Việc tuyển dụng và quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam là một nội dung vô cùng quan trọng đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổ chức doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Chính vì vậy Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc tuyển dụng và quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam [1] và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP nêu trên [2]. Nội dung cụ thể như sau:
Ảnh 1: Thông báo tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
Một là, tuyển dụng lao động. Việc tuyển người lao động Việt Nam làm việc cho người sử dụng lao động Việt Nam; làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) theo quy định tại Điều 11 và Khoản 2 Điều 168 của Bộ luật lao động [3] được quy định như sau: (1) Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển người lao động Việt Nam; (2) Người lao động có quyền trực tiếp với người sử dụng lao động hoặc đăng ký tại tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm.
Hai là, thủ tục, trình tự tuyển lao động.
- Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao dộng phải thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động. Nội dung thông báo bao gồm: Nghề, công việc, trình độ chuyên môn, số lượng cần tuyển; Loại hợp đồng dự kiến giao kết; Mức lương dự kiến; Điều kiện làm việc cho từng vị trí công việc. Việc thông báo công khai về tuyển dụng lao động được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau đây: (1) Niêm yết tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện nơi tuyển lao động; (2) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (có phiếu đăng ký dự tuyển lao động được thực hiện theo mẫu quy định). Nếu người lao động có nhu cầu trả lại hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động phải thực hiện yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày thông báo kết quả tuyển lao động.
- Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người lao động gồm các văn bản sau đây: (1 ) Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu do Bộ Lao động thuương binh và Xã hội quy định; (2) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn kỹ thuật; trình độ ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí cần tuyển; (3) Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; (4) Các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
- Khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm quản lý hồ sơ và thông báo cho người lao động thời gian tuyển lao động.
- Người sử dụng lao động, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai kết quả tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.
- Trường hợp người lao động không trúng tuyển hoặc không tham dự tuyển, người sử dụng lao động, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải trả lại đầy đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động yêu cầu.
- Người sử dụng lao động chi trả các chi phí cho việc tuyển lao động và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh các khoản chi phí sau đây: (1) Thông báo tuyển lao động; (2) Tiếp nhận, quản lý hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động; (3) Tổ chức thi tuyển lao động; (4) Thông báo kết quả tuyển lao động. Trường hợp tuyển lao động thông qua tổ chức dịch vụ việc làm thì người sử dụng lao động phải thanh toán tiền phí dịch vụ việc làm về tuyển lao động cho tổ chức dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật.
Ba là, báo cáo sử dụng lao động
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Việc khai trình sử dụng lao động khi bắt đầu hoạt động của người sử dụng lao động được thực hiện theo mẫu số 05 ban hành trong Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH.
- Định kỳ 06 tháng và hằng năm, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi về lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Người sử dụng lao động báo cáo tình hình thay đổi về lao động trước ngày 25 tháng 5 và ngày 25 tháng 11 hằng năm theo mẫu số 07 của Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH [2].
- Định kỳ 06 tháng và hằng năm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải báo cáo số lao động cho thuê lại với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
- Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình sử dụng và thay đổi về lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về việc khai trình sử dụng lao động, tình hình thay đổi về lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương trước ngày 05 tháng 6 và ngày 05 tháng 12 hàng năm theo các mẫu số 06, 08 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH [2].
- Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình sử dụng và thay đổi về lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về việc khai trình sử dụng lao động, tình hình thay đổi về lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương trước ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 12 hằng năm theo các mẫu số 06, 08 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH [2].
Bốn là, lập, quản lý và sử dụng sổ quản lý lao động. Người sử dụng lao động lập số quản lý lao động, quản lý và sử dụng số theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cụ thể như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
- Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức sổ quản lý lao động bằng bản giấy hoặc bản điện tử phù hợp với nhu cầu quản lý nhưng phải đảm bảo các nội dung cơ bản về người lao động sau đây: Họ và tên, giới tính, năm sinh, quốc tịch, địa chỉ, số chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu); Trình độ chuyên môn kỹ thuật; Bậc trình độ kỹ năng nghề; Vị trí việc làm; Loại hợp đồng lao động; Thời điểm bắt đầu làm việc; Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Tiền lương; Nâng bậc, nâng lương; Số ngày nghỉ trong năm, lý do; Số giờ làm thêm (vào ngày thường; nghỉ hằng tuần; nghỉ hằng năm; nghỉ lễ, tết); Hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và lý do.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực và cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ quản lý lao động.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động đúng mục đích và xuất trình khi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện; thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan nhà nước có liên quan yêu cầu.
Ảnh 2: Người lao động tham gia ngày hội tuyển dụng lao động
Trên đây là một số quy định về việc tuyển dụng và quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam theo Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc tuyển dụng và quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam và Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 29/8/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành và trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, thì phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn kịp thời và chi tiết.
---------------------------
[1] Chính phủ (2014). Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm.
[2] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2014). Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Việc làm.
[3] Quốc hội (2012). Luật số: 10/2012/QH13, ngày 18 tháng 6 năm 2012, Bộ luật lao động.
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn