Người lao động (NLĐ) khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ nhận được rất nhiều quyền lợi như nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN); tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề và hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho NLĐ. Nhờ công tác tuyên truyền chính sách BHTN đến NLĐ mà hiểu rõ hơn về chính sách, về những quyền lợi mà chính sách đem lại cho mình. Chính vì vậy, tình hình tham gia BHTN của NLĐ hiện nay đang tăng dần qua các năm. Sau mười năm triển khai, chính sách BHTN đã dần đi vào cuộc sống, được cả NLĐ và doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, số người tham gia BHTN tăng khoảng 10% mỗi năm và đến đầu tháng 7/2019 số người tham gia BHTN là hơn 13 triệu người [1]. Hơn 4,6 triệu lượt người hưởng TCTN. Con số được hỗ trợ học nghề là hơn 177 nghìn người. Và gần 97% người hưởng TCTN được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Chính sách BHTN đã từng bước đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho cả NLĐ và người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và xã hội. Chính sách BHTN hỗ trợ cho NLĐ trong khoảng thời gian thất nghiệp, nhưng cũng hỗ trợ không ít cho người sử dụng lao động. Doanh nghiệp không phải chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Có thể thấy, chính sách có tác dụng rất lớn với NLĐ và người sử dụng lao động.
Qua các số liệu được tổng hợp của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm về thực hiện BHTN từ các địa phương trên cả nước trong tháng 2/2019 [2] cho thấy:
Số người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm là 163.380 người, trong đó số người được giới thiệu việc làm là 19.599 người. Số người nộp hồ sơ hưởng TCTN là 92.789 người, số người có quyết định hưởng TCTN là 95.882 người, số người chuyển hưởng TCTN đến địa phương khác là 556 người và số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề là 3.853 người. Khi thực hiện so sánh các chế độ BHTN cho thấy: số người được tư vấn giới thiệu việc làm tính trên số người đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN chiếm tỷ lệ 176,1%; Số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng tính trên số người đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN chiếm tỷ lệ 103,3%; Số người chuyển hưởng TCTN đến địa phương khác tính trên số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng chiếm tỷ lệ 0,6% và số người có quyết định hỗ trợ học nghề tính trên số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng chiếm tỷ lệ 4,0%.
Tình hình thực hiện BHTN trên cả nước tháng 6/2019 được thể hiện qua một số tiêu chí như sau:
Một là, tư vấn, giới thiệu việc làm
Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm trên cả nước tháng 6/2019 là: 163.380 lượt người, bằng 176,1% so với số người nộp hồ sơ hưởng TCTN, tỷ lệ này tăng 13,6% so với tháng 5/2019 (162,5%) và tăng 18,2% so với tháng 6/2018 (157,9%). Một số địa phương có tỷ lệ người được tư vấn, giới thiệu việc làm cao trên cả nước như sau: Đồng Tháp (6.855 lượt người, bằng 609,3% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN); Vĩnh Long (4.655 lượt người, bằng 606,9%); Lào Cai (764 lượt người, bằng 596,9%); Hà Giang (638 lượt người, bằng 506,3%); Phú Thọ (3.705 lượt người, bằng 499,3%); Cà Mau (3.162 lượt người, bằng 464,3%); Cần Thơ (5.353 lượt người, bằng 461,9%). Trong đó, số người được giới thiệu việc làm tháng 6/2019 là: 19.559 người, bằng 21,1% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN, giảm 1,9% so với tháng 5/2019 (19.980 người), giảm 4,0% so với tháng 6/2018 (20.419 người), tỷ lệ này tăng 2,9% so với tháng 5/2018 (18,2%) và giảm 1,1% so với tháng 6/2018 (22,2%); 09/63 Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) không có NLĐ thất nghiệp được giới thiệu việc làm.
Hai là, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước tháng 6/2019 là: 92.789 người, giảm 15,3% so với tháng 5/2019 (109.593 người), tăng 1,1% so với tháng 6/2018 (91.798 người), bằng 144,0% số người nộp hồ sơ bình quân năm 2018 (64.444 người). Đưa tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước 6 tháng đầu năm 2019 là 428.748 người, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm 2018 (379.261 người).
Có 52/63 địa phương có số người nộp hồ sơ giảm so với tháng 5/2019, tại một số địa phương giảm nhiều như sau: Vĩnh Phúc: 870 người, giảm 516 người (37,2%) so với tháng 5/2019 (1.386 người) và giảm 277 người (24,1%) so với tháng 6/2018 (1.147 người); Hải Phòng: 1.824 người, giảm 963 người (34,6%) so với tháng 5/2019 (2.787 người) và giảm 28 người (1,5%) so với tháng 6/2018 (1.852 người); Bắc Giang: 1.379 người, giảm 691 người (33,4%) so với tháng 5/2019 (2.070 người) và giảm 227 người (14,1%) so với tháng 6/2018 (1.606 người); Đồng Nai: 4.960 người, giảm 1.970 người (28,4%) so với tháng 5/2019 (6.930 người) và giảm 538 người (9,8%) so với tháng 6/2018 (5.498 người)… Tại một số địa phương giảm nhiều như sau: Ninh Thuận: 597 người, tăng 156 người (35,4%) so với tháng 5/2019 (441 người) và tăng 207 người (53,1%) so với tháng 6/2018 (390 người). Số người nộp hồ sơ tháng 6/2019 giảm so với tháng trước (15,3%) do hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp tại thời điểm này đi vào ổn định, NLĐ không có xu hướng nghỉ việc. Tại một số địa phương, xu hướng NLĐ chủ động nghỉ việc để chuyển sang những doanh nghiệp có mức lương cao hơn trong những tháng trước giảm dẫn đến số người hưởng TCTN giảm so với tháng trước.
Ba là, trợ cấp thất nghiệp
Tháng 6/2019, tổng số người có quyết định hưởng TCTN trên cả nước là 95.882 người, giảm 3,6% so với tháng 5/2019 (99.505 người), tăng 1,9% so với tháng 6/2018 (94.129 người). Trong đó, 19.925 người có quyết định hưởng TCTN với thời gian từ 7-12 tháng, chiếm 20,8% so với tổng số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng. Đưa tổng số người có quyết định hưởng TCTN trên cả nước 6 tháng đầu năm 2019 là 385.055 người, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2018 (338.070 người).
Số người hưởng TCTN tại một số địa phương lớn như sau:
- TP. Hồ Chí Minh: 17.239 người, giảm 3,3% so với tháng 5/2019 (17.830 người), giảm 1,8% so với tháng 6/2018 (17.548 người);
- Bình Dương: 9.030 người, tăng 7,1% so với tháng 5/2019 (8.435 người), tăng 3,7% so với tháng 6/2018 (8.706 người);
- Hà Nội: 7.190 người, giảm 9,9% so với tháng 5/2019 (7.981 người), tăng 6,4% so với tháng 6/2018 (6.759 người);
- Đồng Nai: 4.992 người, giảm 26,8% so với tháng 5/2019 (6.824 người), giảm 22,2% so với tháng 6/2018 (6.420 người);
- Long An: 2.993 người, giảm 14,2% so với tháng 5/2019 (3.487 người), tăng 1,8% so với tháng 6/2018 (2.941 người);
- Đà Nẵng: 2.758 người, tăng 10,8% so với tháng 5/2019 (2.489 người), tăng 12,7% so với tháng 6/2018 (2.447 người);
- Thanh Hóa: 2.320 người, tăng 32,6% so với tháng 5/2019 (1.749 người), tăng 4,0% so với tháng 6/2018 (2.231 người);
- Khánh Hòa: 2.204 người, tăng 93,7% so với tháng 5/2019 (1.138 người), tăng 50,8% so với tháng 6/2018 (1.462 người).
Bốn là, hỗ trợ học nghề
Tháng 6/2019, 51/63 địa phương có quyết định hỗ trợ học nghề đối với NLĐ với số lượng là: 3.853 người, bằng 4,0% số người có quyết định hưởng TCTN, tăng 21,1% so với tháng 5/2019 (4.882 người), tăng 5,6% so với tháng 6/2018 (3.649 người) và bằng 121,8% so với mức bình quân năm 2018 (3.163 người/tháng). Số người có thời gian đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề trong tháng 6/2019 là 23 người, bằng 0,6% số người có quyết định hưởng TCTN.
Một số địa phương có số người có quyết định hỗ trợ học nghề nhiều trong tháng 6/2019 là: TP. Hồ Chí Minh (1.572 người, bằng 9,1% so với số người có quyết định TCTN); Hà Nội (603 người, bằng 8,4%); Bình Dương (323 người, bằng 3,6%); Đồng Nai (183 người, bằng 3,7%); Đà Nẵng (138 người, bằng 5,0%); Bình Định (109 người, bằng 14,0%); Theo số liệu thống kê của 42/63 TTDVVL trên cả nước, những nghề NLĐ đề nghị hỗ trợ học nghề như sau: Lái xe ôtô chiếm 26,0%; Thiết kế, quảng cáo chiếm 8,3%; Kỹ thuật nấu ăn chiếm 8,1%; Sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 6,4%; Tin học văn phòng chiếm 5,9%; May mặc, da giày chiếm 2,7%; Điện dân dụng chiếm 1,4%; Điện công nghiệp chiếm 1,1%; Sửa chữa, lắp ráp máy tính chiếm 0,8%; Trang điểm chuyên nghiệp chiếm 0,7%; Kế toán doanh nghiệp và khai báo thuế chiếm 0,5%; Điện lạnh chiếm 0,1%; Sửa chữa thiết bị may chiếm 0,1%; Vận hành xe nâng chiếm 0,1%; Thiết kế tạo mẫu tóc, cắt uốn tóc chiếm 0,1%; Hàn chiếm 0,03%; Chăm sóc da chiếm 0,03%; Sửa chữa điện tử chiếm 0,03%; Các nghề khác chiếm 37,6%.
Kết quả thực hiện BHTN tại các vùng địa lý cho thấy: Số người nộp hồ sơ hưởng TCTN tập trung phần lớn tại vùng Đông Nam Bộ, với số lượng là 37.177 hồ sơ, chiếm 40,1% tổng số người nộp hồ sơ trong cả nước. Cũng tại khu vực này, số người có quyết định hưởng TCTN là 36.339 người, chiếm 37,9%; số người đề nghị chuyển hưởng TCTN sang các địa phương khác là 220 người, chiếm 39,6% tổng số người đề nghị chuyển hưởng TCTN cả nước. Số NLĐ thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm là 42.505 người, chiếm tỷ lệ 26%; số NLĐ đươc hỗ trợ học nghề là 2.137 người, chiếm tỷ lệ 55,5%. Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long là 2 vùng được tư vấn việc làm lớn nhất cả nước, với số lượng lần lượt là 42.505 lượt và 56.924 lượt, hai vùng này chiếm tỷ lệ 60,8%. Vùng Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ Duyên hải miền Trung là những vùng có số người nhận chuyển hưởng lớn nhất trên cả nước, số lượng nhận chuyển hưởng lần lượt là 177 người và 149 người, tỷ lệ nhận chuyển hưởng lần lượt là 34,6% và 29,2%. Các vùng Tây Nguyên và Trung Du và Miền núi phía Bắc có số lượng hồ sơ nộp ít nhất trong cả nước, lần lượt là 2.246 và 5.801 hồ sơ, tương ứng với tỷ lệ 2,4% và 6,2%. Nguyên nhân tình trạng trên là do vùng Trung Du và Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là những vùng có địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi nên NLĐ thất nghiệp gặp nhiều khó khăn để tiếp cận các điểm tiếp nhận hồ sơ.
Ảnh 1: Toạ đàm Đánh giá thực trạng và định hướng cải cách chính sách BHXH ở Việt Nam
Theo tổng hợp báo cáo, số liệu thống kê của 51/63 TTDVVL trên cả nước, hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) trước khi thất nghiệp của NLĐ trong tháng 6/2019 như sau: HĐLĐ không xác định thời hạn chiếm 47,1% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; HĐLĐ từ 12 đến 36 tháng chiếm 40.8%; HĐLĐ từ 3 tháng đến dưới 12 tháng chiếm 8,8%; Hợp đồng làm việc chiếm 3,3%. Nguyên nhân thất nghiệp của NLĐ chủ yếu là do chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trước thời hạn chiếm 34,9%; hết hạn HĐLĐ, HĐLV chiếm 30,0%; do NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV chiếm 5,7%; do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu chiếm 3,2% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN; do bị kỷ luật, bị sa thải chiếm 1,3% và những nguyên nhân khác chiếm 24,9%.
Theo số liệu thống kê của 52/63 TTDVVL, số người nộp hồ sơ hưởng TCTN trên 35 tuổi chiếm 35,8% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN. Trong đó, lao động nữ chiếm 53,7% số người hưởng TCTN trên 35 tuổi. Trình độ chuyên môn của NLĐ trong tháng 6/2019 có 15,1% NLĐ có trình độ đại học và trên đại học; 7,6% NLĐ có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp; 7,8% NLĐ có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp6,3% NLĐ có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp và 63,2% NLĐ thất nghiệp là lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn). Các ngành nghề trước khi bị mất việc làm của NLĐ chủ yếu là ngành may, thêu chiếm 24,8%; ngành kỹ thuật điện tử chiếm 4,2%; ngành kế toán chiếm 3,8%; ngành lái xe chiếm 2,3%; ngành xây dựng chiếm 2,3%; ngành dịch vụ bảo vệ chiếm 1,5%...
Theo báo cáo từ 63 TTDVVL trên cả nước, tháng 6/2019 số tiền TCTN tính theo quyết định hưởng TCTN ban hành trong kỳ là 1.482,4 tỷ đồng, số tiền chi trả hỗ trợ học nghề là 13,1 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương có số tiền chi trả TCTN cao như: TP. Hồ Chí Minh (361,2 tỷ đồng); Bình Dương (138,6 tỷ đồng); Hà Nội (134,7 tỷ đồng); Đồng Nai (93,7 tỷ đồng). Một số địa phương có số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp thấp như: Lai Châu (908,8 triệu đồng); Điện Biên (918,6 triệu đồng).
Trên đây là tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước tháng 6/2019 của Cục Việc làm - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với mục tiêu thống kê số lượng và tổng hợp thông tin về NLĐ với chính sách BHTN, nhằm mục tiêu quản lý và nâng cao hiệu quả của chính sách BHTN, đảm bảo NLĐ được đào tạo nghề, được tư vấn giới thiệu việc làm và có một việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định... xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh.
----------------
[1] https://nhandan.org.vn/xahoi/item/40740802-chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep-gan-hon-voi-nguoi-lao-dong.html
[2] Cục Việc làm - Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (2019). Báo cáo của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm về kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cả nước tháng 6/2019.
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn