Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bản chất bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên trong xã hội thông qua một loạt các biện pháp công cộng để đối phó với các rủi ro xã hội, trước hết là khó khăn về kinh tế - xã hội do bị ngừng hoặc giảm nhiều về thu nhập, gây ra bởi ốm đau, mất khả năng lao động, tuổi già và chết; cung cấp chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con. Xu hướng chung của thế giới tiếp cận chính sách BHXH trên cơ sở thực hiện và bảo đảm quyền con người, theo hướng phổ quát (BHXH toàn dân). Từ đó, thiết kế chính sách BHXH đa tầng, theo nguyên tắc đóng - hưởng, có sự chia sẻ, trên cơ sở hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung, được nhà nước bảo hộ và tham gia đầu tư phát triển bền vững quỹ.
Mỗi quốc gia có thể lựa chọn mô hình BHXH đa tầng với những chính sách BHXH cụ thể, phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong quá trình hội nhập. Ở Việt Nam, chính sách BHXH là một trong những chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước. Các chế độ BHXH ở Việt Nam bao gồm: (1) BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; (2) BHXH tự nguyện bao gồm các chế độ: hưu trí; tử tuất; (3) Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bao gồm các chế độ: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tìm việc làm.
Ảnh 1: Toàn cảnh Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VII
Chính sách BHXH đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần giúp đời sống người dân được đảm bảo ổn định. Tuy nhiên, nó cũng còn những bất cập như: hệ thống BHXH vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa thật gắn kết chặt chẽ hữu cơ với hệ thống các tầng an sinh xã hội; mô hình BHXH lấy số thu BHXH của người đang đi làm để chi trả lương hưu cho người đã nghỉ hưu; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH chưa bảo đảm thống nhất vào một đầu mối; năng lực cán bộ còn hạn chế, chuyên gia đầu ngành ít; đối tượng tham gia BHXH chưa đạt mục tiêu đặt ra. Để khắc phục những hạn chế của chính sách BHXH, đồng thời phát huy tối đa tác dụng tích cực trong đời sống xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH [1]. Trong năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như:
Một là, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết. Các cơ quan, đơn vị trong ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình phối hợp với cấp ủy cùng cấp tổ chức triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt qác nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 125/NQ-CP [2] tới toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung và kết quả thực hiện Nghị quyết số 28- NQ/TW, Nghị quyết số 125/NQ-CP trên các phương tiện thông tin, báo chí nhằm nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHTN, tạo sự đồng thuận trong thực hiện cải cách chính sách BHXH. Cụ thể: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động tham mưu công tác phối hợp với Ban Tuyên giáo các cấp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH; xây dựng Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN và định hướng cải cách chính sách BHXH, BHTN.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết về cải cách chính sách BHXH; các đơn vị chức năng thuộc Bộ thực hiện việc rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan tới BHXH, trình Ban cán sự Đảng, Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính phủ ban hành Nghị quyết 125/NQ-CP Cương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, giai đoạn đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 80%. Phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHTN. Bao gồm các hoạt động: Đề xuất các biện pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH [3]; tăng cường phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN; tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam thường xuyên tiến hành rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực của Ngành. Trong đó, trọng tâm là rà soát các thủ tục hành chính đã ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản của Ngành để đánh giá toàn diện hệ thống văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ.
Năm là, xây dựng Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN. Năm 2018, Đề án cải cách chính sách BHXH đã được thảo luận và thông qua tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28-NQ/TW) với mục tiêu tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Đây là những chủ trương lớn có tính đột phá của Đảng và Nhà nước ta thể hiện sự quan tâm toàn diện đến yếu tố con người trong công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước.
Sáu là, hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH. Cụ thể là: xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH, xây dựng kế hoạch phê chuẩn các cam kết quốc tế, bao gồm các công ước và khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế về BHXH.
Bảy là, xây dựng kế hoạch kiện toàn cơ cấu nhân sự, bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ [4] ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả [5]; Kế hoạch số 07- KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả [6].
Tám là, đảm bảo nguồn lực kinh phí để thực hiện các mục tiêu, nội dung của Kế hoạch hành động. Cụ thể, Vụ Kế hoạch - Tài chính bố trí nguồn lực cho các hoạt động triển khai, thực hiện Nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch của Ban cán sự Đảng Bộ; Vụ Bảo hiểm xã hội, Cục Việc làm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, và Vụ Kế hoạch - Tài chính vận động, kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các đối tác quốc tế để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Bộ, ngành về cải cách chính sách BHXH.
Ảnh 2. Bộ phận chi trả lương hưu cho người lao động hết tuổi làm việc
Trên đây là nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH và Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Lãnh đạo Bộ, tỉnh, sở địa phương có trách nhiệm phối hợp với cấp ủy các cấp phổ biến nội dung của Kế hoạch này tới toàn thể cán bộ thuộc quyền quản lý; căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhằm nâng cao nhận thức cho toàn dân về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH.
---------------------
[1] Ban Chấp hành Trung ương (2018). Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội.
[2] Chính phủ (2018). Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018, Nghị quyết ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
[3] Chính phủ (2018). Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH
[4] Chính phủ (2018). Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ, Nghị quyết ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ mày của hệ thống chính trị tinh gon, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
[5] Ban Chấp hành Trung ương (2017). Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
[6] Quốc hội (2014). Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn