NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Thứ ba - 17/12/2019 10:31

Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) quy định trong Luật Việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách BHTN trong Luật BHXH năm 2006 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009). Đây là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là một công cụ quản trị thị trường lao động (TTLĐ) hữu hiệu với mục tiêu hỗ trợ người lao động (NLĐ); bảo vệ, duy trì phát triển việc làm, ngăn ngừa, hạn chế sa thải lao động dẫn đến thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho NLĐ để họ sớm tìm được việc làm; thay thế, bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi thất nghiệp góp phần bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị - xã hội. Sau hơn 10 năm thực hiện, chính sách BHTN về cơ bản đã hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện đã đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, được NLĐ và NSDLĐ đón nhận một cách tích cực, là chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Theo báo cáo của Cục Việc làm tại Hội thảo Giải pháp nhằm hạn chế và khắc phục những bất cập trong thực hiện chính sách BHTN tổ chức tại TP. Ninh Bình cho thấy:

1. Công tác triển khai thực hiện

v Công tác chỉ đạo, điều hành

- Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, trong đó, đã xác định BHXH, BHTN, BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển KT-XH.

- Ngày 23/5/2018, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH (bao gồm BHTN) trong đó đã xác định mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị TTLĐ.

- Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời các vướng mắc cho các địa phương liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, hướng dẫn thực hiện việc giúp đỡ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh; giải quyết BHTN đối với NLĐ tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện BHTN;...

- Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương,... nhằm đảm bảo thực hiện đúng và hiệu quả các quy định của pháp luật, đảm bảo các điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp...

- Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, thực hiện các nội dung quản lý nhà nước liên quan đến chính sách BHTN và giải quyết chế độ BHTN cho NLĐ.

v Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHTN đã được đặc biệt quan tâm ở các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền; đa dạng về hình thức và nội dung, tạo nhiều kênh thông tin để NLĐ, NSDLĐ có thể tiếp cận thông tin về chính sách BHTN như: tuyên truyền về chính sách BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo, tạp chí chuyên ngành, báo điện tử…); In ấn tờ rơi, pano, áp phích, băng thả, băng ngang; tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHTN; tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về BHTN; tuyên truyền thông qua hoạt động của sàn giao dịch, điểm giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc kết hợp lồng ghép hoạt động tuyên truyền BHTN với các hoạt động tuyên truyền về chính sách sách pháp luật trên địa bàn,... Ngoài ra, còn kết hợp tuyên truyền về BHTN tại ngày hội chợ việc làm cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp tại các trường, các buổi nói chuyện, tọa đàm, cuộc họp với NLĐ tại doanh nghiệp,... Kết quả của công tác tuyên tryền, phổ biến pháp luật đã nâng cao hiểu biết, nhận thức của NLĐ, NSDLĐ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện BHTN.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục việc làm
báo cáo tại hội thảo

v Công tác thanh tra, kiểm tra

Hàng năm, Cục Việc làm triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện BHTN tại Trung tâm DVVL các tỉnh/thành phố; phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra chuyên đề về triển khai thực hiện chính sách BHTN tại các địa phương và lồng ghép thanh tra chính sách BHTN trong các Đoàn thanh tra pháp luật về lao động hoặc BHXH. Từ năm 2015-2019, đã tổ chức thanh tra tại 22 tỉnh/thành phố (Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang), kiểm tra tại 30 TTDVVL (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh).

Qua công tác thanh tra hằng năm đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt chính sách BHTN. Đồng thời, tiếp nhận những phán ảnh, kiến nghị từ phía các đơn vị đối với các cơ quan nhà nước, góp phần hoàn thiện chính sách BHTN, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và an sinh xã hội. Ngoài ra, thông qua hoạt động thanh tra đã kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm từ đó nâng cao ý  thức tuân thủ pháp luật BHTN.

2. Những kết quả đạt được

2.1. Tham gia và thu bảo hiểm thất nghiệp

                                                            Đơn vị tính: người, tỷ đồng

(Nguồn: Báo cáo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Số lượng người tham gia BHTN liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: nếu năm 2009 chỉ có 5.993.300 người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia tăng 11,8% so với năm 2014; năm 2017 có 11.774.742 người tham gia tăng 8,1% so với năm 2016; năm 2018 có 12.680.173 người tham gia tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (14,45 triệu người); tính đến tháng 11/2019 có 13.240.000 người tham gia BHTN.

Tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm, tính đến thời điểm năm 2018, bình quân tiền đóng BHTN hằng tháng của NLĐ là 4.937.117 đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017, tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là 15.531 tỷ đồng, tăng 14,9%  so với tổng số tiền thu năm 2017 (13.517 tỷ đồng). Số thu BHTN 11/2019 là 15.477 tỷ đồng.

2.2. Tiếp nhận và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Đơn vị tính: người


(Nguồn: Tổng hợp số liệu tình hình thực hiện BHTN của các địa phương)

v Tư vấn, giới thiệu việc làm

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng được các TTDVVL chú trọng, đa dạng hóa các hình thức và cải tiến quy trình thực hiện nên số người được tư vấn, giới thiệu việc làm có xu hướng tăng theo từng năm, nhiều người trong số đó sau khi được tư vấn, giới thiệu việc làm đã nhận việc làm mới thay vì đề nghị hưởng TCTN: nếu năm 2010 có 125.562 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, đến năm 2015 là 463.859 lượt người (tăng 3,6 lần so với năm 2010) thì đến năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.390.429 lượt người tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010 và tăng gấp 3 lần so với năm 2015. 11 tháng đầu năm 2019 số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.473.907 tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2018 (1.233.965 người), đưa tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm từ năm 2010 đến nay lên hơn 6,7 triệu lượt người, trong đó số người được giới thiệu việc làm chiếm khoảng 20% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.

v Hỗ trợ học nghề

Theo báo cáo của các địa phương, những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg: Nếu năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề, năm 2015 có 24.363 người, đến năm 2018 đã có 34.723 người được hỗ trợ học nghề (tăng 42,5% so với năm 2015). 11 tháng đầu năm 2019 có 38.422 người được hỗ trợ học nghề (tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp thì số lượng người học nghề chưa cao (chỉ chiếm khoảng 4%), nguyên nhân chủ là do: Đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác nên khi bị mất việc làm NLĐ chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp để duy trì cuộc sống và dành thời gian tìm kiếm việc làm mới; nhu cầu tuyển lao động phổ thông rất lớn nên NLĐ dễ dàng tìm kiếm được việc làm mà không cần học nghề hoặc nếu có học nghề thì NLĐ cũng chỉ được doanh nghiệp bố trí công việc và trả lương theo vị trí lao động phổ thông; NLĐ nghỉ việc có xu hướng chuyển về quê tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, hợp lý hóa gia đình; tại một số địa phương, NLĐ ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu do đó chưa hấp dẫn NLĐ tham gia học nghề,…

v Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

Theo báo cáo của các địa phương, không có NSDLĐ hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ do một số nguyên nhân như: Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác theo quy định để được hưởng chế độ. Mặt khác, đây là một chế độ mới, quy định về điều kiện hưởng chế độ này khá chặt chẽ và hiếm khi xảy ra cũng là lý do NSDLĐ khó tiếp cận và đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ này.

v Tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Số người có quyết định hưởng TCTN: Theo báo cáo của các địa phương, số người có quyết định hưởng TCTN có xu hướng tăng hằng năm, năm 2010 chỉ có 156.765 người có quyết định hưởng TCTN, năm 2015 có 526.309 người có quyết định hưởng TCTN, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực với việc thay đổi cách tính thời gian hưởng BHTN, tỷ lệ tăng số người có quyết định hưởng TCTN giai đoạn 2015-2018 là khá ổn định, tỷ lệ bình quân là 12,5% (năm 2016 tăng 11,4% so với năm 2015, năm 2017 tăng 14,5% so với năm 2016 và năm 2018 có 763.573 người hưởng TCTN, tăng 13,7% so với năm 2017, tăng gần 4 lần so với năm 2010). 11 tháng đầu năm 2019 có 750.786 người hưởng TCTN, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018 (683.358 người).

Trong thời gian hưởng TCTN, NLĐ còn được cung cấp thông tin, TTLĐ và hưởng BHYT để có thể khám chữa bệnh và sớm trở lại TTLĐ.

2.3. Chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Do số người được hưởng các chế độ BHTN tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ BHTN tăng: năm 2015 tổng chi các chế độ BHTN là 4.882,9 tỷ đồng (tăng 1,3% so với năm 2014), năm 2016 là 5.171 tỷ đồng (tăng 5,9% so với năm 2015), năm 2017 là 7.831 tỷ đồng (tăng 36,31% so với năm 2016), năm 2018 là 9.722 tỷ đồng, trong đó chi cho TCTN chiếm 92,8%, chi hỗ trợ học nghề chiếm 0,9%, chi BHYT chiếm 4,1% so với tổng chi cho các chế độ BHTN. 11 tháng đầu năm 2019 tổng chi các chế độ BHTN là 6.735 tỷ đồng.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ước kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2018 là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2025, Qũy BHTN vẫn đảm bảo an toàn.


Hình ảnh đại biểu phát biểu tại hội thảo

BHTN được xem là giải pháp để giải quyết tình trạng thất nghiệp, nhằm trợ giúp kịp thời cho NLĐ trong thời gian chưa tìm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới. Chính sách BHTN là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, nhưng quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm cho NLĐ. Có thể nói, chính sách BHTN có vai trò rất quan trọng đối với NLĐ, vì vậy cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chính sách BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHTN, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về BHTN,… nhằm  nâng cao hiểu biết, nhận thức cho NLĐ, NSDLĐ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện BHTN.

-----------------

[1] Quốc hội (2013). Luật số: 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013, Luật Việc làm.
[2] Chính phủ (2015). Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
[3] Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
[4] Bộ LĐ-TB&XH (2015). Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
[5] Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số: 51/2018/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 12 năm 2018, Quyết định về chi phí quản lí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2019-2021.
 [6] Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2017). Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, Quyết định ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp; quản lí sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây