MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TUYỂN VÀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Thứ năm - 26/09/2019 17:29

      Trong xu thế hội nhập toàn cầu, nền kinh tế thế giới có rất nhiều biến động lớn. Thị trường lao động Việt Nam cũng trở lên linh hoạt và đa dạng hơn, vấn đề di cư quốc tế là mối quan tâm của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, dòng lao động nước ngoài vào Việt Nam ngày càng đông hơn. Nguyên nhân lao động nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng cao là do đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh dẫn đến nhu cầu lao động người nước ngoài vào việt Nam làm việc tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mới đòi hỏi người lao động nước ngoài (LĐNN) có kinh nghiệm và có chuyên môn mới đảm đương được công việc mà nhân lực trong nước chưa thể đáp ứng được.

1

Ảnh 1: Chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam

      LĐNN khi vào Việt Nam cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh; tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tạo môi trường cạnh tranh giữa lao động Việt Nam với LĐNN; góp phần đào tạo nhân lực tại chỗ theo tương tác thẩm thấu. Để phát huy vai trò của LĐNN tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần đề xuất những quy định về quản lý LĐNN lên Chính phủ để đưa ra những quy định quản lý phù hợp. Cụ thể như sau:
     
Một là, điều kiện LĐNN làm việc tại Việt Nam
      Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây: (1) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (2) Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; (3) Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; (4) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này.
      Hai là, các hình thức LĐNN làm việc tại Việt Nam
      Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (gọi là người lao động nước ngoài) theo các hình thức sau đây: (1) Thực hiện hợp đồng lao động; (2) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; (3) Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế; (4) Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; (5) Chào bán dịch vụ; (6) Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; (7) Tình nguyện viên; (8) Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; (9) Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; (10) Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
      Ba là, người sử dụng LĐNN tại Việt Nam
      Người sử dụng người LĐNN, bao gồm: (1) Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) Nhà thầu nước ngoài hoặc trong nước tham dự thầu, thực hiện hợp đồng; (3) Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập; (4) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; (5) Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; (6) Tổ chức sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; (7) Văn phòng của dự án nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; (8) Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật; (9) Các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; (10) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; (11) Hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; (12) Hộ kinh doanh, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
      Bốn là, quy định chuyên gia, lao động kỹ thuật, nhà quản lý, giám đốc điều hành
      (1) Chuyên gia là người LĐNN thuộc một trong các trường hợp sau: Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài; Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
      (2) Lao động kỹ thuật là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo.
      (3) Nhà quản lý, giám đốc điều hành là người LĐNN thuộc một trong các trường hợp: Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp [3] hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức; Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
      Năm là, báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người LĐNN
      (1) Người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người LĐNN đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là UBND cấp tỉnh) nơi người LĐNN dự kiến làm việc. Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người LĐNN thì người sử dụng lao động phải báo cáo UBND cấp tỉnh.
      (2) Trường hợp người LĐNN quy định tại các Khoản 3, 4, 5 và 8 Điều 172 Bộ luật Lao động và điểm e, điểm h, điểm i Khoản 2 Điều 7 Nghị định này thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người LĐNN.
      (3) UBND cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho người sử dụng lao động về việc sử dụng người LĐNN đối với từng vị trí công việc.
      Sáu là, sử dụng người LĐNN của nhà thầu
      (1) Trước khi tuyển người LĐNN, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người LĐNN cần huy động để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người LĐNN (có kèm theo xác nhận của chủ đầu tư) với Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu. Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu nước ngoài.
      (2) Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu. Trong thời hạn tối đa 02 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và 01 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển dưới 500 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người LĐNN vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.
      (3) Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng nội dung đã kê khai về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người LĐNN; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhà thầu thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người LĐNN làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật; theo dõi và quản lý người LĐNN thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam; hằng quý, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý người LĐNN của các nhà thầu theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
      Bảy là, trường hợp người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động
      Bao gồm: (1) Người LĐNN quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 172 của Bộ luật Lao động; (2) Các trường hợp người LĐNN khác không thuộc diện cấp giấy phép lao động, bao gồm: LĐNN di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải; LĐNN vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài; LĐNN được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; LĐNN được cơ quan, tổ chức của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt Nam; LĐNN tình nguyện viên có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam; vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm; LĐNN vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật; Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thành viên; LĐNN có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
      Tám là, xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động
      Người sử dụng lao động đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày người LĐNN bắt đầu làm việc, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 172 của Bộ luật lao động và điểm e, điểm i Khoản 2 Điều 7 Nghị định này thì không phải làm thủ tục xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
      Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, bao gồm: (1) Văn bản đề nghị xác nhận người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động; (2) Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; (3) Giấy tờ chứng minh người LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 01 bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc 01 bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận gửi người sử dụng lao động. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
      Chín là, điều kiện cấp giấy phép lao động.  Bao gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người LĐNN.
      Mười là, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Bao gồm: (1) Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; (2) Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ; (3) Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người LĐNN không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người LĐNN đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người LĐNN không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ; (4) Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
      Đối với một số nghề, công việc, văn bản chứng minh trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người LĐNN được thay thế bằng một trong các giấy tờ sau đây: (1) Giấy công nhận là nghệ nhân đối với những ngành nghề truyền thống do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp; (2) Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài; (3) Bằng lái máy bay vận tải hàng không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với phi công nước ngoài; (4) Giấy phép bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người LĐNN làm công việc bảo dưỡng tàu bay; (5) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật; ảnh mầu và các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài. Thời hạn của giấy phép lao động không quá 02 năm.
      Mười một, trình tự cấp giấy phép lao động
      Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người LĐNN dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người LĐNN dự kiến làm việc. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và phát hành thống nhất. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Đối với người LĐNN theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định này, sau khi người LĐNN được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người LĐNN phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
      Mười hai, trục xuất người lao động nước ngoài
      Người LĐNN làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định này (sau đây viết tắt là người LĐNN làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động) bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an trục xuất đối với trường hợp người LĐNN làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động. Trường hợp tổ chức và cá nhân phát hiện người LĐNN làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động thì thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người đó làm việc. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày xác định người LĐNN làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an trục xuất người LĐNN đó.
      Mười ba, xử lý vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
      Trục xuất người LĐNN làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây: LĐNN làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; LĐNN sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật. Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người LĐNN có giấy phép lao động đã hết hạn. (Các mức phạt như sau: Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người; Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người; Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 21 người trở lên). Đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại điểm c nêu trên bị hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.


Ảnh 2: Chuyên gia nước ngoài đang hướng dẫn cách vận hành dây chuyền cho lao động Việt Nam

      Trên đây là một số quy định về tuyển và quản lý LĐNN tại Việt Nam, với mục tiêu phát huy tối đa những lợi ích, tác động tích cực của LĐNN tới lao động Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Mong muốn có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mới được phát triển như mong đợi, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh cho đất nước.

 

------------------
[1] Báo cáo về tình hình lao động nước ngoài Việt Nam của Cục Việc làm, Bộ Lao động thương binh và xã hội.
[2] Quốc Hội (2012). Bộ luật Lao động.
[3] Quốc hội (2014). Luật số: 68/2014/QH13, ngày 26 tháng 11 năm 2014. Luật Doanh nghiệp.

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây