Thời gian qua hoạt động thanh tra đã giúp phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, phát hiện những sai phạm, kiến nghị biện pháp khắc phục và phòng ngừa, đồng thời phát huy những ưu điểm, các nhân tố tích cực; từ đó giúp các đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp có hiệu quả vào việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của các đơn vị. Hoạt động thanh tra có vai trò rất quan trọng, công tác thanh tra được thể hiện cụ thể trong các văn bản pháp luật về thanh tra, nhất là từ Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 đến Luật Thanh tra năm 2004, Luật Thanh tra năm 2010. Hoạt động thanh tra được xem như một khâu quan trọng của quản lý nhà nước, thể hiện qua các vai trò và ý nghĩa như là: chức năng thiết yếu của quản lý Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Phương thức bảo đảm pháp chế XHCN; Biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Điều 2 Luật Thanh tra năm 2010 khẳng định “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật”;
Đặc biệt trong việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hoạt động thanh tra càng có nhiệm vụ, vai trò rất quan trọng. Theo quy định của BHTN, khi tham gia BHTN, người lao động (NLĐ) sẽ được hưởng quyền lợi chính như: Hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN); Hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHTN, vẫn còn những hạn chế, do nhận thức về BHTN của NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa cao, nhiều lao động chưa hiểu rõ thông tin về chính sách BHTN. Nhiều doanh nghiệp nợ BHTN. Đặc biệt, trên thực tế hiện chưa đủ công cụ để quản lý lao động có việc làm nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của NLĐ. Vẫn còn tình trạng NLĐ vừa đi làm vừa hưởng TCTN. Mặt khác, thu hồi tiền TCTN cũng gặp khó do không kiểm soát được việc NLĐ di chuyển nơi ở, nơi làm việc tới địa phương khác,...
Theo báo cáo của thanh tra Bộ tại hội thảo đã cho thấy những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật về BHTN, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp khắc phục như sau:
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra chính sách bảo hiểm xã hội
thanh tra Bộ báo cáo tại hội thảo
1. Một số tồn tại, hạn chế của các đơn vị trong chấp hành luật về bảo hiểm thất nghiệp
- Không báo cáo định kỳ 6 tháng, hằng năm về Bộ LĐ- TBXH, việc báo cáo chỉ có các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) báo cáo về Sở và Cục Việc làm.
- Công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ).
- Chưa thực hiện thanh tra chuyên đề về BHTN mà chỉ lồng ghép với nội dung trong pháp luật lao động.
- Vi phạm về thời gian cấp sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), chốt sổ BHXH.
- Vi phạm thu BHTN không đúng mức quy định.
- Chi trả chế độ BHTN không đúng thời gian quy định từ tháng thứ hai trở đi, chi gộp nhiều tháng/lần.
- Chi hỗ trợ học nghề cho cả khóa học nghề của NLĐ mà không chi theo từng tháng theo quy định.
- Không thông báo cho Sở LĐ-TB&XH khi: sau 03 tháng kể từ ngày NLĐ hết thời hạn hưởng TCTN theo quyết định hưởng TCTN nhưng NLĐ không đến nhận tiền TCTN.
- Vi phạm về trốn đóng BHTN: +Toàn bộ lao động không được tham gia BHXH, BHTN, BHYT; + Còn một số lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng không được tham gia.
- Vi phạm về chậm đóng BHTN:
- Đóng BHTN không đúng mức: + Đóng BHXH, BHTN, BHYT cho NLĐ không đúng mức lương theo mức lương ừong thang, bảng lương đã xây dựng; + Từ 01/01/2018, mức lương làm căn cứ tham gia BHXH, BHTN, BHYT chưa đầy đủ các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung khác bắt buộc phải tham gia; + Tham gia BHTN cho lao động đã qua đào tạo hoặc lao động có chức danh công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ bằng lương tối thiểu vùng (thiếu 7% - 5%).
- Chưa trả khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHTN, BHYT cho NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
- Không đóng số tiền BHTN đã thu hoặc khấu trừ của NLĐ.
- Người được hỗ trợ học nghề không tham gia khoá học hoặc tham gia không đầy đủ nhưng cơ sở dạy nghề vẫn làm thủ tục thanh toán chế độ hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp. Đây chính là một hành vi trục lợi BHTN.
- NLĐ thất nghiệp học nghề trước khi có quyết định hỗ trợ học nghề.
- Lập hồ sơ thanh toán tiền hỗ trợ học nghề một lần cho toàn bộ khóa học nghề của NLĐ.
- NLĐ có việc làm mới trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng ký hưởng TCTN nhưng không thông báo mà vẫn đến nhận quyết định hưởng TCTN.
- NLĐ đã có việc làm mới nhưng hàng tháng vẫn đến TTDVVL thông báo chưa tìm được việc làm để tiếp tục hưởng TCTN. Đây cũng là một hành vi trục lợi BHTN.
- NLĐ thỏa thuận với NSDLĐ không tham gia BHXH, BHTN, BHYT (ngành chế biến thủy sản, gia công tại những địa phương thiếu lao động).
2. Khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thực hiện bảo hiểm thất nghiệp
Thông qua hoạt động thanh tra đã phát hiện được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện BHTN như:
- Các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ không khả thi, khó thực hiện. Thực tế qua thanh tra và báo cáo của các địa phương thời gian qua, chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ để hỗ trợ NSDLĐ duy trì việc làm, ngăn ngừa sa thải lao động.
- NLĐ khai báo tình trạng việc làm không trung thực hoặc không khai báo với cơ quan lao động dẫn đến tình trạng vừa đóng, vừa hưởng BHTN. Ngoài ra, còn có tình trạng lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN, nhưng chỉ một thời gian sau, NLĐ quay lại đúng với doanh nghiệp cũ.
- Số tiền chi TCTN cho NLĐ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi quỹ BHTN hàng năm, NLĐ mới chủ yếu quan tâm nhiều đến việc hưởng TCTN, số người có nhu cầu hỗ trợ học nghề còn thấp.
- Việc thu hồi tiền TCTN do NLĐ hưởng sai khó thực hiện vì không liên hệ được với NLĐ đã di chuyển sang địa phương khác làm việc.
- Đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN vẫn xảy ra khá phổ biến, một số doanh nghiệp có biểu hiện cố tình chây ỳ để chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN của NLĐ, ảnh hưởng đến việc chốt sổ BHXH khi chấm dứt HĐLĐ và NLĐ không đủ điều kiện hưởng TCTN, gây thiệt thòi cho NLĐ (do quy định về tháng liền kề đóng BHTN).
- Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHTN chưa đủ sức răn đe, giải pháp khởi kiện ra tòa án thông qua tổ chức Công đoàn khó thực hiện.
- Hầu hết doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc thông báo tình hình biến động lao động cho TTDVVL làm nên rất khó phát hiện đơn vị tuyển dụng lao động vào làm mới hoặc cho thôi việc.
- Do việc thực hiện BHTN có đến 3 đơn vị thực hiện, việc đối chiếu số liệu hưởng TCTN hàng tháng, các thông tin về đóng - hưởng BHTN chưa được thường xuyên và đồng bộ, việc luân chuyển quyết định hưởng, thông báo tạm dừng, hưởng tiếp qua hệ thống bưu điện cũng còn chậm nên nhiều trường hợp chi trả các chế độ chậm cho NLĐ hoặc không kịp thời ban hành quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng TCTN.
- Việc triển khai két nối phần mềm quản lý BHTN giữa TTDVVL và cơ quan BHXH còn nhiều khó khăn nên việc kiểm tra, kiểm soát dữ liệu chưa kịp thời để tránh gian lận, trục lợi quỹ BHTN.
3. Một số giải pháp thực hiện
- Sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHTN, ngoài các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả TCTN, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm cần chú ý các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho NLĐ bằng việc sửa đổi điều kiện, hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp duy trì công việc cho NLĐ.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về BHTN đúng đối tượng, phù hợp vơi địa phương, vùng miền.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN: hình thành cơ sở dữ liệu về thu, chi, quản lý đối tượng tham gia và hưởng BHTN ở Trung ương, tiến tới điện tử hóa quá trình thu, chi BHTN.
- Thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan LĐ-TB&XH, BHXH, thuế, đơn vị sử dụng lao động trong việc quản lý, giải quyết các chế độ BHTN cho NLĐ.
- Xây dựng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa TTDVVL và doanh nghiệp trong việc khai báo nhu cầu sử dụng lao động, tuyển lao động, thông báo biến động lao động trên địa bàn.
- Tăng cường đánh giá, rà soát các thủ tục hành chính về BHTN để giản lược các thủ tục không cần thiết mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, NSDLĐ.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm ừa tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHTN nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời./.
Một số hình ảnh đại biểu báo cáo tại hội thảo
|
![]() |
Bà Phạm Thị Hiền Phó chánh thanh tra |
Bà Phạm Thị Mai, Phó chánh thanh tra |
Thanh tra cùng với các phương thức kiểm tra, giám sát luôn luôn là hiện thân của kỷ cương pháp luật, là sự nhắc nhở thường xuyên đối với các đối tượng chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát phải tuân thủ pháp luật từ đó hạn chế sự vi phạm pháp luật. Đồng thời qua công tác thanh tra giúp đỡ, hướng dẫn các đối tượng thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Thanh tra, kiểm tra, giám sát là cách thức phân tích một cách sâu sắc, đầy đủ nhất các nguyên nhân, động cơ, mục đích, tính chất, mức độ của một hành vi vi phạm. Các kiến nghị, yêu cầu được đưa ra từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ hướng vào việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật mà còn có tác dụng khắc phục các kẽ hở của chính sách, pháp luật, ngăn ngừa những vi phạm pháp luật tương tự xảy ra ở một nơi khác hoặc vào một thời điểm khác. Hy vọng, thông qua hoạt động thường xuyên của công tác này, giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp và NLĐ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật về BHTN.
----------------
[1] Hội đồng Nhà nước (1990). Số: 33-LCT/HĐNN8, ngày 29/3/1990, Pháp lện của Hội đồng Nhà nước về Thanh tra.
[2] Quốc hội (2004). Số: 22/2004/QH11, ngày 15/6/2004, Luật về Thanh tra.
[3] Quốc hội (2010), Luật số: 56/2010/QH12, ngày 15/11/2010, Luật Thanh tra.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn