MỐI QUAN HỆ GIỮA CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP, TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM VÀ DOANH NGHIỆP TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Thứ tư - 16/10/2019 08:31

Hội nhập quốc tế đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, tác động đến tất cả các phương diện KT-XH của các quốc gia. Theo tiến trình chung của thế giới, Việt Nam thực hiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với bối cảnh xu hướng thay đổi chung của thế giới và thị trường lao động (TTLĐ) tại Việt Nam ngày càng biến động, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư cung cấp nguồn lao động chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu đó trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi các đơn vị, tổ chức như hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL), các sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các doanh nghiệp phải cùng phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đào tạo nghề và giới thiệu nghề thành công cho người lao động (NLĐ), đảm bảo NLĐ có việc làm ổn định, mức sống được nâng cao, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Ảnh 1. Hội thảo Tăng cường hợp tác kết nối trung tâm dịch vụ việc làm
với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Phú Thọ

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với sự xuất hiện ngày càng nhiều trí tuệ nhân tạo tinh vi và siêu thông minh được áp dụng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Điều này đe doạ trực tiếp vào cơ hội làm việc của NLĐ. Một số hàm ý được rút ra từ công ước từ các công ước nêu và các khuyến nghị nêu trên của của Tổ chức lao động là chính sách việc làm cần hướng tới toàn dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng việc làm, năng xuất lao động, đào tạo nghề và kết nối việc làm. Giáo dục, đào tạo nghề và học tập suốt đời là những trụ cột quan trọng trong việc có khả năng có việc làm, luôn gắn với việc làm của NLĐ và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để xây dựng và theo đổi một chính sách việc làm hiệu quả, chính sách đào tạo nghề mở và linh hoạt, gắn đào tạo nghề với việc làm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các TTDVVL công trong việc xây dựng và sử dụng hiệu quả thông tin TTLĐ, tăng cường hoạt động hướng nghiệp, tăng cường sự tham gia của các dịch vụ việc làm công. Chính sách việc làm và chính sách đào tạo nghề được ban hành dựa trên sự trao đổi và đối thoại chặt chẽ với tổ chức của NLĐ và người sử dụng lao động phải được rà soát thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Do vậy, sự gắn kết giữa TTDVVL công, các cơ sở GDNN và doanh nghiệp hướng tới toàn dụng lao động dựa trên nền tảng học tập suốt đời, đào tạo mở và linh hoạt, vai trò kết nối việc làm, năng lực của TTDVVL đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này.

Ảnh 2. Mô hình dạy nghề tại doanh nghiệp

Theo Luật Việc làm, các TTDVVL là đơn vị sự nghiệp công lập. Để phân biệt với các doanh nghiệp dịch vụ việc làm hay dịch vụ việc làm tư nhân, các TTDVVL còn được gọi là các Tổ chức dịch vụ việc làm công. Mạng lưới TTDVVL đã phủ rộng khắp toàn quốc, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của NLĐ và doanh nghiệp. Mỗi tỉnh, thành phố có 01 TTDVVL do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập và giao cho ngành LĐ-TB&XH quản lý thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của trung tâm theo quy định của Luật Việc làm, ngoài ra còn có các TTDVVL thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các chi nhánh của các TTDVVL đã được thành lập tại những nơi có thị trường lao động phát triển góp phần đáp ứng được nhu cầu về việc làm trên địa bàn. Mối quan hệ giữa các bên trong đào tạo, giới thiệu việc làm cụ thể như sau:

Thứ nhất, hợp tác giữa Trung tâm dịch vụ việc làm và Cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Kết quả tổng hợp từ báo cáo của các TTDVVL của địa phương cho thấy ở các mức độ khác nhau, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của mình các Trung tâm  đều đã có liên kết và hợp tác với các  cơ sở GDNN trong việc tổ chức đào tạo cho nhiều đối tượng khác nhau, cụ thể:

(1) Đào tạo cho các đối tượng là người thất nghiệp theo chính sách theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ sở  GDNN đồng ý tham gia dạy nghề theo chính sách BHTN để giới thiệu NLĐ thất nghiệp đến học nghề. NLĐ đến đăng ký hưởng TCTN đều được tư vấn về chính sách học nghề, được định hướng nghề học phù hợp với nhu cầu của TTLĐ, được cung cấp thông tin đầy đủ về ngành nghề học, mức kinh phí được hỗ trợ, thời gian địa điểm học nghề. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ, nhiều trung tâm đã bố trí thủ tục đăng ký học nghề của NLĐ được thực hiện ngay tại văn phòng đăng ký hồ sơ BHTN và Trung tâm phối hợp với các cơ sở GDNN mở các khóa đào tạo nghề dành riêng cho NLĐ thất nghiệp ngay tại địa phương của NLĐ. Sau khóa học, NLĐ thất nghiệp có thể tự tạo việc làm, hoặc Trung tâm sẽ tư vấn, giới thiệu việc làm để NLĐ có thể tái tham gia vào TTLĐ.  Các ngành học chủ yếu là Lái xe, Kỹ thuật chế biến món ăn, Chăm sóc sắc đẹp,…

(2) Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. TTDVVL đã phối hợp với các doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề và tiếp nhận lao động vào làm tại doanh nghiệp với nhiều loại hình đào tạo nghề được tổ chức như: may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật Hàn điện... sử dụng trong nước và xuất khẩu.

(3) Tổ chức tư vấn về chính sách việc làm, nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc, điều kiện sống tại nơi làm việc,  giới thiệu việc làm cho học viên các lớp học nghề;

(4) Rà soát TTLĐ; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho NLĐ, nhất là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn.

(5) Đính hướng nghề nghiệp thông qua việc Tổ chức Ngày hội việc làm và các phiên giao dịch việc làm lưu động đến tất cả các huyện trong tỉnh, với sự tham gia của các doanh nghiệp, các cơ sở GDNN. Thường xuyên liên hệ với các cơ sở GDNN để tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp cho học viên, định hướng nghề nghiệp, trao đổi về cách lựa chọn ngành nghề và cơ hội việc làm trong và ngoài nước. Các cơ sở GDNN cung cấp danh bạ nghề nghiệp đang đào tạo để Trung tâm tư vấn cho NLĐ, giúp NLĐ chọn lựa và tham gia học nghề; đồng thời Trung tâm cung cấp thông tin TTLĐ cho các cơ sở GDNN để làm cơ sở định hướng đào tạo những nghề mà thị trường đang thiếu và có nhu cầu cao.

(6) Phối hợp với các cơ sở GDNN- đẩy mạnh XKLĐ là 01 hướng giải quyết việc làm được một số địa phương thực hiện. Để đẩy mạnh công tác này, Trung tâm đã phối hợp chặc chẽ với các doanh nghiệp có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có uy tín; lựa chọn những đơn hàng tốt, thu nhập cao, an toàn để tư vấn cho NLĐ có nhu cầu. Trung tâm đặc biệt chú trọng đến những đơn hàng đòi hỏi NLĐ phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật để phối hợp với các cơ sở GDNN đưa thông tin đến cho học viên.

Thứ hai, hợp tác giữa Trung tâm dịch vụ việc làm với doanh nghiệp

(1) Cung ứng lao động trực tiếp cho các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm.

(2) Hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng: thông tin, đăng tin treo băng rôn tuyển dụng, đăng tin tuyển dụng trên các trang thông tin điện tử của Trung tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu thông qua website của Trung tâm.

(3) Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động Phiên giao dịch việc làm, hội nghị, hội thảo về lĩnh vực lao động việc làm.

(4) Chắp nối các doanh nghiệp với các đơn vị cung ứng, cho thuê lao động.

(5) Ký hợp đồng hợp tác cung ứng lao động trong và ngoài nước với các doanh nghiệp.

(6) Liên kết huấn luyện vệ sinh an toàn lao động tại các doanh nghiệp.
(7) Liên kết đào tạo nghề, nâng cao trình độ kỹ năng cho lao động tại các doanh nghiệp.
(8) Điều tra, thu thập, cập nhật tình hình biến động lao động tại các doanh nghiệp.

Ảnh 3. Mô hình giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo nghề

Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp, hợp tác làm việc, còn một số khó khăn vướng mắc như sau:
Một là, giữa Trung tâm dịch vụ việc làm với cơ sở giáo dục nghề nghiệp

(1) Chưa có cơ chế phối hợp giữa TTDVVL và TTGDNN - GDTX dẫn đến sự phối hợp, chưa có chiều sâu, hiệu quả còn hạn chế.

(2) TTGDNN-GDTX chủ yếu tập trung vào hoạt động đào tạo nghề - GDTX cho học sinh, công tác tư vấn giới thiệu việc làm định hướng nghề nghiệp, định hướng việc làm sau khi ra trường cho các em chưa được các đơn vị trú trọng nên hiệu quả công tác phối hợp chưa cao.

(3) Chưa có sự gắn kết giữa 3 bên TTDVVL - TTGDNN - và doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm.

(4) Về đào tạo cho người thất nghiệp tỷ lệ NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề và được nhận hỗ trợ học nghề còn rất thấp. Nguyên nhân là do: lao động chủ động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp và có thể tìm việc làm mới nên không có nhu cầu học nghề. Ngoài ra, NLĐ thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, khi có việc làm được doanh nghiệp đào tạo ngay tại nơi làm việc nên không có nhu cầu học nghề. Hớn nữa hỗ trợ học nghề là một phần trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm giúp NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, mức hỗ trợ học nghề thấp và thời gian ngắn nên nhiều NLĐ chưa thực sự mặn mà tham gia học nghề.

(5) Số Cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh của một số địa phương được cấp phép đăng ký hoạt động dạy nghề còn ít ngành nghề chưa đa dạng, phong phú, ảnh hưởng tới sự hợp tác.

(6) Về công tác hướng nghiệp, giới thiệu việc làm: Việc triển khai các thông tin tại các cơ sở GDNN đến học sinh, sinh viên còn chậm trễ. Nguyên nhân có thể do bộ phận tiếp nhận thông tin xử lý nhiều công việc, nên việc triển khai các thông tin của Trung tâm tới các học sinh, sinh viên đôi khi chưa được kịp thời. Việc vận động học sinh, sinh viên tham gia các Phiên giao dịch việc làm của Trung tâm đạt hiệu quả không cao, số lượng học sinh, sinh viên đến tham gia Phiên giao dịch việc làm còn hạn chế. Nguyên nhân: Một số phiên Giao dịch việc làm mà Trung tâm tổ chức chưa đúng thời điểm học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp; nhiều học sinh, sinh viên tìm hiểu thông tin qua các phương tiện truyền thông, ngại đến trực tiếp; nhiều vị trí công việc đòi hỏi kinh nghiệm chưa phù hợp với học sinh, sinh viên mới ra trường. Việc tổ chức phiên giao dịch việc làm tại các cơ sở GDNN tuy đã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có điều kiện giao lưu trực tiếp với các doanh nghiệp nhưng việc các doanh nghiệp tiếp nhận các học viên sau khi ra trường không cao. Do thời gian chờ lâu nguyện vọng ban đầu của nhiều học viên đã thay đổi; nhiều vị trí các doanh nghiệp đã tuyển đủ.

(7) Nguồn học viên của các cơ sở GDNN không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp hoặc việc cung ứng lao động cũng như học sinh cho các cơ sở GDNN của Trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở GDNN. Một số vị trí đòi hỏi kinh nghiệm; một số vị trí không phù hợp với ngành học của học viên; các học viên không ứng tuyển vào vị trí lao động phổ thông (vị trí mà nhiều doanh nghiệp thiếu rất nhiều).
Hai là, giữa trung tâm dịch vụ việc làm với doanh nghiệp

(1) Sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo còn rất hạn chế. Mặc dù các doanh nghiệp tham gia trong việc biên soạn chương trình, giáo trình theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, nhưng đa số doanh nghiệp cử cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia biên soạn. Hầu hết cán bộ được cử tham gia biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn, kỹ thuật nhưng thiếu kiến thức trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy cho nên việc tham gia cũng còn hạn chế, chủ yếu các cơ sở GDNN biên soạn chương trình, giáo trình, sau đó tham khảo ý kiến của doanh nghiệp.

(2) Cung ứng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là lao động phổ thông và lao động đòi hỏi trình độ cao. Các khu Công nghiệp tại một số tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư để tạo mở nhiều việc làm cho NLĐ; ngành nghề mới ở các địa phương chậm phát triển. Nhiều doanh nghiệp hiện nay chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông cho nên đã thu hút nhiều lao động đi làm ngay không cần phải qua đào tạo nghề nghiệp.

(3) Chính sách lương của các doanh nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cuộc sống cho lao động.

(4) Một số doanh nghiệp có mức lương cao, chính sách đãi ngộ tốt thì đòi hỏi tay nghề, trình độ, kỹ năng và đặc biệt là kinh nghiệm làm việc trong khi thị trường lao động trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu là người chưa có kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường. Mặt khác, các ứng viên tìm việc còn hạn chế về kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học,… nên khó đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, các vị trí công việc lương cao thì đa phần doanh nghiệp tự tuyển dụng.
Qua mối quan hệ giữa các bên trong việc đào tạo và tìm việc làm cho người lao động, để nâng cao hiệu quả hơn nữa, các bên cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là, có cơ chế phối hợp để tăng cường hoạt động kết nối giữa 3 bên: TTDVVL - TTGDNN-GDTX - Doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm; kết nối GDNN với TTLĐ và việc làm bền vững.

Hai là, có quy định nội dung phối hợp giữa đào tạo nguồn nhân lực với thị trường lao động, đối với các doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp tác với TTGDNN-GDTX  đồng hành với các cơ sở dạy nghề trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

Ba là, kết nối công tác tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực có nhu cầu đào tạo nghề nghiệp với dự báo về TTLĐ, việc làm. Tăng cường phối hợp giữa TTDVVL - Cơ sở dạy nghề - Doanh nghiệp một cách đồng bộ, hợp tác có chiều sâu, thực hiện trách nhiệm phối hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo học sinh căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo gắn liền với việc làm bền vững.

Bốn là, trung tâm dịch vụ việc làm là cầu nối để tổ chức các hoạt động thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, thị trường xuất khẩu lao động có sự tham gia của các doanh nghiệp tuyển dụng trong việc tư vấn tuyển chọn lao động; tư vấn tuyển sinh học nghề gắn với việc làm; thực hiện các thỏa thuận cam kết giữa học sinh với cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; đồng thời doanh nghiệp cam kết giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Năm là, phối hợp với doanh nghiệp cùng tham gia tuyển sinh theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, lựa chọn nhóm ngành nghề phù hợp, mở rộng tuyển sinh; thu hút nguồn nhân lực tham gia; ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho người học (các hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp; đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp...).

Sáu là, tăng cường sự chỉ đạo của địa phương trong việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH trọng điểm của tỉnh, nhằm tạo mở thêm nhiều việc làm để thu hút giải quyết việc làm cho thanh niên. Phải tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm những điển hình tốt từ các địa phương  về sự hợp tác giữa các bên đặc biệt là thông tin về việc làm trống, về nhu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ cho sự phát triển các chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu của TTLĐ.

Một số hình ảnh đại biểu phát biểu tại
Hội thảo Tăng cường hợp tác kết nối TTDVVL với cơ sở GDNN tại Phú Thọ

23

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây