụng lao động. Trường hợp bản gốc hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động không đúng với tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động đã gửi qua cổng thông tin điện tử thì cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời bằng văn bản hoặc qua thư điện tử hoặc thông báo trực tiếp cho người sử dụng lao động.
     Sáu là, xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
     Trước ít nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP [2] đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4 và 5 Điều 172 của Bộ luật Lao động [4] và Điểm e Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP [2]. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp tờ khai và hồ sơ đề nghị xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
     Sau khi nhận được trả lời kết quả hồ sơ đề nghị xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc hồ sơ đề nghị xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì cơ quan cấp giấy phép lao động phải trả kết quả cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ đăng ký của người sử dụng lao động.
     Trường hợp bản gốc hồ sơ đề nghị xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động không đúng với tờ khai và hồ sơ đề nghị xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã gửi qua cổng thông tin điện tử thì cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời bằng văn bản hoặc qua thư điện tử hoặc thông báo trực tiếp cho người sử dụng lao động.

2

Ảnh 2: Chuyên gia nước ngoài làm việc, nghiên cứu tại Việt Nam

     Trên đây là những hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người LĐNN làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử theo Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/8/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội [1] với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến LĐNN làm việc tại Việt Nam, quy định chặt chẽ hơn quy trình cấp phép lao động, giảm bớt hiện tượng LĐNN lách luật, làm việc tại Việt nam không đúng nội dung đã được cấp phép (sai về nơi làm việc, sai về nghề nghiệp, sai về trình độ,….); đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong việc quản lý LĐNN. Từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu về lao động ở địa phương, đặc biệt là nhu cầu của các nhà thầu nước ngoài nhằm đạt hiệu quả phát triển cao nhất.

------------------------------------

[1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017). Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/8/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử.
[2] Chính phủ (2016). Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
[3] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2016). Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP; ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
[4] Quốc hội (2012). Luật số: 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012. Bộ luật Lao động.

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây