Lao động là một trong các yếu tố đầu vào quan trọng, một thành phần không thể thiếu trong bất cứ một đơn vị doanh nghiệp nào. Không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại nếu không có nguồn lao động đáp ứng hoạt động và vận hành của bộ máy. Nguồn lao động bao gồm tất cả những người đang làm việc tại doanh nghiệp ở tất cả các vị trí khác nhau. Đây là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Con người dù ở mọi vị trí, mọi đơn vị khác nhau đều là những chủ thể quan trọng trong việc sáng tạo và phát huy những lợi thế của doanh nghiệp. điều đó càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển thì nguồn lao động chất lượng cao càng trở nên quan trọng. Chính vì vậy, lao động luôn là yếu tố được các doanh nghiệp chú trọng quan tâm đầu tư cả về chất và về lượng.
Ảnh 1: Doanh nghiệp tuyển lao động tại các địa phương
Thực hiện theo tinh thần Công văn số 81/CVL-TTQGDVVL ngày 29 tháng 01 năm 2019 về việc cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển lao động và bảo hiểm thất nghiệp, tổng hợp số liệu thu được từ các tỉnh trong cả nước cho thấy: các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng lao động là 6.317 đơn vị. Cụ thể các tỉnh có số lượng doanh nghiệp lớn như: Lâm Đồng 1125 đơn vị; Vĩnh Long 1125 đơn vị; Đắk Lắk 535 đơn vị; An Giang 380 đơn vị; Thái Bình 315 đơn vị; Khánh Hoà 232 đơn vị; Đồng Nam 226 đơn vị; Quảng Ninh 213 đơn vị; Bình Định 206 đơn vị… Các tỉnh có số lượng doanh nghiệp nhỏ như: Tây Ninh 25 đơn vị; Phú Yên 34 đơn vị; Hậu Giang 41 đơn vị; Bình Phước 43 đơn vị; Ninh Bình 51 đơn vị; Trà Vinh 51 đơn vị; Hải Dương 55 đơn vị. Còn lại các địa phương có số lượng các doanh nghiệp ở mức trung bình như: Lào Cai 103 đơn vị; Hải Phòng 133 đơn vị; Hà Nam 109 đơn vị; Nghệ An 164 đơn vị; Quảng Bình 96 đơn vị; Quảng Ngãi 110 đơn vị; Bình Thuận 95 đơn vị; Gia Lai 122 đơn vị; Tiền Giang 177 đơn vị; Bến Tre 141 đơn vị; Cần Thơ 133 đơn vị; Sóc Trăng 59 đơn vị; Đồng Tháp 177 đơn vị; Bạc Liêu 55 đơn vị.
Cụ thể, ở mỗi địa phương, tuỳ thuộc vào đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi thế địa lý, lợi thế dân cư… nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là khác nhau. Cụ thể con số của một số địa phương đại diện như sau:
Tỉnh Đồng Tháp với nhu cầu lao động lớn nhất cả nước, chỉ với 177 doanh nghiệp, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động lên đến 47.022 người, trong đó cần 11.731 nam (chiếm 24,9%) và 35.291 nữ (chiếm 75,1%). Nếu xét theo trình độ người lao động, các doanh nghiệp cần 46.363 người lao động không có bằng cấp chứng chỉ; 23 người có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp; 362 người có bằng trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp; 259 người có bằng cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp; 15 người có trình độ đại học và trên đại học. Trong đó cần 33.618 người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (chiếm 71,5%) ; 5.470 người làm trong lĩnh vực dịch vụ và 7.934 người làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Từ trình độ tuyển dụng lao động, nếu chia theo các vị trí việc làm của người tuyển dụng thì vị trí kế toán cần 43 người; công nhân may cần 32.615 người (chiếm 69,4%), công nhân điện cần 159 người (chiếm 0,3%); và các ngành khác cần 14.205 người (chiếm 30,2%).
Trà Vinh với nhu cầu lao động lớn thứ hai cả nước, chỉ với 51 doanh nghiệp, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động lên đến 44.383 người, trong đó cần 17.491 nam (chiếm 39,4%) và 26.892 nữ (chiếm 60,6%). Nếu xét theo trình độ người lao động, các doanh nghiệp cần 43.541 người lao động không có bằng cấp chứng chỉ; 500 người có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp; 163 người có bằng trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp; 155 người có bằng cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp; 24 người có trình độ đại học và trên đại học. Trong đó cần 44.333 người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (chiếm 99,8%); 50 người làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Từ trình độ tuyển dụng lao động, nếu chia theo các vị trí việc làm của người tuyển dụng thì vị trí kế toán cần 15 người; công nhân may cần 26.685 người (chiếm 60,2%), công nhân điện cần 60 người (chiếm 0,01%); và các ngành khác cần 17.623 người (chiếm 39,7%).
Nghệ An với nhu cầu lao động lớn thứ ba cả nước, chỉ với 164 doanh nghiệp, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động lên đến 38.552 người, trong đó cần 7.194 nam (chiếm 18,7%) và 31.358 nữ (chiếm 81,3%). Nếu xét theo trình độ người lao động, các doanh nghiệp cần 36.084 người lao động không có bằng cấp chứng chỉ; 1.304 người có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp; 749 người có bằng trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp; 248 người có bằng cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp; 167 người có trình độ đại học và trên đại học. Trong đó cần 36.688 người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (chiếm 95,2%) ; 178 người làm trong lĩnh vực dịch vụ và 1.686 người làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Từ trình độ tuyển dụng lao động, nếu chia theo các vị trí việc làm của người tuyển dụng thì vị trí kế toán cần 106 người; công nhân may cần 14.569 người (chiếm 37,8%), công nhân điện cần 668 người (chiếm 1,7%); và các ngành khác cần 23.209 người (chiếm 60,2%).
Lào Cai với 103 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lao động là 22.989 người, trong đó cần 8.434 nam (chiếm 36,7%) và 14.555 nữ (chiếm 73,3%). Nếu xét theo trình độ người lao động, các doanh nghiệp cần 21.902 người lao động không có bằng cấp chứng chỉ; 79 người có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp; 925 người có bằng trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp; 48 người có bằng cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp; 35 người có trình độ đại học và trên đại học. Trong đó cần 22.438 người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (chiếm 97,6%) ; 528 người làm trong lĩnh vực dịch vụ và 23 người làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Từ trình độ tuyển dụng lao động, nếu chia theo các vị trí việc làm của người tuyển dụng thì vị trí kế toán cần 19 người; công nhân may cần 10.000 người (chiếm 43,5%), công nhân điện cần 12.317 người (chiếm 53,6%); và các ngành khác cần 653 người (chiếm 2,84%).
Ảnh 2: Người lao động đi tìm kiếm thông tin việc làm ở các Doanh nghiệp nước ngoài
Tỉnh có nhu cầu lao động thấp nhất cả nước là tỉnh Bạc Liêu với 55 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lao động là 165 người, trong đó cần 91 nam (chiếm 55,2%) và 74 nữ (chiếm 44,8%). Nếu xét theo trình độ người lao động, các doanh nghiệp cần 86 người lao động không có bằng cấp chứng chỉ; 1 người có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp; 70 người có bằng trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp; 2 người có bằng cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp; 6 người có trình độ đại học và trên đại học. Trong đó cần 16 người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (chiếm 9,7%) ; 10 người làm trong lĩnh vực dịch vụ và 139 người làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Từ trình độ tuyển dụng lao động, nếu chia theo các vị trí việc làm của người tuyển dụng thì vị trí kế toán cần 7 người (chiếm 4,2%); công nhân may cần 1 người, công nhân điện cần 8 người (chiếm 4,8%%); và các ngành khác cần 149 người (chiếm 90,3%).
Tỉnh có nhu cầu lao động thấp thứ hai trong nước là tỉnh Bình Thuận với 95 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lao động là 441 người, trong đó cần 318 nam (chiếm 72,1%) và 123 nữ (chiếm 27,9%). Nếu xét theo trình độ người lao động, các doanh nghiệp cần 311 người lao động không có bằng cấp chứng chỉ; 22 người có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp; 60 người có bằng trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp; 31 người có bằng cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp; 17 người có trình độ đại học và trên đại học. Trong đó cần 204 người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (chiếm 46,25%) ; 123 người làm trong lĩnh vực dịch vụ và 114 người làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Từ trình độ tuyển dụng lao động, nếu chia theo các vị trí việc làm của người tuyển dụng thì vị trí kế toán cần 24 người (chiếm 5,44%); công nhân điện cần 17 người (chiếm 3,9%); và các ngành khác cần 400 người (chiếm 90,7%).
Tổng hợp số liệu về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại các tỉnh trên địa bàn cả nước cho thấy: sự phát triển về quy mô, về chiều rộng của các doanh nghiệp trên từng địa bàn, từ đó thấy được xu hướng phát triển của từng địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các giải pháp để cân đối việc di chuyển lao động giữa các tỉnh, chú ý vấn đề nhà ở, cuộc sống của lao động di cư.
-------------------------
[1] Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Cục Việc làm (2019). Công văn số 81/CVL-TTQGDVVL ngày 29 tháng 01 năm 2019 về việc cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển lao động và bảo hiểm thất nghiệp.
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn