KẾT QUẢ 10 NĂM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP CỦA CỤC VIỆC LÀM

Thứ hai - 22/07/2019 15:18

     Cục Việc làm là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền thân của Cục là Vụ Chính sách Lao động - Xã hội được thành lập năm 1987. Năm 2008, Cục được thành lập trên cơ sở Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007, quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và  cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội [1]. Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cụ thể của Cục được quy định tại Quyết định số 996/QĐ-LĐTBXH ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội [2].
     Cục Việc làm thực hiện chức năng quản lí nhà nước về việc làm, hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm, quản lí lao động và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Các hoạt động của Cục giữ vị trí quan trọng trong việc hỗ trợ việc làm, phát triển thị trường lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, về bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm đề ra các chế độ, chính sách; hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khai mạc
và chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và định hướng

     Sau 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kết quả, thành tựu đạt được đã khẳng định chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước được người lao động, người sử dụng lao động tích cực tham gia, được xã hội đánh giá cao, mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Cục Việc về các mặt cho thấy:

Mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp
     Về bản chất, bảo hiểm thất nghiệp xuất phát từ quan hệ lao động và hoạt động chủ yếu dựa trên tình trạng việc làm của người lao động. Bảo hiểm thất nghiệp là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động… Trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách và việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan, ban, ngành xác định rõ mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp như sau:
     - Hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Bên cạnh đó, nếu gặp rủi ro về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, quan trọng hơn nữa là có các biện pháp để hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề để nâng cao trình độ kĩ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới; đồng thời, họ còn được hưởng bảo hiểm y tế. Thông qua các hỗ trợ này tạo điều kiện để phát triển việc làm bền vững và góp phần giảm thiểu tối đa số người lao động rời khỏi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
     - Bảo hiểm thất nghiệp phải gắn với thị trường lao động và do cơ quan dịch vụ việc làm công thực hiện. Từng bước đổi mới mô hình tổ chức thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.

Trung tâm dịch vụ việc làm trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
     Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Việc làm năm [3], Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lí nhà nước về việc làm thành lập thực hiện các nhiệm vụ theo quy định và thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Hiện hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp gồm:
     - Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

     - Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, xem xét và thực hiện các thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề;
            - Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động;
     - Kiểm tra, theo dõi, cập nhật các thông tin của người lao động liên quan đến việc hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp;
     - Thực hiện chế độ báo cáo định kì hàng tháng, quý, năm và báo cáo đột xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm thất nghiệp,
     - Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của người lao động, tổ chức công đoàn và cơ quan có thẩm quyền; lưu trữ, bảo quản hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp;
     - Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 
      - Phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động;
     - Tham gia thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp.

Quyền và lợi ích của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
     - Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì được Nhà nước đảm bảo cho hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện do luật định, các quy định để bảo đảm quyền này như Điều 41 Luật Việc làm [3] nêu nguyên tắc những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp mới được quyền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia và mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp dựa trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động cũng được hưởng lợi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi luật quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải đóng góp vào Quỹ này bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Để bảo đảm an toàn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Luật cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương đảm bảo, tức Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được Nhà nước đảm bảo hỗ trợ. Đây là quy định thể hiện tính nhân văn trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ tối ưu quyền, lợi ích cho người lao động và thể hiện tính ưu việt của hình thức bảo hiểm này so với các hình thức bảo hiểm khác trong xã hội không có sự bảo lãnh của Nhà nước.
     - Người thất nghiệp được quyền hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua hệ thống 63 trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Người thất nghiệp thông qua hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tăng khả năng có được việc làm nhanh hơn so với việc tự kiếm việc.
     - Người thất nghiệp được quyền hỗ trợ học nghề, giúp họ được đào tạo lại hoặc đào tạo mới để trang bị thêm kiến thức, kĩ năng tăng cơ hội cho họ quay lại thị trường lao động, sớm có việc làm.
     - Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn được doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kĩ năng nghề để duy trì việc làm. Ngay cả khi người lao động vẫn đang làm việc tại doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến người đang làm việc có nguy cơ mất việc làm thì Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ chi trả kinh phí cho người đang làm việc để họ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kĩ năng nghề nhằm duy trì việc làm.                      - Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chế độ trợ cấp thất nghiệp chính là một khoản tiền mà người thất nghiệp được hưởng trong thời gian mất việc và do Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trả.
     - Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được quyền hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
     - Người thất nghiệp được quyền khiếu nại, tố cáo khi họ thấy quyền và lợi ích không được đảm bảo.

Kết quả 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
     Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động, doanh nghiệp không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động nhưng quyền lợi người lao động được đảm bảo khi gặp rủi ro về việc làm thông qua việc nhận các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
     Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự thể hiện nguyên tắc “đóng - hưởng”, nguyên tắc chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người lao động, giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao, qua đó thúc đẩy gắn kết xã hội.
     Công tác tài chính đã đáp ứng đầy đủ kịp thời cho các hoạt động để triển khai thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhất là liên quan đến nhân sự, cơ sở vật chất và các hoạt động.
     Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2025, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.

     Số lượng đối tượng tham gia và quy mô Quỹ bảo hiểm thất nghiệp gia tăng nhanh chóng, số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, dịch vụ hỗ trợ người thất nghiệp ngày càng đa dạng, linh hoạt, thực sự hỗ trợ người lao động khi mất việc làm. Đến hết năm 2018, cả nước đã có 12,68 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 25,8% lực lượng lao động cả nước và bằng 87,7% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; gần 4,4 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp; tổng số người được hỗ trợ học nghề trong giai đoạn 2010-2019 (tính đến 31/5/2019) là 178.019 người.
Cụ thể, tại một số thành phố lớn, kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp như:
     - Tại Hà Nội, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 278.534 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã có 275.605 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người có quyết định hỗ trợ học nghề là 11.590 người. Số người được tư vấn giới thiệu việc làm là 273.512 người. Có rất nhiều lao động được tham gia khóa học đúng như nguyện vọng, mong muốn, các ngành nghề đào tạo phần nào đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Số lượng học viên có việc làm sau khi kết thúc khóa học tăng lên rõ rệt.
     - Ở Đà Nẵng, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 98.947 người, chiếm 88,27% với tổng số tiền trợ cấp hằng tháng là 966 tỉ đồng. Tổng số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 220.330 lượt người; trong đó, số người được giới thiệu việc làm là 18.765 lượt người, chiếm 16,74% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người được hỗ trợ học nghề là 3.032 người, chiếm 3,06% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tổng số kinh phí hỗ trợ học nghề 9,4 tỉ đồng với những ngành nghề như ẩm thực, thẩm mĩ, kĩ thuật pha chế, may công nghiệp, lái xe,… Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tổ chức bố trí nhân sự các điểm giao dịch phù hợp với quy mô, gắn với quy trình nghiệp vụ, bảo đảm được tính đồng đều trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho người lao động, nhằm hỗ trợ tích cực người lao động thất nghiệp trong việc lập thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
     - Ở Thanh Hóa, với đặc điểm là tỉnh có diện tích lớn, có nhiều huyện miền núi và trung du, điều kiện kinh tế còn khó khăn, giao thông không thuận tiện, ngoài trụ sở chính, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã thành lập 6 văn phòng đại diện tại các huyện trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Giai đoạn 2009-2019, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100.265 người, thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 102.664 người, hỗ trợ học nghề cho 298 người.
     - Tại Cần Thơ, với việc đa dạng hóa các hình thức tư vấn khác nhau, Trung tâm dịch vụ việc làm đã giải quyết cho 56.827 người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 161.422 người.

Có thể nói chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia và đánh giá cao, góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ thiết thực cho người sử dụng lao động, người lao động trong việc học nghề và tìm việc làm, sớm đưa họ trở lại làm việc.

--------------------------        

[1] Chính phủ (2006)Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007, quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và  cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
[2] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017). Quyết định số 996/QĐ-LĐTBXH ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Việc làm.
[3] Quốc hội (2013). Luật số: 38/2013/QH13, ngày 16 tháng 11 năm 2013, Luật Việc làm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây