Hiện nay, trong bối cảnh tác động của Cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi nhanh chóng những đòi hỏi từ thế giới việc làm - thị trường lao động (TTLĐ), việc cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng ngày hôm nay có thể nhanh chóng lạc hậu vào ngày mai. Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp,… sẽ mất lợi thế cạnh trạnh, một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị thải hồi, đặc biệt có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ TTLĐ. Vì thế, cách tiếp cận hệ thống giáo dục - đào tạo mở đã có những thay đổi căn bản: từ đào tạo chuyên môn hóa sâu sang đào tạo đa kỹ năng cho người lao động để họ có thể đương đầu với những thách thức đó.
Theo phân tích của các chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định: Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là “Lao động tri thức” kể cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà rô bốt không thể làm thay. Từ đó, cho thấy TTLĐ Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này. Trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot;
Trong báo cáo tại Hội nghị truyền thông về việc làm ở TP. Cần Thơ ngày 17-18/9/2019, tác giả Trần Anh Tuấn đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về nhu cầu nhân lực, dự báo ngành nghề trước mắt và trong tương lai của TP. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như sau:
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Dự báo nhân lực báo cáo tại hội nghị
1. Nhu cầu nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phía nam
1.1. Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương được xếp loại đô thị đặc biệt của Việt Nam, cùng với thủ đô Hà Nội. Năm 2018, TP. Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính Việt Nam xếp thứ nhất về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ nhất về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 24 về tốc độ tăng trưởng GRDP. GRDP đạt 1.331.440 tỉ Đồng (tương ứng với 52,92 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 154,84 triệu đồng (tương ứng với 6.725 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,30%.
Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh gồm 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,06 km². Theo kết quả điều tra dân số chính thức vào thời điểm ngày 01/4/2009, dân số thành phố là 7.162.864 người (chiếm 8,34% dân số Việt Nam), mật độ dân số trung bình 3.419 người/km². Đến năm 2019, dân số thành phố tăng lên 8.993.082 người và cũng là nơi có mật độ dân số cao nhất Việt Nam. Giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh chiếm 21,3% tổng sản phẩm (GDP) và 29,38% tổng thu ngân sách của cả nước [4].
Giai đoạn 2019-2025 TP. Hồ Chí Minh cần nhân lực 300.000 người/năm, ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 09 ngành dịch vụ, 04 ngành công nghiệp chủ lực (Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; Điện tử và Công nghệ thông tin; Chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; Hóa chất - Hóa dược và mỹ phẩm).
Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ rất cao như: Quản lý kinh tế - kinh doanh - quản lý chất lượng; Du lịch - nhà hàng - khách sạn, marketing - nhân viên kinh doanh; Tài chính - ngân hàng (nhân lực chuyên môn cao, ở cấp độ quản lý); Kế toán - kiểm toán; tư vấn - bảo hiểm; Pháp lý - luật; Nghiên cứu - khoa học; Quản lý nhân sự;…
Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như: nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch, tư vấn - bảo hiểm,… và nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề như: cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh,...
v Trong tổng nhu cầu nhân lực, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 70%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 28%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 2%.
v Trong tổng nhu cầu nhân lực, nhu cầu nhân lực thành phố tập trung chủ yếu là 04 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 09 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ, cụ thể:
- 04 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu (Các ngành nghề điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa - cơ điện tử, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến lương thực - thực phẩm); chiếm tỷ trọng 21%.
Các nhóm ngành công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực hiện đề án đô thị thông minh, trọng tâm là công nghệ vi mạch, trí tuệ nhân tạo, mạng internet vạn vật và big data; ngành cơ khí chế tạo (phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cơ khí chế tạo thành phố); nhóm ngành hóa chất, trọng tâm là ngành hóa dược và nhóm ngành chế biến thực phẩm.
- 09 nhóm ngành kinh tế dịch vụ (tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; Giáo dục - đào tạo; Du lịch; Y tế; Kinh doanh tài sản - bất động sản; Dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai; Thương mại; Dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin) chiếm tỷ trọng 42%.
Các nhóm ngành dịch vụ - thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, dịch vụ bất động sản, tạo tiền đề để TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh dịch vụ khoa học - công nghệ để trở thành trung tâm khoa học - công nghệ trong giai đoạn 2021-2025 thông qua thực hiện đề án đô thị thông minh, cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại, trung tâm tài chính khu vực, ứng dụng công nghệ 4.0 (trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, big data…), đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh.
- Các ngành nghề khác chiếm tỷ trọng 37%: quản trị kinh doanh (ngoại thương, xuất nhập khẩu, logistic), marketing, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, dệt may - giày da, thiết kế mỹ thuật ứng dụng, thiết kế thời trang, công nghệ truyền thông, chăm sóc sức khỏe (nha sỹ, y sỹ, kỹ thuật y, công nghệ y sinh), khoa học - xã hội - văn hóa - nghệ thuật, công nghệ nông nghiệp (bác sỹ thú y, gây giống cây trồng, sinh vật cảnh, thiết kế cảnh quan), công nghệ sinh học và chế biến thủy hải sản.
v Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3-5%.
1.2. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực nam của Việt Nam, còn được gọi là Vùng đồng bằng sông Mê Kông, Vùng đồng bằng Nam Bộ, Vùng Tây Nam Bộ, Cửu Long có 1 thành phố trực thuộc trung ương là TP. Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2019, Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng có tổng diện tích các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất Việt Nam (40.548,2 km²) và có tổng dân số toàn vùng là 17.273.630 người. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13% diện tích cả nước nhưng có gần 18% dân số cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%). Chỉ riêng lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng. Chưa kể thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước,... Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đứng về phương diện thu nhập vẫn còn nghèo hơn cả nước: thu nhập bình quân đầu người với mức 40,2 triệu đồng (cả nước là 47,9 triệu đồng/người/năm) [1].
Giai đoạn 2019-2025 nhu cầu nhân lực 500.000 người/năm, phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, cơ khí, tài chính, thương mại, ngân hàng, nông nghiệp, thủy sản...;
1.3. Vùng Tây Nguyên
Vùng Tây Nguyên là khu vực với địa hình cao nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên là một trong 3 tiểu vùng của miền Trung. Tây Nguyên cùng với Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ hợp thành miền Trung Việt Nam. Và vùng này là vùng mà không giáp biển và khá gần xích đạo nên vừa nắng vừa hạn hán [2].
Giai đoạn 2019-2025 nhu cầu nhân lực 150.000 người/năm, có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện và công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản, công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và tiềm năng phát triển du lịch;
1.4.Vùng Đông Nam bộ
Đông Nam Bộ là một trong hai phần của Nam Bộ Việt Nam (Miền Đông). Trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 08 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.
Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/4/2009, dân số vùng Đông Nam Bộ là 14.025.387 người, chiếm 16,34% dân số Việt Nam, là vùng có tốc độ tăng dân số cao nhất nước, do thu hút nhiều dân nhập cư từ các vùng khác đến sinh sống. Tuy nhiên chỉ sau 10 năm, theo số liệu mới đây năm 2019 của Tổng cục Thống kê VN, tổng dân số của vùng Đông Nam Bộ là 17.828.907 người (không kể số người tạm trú lâu dài) trên một diện tích là 23.564,4 km², với mật độ dân số bình quân 706 người/km², chiếm 18,5% dân số cả nước
Đây là khu vực kinh tế phát triển nhất Việt Nam, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm, có tỷ lệ đô thị hóa 62,8% [3] .
Giai đoạn 2019-2025, tổng số nhu cầu nhân lực 735.000 người/năm, phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, cầu đường, giao thông, cấp thoát nước, công nghệ vật liệu, ...
Biểu 1: Nhu cầu lao động qua đào tạo và nhu cầu nhân lực
giai đoạn 2019- 2025 của Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam
STT |
Thành phố - Tỉnh |
Tỷ lệ lao động |
Nhu cầu việc làm giai đoạn 2019-2025 (năm/người) |
|
2019 |
2020-2025 |
|||
1 |
TP. Hồ Chí Minh |
82 |
90 |
300.000 |
2 |
Tây Ninh |
67 |
70 |
40.000 |
3 |
Bình Phước |
67 |
70 |
60.000 |
4 |
Bình Dương |
73 |
80 |
90.000 |
5 |
Đồng Nai |
68 |
80 |
100.000 |
6 |
Bà Rịa - Vũng Tàu |
66 |
80 |
50.000 |
7 |
Long An |
65 |
70 |
45.000 |
8 |
Tiền Giang |
55 |
70 |
50.000 |
(Nguồn: Tính toán theo số liệu từ các công bố Quy hoạch kinh tế xã hội và Quy hoạch nhân lực giai đoạn đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố)
Biểu 2: Cơ cấu nhu cầu nhân lực qua đào tạo theo trình độ chuyên môn kỹ thuật giai đoạn 2019-2025
Khu vực |
Trên đại học |
Đại học |
Cao đẳng |
Trung cấp |
Sơ cấp nghề - CNKT |
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam |
0,7 |
11,3 |
6,8 |
27,1 |
54,1 |
Thành phố Hồ Chí Minh |
2,5 |
18,3 |
17.5 |
30.0 |
22.0 |
(Nguồn: Theo báo cáo tham luận nghiên cứu một số vấn đề về nhu cầu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Tháng 3/2019)
2. Dự báo ngành nghề giai đoạn 2019-2020, đến năm 2030
TTLĐ khu vực phía Nam tiếp tục có những chuyển biến lớn, gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm, trong đó xu hướng tăng nhanh khởi nghiệp và tự tạo việc làm của thanh niên
2.1. Dự báo các lĩnh vực phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động
v Công nghệ kỹ thuật, Tự động hóa và Khoa học sáng tạo (Công nghệ thông tin - in 3D, điện - điện tử, cơ khí tự động - robot - chế tạo máy, hóa dược - hóa sinh, hóa mỹ phẩm, chế biến tinh thực phẩm - an toàn thực phẩm...);
v Thiết kế và Mỹ thuật ứng dụng, Kỹ thuật công trình xây dựng và môi trường (Thiết kế dựa trên cấu trúc - thiết kế kinh doanh, mỹ thuật ứng dụng bao gồm: thiết kế đồ họa - thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất - nghệ thuật trang trí; kiến trúc, tổ chức thi công, quản lý giám sát và nghiệm thu các công trình xây dựng dân dụng, công trình xây dựng công nghiệp);
v Quản trị Kinh doanh - Thương mại, Marketing, Kinh doanh Tài chính (Quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự, quản trị khởi nghiệp, quản trị logistic - bán hàng, Marketing truyền thông, thương hiệu, quảng cáo, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện; phân tích thị trường tài chính, thiết lập, thẩm định và quản lý dự án đầu tư tài chính, thị trường vốn, khảo sát, nghiên cứu thị trường tài chính, ...);
v Dịch vụ và Quản trị dịch vụ (Du lịch và lữ hành, nhà hàng – khách sạn – ăn uống, một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, hàng hải, logistics, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, dịch vụ thương mại, dịch vụ giáo dục, đào tạo, dịch vụ logistics, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, các loại dịch vụ kiểm toán, tư vấn, pháp lý, công nghệ giải trí,...).
v Cùng những nhóm ngành khác trong xu hướng phát triển thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, sư phạm kỹ thuật và giáo dục, công nghệ nông - lâm - thủy sản, công nghệ dệt - may, văn hóa - nghệ thuật - thể thao.
2.2. Dự báo nhu cầu nhân lực theo xu hướng những nhóm ngành nghề mới
Quá trình phát triển TTLĐ trong giai đoạn các năm tới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập làm thay đổi một số cơ cấu ngành nghề trong xã hội. Một số nhóm ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Các nhóm ngành này vẫn dựa trên cơ sở của những nhóm ngành cũ và có sự kết hợp, lồng ghép các nhóm ngành với nhau dẫn đến sự hình thành của những nhóm ngành nghề mới theo xu hướng hội tụ ngành phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Dự báo xu hướng phát triển như sau:
v Nhóm ngành Công nghệ thông tin
Ngành Công nghệ thông tin trong giai đoạn hội nhập ASEAN sẽ có cơ hội phát triển và hình thành một số nhóm nghề mới như: Bảo mật mạng, Lập trình ứng dụng di động, Lập trình game, Lập trình thiết kế game 3D, Lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn.
v Nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật
Sự kết hợp giữa nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật dẫn đến sự xuất hiện một số nhóm ngành như: Kỹ thuật thương mại, Quản trị viên của các ngành kỹ thuật.
v Nhóm ngành Quản trị kinh doanh - Tài chính - Ngân hàng
Xu hướng kết hợp giữa các chuyên ngành hình thành ra những nhóm ngành nghề mới như: Quản trị rủi ro, Quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp - công nghệ kỹ thuật và y tế, Quản lý hệ thống thông tin, Kế hoạch và Dự báo kinh tế - nhân lực - xã hội - kinh doanh, Tư vấn tài chính cá nhân, Quản lý dự án khoa học môi trường - Hàng không, Logistic, Quản lý văn phòng cao cấp,…
v Nhóm ngành Khoa học xã hội
Sự kết hợp giữa ngành tâm lý học, khoa học xã hội với các nhóm ngành khác như pháp luật, giáo dục như: Tư vấn học đường, Tâm lý xã hội, Tâm lý điều trị bệnh lý,…
v Nhóm ngành Y tế
Xu hướng ứng dụng các kỹ thuật cao vào y tế hình thành các nhóm ngành mới như: Quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, Kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, Công nghệ y sinh, Chuyên viên nghiên cứu các vấn đề về gen…
Các nhóm ngành mới xuất hiện trong giai đoạn 2015-2020 đến 2025 đều chú trọng đến tính chuyên sâu, đó là sự kết hợp giữa 2 hay nhiều nhóm ngành cũ với nhau trên cơ sở cải tiến, nâng cao chất lượng trong đào tạo, kết hợp rèn luyện tay nghề. Các nhóm ngành này chú trọng đến khả năng ứng dụng vào trong thực tiễn hơn là mang tính học thuật. Nguồn nhân lực làm việc trong các nhóm ngành này đa số là nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt, có trình độ ngoại ngữ. Điều này cũng đặt ra những thách thức cho việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
Với TTLĐ phát triển theo xu thế hội nhập và tiến đến cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư về kiến thức và năng lực lao động. Vì vậy, mỗi người phải chọn nghề và bậc học (đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) phù hợp chính mình. Tự tin và quyết tâm học thật tốt. Quan trọng nhất tạo được giá trị hành nghề (kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề) là yếu tố chính đến với thành công thành tựu.
--------------
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_b%E1%BA%B1ng_s%C3%B4ng_C%E1%BB%ADu_Long.
[2] https://www.google.com/search?client=firefox-b-d&q=V%C3%99NG+T%C3%82Y+NGUY%C3%8AN.
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%B4ng_Nam_B%E1%BB%99_(Vi%E1%BB%87t_Nam).
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn