KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CHO VAY VỐN HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM TỪ QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ CHO VAY VỐN HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM

Thứ tư - 02/10/2019 15:27

      Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, ngày 11/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay là Quỹ quốc gia về việc làm) để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình [1]. Trải qua 27 năm hoạt động, các quy định về cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể, giai đoạn trước năm 2005, hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 120/HĐBT [1], giai đoạn từ năm 2006-2015 được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động, Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg [2], Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg [3], giai đoạn từ năm 2016 đến nay được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP [4]. Các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm được ban hành tương đối đầy đủ, đảm bảo tính kế thừa và có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và bảo toàn vốn.

1

Ảnh 1: Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ quỹ quốc gia
về việc làm giai đoạn 2016-2018

      Kết quả hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm cụ thể như sau:
      Một là, về mức vay vốn: Mặc dù nguồn vốn không nhiều, nhưng hoạt động cho vay của Quỹ rất hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nguồn vốn được bảo toàn, chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng Quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng được mở rộng. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 31/5/2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 16.999 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 4.511 tỷ đồng, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là 4.010 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội là 8.478 tỷ đồng. Doanh số cho vay giải quyết việc làm giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 5/2019 đạt 24.459 tỷ đồng, với gần 800 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 885 nghìn lao động; doanh số thu nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 13.857 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đến ngày 31/5/2019 là 16.860 tỷ đồng, với hơn 523 nghìn khách hàng đang còn dư nợ, mức cho vay bình quân đạt 32 triệu đồng/lao động. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm đều qua các năm. Đến ngày 31/5/2019, nợ quá hạn là 49,1 tỷ đồng, giảm 12 tỷ đồng so với đầu năm 2015, chiếm tỷ lệ 0,29% trên tổng dư nợ của chương trình. Nợ khoanh là 27,9 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng so với đầu năm 2015, chiếm tỷ lệ 0,17% trên tổng dư nợ của chương trình.
     
Hai là, về đối tượng vay vốn: Đặc biệt, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Từ năm 2015 đến ngày 31/5/2019, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo việc làm cho 552 nghìn lao động nữ, 40 nghìn lao động là người khuyết tật và 77 nghìn lao động là người dân tộc thiểu số.
     
Ba là, về mô hình cho vay vốn: Nhiều mô hình cho vay hiệu quả từ Quỹ quốc gia về việc làm như mô hình khôi phục làng nghề truyền thống như làng nghề bó chổi thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên; mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư như mô hình kinh tế nông trại câu lạc bộ Nông trang xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh; mô hình tổ tiết kiệm & vay vốn của Hội phụ nữ Đông Thịnh, phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; tổ tiết kiệm & vay vốn khối 9 phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn;…đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình họ…
     
Bốn là, về cơ chế quản lý vốn cho vay: Cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp tại địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động cho vay vốn. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cơ quan có liên quan tại địa phương trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương. Thông qua hoạt động cho vay các tổ chức Hội đoàn thể có điều kiện quan tâm sát sao đến hội viên, nắm bắt tới từng cơ sở, đã gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

2

Ảnh 2: Các hộ nông dân được hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm

      Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cũng gặp những khó khăn, tồn tại như sau:
     
Một là, về nguồn vốn cho vay: nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, hàng năm Ngân sách Nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ rất thấp, từ năm 2016 đến nay ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ, nguồn vốn của Quỹ chỉ được bổ sung một phần từ tiền lãi cho vay (10% tiền lãi cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm hằng năm) nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; không có nguồn vốn từ Quỹ để thực hiện cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
     
Hai là, về mức vay: Mức vay và thời hạn vay vốn chưa phù hợp với quy mô và chu kỳ sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, giai đoạn 2016 đến nay, quy mô sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động ngày càng nâng lên, từng bước chuyển từ hoạt động sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, giới hạn sang quy mô lớn, gắn với quy hoạch phát triển vùng, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng tiêu thụ sản phẩm theo các mô hình chuỗi giá trị; các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động ngoài nguồn vốn vay tối đa 01 tỷ đồng hoặc 50 triệu đồng đã phải tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng khác mới đủ vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh; biến động của giá cả thị trường tăng lên hàng năm, chi phí để đầu tư máy móc, trang thiết bị, mua cây, con giống, nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng (từ năm 2014 đến nay, chỉ số CPI đã tăng hơn 12,85%); đối tượng vay đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu do chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch (trong các hoạt động sản xuất, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, trồng cây công nghiệp lâu năm …);
     
Ba là, về lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay từ Quỹ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (thấp hơn mức lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo) trong khi đây không phải là các đối tượng ưu tiên dẫn đến tâm lý ỷ lại của các đối tượng, không khuyến khích họ trả nợ đúng hạn và tạo sự không công bằng với các chương trình tín dụng ưu đãi khác của Ngân hàng Chính sách xã hội.
     
Bốn là, về quản lý vốn cho vay: Một số quy định về quản lý Quỹ quốc gia về việc làm như: thẩm quyền phân bổ nguồn vốn bổ sung cho Quỹ từ ngân sách nhà nước, thẩm quyền điều chỉnh nguồn vốn vay giữa các địa phương, các tổ chức thực hiện chương trình mâu thuẫn với các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước…; quy định về mức vay có tài sản bảo đảm chưa phù hợp với thực tiễn (Điều 37 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP [4] quy định: “Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.”, trong khi chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của người lao động cao (khoảng 100 triệu đồng), người lao động thuộc đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thường không có tài sản để bảo đảm tiền vay dẫn đến một bộ phận người lao động phải vay thêm từ các nguồn tín dụng khác bên cạnh khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trang trải các chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dẫn đến tình trạng tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và gia đình…).
      Để khắc phục các hạn chế nêu trên, cần thiết phải hoàn thiện các quy định về cho vay vốn tạo việc làm. Cụ thể cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015/NĐ-CP như sau:
     
Một là, sửa đổi, bổ sung nội dung về phân bổ nguồn vốn bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng:
      - Đối với nguồn bổ sung cho Quỹ từ ngân sách nhà nước: bỏ thẩm quyền phân bổ vốn từ ngân sách nhà nước tại Khoản 1 Điều 21;
     
- Thay thế Điều 33. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm bằng Điều 33. Phân bổ nguồn vốn bổ sung cho Quỹ từ tiền lãi vốn vay, trong đó quy định cụ thể hướng phân bổ tiền lãi vốn vay, quy định đối với nguồn vốn bổ sung cho Quỹ tại địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đối với nguồn vốn bổ sung cho Quỹ của các tổ chức thực hiện chương trình là cơ quan trung ương của các tổ chức thực hiện chương trình;
      - Thay thế Điều 34. Tổ chức chuyển vốn vay bằng Điều 34. Huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, thay thế Điều 46. Tổ chức chuyển vốn vay bằng Điều 45. Huy động nguồn vốn để cho vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong đó quy định trường hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo quy định pháp luật.
      Hai là, nâng mức vay và thời hạn vay vốn
     
Về mức vay vốn: Hiện nay, đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng; Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm cho người lao động; tăng thu nhập, cải thiện kinh tế cho bản thân, gia đình (theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg [2], mức vay tối đa 20 triệu đồng/ hộ gia đình và 500 triệu đồng/dự án cơ sở sản xuất kinh doanh). Đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 14: Nâng mức vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh lên 02 tỷ đồng; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn.
      Về thời hạn vay vốn: hiện nay thời hạn vay vốn không quá 60 tháng, thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội linh hoạt, chủ động trong việc thẩm định, quyết định thời hạn cho vay, tạo thuận lợi cho người vay quyết định, lựa chọn thời hạn vay phù hợp (Quyết định 71/2005/QĐ-TTg [2] quy định thời hạn vay vốn cụ thể cho từng loại dự án). Đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 25: tăng thời hạn vay vốn tối đa lên 120 tháng.
      Ba là, tăng lãi suất vay vốn
     
Hiện nay quy định theo hướng thống nhất với các chính sách tín dụng hiện hành khác được thực hiện bởi Ngân hàng Chính sách xã hội, bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Đối với người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số và cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số thì lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo (theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg [2], lãi suất cho vay là 0,5%/tháng; riêng các đối tượng vay vốn là người tàn tật là 0,35%/tháng. Khi lãi suất thị trường thay đổi từ 15% trở lên, Bộ trưởng Bộ Tài chính tham khảo ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay). Đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 26 theo hướng:  đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.
      Bốn là, nâng mức vay có tài sản bảo đảm
      Sửa đổi, bổ sung Điều 27 và Điều 37 theo hướng nâng mức vay phải có tài sản bảo đảm tiền vay từ Quỹ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng.
      Năm là, sửa đổi, bổ sung nội dung về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng:
      - Về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm cả nước: sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 30 theo hướng giao Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
     
- Về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm tại các địa phương: bổ sung quy định tại Khoản 4 Điều 30 theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền điều chỉnh nguồn vốn vay tại địa phương;
      - Về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm giữa các cơ quan cấp tỉnh: bổ sung quy định tại Khoản 5 Điều 30 theo hướng giao cơ quan Trung ương của tổ chức thực hiện chương trình có thẩm quyền điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.
      Đồng thời, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần thiết đưa mẫu giấy đề nghị vay vốn, mẫu dự án vay vốn và các giấy tờ chứng minh người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH [5] và Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH [6] quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015/NĐ-CP [4].
      Trên đây là kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm và định hướng hoàn thiện quy định về việc làm và định hướng hoàn thiện quy định về cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm nhằm mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo mức sống người dân, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

--------------

[1] Hội đồng Bộ trưởng (1992). Nghị quyết số 120/HĐBT, ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới.
[2] Thủ tướng Chính phủ (2005). Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, ngày 05/4/2005, của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lí, điều hành vốn c ho vay của quỹ quốc gia về việc làm.
[3] Thủ tướng Chính phủ (2008). Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg, ngày 23/ 01/2008, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm.

[4] Chính phủ (2015). Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/07/2015, Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
[5] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2015). Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 11 tháng 11 năm 2015, hướng dẫn thực hiện một  số điều về quỹ quốc gia về việc làm quy định tại nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.
[6] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017). Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH ngày 21 tháng 8 năm 2017, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 11/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện  một số điều về quỹ quốc gia về việc làm quy định tại Nghị đinh số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây