Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Crossref, Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc nghiên cứu của tác giả Rachael Lammey đến từ tổ chức Crossref với tựa đề “Crossref sau 20 năm: Cộng đồng cần gì?”
Crossref là hệ thống liên kết trích dẫn được thành lập vào đầu thế kỉ XX (thời điểm xu hướng số hoá khoa học bước đầu phát triển) bởi công ty Publishers International Linking Association, Inc (PILA) với mục tiêu đặt ra là giúp nghiên cứu khoa học được tìm kiếm, trích dẫn, liên kết và truy cập dễ dàng hơn. Chắc hẳn các nhà nghiên cứu đã từng xuất bản trên các ấn phẩm hiện đại đều đã từng biết đến, quan tâm tới dòng chữ nhỏ bắt đầu bằng DOI (Digital Object Identifier) hoặc doi, ví dụ: doi:10.6087/kcse.206. Đó là hệ thống do Crossref sáng tạo nên, liên kết và điều hành. Đến nay, số thành viên của Crossref đã lên đến hơn 11 ngàn tổ chức và nhà xuất bản khoa học.
“Crossref at 20 years: What do the community need?” được công bố trên tạp chí Science Editing (thuộc nhà xuất bản Korean Council of Science Editors, Q3 Scopus, lĩnh vực Social Sciences Communication và Medicine Health Informatics) vào tháng 8 vừa qua (https://doi.org/10.6087/kcse.206). Dựa trên bối cảnh hoạt động và phát triển của tổ chức trong suốt 20 năm, tác giả đánh giá vị trí của Crossref đối với cộng đồng mà hệ thống đã hỗ trợ thông qua phương pháp khảo sát người dùng, đồng thời tìm hiểu về những thách thức đang tồn tại từ đó đưa ra các phương án giải quyết nhằm nâng cao dịch vụ của họ trong tương lai.
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên kết quả của một loạt các cuộc khảo sát và phỏng vấn do Shift Learning (https://www.shift-learning.co.uk/) tổ chức vào giữa năm 2019. Đối tượng tham gia bao gồm 41 người trả lời phỏng vấn đến từ 10 quốc gia, chủ yếu là Bắc Mỹ và Châu Âu, phân bố ở các cơ quan khác nhau như là nhà xuất bản, trường đại học, thư viện… Ngoài ra, họ còn phỏng vấn cả những người không dùng dịch vụ của Crossref. Các cuộc phỏng vấn này đáng lưu ý ở điểm chúng không sử dụng một bộ câu hỏi cụ thể mà thay vào đó được thực hiện thông qua một hướng dẫn nhằm bao quát sự hiểu biết và nhận thức của những người được phỏng vấn về Crossref, giá trị của Crossref đối với họ và tổ chức của họ cũng như những suy nghĩ về sứ mệnh hiện tại của Crossref và hướng đi trong tương lai. Bên cạnh đó, Shift Learning còn thu hút được 437 người trả lời khảo sát ngắn thông qua email và một số kênh thu thập dữ liệu khác.
Hình ảnh về bài báo, công bố trên Tạp chí Science Editing – một tạp chí của the Association of Learned and Professional Society Publishers và European Association of Science Editors
Kết quả khảo sát cho thấy, nhìn chung, các tổ chức đều bày tỏ thái độ tích cực đối với hệ thống Crossref. Crossref tạo ra một môi trường thống nhất để các nhà nghiên cứu, nhà xuất bản thống nhất và kết nối các công trình nghiên cứu. Cụ thể hơn, Crossref giúp kết nối các nghiên cứu, chuẩn hoá cơ sở hạ tầng, tổ chức và quản lý các siêu dữ liệu và cơ sở dữ liệu, cải thiện giao lưu học thuật, cải thiện khả năng tìm kiếm và tra cứu, v.v… Đặc biệt, các nhà nghiên cứu ở châu Á và những nhà xuất bản nhỏ cho biết Crossref giúp tăng cường tính tin cậy và minh bạch cho công việc của họ. Bên cạnh đó, những người trả lời khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng đồng thời nhấn mạnh giá trị của các dịch vụ bổ sung mà Crossref cung cấp, chẳng hạn như Similarity Check (kiểm tra đạo văn), Cited-by (thống kê những người đã trích dẫn nghiên cứu của bạn). Nhiều tổ chức, công ty cũng đánh giá cao dịch vụ và sự hỗ trợ của Crossref trong quá trình hợp tác. Những tổ chức sử dụng siêu dữ liệu của Crossref cũng đánh giá cao chất lượng các siêu dữ liệu chuẩn hoá mà Crossref cung cấp, nhờ đó họ có thể ứng dụng trong các công cụ và dịch vụ của họ mà không cần thu thập dữ liệu từ các nhà xuất bản riêng lẻ. Một số doanh nghiệp cho rằng siêu dữ liệu của Crossref hoàn toàn có thể thay thế công cụ tìm kiếm Google Search và Google Scholar.
Tuy vậy, nghiên cứu cũng bày tỏ sự quan ngại bắt nguồn từ các thành viên kỳ cựu của tổ chức, theo họ Crossref đã và đang không còn tập trung phục vụ các nhu cầu của họ, thay vào đó lại đổ dồn vào các mô hình xuất bản mới và việc gia tăng số lượng người dùng. Ngoài ra, người dùng “metadata" - siêu dữ liệu cho rằng hệ thống cần phải hạn chế thiếu sót, và họ đã đề cập đến vấn đề Crossref thiếu tài liệu đến từ Trung Quốc cũng như nhấn mạnh nhiệm vụ phải cải thiện chất lượng nội dung hơn ở khu vực Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng nhân cơ hội này để yêu cầu những người trả lời phỏng vấn đưa ra các phương án nhằm giúp Crossref cải thiện dịch vụ trong 6 lĩnh vực chính: giao tiếp, vận hành, khả năng sử dụng, tiếp cận và quảng bá, giới thiệu và đào tạo, và đăng ký nội dung.
Nhìn chung, nghiên cứu này sẽ là một cứ liệu hữu ích góp phần giúp Crossref thoả mãn nhu cầu của cộng đồng. Kết quả khảo sát đã giúp xác định rõ ràng các mảng then chốt mà các thành viên cũng như không phải thành viên nhận được giá trị từ Crossref, nơi họ cảm thấy Crossref đang “chệch hướng" với những nhu cầu đó và thực hiện các bước để điều chỉnh nhằm cải thiện vấn đề. Tuy nhiên, điều quan trọng là Crossref phải lắng nghe phản hồi này khi nó hoạt động để tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ sinh thái nghiên cứu. Như Brand - một người đang sử dụng hệ thống cho hay “Crossref của năm 2040 có thể là một tổ hợp sáng tạo, toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra và duy trì cơ sở hạ tầng cốt lõi để chia sẻ, lưu giữ và đánh giá thông tin nghiên cứu” và nó sẽ hoạt động hướng tới mục tiêu đó.
Tài liệu tham khảo:
Rachael Lammey (2020). Crossref at 20 years: What do the community need?. Science Editing, 7(2), 125-129, https://doi.org/10.6087/kcse.206.
Tác giả bài viết: Vân An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn