KẾT QUẢ THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP CẢ NƯỚC THÁNG 3 NĂM 2019

Thứ ba - 16/04/2019 10:00

     Thất nghiệp là tình trạng người lao động (NLĐ) muốn có việc làm mà không tìm được việc làm. Không có việc làm đồng nghĩa với không có khả năng chi trả, mua sắm vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt, hạn chế giao tiếp với những người lao động khác, tiêu tốn thời gian vô nghĩa... Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, gia tăng thất nghiệp có những tác hại nghiêm trọng như: suy giảm chất lượng sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ thất nghiệp cao đồng nghĩa với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp, các nguồn lực con người không được sử dụng, hiệu quả sản xuất giảm... Nghiêm trọng hơn, gia tăng thất nghiệp dẫn đến gia tăng tỷ lệ tội phạm và tỷ lệ tự tử...
     Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những chế độ bảo hiểm bắt buộc NLĐ và người sử dụng lao động tham gia trong quá trình làm việc với tỉ lệ đóng BHTN là 2% chia đều cho mỗi bên. BHTN có chức năng bảo vệ cũng như bù đắp các tổn thất về mặt tài chính cho NLĐ và giúp cho họ có được khả năng cũng như cơ hội để quay lại với việc làm. Bên cạnh đó BHTN bảo đảm quyền lợi cho NLĐ được hưởng khi bị thất nghiệp. Quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHTN là được hưởng một khoản tiền mặt khi mất việc làm, ngoài ra BHTN còn bao gồm cả bảo hiểm y tế, đào tạo nghề trong quãng thời gian NLĐ chờ và đi tìm một công việc mới. BHTN khuyến khích NLĐ năng động tìm việc làm mới, hạn chế sự ỷ lại, giúp NLĐ cân bằng tâm lý khi mất việc làm. Chính vì vậy, chính sách BHTN ngày càng có vai trò quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp và nhà nước và đặc biệt quan trọng đối với NLĐ.
     Cục Việc làm - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động về chính sách BHTN, để chính sách BHTN đi vào cuộc sống, hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm mới khi họ thất nghiệp, giảm thiểu những tác động tiêu cực tới NLĐ, cũng như tới nền kinh tế quốc gia.

1

Ảnh 1. Đưa chính sách bảo hiểm thất nghiệp vào cuộc sống

     Theo số liệu tổng hợp được của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm về tình hình thực hiện BHTN tháng 3/2019 trên cả nước cho thấy [1]:
     Số người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm là 114.736 người, trong đó số người được giới thiệu việc làm là 14.979 người. Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất (TCTN) nghiệp là 68.868 người, số người có quyết định hưởng TCTN là 44.868 người. Số người chuyển hưởng TCTN đến địa phương khác là 348 người. Số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề là 2.616 người. Tỷ lệ so sánh các chế độ BHTN cho thấy: số người được tư vấn giới thiệu việc làm tính trên số người đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN là 166,6%; số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng tính trên số người đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN là 65,2%; số người chuyển hưởng TCTN đến địa phương khác tính trên số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng là 0,8% và số người có quyết định hỗ trợ học nghề tính trên số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng là 5,8%.
     Tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước tháng 3/2019 được thể hiện qua một số tiêu chí như sau:
     Một là, về tư vấn, giới thiệu việc làm. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm trên cả nướclà: 114.736 lượt người, bằng 166,6% so với số người nộp hồ sơ hưởng TCTN, tỷ lệ này giảm 81,9% so với tháng 02/2019 (248,5%) và tăng 4,4% so với tháng 3/2018 (162,2%). Một số địa phương có tỷ lệ người được tư vấn, giới thiệu việc làm cao trên cả nước như sau: Gia Lai (1.685 lượt người, bằng 538,3% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN); Thái Nguyên (1.805 lượt người, bằng 507,0%); Phú Thọ (2.725 lượt người, bằng 500,0%); Ninh Bình (1.086 lượt người, bằng 474,2%); Đồng Tháp (4.458 lượt người, bằng 451,7%); Bắc Kạn (332 lượt người, bằng 448,6%); Lào Cai (489 lượt người, bằng 440,5%); Hà Giang (460 lượt người, bằng 438,1%); Bà Rịa - Vũng Tàu (5.068 lượt người, bằng 400,9%). Trong đó, số người được giới thiệu việc làm là: 14.979 người, bằng 21,8% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN, tăng 99,4% so với tháng 02/2019 (7.513 người), tăng 30,0% so với tháng 3/2018 (11.519 người), tỷ lệ này giảm 5,3% so với tháng 02/2018 (27,1%) và tăng 0,5% so với tháng 3/2018 (21,3%); 11/63 Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) không có người lao động (NLĐ) thất nghiệp được giới thiệu việc làm.
     Hai là, về hồ sơ hưởng TCTN. Tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước là: 68.868 người, tăng 148,1% so với tháng 02/2019 (27.755 người), tăng 27,2% so với tháng 3/2018 (54.122 người), bằng 106,9% số người nộp hồ sơ bình quân năm 2018 (64.444 người). Đưa tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước 03 tháng đầu năm 2019 là 140.885 người, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018 (118.955 người).Có 62/63 địa phương có số người nộp hồ sơ tăng so với tháng 02/2019, tại một số địa phương tăng nhiều như: Trà Vinh: 3.792 người, tăng 3.466 người (1.063,2%) so với tháng 02/2019 (326 người) và tăng 2.657 người (234,1%) so với tháng 3/2018 (1.135 người); Ti Trà Vinh, số người nộp hồ sơ tăng cao do công ty TNHH giày da Mỹ Phong cắt giảm lao động, số lao động mất việc làm và đến Trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ hưởng TCTN là 3.600 người; Bình Phước: 766 người, tăng 552 người (257,9%) so với tháng 02/2019 (214 người) và tăng 179 người (30,5%) so với tháng 3/2018 (587 người). Tại Bình Phước, số người nộp hồ sơ tăng cao do một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất nên cắt giảm lao động làm việc. Số lao động thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các công ty may mặc, giầy da... Bình Thuận là địa phương duy nhất trên cả nước trong tháng 3/2019 có số người nộp hồ sơ hưởng TCTN giảm so với tháng 02/2019, cụ thể: 323 người, giảm 45 người (12,2%) so với tháng 02/2019 (368 người) và giảm 244 người (43,0%) so với tháng 3/2018 (567 người).
     Ba là, về trợ cấp thất nghiệp. Tháng 3/2019, tổng số người có quyết định hưởng TCTN trên cả nước là 44.868 người, tăng 54,7% so với tháng 02/2019 (29.009 người), tăng 13,8% so với tháng 3/2018 (39.432 người). Trong đó, 13.317 người có quyết định hưởng TCTN với thời gian từ 7-12 tháng, chiếm 29,7% so với tổng số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng. Đưa tổng số người có quyết định hưởng TCTN trên cả nước 03 tháng đầu năm 2019 là 120.455 người, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm 2018 (107.547 người). Một số địa phương tăng nhiều như: Bình Dương: 4.027 người, tăng 145,8% so với tháng 02/2019 (1.638 người), tăng 36,3% so với tháng 3/2018 (2.955 người); Đồng Nai: 3.674 người, tăng 164,5% so với tháng 02/2019 (1.389 người), tăng 111,8% so với tháng 3/2018 (1.735 người).
     Bốn là, về hỗ trợ học nghề. Trên phạm vi cả nước, quyết định hỗ trợ học nghề đối với NLĐ là: 2.616 người, bằng 5,8% số người có quyết định hưởng TCTN, tăng 46,4% so với tháng 02/2019 (1.787 người), giảm 6,7% so với tháng 3/2018 (2.805 người) và bằng 82,7% so với mức bình quân năm 2018 (3.163 người/tháng). Số người có thời gian đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề trong tháng 3/2019 là 14 người, bằng 0,5% số người có quyết định hưởng TCTN. Một số địa phương có số người có quyết định hỗ trợ học nghề nhiều là: TP. Hồ Chí Minh (1.051 người, bằng 9,9% so với số người có quyết định TCTN); Hà Nội (396 người, bằng 10,8%). Một số nghề phù hợp là lái xe ôtô: 54,6%; kỹ thuật nấu ăn: 13,5%; tin học văn phòng: 4,7%; may mặc, da giày: 4,0%...
     Nhìn chung, số người nộp hồ sơ tháng 3/2019 tăng mạnh so với tháng trước (148,1%) do những nguyên nhân sau: tháng 02/2019 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, các trung tâm dịch vụ việc làm không thực hiện tiếp nhận hồ sơ hưởng TCTN của NLĐ; thời điểm đầu năm, NLĐ có xu hướng chủ động nghỉ việc để chuyển sang những doanh nghiệp có mức lương, môi trường làm việc tốt hơn, trong thời gian chờ việc NLĐ tới trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ hưởng TCTN; tại một số địa phương, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp giải thể hoặc di dời tới địa phương khác nên tiến hành cắt giảm lao động...
     Cụ thể, tình hình thực hiện BHTN qua các chỉ tiêu như sau:
     Thứ nhất, về hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trước khi thất nghiệp. Theo số liệu thống kê của 47/63 trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trước khi thất nghiệp của NLĐ trong tháng 3/2019 như sau: hợp đồng lao động không xác định thời hạn chiếm 57,1% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; hợp đồng lao động từ 12-36 tháng chiếm 31,0%; HĐLĐ từ 3 tháng đến dưới 12 tháng chiếm 10,3% và HĐLV chiếm 1,6%.
     Thứ hai, về nguyên nhân thất nghiệp. Theo số liệu thống kê của 48/63 trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, nguyên nhân thất nghiệp của NLĐ như sau: hết hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc chiếm 36,3% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trước thời hạn chiếm 28,0%; doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu chiếm 11,4%; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm  việc: chiếm 6,3%; bị xử lý kỷ luật, bị sa thải chiếm 1,7% và những nguyên nhân khác chiếm 16,3%.
     Thứ ba, về độ tuổi, giới tính. Theo số liệu thống kê của 48/63 trung tâm dịch vụ việc làm, số người nộp hồ sơ hưởng TCTN trên 35 tuổi chiếm 41,6% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN. Trong đó, lao động nữ chiếm 57,2% số người hưởng TCTN trên 35 tuổi. Độ tuổi của NLĐ hưởng TCTN như sau: NLĐ hưởng TCTN từ 25-40 tuổi là 30.418 người, chiếm 67,8% số người hưởng TCTN; NLĐ hưởng TCTN trên 40 tuổi là 9.847 người, chiếm 21,9%; NLĐ hưởng TCTN dưới 25 tuổi là 4.603 người, chiếm 10,3%. Số lao động nữ có quyết định hưởng TCTN trong tháng 3/2019 là 25.644 người, chiếm 57,2% số người hưởng TCTN.
     Thứ tư, về trình độ chuyên môn. Theo số liệu thống kê của 50/63 trung tâm dịch vụ  việc làm trên cả nước, trình độ chuyên môn của NLĐ trong tháng 3/2019 như sau: NLĐ có trình độ đại học và trên đại học chiếm 9,4% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; NLĐ có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp chiếm 5,8%; NLĐ có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp chiếm 6,8%; NLĐ có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp chiếm 5,8%; NLĐ thất nghiệp là lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm 72,2%.
     Thứ năm, về nghề nghiệp trước khi bị mất việc làm. Theo số liệu của 46/63 trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, nghề nghiệp trước khi bị mất việc làm của NLĐ như sau: thợ may, thêu và các thợ có liên quan chiếm 36,5% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; thợ lắp ráp chiếm 4,1%; nhân viên bán hàng chiếm 3,4%; kế toán chiếm 2,8%; kỹ thuật viên điện tử chiếm 2,5%; lái xe khách, xe tải, xe máy chiếm 2,0%; kỹ thuật xây dựng: 1,9%; lao động trồng trọt và làm vườn chiếm 1,7%; người quét dọn và giúp việc gia đình, khách sạn và văn phòng chiếm 1,6%; nhân viên dịch vụ  bảo vệ chiếm 1,4%; giáo viên dạy nghề chiếm 1,2%; thợ hàn chiếm 1,2%; đầu bếp chiếm 0,8%; tư vấn tài chính, đầu tư chiếm 0,7%; bác sỹ y khoa chiếm 0,6%; phân tích phát triển phần mềm và các ứng dụng chiếm 0,5%; người đưa tin, người giao hàng chiếm 0,5%; hướng dẫn viên du lịch chiếm 0,4%; giao dịch viên ngân hàng chiếm 0,4%; luật sư chiếm 0,3% và các nghề nghiệp khác chiếm 35,5%.
     Thứ sáu, về tổ chức, doanh nghiệp có người lao động nộp hồ sơ hưởng TCTN. Theo số liệu thống kê của 45/63 TTDVVL trên cả nước, loại hình tổ chức, doanh nghiệp NLĐ làm việc trước khi hưởng TCTN như sau: doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chiếm 50,1% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; doanh nghiệp tư nhân chiếm 40,0%; doanh nghiệp nhà nước chiếm 4,3%; đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội chiếm 3,7%; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh chiếm 1,5%; hợp tác xã chiếm 0,4%.
     Theo số liệu thống kê của 44/63 trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, NLĐ làm việc tại doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất như sau: doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm 50,6%; doanh nghiệp không thuộc công nghiệp, khu chế xuất chiếm 49,4%.
     Thứ bảy, về ngành làm việc. Theo số liệu thống kê của 44/63 trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, NLĐ làm việc tại doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế như sau: Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 51,0% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; hoạt động dịch vụ khác chiếm 13,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí chiếm 7,8%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,6%; xây dựng chiếm 3,3%; bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 3,2%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ chiếm 2,9%; vận tải, kho bãi chiếm 2,3%; giáo dục và đào tạo chiếm 2,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 2,0%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 1,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 1,5%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 1,5% và các hoạt động khác.

2

Ảnh 2: Người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

     Với tình hình thực hiện BHTN trên cả nước trong tháng 3/ 2019 như trên, tổng số tiền TCTN tính theo quyết định hưởng TCTN ban hành trong kỳ là 824,2 tỷ đồng, số tiền chi trả hỗ trợ học nghề là 8,7 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương có số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp cao như: TP. Hồ Chí Minh (257,3 tỷ đồng); Hà Nội (80,3 tỷ đồng); Đồng Nai (79,7 tỷ đồng); Bình Dương (67,8 tỷ đồng)… Một số địa phương có số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp thấp như: Lai Châu (450,2 triệu đồng); Điện Biên (454,3 triệu đồng).
     Với kết quả thực hiện BHTN của cả nước tháng 3/2019, Cục Việc làm nên tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện chi trả BHTN cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ thất nghiệp được học nghề mới, được tư vấn về ngành nghề và tìm được việc làm ổn định, đảm bảo mức thu nhập đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, đảm bảo mức sống ổn định của người dân.
-------------------

[1] Cục Việc làm - Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (2019). Báo cáo của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm về kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cả nước tháng 3/2019.

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây