KẾT QUẢ THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP CẢ NƯỚC THÁNG 5 NĂM 2019

Thứ ba - 18/06/2019 21:59

          Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một thông tin đáng mừng là tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam trong quý I năm 2019 có xu hướng giảm dần. Với lực lượng trong các độ tuổi lao động trên, theo số liệu ước tính, trong quý I năm nay, đã có 54,3% triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm, giảm 208 nghìn người so với quý trước, tăng 329 nghìn người so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó lao động có việc làm ở khu vực thành thị chiếm 33,01% và lao động nữ có việc làm chiếm 47,7% trong tổng số người có việc làm. Xu hướng lao động có việc làm trong quý I năm 2019 tăng rõ rệt ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài Nhà nước.
        Về chất lượng lao động, lực lượng lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên 3 tháng đầu năm có khoảng hơn 12 triệu người, chiếm 22,2% số lao động có việc làm của toàn quốc
- tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động trong các ngành đang có sự dịch chuyển từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Bởi lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính là 19,2 triệu người, chiếm 35,4%, giảm 3,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhất là khu vực dịch vụ với 19,5 triệu người, chiếm 36%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thấp nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng với 15,6 triệu người, chiếm 28,6%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước”.

          Trên cơ sở các con số này, cho thấy lao động giản đơn đang thu hút nhiều nhân lực nhất trong thị trường lao động, chiếm 35% lao động có việc làm trên toàn quốc. Tỷ lệ người làm các công việc giản đơn còn cao trong bối cảnh đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ trình độ sơ cấp nghề trở lên) cho người lao động còn thấp (tỷ lệ đã được đào tạo khoảng 22,5% đối với lực lượng lao động và khoảng 22,2% đối với lao động có việc làm).

1

Ảnh. Buổi làm việc của nhân viên phòng bảo hiểm địa phương

          Tiếp nối những kết quả tích cực của quý I năm 21019, Bộ Lao động - Thương binh  và Xã hội đã tiếp tục triển khai phát huy thế mạnh trong quý II. Cụ thể số liệu về kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cả nước tháng 5/2019 như sau [1]:
         
Thực hiện tổng hợp số liệu từ các địa phương gửi qua thư điện tử (19 địa phương báo cáo bằng văn bản), Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm báo cáo tình hình thực hiện BHTN tháng 5/2019 trên cả nước tổng hợp như sau:
          Số người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm là 178.118 người, trong đó số người được giới thiệu việc làm là 19.980 người. Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 109.593 người, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 99.842 người, số người chuyển hưởng TCTN đến địa phương khác là 514 người và số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề là 4.882 người. Khi thực hiện so sánh các chế độ BHTN ta thấy: số người được tư vấn giới thiệu việc làm tính trên số người đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN chiếm tỷ lệ 161,9%; Số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng tính trên số người đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN chiếm tỷ lệ 90,8%; Số người chuyển hưởng TCTN đến địa phương khác tính trên số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng chiếm tỷ lệ 0,5% và số người có quyết định hỗ trợ học nghề tính trên số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng chiếm tỷ lệ 4,9%. Tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước tháng 5/2019 được thể hiện qua một số tiêu chí như sau:
          Một là, tư vấn, giới thiệu việc làm. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm trên cả nước tháng 5/2019 là: 178.118 lượt người, bằng 162,5% so với số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tỷ lệ này tăng 9,4% so với tháng 4/2019 (151,9%) và tăng 17,6% so với tháng 5/2018 (144,9%). Một số địa phương có tỷ lệ người được tư vấn, giới thiệu việc làm cao trên cả nước như sau: Đồng Tháp (8.931 lượt người, bằng 601,8% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN); Lào Cai (895 lượt người, bằng 585,0%); Phú Thọ (4.476 lượt người, bằng 400,0%); Hà Giang (653 lượt người, bằng 358,8%), Cà Mau (3.157 lượt người, bằng 358,8%); Vĩnh Long (3.877 lượt người, bằng 356,3%); Cần Thơ (5.686 lượt người, bằng 352,3%). Trong đó, số người được giới thiệu việc làm tháng 5/2019 là: 19.980 người, bằng 18,2% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN, tăng 13,1% so với tháng 4/2019 (17.665 người), giảm 5,8% so với tháng 5/2018 (21.200 người), tỷ lệ này giảm 2,6% so với tháng 4/2018 (20,8%)giảm 3,1% so với tháng 5/2018 (21,3%); 09/63 Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) không có người lao động (NLĐ) thất nghiệp được giới thiệu việc làm.
          Hai là, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước tháng 5/2019 là: 109.593 người, tăng 29,0% so với tháng 4/2019 (84.955 người), tăng 10,0% so với tháng 5/2018 (99.633 người), bằng 170,1% số người nộp hồ sơ bình quân năm 2018 (64.444 người). Đưa tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước 5 tháng đầu năm 2019 là 335.982 người, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018 (287.463 người).
          Có 60/63 địa phương có số người nộp hồ sơ tăng so với tháng 4/2019, tại một số địa phương tăng nhiều như sau: TP. Hồ Chí Minh: 20.353 người, tăng 5.377 người (35,9%) so với tháng 4/2019 (14.976 người) và tăng 1.368 người (7,2%) so với tháng 5/2018 (18.985 người). Theo thông tin từ TTDVVL TP. Hồ Chí Minh, số người nộp hồ sơ tăng so với tháng trước do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên tiến hành cắt giảm lao động; Hà Nội: 8.292 người, tăng 2.726 người (49,0%) so với tháng 4/2019 (5.566 người) và tăng 1.469 người (21,5%) so với tháng 5/2018 (6.823 người). Tại Hà Nội, số người nộp hồ sơ tăng so với tháng trước phần lớn do NLĐ nghỉ việc để chuyển sang những doanh nghiệp có mức lương và môi trường làm việc tốt hơn; Đồng Nai: 6.930 người, tăng 1.195 người (20,8%) so với tháng 4/2019 (5.735 người) và tăng 447 người (6,9%) so với tháng 5/2018 (6.483 người); Hải Phòng: 2.787 người, tăng 1.044 người (59,9%) so với tháng 4/2019 (1.743 người) và tăng 965 người (53,0%) so với tháng 5/2018 (1.822 người); Đà Nẵng: 3.106 người, tăng 951 người (44,1%) so với tháng 4/2019 (2.155 người) và tăng 477 người (18,1%) so với tháng 5/2018 (2.629 người); Bắc Giang: 2.070 người, tăng 885 người (74,7%) so với tháng 4/2019 (1.185 người) và tăng 96 người (4,9%) so với tháng 5/2018 (1.974 người); Bà Rịa – Vũng Tàu: 2.398 người, tăng 859 người (55,8%) so với tháng 4/2019 (1.539 người) và tăng 820 người (52,0%) so với tháng 5/2018 (1.578 người); Long An: 3.666 người, tăng 805 người (28,1%) so với tháng 4/2019 (2.861 người) và tăng 733 người (25,0%) so với tháng 5/2018 (2.933 người); Quảng Nam: 1.899 người, tăng 730 người (32,4%) so với tháng 4/2019 (1.169 người) và tăng 465 người (32,4%) so với tháng 5/2018 (1.434 người); Thanh Hóa: 2.516 người, tăng 653 người (35,1%) so với tháng 4/2019 (1.863 người) và giảm 59 người (2,3%) so với tháng 5/2018 (2.575 người); Hải Dương: 1.457 người, tăng 567 người (63,7%) so với tháng 4/2019 (890 người) và tăng 202 người (16,1%) so với tháng 5/2018 (1.255 người). Tại Hải Dương, số người nộp hồ sơ tăng cao do một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất nên cắt giảm lao động làm việc. Số lao động thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các công ty may mặc, giầy da...; Bắc Ninh: 1.548 người, tăng 522 người (50,9%) so với tháng 4/2019 (1.026 người) và tăng 34 người (2,2%) so với tháng 5/2018 (1.514 người);
          Có 03/63 địa phương có số người nộp hồ sơ giảm so với tháng 3/2019, cụ thể như sau: Trà Vinh: 1.023 người, giảm 1.905 người (65,1%) so với tháng 4/2019 (2.928 người) và giảm 249 người (19,6%) so với tháng 5/2018 (1.272 người); Kiên Giang: 1.152 người, giảm 91 người (7,2%) so với tháng 4/2019 (1.243 người) và giảm 310 người (21,2%) so với tháng 5/2018 (1.462 người); Đắk Nông: 153 người, giảm 25 người (14,0%) so với tháng 4/2019 (178 người) và tăng 07 người (4,8%) so với tháng 5/2018 (146 người).
          Số người nộp hồ sơ tháng 5/2019 tăng so với tháng trước (29,0%) do những nguyên nhân sau: (1) Theo quy luật hàng năm, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng dần từ tháng 3, đồng thời do số người tham gia BHTN tăng so với những năm trước dẫn tới số người đủ điều kiện hưởng TCTN tăng; (2) Tại một số địa phương, NLĐ có xu hướng chủ động nghỉ việc để chuyển sang những doanh nghiệp có mức lương, môi trường làm việc tốt hơn, trong thời gian chờ việc NLĐ tới TTDVVL nộp hồ sơ hưởng TCTN.
          Ba là, trợ cấp thất nghiệp. Tháng 5/2019, tổng số người có quyết định hưởng TCTN trên cả nước là 99.842 người, tăng 44,4% so với tháng 4/2019 (68.665 người), tăng 22,4% so với tháng 5/2018 (81.546 người). Trong đó, 21.359 người có quyết định hưởng TCTN với thời gian từ 7-12 tháng, chiếm 21,4% so với tổng số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng. Đưa tổng số người có quyết định hưởng TCTN trên cả nước 5 tháng đầu năm 2019 là 288.836 người, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018 (243.941 người).
          Số người hưởng TCTN tại một số địa phương lớn như sau: TP. Hồ Chí Minh: 17.830 người, tăng 66,3% so với tháng 4/2019 (10.719 người), tăng 9,6% so với tháng 5/2018 (16.267 người); Bình Dương: 8.435 người, tăng 26,7% so với tháng 4/2019 (6.655 người), tăng 8,4% so với tháng 5/2018 (7.782 người);  Hà Nội: 7.981 người, tăng 54,2% so với tháng 4/2019 (5.176 người), tăng 69,1% so với tháng 5/2018 (4.720 người); Đồng Nai: 6.824 người, tăng 23,0% so với tháng 4/2019 (5.547 người), tăng 25,8% so với tháng 5/2018 (5.424 người); Long An: 3.487 người, tăng 37,0% so với tháng 4/2019 (2.546 người), tăng 32,5% so với tháng 5/2018 (2.632 người); Trà Vinh: 2.537 người, giảm 32,0% so với tháng 4/2019 (3.733 người), tăng 89,0% so với tháng 5/2018 (1.342 người); Đà Nẵng: 2.489 người, tăng 76,0% so với tháng 4/2019 (1.414 người), tăng 27,2% so với tháng 5/2018 (1.957 người).
          Bốn là, hỗ trợ học nghề. Tháng 5/2019, có 56/63 địa phương có quyết định hỗ trợ học nghề đối với NLĐ với số lượng là: 4.882 người, bằng 4,9% số người có quyết định hưởng TCTN, tăng 84,1% so với tháng 4/2019 (2.652 người), tăng 48,4% so với tháng 5/2018 (3.290 người) và bằng 154,3% so với mức bình quân năm 2018 (3.163 người/tháng). Số người có thời gian đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề trong tháng 5/2019 là 15 người, bằng 0,3% số người có quyết định hưởng TCTN. Một số địa phương có số người có quyết định hỗ trợ học nghề nhiều trong tháng 5/2019 là: Tp. Hồ Chí Minh (2.789 người, bằng 15,6% so với số người có quyết định TCTN); Hà Nội (648 người, bằng 8,1%); Bình Dương (280 người, bằng 3,2%); Đồng Nai (226 người, bằng 3,3%).
          Theo số liệu thống kê của 42/63 TTDVVL trên cả nước, những nghề NLĐ đề nghị hỗ trợ học nghề như sau: Lái xe ôtô chiếm 43,0%; Thiết kế, quảng cáo chiếm 20,5%; Tin học văn phòng chiếm 11,4%; Kỹ thuật nấu ăn chiếm 8,7%; May mặc, da giày chiếm 6,0%; Kỹ thuật pha chế thức uống chiếm 1,9%; Kế toán doanh nghiệp và khai báo thuế chiếm 1,2%; Sửa chữa ô tô, xe máy và điện dân dụng chiếm 1,2%...

          Kết quả thực hiện BHTN tại các vùng địa lý cho thấy: Số người nộp hồ sơ hưởng TCTN tập trung phần lớn tại vùng Đông Nam Bộ, chiếm 37,8% tổng số người nộp hồ sơ trong cả nước. Số người có quyết định hưởng TCTN là 38,3%. Cũng tại khu vực này, số người đề nghị chuyển hưởng TCTN sang các địa phương khác chiếm 40,1% tổng số người đề nghị chuyển hưởng TCTN cả nước. Tiếp đến là vùng Đồng bằng Sông Hồng với số người nộp hồ sơ chiếm 18,9% và số người có quyết định hưởng TCTN là 17,8%, đứng thứ ba là vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với số hồ sơ nộp là 16,2% và số người có quyết định hưởng TCTN là 14,6%... Vùng Tây Nguyên có tỷ lệ nộp hồ sơ ít nhất trong cả nước, đây là những vùng có địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi nên NLĐ thất nghiệp gặp nhiều khó khăn để tiếp cận các điểm tiếp nhận hồ sơ.
          Theo số liệu thống kê của 51/63 TTDVVL trên cả nước, hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) trước khi thất nghiệp của NLĐ trong tháng 5/2019 như sau: HĐLĐ không xác định thời hạn: 47,4% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; HĐLĐ từ 12 đến 36 tháng: 37,9%;  HĐLĐ từ 3 tháng đến dưới 12 tháng: 10,8%;  HĐLV: 3,9%.
          Theo số liệu thống kê của 55/63 TTDVVL trên cả nước, nguyên nhân thất nghiệp của NLĐ như sau: Chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trước thời hạn: 35,4% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; Hết hạn HĐLĐ, HĐLV hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, HĐLV: 30,3%; Đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV: 5,2%; Doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu: 2,8%; Bị xử lý kỷ luật, bị sa thải: 1,2% và những nguyên nhân khác: 25,1%.
           Theo số liệu thống kê của 55/63 TTDVVL, số người nộp hồ sơ hưởng TCTN trên 35 tuổi chiếm 33,7% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN. Trong đó, lao động nữ chiếm 52,6% số người hưởng TCTN trên 35 tuổi.
          Về trình độ chuyên môn, theo số liệu thống kê của 54/63 TTDVVL trên cả nước, trình độ chuyên môn của NLĐ trong tháng 5/2019 như sau: NLĐ có trình độ đại học và trên đại học: 12,1% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; NLĐ có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp: 6,6%; NLĐ có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp: 7,3%; NLĐ có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp: 5,4%; NLĐ thất nghiệp là lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn): 68,6%.
          Theo số liệu của 49/63 TTDVVL trên cả nước, nghề nghiệp trước khi bị mất việc làm của NLĐ như sau: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan: 25,5%; Lái xe khách, xe tải, xe máy: 4,0%; Thợ lắp ráp: 3,9%; Kỹ thuật viên điện tử: 3,6%; Nhân viên bán hàng: 3,3%; Kế toán: 3,1%; Kỹ thuật xây dựng: 1,5%; Nhân viên dịch vụ  bảo vệ: 1,5%; Lao động trồng trọt và làm vườn: 1,2%; Người quét dọn và giúp việc gia đình, khách sạn và văn phòng: 1,1%;  Tư vấn tài chính, đầu tư: 0,9%; Phân tích phát triển phần mềm và các ứng dụng: 0,9%; Thợ hàn: 0,8%; Giáo viên dạy nghề: 0,8%; Bác sỹ y khoa: 0,6%; Đầu bếp: 0,6%; Giao dịch viên ngân hàng: 0,4%; Người đưa tin, người giao hàng: 0,3%;  Hướng dẫn viên du lịch: 0,3%; Luật sư: 0,2%; Nghề nghiệp khác: 45,5%.
          Theo báo cáo từ 63 TTDVVL trên cả nước, tháng 5/2019 số tiền TCTN tính theo quyết định hưởng TCTN ban hành trong kỳ là 1.536,4 tỷ đồng, số tiền chi trả hỗ trợ học nghề là 15,4 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương có số tiền chi trả TCTN cao như: TP. Hồ Chí Minh (375,5 tỷ đồng); Hà Nội (143,7 tỷ đồng); Bình Dương (128,8 tỷ đồng); Đồng Nai (128,7 tỷ đồng). Một số địa phương có số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp thấp như: Điện Biên (708,6 triệu đồng); Lai Châu (1,3 tỷ đồng).

          Trên đây là tình hình thực hiện chế độ BHTN trên toàn quốc tháng 5/2019 của Cục Việc làm - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho NLĐ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân đầu người; giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, nhằm phát huy những kết quả tích Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được trong quý I/2019, từ đó xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, phát triển.

----------------

[1] Cục Việc làm - Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (2019). Báo cáo của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm về kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cả nước tháng 5/2019

 

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây