QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC LÀM VÀ ĐỊNH HƯỚNG TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Thứ tư - 04/07/2018 14:44
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC LÀM VÀ ĐỊNH HƯỚNG TRONG GIAI ĐOẠN TỚI
 
 
Nguyễn Thị Quyên
Phó Cục trưởng Cục Việc làm
 
Giải quyết việc làm cho người lao động luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam xuyên suốt quá trình phát triển nhằm phát huy tối đa nội lực để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, công tác quản lý Nhà nước về việc làm là một nội dung hết sức quan trọng nhằm đảm bảo việc thực thi các quy định, chính sách về việc làm một cách hiệu quả. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006 và 2007), Bộ luật lao động năm 2012 đã tạo khung pháp lý cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động một cách đầy đủ, đồng thời quy định rõ vai trò quản lý Nhà nước về lao động nói chung, về việc làm nói riêng.
Đặc biệt, nhằm cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 và thể chế hoá chủ trương, đường lối, quan điểm và định hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 16/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật việc làm. Đây là văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho mọi lao động trong xã hội, đồng thời, lần đầu quy định rõ nội dung công tác quản lý Nhà nước về việc làm. 
I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC LÀM 
Theo quy định tại Điều 6 Luật việc làm, nội dung quản lý nhà nước về việc làm bao gồm:
- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về việc làm;
- Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về việc làm;
- Quản lý lao động, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và bảo hiểm thất nghiệp;
- Quản lý tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về việc làm;
- Hợp tác quốc tế về việc làm.
Theo quy định tại Điều 7 Luật việc làm, thẩm quyền quản lý nhà nước về việc làm được phân công như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về việc làm trong phạm vi cả nước;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về việc làm;
- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về việc làm;
- Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về việc làm tại địa phương.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, ngày 30/01/2008, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 196/QĐ-LĐTBXH  về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Việc làm, theo đó Cục Việc làm là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về việc làm, cụ thể như sau:
1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về việc làm
1.1. Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về việc làm
Trong 10 năm qua, Cục Việc làm đã tích cực, chủ động nghiên cứu, xây dựng, tham mưu trình Bộ trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề về việc làm theo quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy và bảo đảm việc làm theo hướng bền vững cho người lao động.
Từ năm 2018 đến nay, Cục Việc làm đã phối hợp các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ trực tiếp tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật việc làm, 01 Nghị quyết, 13 Nghị định, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 21 Thông tư, 09 Thông tư liên tịch và 01 Chỉ thị của Ban Bí thư   quy định các cơ chế, chính sách về hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, nhất là nhóm lao động yếu thế , bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, quản lý lao động nói chung và công tác quản lý lao động nước ngoài nói riêng. Đồng thời, Cục Việc làm cũng đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ... cũng như các Luật về phát triển doanh nghiệp, đầu tư, phát triển kinh tế  với những quy định về lao động, việc làm. Trên cơ sở các quy định, chính sách pháp luật về việc làm, Cục Việc làm đã tham mưu trình Bộ chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách đầy đủ, kịp thời, góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 
1.2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án hỗ trợ tạo việc làm
Song song với việc tham mưu trình ban hành các quy định, chính sách pháp luật về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động, Cục Việc làm đã trực tiếp xây dựng và tham gia xây dựng trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động như: Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm qua các giai đoạn (giai đoạn 2006-2010, 2011-2015), Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020; các Đề án hỗ trợ phụ nữ, thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015; Đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…
2. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về việc làm
Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về việc làm nói riêng có vị trí và vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa hiện nay, đảm bảo chính sách pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống. Trên cơ sở Hiến pháp, Bộ luật lao động, Luật việc làm và các văn bản quy phạm pháp luật về việc làm, Cục Việc làm đã chủ động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về việc làm thông qua nhiều biện pháp như:
- Xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử về việc làm tại địa chỉ website: vieclamvietnam.gov.vn với nhiều nội dung liên quan thông tin, chủ trương, chính sách của Nhà nước về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động; thông tin thị trường lao động tại các địa phương trên cả nước, tình hình chung về lao động, việc làm, nhu cầu việc làm của người lao động, nhu cầu lao động của doanh nghiệp, ...;
- Tổ chức các Hội nghị, hội thảo tuyên truyền về lao động, việc làm, nhất là các Hội nghị tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các cuộc thi tìm hiểu chính sách bảo hiểm thất nghiệp kết hợp tư vấn, giới thiệu việc làm giỏi;
- Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: các báo đài, kênh truyền hình của Trung ương, địa phương về chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp...; xuất bản các ấn phẩm, tờ rơi, sách tìm hiểu, hỏi đáp về bảo hiểm thất nghiệp ...
- Hướng dẫn các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường phổ biến thông tin chính sách pháp luật, thông tin về lao động việc làm qua các Hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyện tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; các phiên giao dịch việc làm ...
3. Quản lý lao động, thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp
3.1. Về quản lý lao động nói chung, lao động nước ngoài nói riêng
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động nói riêng, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng, từ năm 2008 đến nay, song song với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý lao động làm việc tại Việt Nam, tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách pháp luật về quản lý lao động, Cục Việc làm đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý, nắm thông tin về lao động làm việc trên địa bàn, lao động di cư tìm kiếm việc làm, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng, ý thức thái độ và tác phong làm việc của người lao động Việt Nam, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính trong quản lý lao động nước ngoài, Cục Việc làm đã xây dựng cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn  để thực hiện cấp giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trực tuyến, kết nối với Cổng Thông tin điện tử Quốc gia.
3.2. Về hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động
Để góp phần phát triển thị trường lao động Việt Nam, hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động hiệu quả theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về việc làm, hoạch định chính sách về việc làm, trong những năm qua, Cục Việc làm luôn quan tâm, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhiều giải pháp, không ngừng hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cụ thể:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về cung – cầu lao động trên toàn quốc, góp phần hình thành cơ sở dữ liệu gốc ban đầu cũng như cập nhật thông tin lao động, việc làm đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về việc làm và hoạch định các chính sách lao động, việc làm khả thi, phù hợp, hiệu quả;
- Tổ chức điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp hàng năm;
- Hướng dẫn các địa phương phân tích, dự báo thị trường lao động;
- Xuất bản các ấn phẩm, báo cáo, bản tin cập nhật về thông tin thị trường lao động hàng quý, dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn, báo cáo đánh giá tình hình lao động, việc làm trước những thay đổi, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, tình hình việc làm của các nhóm đối tượng yếu thế, đặc thù …
3.3. Về tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Nhằm hỗ trợ người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/01/2009. Song song với việc tham mưu ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động, người lao động, Cục Việc làm đã kịp thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành bảo hiểm xã hội, tài chính, nội vụ và các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động … tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và nguồn kinh phí để tiếp nhận và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo phương châm “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”, chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động. Nhìn chung, sau gần 10 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được người lao động, người sử dụng lao động đánh giá cao, nhanh chóng đi vào cuộc sống.
4. Quản lý tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm
Nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, từ năm 2008 đến nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ, của Bộ, Cục Việc làm đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp:
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, góp phần nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm (trong và ngoài ngành Lao động - Thương binh và Xã hội), chú trọng nâng cao năng lực tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và thu thập, phân tích thông tin thị trường lao động;
- Quy hoạch hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước; hướng dẫn cấp phép và quản lý các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, tạo sự linh hoạt trong việc cung ứng lao động, giới thiệu việc làm, phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường lao động;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm dịch vụ việc làm đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nhất là sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên và các hoạt động giao dịch việc làm hướng tới cơ sở, trực tiếp cho người lao động; tăng cường hoạt động thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người, người tìm việc, phân tích, dự báo thị trường lao động. Riêng đối với hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp;
- Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm phối kết hợp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, từng bước thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp công – tư trong dịch vụ việc làm để chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ việc làm;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm; kết nối website của 63 Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên toàn quốc tại Cổng thông tin điện tử việc làm (vieclamvietnam.gov.vn).
5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về việc làm
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Việc làm thường xuyên, chủ động phối hợp với các cơ quan thanh tra, tài chính tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực việc làm, đặc biệt là việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; việc quản lý, sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam; thủ tục, điều kiện thành lập các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu việc làm, ... từ đó hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về việc làm đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp làm trái các quy định của pháp luật.
Song song với công tác thanh tra, kiểm tra, Cục Việc làm cũng hướng dẫn các địa phương giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động, dự án về việc làm trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn giám sát, đánh giá trực tiếp tại các địa phương, tại các cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án trong lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp theo chuyên đề, sơ kết, giữa kỳ, tổng kết ... góp phần đảm bảo việc thực hiện chính sách, chương trình theo đúng quy định, mục tiêu. 
6. Hợp tác quốc tế về việc làm
Nhằm tiếp thu những tri thức, kinh nghiệm của các nước trong khu vực, trên thế giới trong xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động, thông tin trường lao động, dịch vụ việc làm ..., trong những năm qua, Cục Việc làm đã hợp tác với nhiều cơ quan lao động của nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng thế giới WB, Ngân hàng phát triển Châu á ADB, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn quốc HRD, Cơ quan thông tin việc làm Hàn Quốc KEIS ... thực hiện các dự án song phương, đa phương như:  Dự án mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ do ILO Nhật Bản tài trợ; Dự án phát triển hoạt động của hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm với sự tài trợ của ILO Nhật Bản, của Bộ Lao động Hoa Kỳ; Dự án Thị trường lao động do Liên minh Châu Âu tài trợ; Dự án về triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; Dự án mạng thông tin việc làm Việt Nam; Dự án xây dựng Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn ... Thông qua việc thực hiện các dự án, hoạt động hợp tác quốc tế đã đem lại cho Việt Nam những nguồn lực tài chính, kỹ thuật, nhất là những kinh nghiệm, mô hình hay, hiệu quả, từ đó, xây dựng và tổ chức thực hiện tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỒN TẠI, HẠN CHẾ 
1. Hệ thống các chính sách về việc làm chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách về việc làm còn mang tính chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể; thiếu các chính sách về việc làm bền vững; các chính sách về việc làm ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn chưa được quy định cụ thể; chính sách tiền lương chưa phù hợp, chưa tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; phạm vi bao phủ của các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế. 
2. Việc triển khai thực hiện các chính sách còn chậm, gặp nhiều khó khăn do số lượng đối tượng lớn, thiếu cán bộ cơ sở (cấp xã, huyện) , sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa được chặt chẽ, chỉ đạo của địa phương còn chậm trong khi thiếu các nguồn lực bố trí cho các Chương trình, dự án lớn về việc làm.
3. Công tác quản lý và nắm thông tin tin lao động về số lượng, cơ cấu, chất lượng, độ tuổi, giới tính … còn hạn chế, chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý lao động nói chung, nhất là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, lao động Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp; một bộ phận doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định pháp luật về báo cáo việc tuyển, sử dụng và quản lý lao động cho các cơ quan chức năng.
4. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước; hoạt động phân tích và dự báo thị trường lao động còn yếu kém, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội nói chung, chính sách phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm nói riêng.
5. Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung - cầu lao động; hoạt động của các Trung tâm chưa đồng bộ, chưa có sự gắn kết trở thành một hệ thống kết nối trên phạm vi toàn quốc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm còn hạn chế; tần suất, phạm vi các hoạt động giao dịch việc làm chủ yếu ở khu vực thành thị, tại các khu vực có đông người lao động ... 
6. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện nghiêm và triệt để, tính pháp lý, chế tài, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực việc làm yếu, tình trạng kết luận thanh tra xong không có chế tài xử lý kịp thời dẫn đến các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra còn xảy ra.
III. ĐỊNH HƯỚNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC LÀM TRONG GIAI ĐOẠN TỚI
Trong thời đại toàn cầu hóa - tự do hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đem lại những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn kèm theo những thách thức về nguy cơ mất việc làm, nhất là trong những ngành thâm dụng lao động phổ thông; hội nhập kinh tế và vấn đề di chuyển thể nhân, phân công lao động quốc tế … trong khi Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong giải quyết việc làm cho người lao động như: chất lượng việc làm chưa cao; tính ổn định, bền vững trong việc làm còn thấp; giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhất là sinh viên người dân tộc thiểu số; chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp; cung ứng lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động; chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành một công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện ... đặt ra nhiều vấn đề đối với Cục Việc làm trong tham mưu, giúp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về việc làm. Do đó, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về việc làm trong giai đoạn tới, Cục Việc làm đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
1. Tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập; nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi, nhất là trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. 
2. Hướng dẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ tạo việc làm như Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020; hoạt động hỗ trợ tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; lồng ghép chính sách việc làm công trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ...
3. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo... giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp.
4. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp hoạt động của Trung tâm với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn nâng tần suất phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm; thực hiện tốt quan hệ công - tư trong dịch vụ việc làm. 
5. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động khi thất nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động; tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về việc làm; tăng cường các nguồn lực (tài chính, nhân lực) cho việc thực hiện quản lý Nhà nước về việc làm tại địa phương; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về chính sách, chế độ đối với người lao động và người sử dụng lao động. 
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm./.

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây