Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo khai giảng năm học 2016 - 2017

Thứ ba - 06/09/2016 07:58

Cùng dự họp báo còn có các Thứ trưởng: Bùi Văn Ga, Phạm Mạnh Hùng, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT lắng nghe và chia sẻ tại họp báo

Năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục sẽ tập trung tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo: Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động.

Với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp được đặt ra  cụ thể, năm học 2016 - 2017 sẽ là một năm bản lề để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp trả lời phóng viên nhiều vấn đề “nóng”

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi của phóng viên đã được đặt ra cho lãnh đạo Bộ, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề như: Những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phương án thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017; những vấn đề xung quanh nội dung thông tư 30 sửa đổi, bổ sung; mô hình VNEN; lộ trình đổi mới sách giáo khoa; quan điểm của Bộ về dạy thêm học thêm; vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng khắc phục tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục; vấn đề lồng ghép dạy 2 ngoại ngữ tại một số trường; thời gian nghỉ hè của học sinh.

Với từng vấn đề và nhóm vấn đề báo chí nêu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những trả lời cụ thể.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời các câu hỏi của phỏng viên tại họp báo

Về phương án thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017

Bộ trưởng khẳng định, sẽ không có phương án mới nào cho năm 2017 mà trên cơ sở hoàn thiện, bổ sung phương án đã ưu việt của năm 2016.

Ví dụ về tổ chức thi có 2 cụm là cụm địa phương và cụm các trường đại học. Quá trình triển khai cho thấy các địa phương có thể tổ chức được thì năm nay chỉ thực hiện một cụm, về bản chất là vẫn vậy nhưng gọn nhẹ, thiết thực hơn.

Đề thi năm ngoái được đánh giá là tốt và nghiêm túc, tuy nhiên dư luận vẫn băn khoăn là thí sinh có thể học lệch, học tủ. Năm nay, Bộ cải tiến để mở rộng toàn diện, tránh học lệch học tủ bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát.

Đề thi nghị luận năm ngoái dư luận băn khoăn vẫn có thể nhìn bài nhau trong phòng thi hay việc chấm thi vẫn có độ “du di” khác nhau… Năm nay đã có công nghệ thông tin và áp dụng phương án thi tổng hợp trắc nghiệm các nhóm thi khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn.

Đối với xét tuyển, năm 2017, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng để từ đó kiểm tra giám sát chỉ tiêu, tránh tình trạng vẫn còn một sốtrường có chỉ tiêu cao hơn năng lực thực tế. Bộ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ thông tin trong định hướng chọn nghề. Đơn cử hiện nay có nhiều ngành truyền thống của nhà trường nhưng thị trường lao động không cần thì nhà trường cần điều chỉnh.

Về vấn đề xung quanh nội dung thông tư 30 sửa đổi, bổ sung và mô hình VNEN

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đều có tinh thần tốt nhưng quá trình thực hiện chưa tính toán hết để có những bước đi phù hợp. Bộ GD&ĐT đã rút kinh nghiệm và đang có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời có sự chuẩn bị về con người, cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng nhu cầu thực hiện đổi mới và triển khai các mô hình mới.

Về câu hỏi việc đổi mới đánh giá theo các bậc A, B, C, D trong nội dung dự thảo Thông tư 30 sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Về nội hàm đánh giá học sinh theo A, B, C, D là hoàn toàn khác với chấm điểm. Đây là sự lượng hóa đánh giá về sự tiến bộ của học sinh theo từng mức, từ đó thầy cô có biện pháp phù hợp để cải thiện sự tiến bộ cho học sinh”.

Nhiều vấn đề khác đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp trả lời

Về chất lượng giáo dục, Bộ trưởng chia sẻ, làm giáo dục cũng như xây nhà, vừa làm sao đổi mới được căn bản toàn diện lại vừa sửa chữa và duy trì. Vì thế ngành giáo dục sẽ lắng nghe, tích cực phân tích, tìm tòi, trải nghiệm.

Theo Bộ trưởng, báo động nhất hiện nay là giáo dục nghề nghiệp và chất lượng đại học. Bộ cũng đã có các giải pháp nhằm cải thiện như đẩy mạnh kiểm định chất lượng đại học, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm định; đổi mới chương trình theo hướng tăng cường ứng dụng, bám sát nhu cầu thị trường lao động; đẩy mạnh tự chủ đại học; khuyến khích các trường có biện pháp gắn kết với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, tạo ra chuỗi cung ứng.

Về chương trình sách giáo khoa mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ xác định chậm nhưng chậm để bền vững, để triển khai chắc chắn và theo hướng tiếp cận mới. Năm 2017, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa sẽ được đẩy mạnh. Ngay trong năm học này, Bộ đã chỉ đạo các vụ, cục, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát nhằm cắt giảm chương trình phổ thông theo hướng giảm tải mạnh.

Một số vấn đề khác như quy định cấm dậy thêm học thêm, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; công tác phân cấp quản lý giáo dục, đào tạo; thời gian nghỉ hè của học sinh đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho ý kiến cụ thể tại họp báo.

Cũng tại họp báo, các Thứ trưởng và đại diện lãnh đạo một số Vụ chức năng của Bộ đã có ý kiến để làm rõ thêm các câu hỏi của phóng viên báo chí.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Nguồn tin: Bộ GD-ĐT (http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=4172)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây