Bộ Giáo dục và Đào tạo: 09 nhiệm vụ và 05 giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017

Thứ ba - 09/08/2016 07:07
NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2016-2017
1. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc
Triển khai rà soát, quy hoạch lại các cơ sở giáo dục và đào tạo nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu xã hội. Trong năm học 2016-2017 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
1.1. Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí quy hoạch để các địa phương thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương; tăng cường công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ để nâng cao chất lượng quy hoạch.
1.2. Tiến hành kiểm định chất lượng để xếp hạng, phân tầng các cơ sở giáo dục đại học phục vụ cho việc sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học một cách tổng thể, phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế, trong đó ưu tiên quy hoạch trước mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí (CBQL) giáo dục các cấp
Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục các cấp, cần rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nhà giáo và CBQL giáo dục các cấp có thể đạt chuẩn theo yêu cầu. Trong năm học 2016-2017 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
2.1. Xây dựng và hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chuẩn/tiêu chuẩn CBQL giáo dục các cấp đáp ứng đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế về GD-ĐT.
2.2. Rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn ban hành, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
2.3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo và CBQL giáo dục các cấp theo yêu cầu của chuẩn/tiêu chuẩn ban hành. Quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học của nhà giáo và CBQL giáo dục các cấp. Tạo sự công bằng trong đào tạo, bồi dưỡng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập.
2.4. Tổ chức kiểm định chất lượng, trên cơ sở đó tiến hành phân tầng, quy hoạch lại các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước cho phù hợp với nhu cầu và nâng cao chất lượng đào tạo. Điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo để khắc phục dần việc dôi dư nhà giáo. Tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, CBQL.
2.5. Rà soát những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, CBQL, nhân viên ngành Giáo dục, tiến tới triển khai nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo.
2.6. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng đối với đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục, nhân viên ngành Giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tăng cường truyền thông những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, các điển hình tiên tiến xuất sắc nhằm khơi dậy nhiệt huyết và ý thức tự hào nghề nghiệp của đội ngũ.
3. Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông
Để tổ chức tốt giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau trung học. Trong năm học 2016-2017 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
3.1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS ở trong và ngoài nhà trường. Cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển KT-XH, nhu cầu của thị trường lao động, nhằm hướng các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
3.2. Quy hoạch, sắp xếp lại các trường THPT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện để thí điểm hình thành trường trung cấp vừa tổ chức học văn hóa và học kĩ năng nghề trên địa bàn cấp huyện; đánh giá mô hình kết hợp giữa trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cấp hai văn bằng cho người học; hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; tiếp tục thực hiện hợp tác, liên kết giữa trường phổ thông và trường chuyên nghiệp trên đia bàn để đào tạo và công nhận kĩ năng nghề cho học sinh; xây dựng tiêu chuẩn giáo viên dạy hướng nghiệp và có chính sách, cơ chế phát triển đội ngũ giáo viên hướng nghiệp trong trường phổ thông; biên soạn tài liệu giáo dục hướng nghiệp, khởi sự kinh doanh và quản lí giáo dục hướng nghiệp.
3.3. Thí điểm triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động dạy thực tiễn, đảm bảo giáo dục cơ bản ở THCS, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả.
4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp và trình độ đào tạo
Trong bố cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, để nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu hội nhập thì năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là năng lực sử dụng tiếng Anh là yêu cầu hết sức quan trọng. Để nâng chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong năm học 2016-2017 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
4.1. Tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông và triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các cơ sở nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học. Hỗ trợ các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm triển khai đào tạo giáo viên ngoại ngữ theo chương trình ngoại ngữ mới; chú trọng đào tạo giáo viên ngoại ngữ trình độ cao đẳng, đại học ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
4.2. Hoàn thiện chương trình, tài liệu, sách giáo khoa, hệ thống học liệu ngoại ngữ trực tiếp và trực tuyến đáp ứng mục tiêu đào tạo; xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình dạy và học một số ngoại ngữ khác (ngoài tiếng Anh) và chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ tăng cường, chuyên ngữ và song ngữ ở một số môn học của giáo dục phổ thông, một số môn học, ngành học của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp đáp ứng yêu cầu của từng vùng và địa phương, phù hợp nhu cầu người học.
4.3. Triển khai đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo. Xây dựng, hoàn thiện các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi quốc gia; khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên soạn câu hỏi thi, đội ngũ giám khảo phục vụ đổi mới thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Hoàn chỉnh các quy định về kiểm tra, đánh giá, cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ; thành lập các cơ sở khảo thí ngoại ngữ có chất lượng.
4.4. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu; ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới học liệu dạy học ngoại ngữ. Xây dựng chương trình, tài liệu và triển khai bồi dưỡng thường xuyên, định kì về công tác sử dụng thiết bị dạy và học ngoại ngữ, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả. Hoàn thiện mô hình Trung tâm học liệu ngoại ngữ quốc gia.
4.5. Tổng kết, nhân rộng những điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ ở các cấp trung học phổ thông, mô hình học tập tiếng Anh cộng đồng trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học, mô hình câu lạc bộ ngoại ngữ cộng đồng trong các cơ sở giáo dục thường xuyên (tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh); hình thành môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ của thế hệ trẻ Việt Nam.
4.6. Tiếp tục tăng cường mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các cơ sở giáo dục nước ngoài, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ và ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ.
4.7. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam. Với mỗi lộ trình, cần nghiên cứu và xây dựng các nguồn lực cần huy động, các hoạt động cần triển khai và các kết quả cần đạt được.
5. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lí giáo dục
Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và quản lí giáo dục; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử và chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong năm học 2016-2017 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
5.1. Ban hành các bộ tiêu chuẩn, cơ chế chính sách về ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lí giáo dục, làm cơ sở để định hướng đầu tư và triển khai ứng dụng CNTT một cách có hiệu quả ở cơ quan, nhà trường. Xây dựng các đề án, dự án và kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT một cách hiệu quả.
5.2. Phát triển hệ thống hạ tầng và thiết bị CNTT toàn ngành theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tăng cường công tác và các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Nghiên cứu áp dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức đầu tư, thuê dịch vụ CNTT và xã hội hóa.
5.3. Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lí, chỉ đạo điều hành và triển khai Chính phủ điện tử ở các cơ sở GD-ĐT và các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông; hình thành cơ sở dữ liệu toàn ngành phục vụ thông tin cho công tác hoạch định chính sách và quản lí cho tất cả các cơ quan quản lí GD-ĐT.
5.4. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá một cách sáng tao, thiết thực và hiệu quả. Xây dựng kho bài giảng e-Learning trực tuyến đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời của người học, thu hẹp hoảng cách tiếp cận các dịch vụ GD-ĐT có chất lượng của người học giữa các vùng, miền, là công cụ để hội nhập quốc tế về chương trình và nội dung GD-ĐT.
5.5. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng CNTT toàn ngành theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
6. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học
Tăng quyền tự chủ và yêu cầu về trách nhiệm giải trình nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Mức độ tự chủ căn cứ vào năng lực tự chủ và kết quả kiểm định, xếp hạng chất lượng của các cơ sở đào tạo. Trong năm học 2016-2017 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
6.1. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tự chủ đại học và giáo dục nghề nghiệp, trong đó trình Chính phủ ban hành Nghị định về cụ thể hóa Nghị định khung số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập. Tăng cường hướng dẫn thực hiện, tổng kết kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tự chủ trong hệ thống; thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lí nghiêm các vi phạm pháp luật để đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền tự chủ...
6.2. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương quản lí trực tiếp các trường đại học thực hiện đồng bộ các quy định của Luật Giáo dục đại học về quyền tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ; giảm dần vai trò của cơ quan quản lí trực tiếp, tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản theo tinh thần Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020.
6.3. Các cơ sở đào tạo hoàn thiện cơ cấu tổ chức của trường theo quy định, đặc biệt là thành lập Hội đồng trường; ban hành văn bản quy định về quy chế làm việc của Hội đồng trường và mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Đảng ủy và Ban Giám hiệu; đảm bảo các điều kiện để Hội đồng trường thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Thực hiện các điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, đặc biệt là đảm bảo tỉ lệ sinh viên/giảng viên, đảm bảo chuẩn đầu ra và tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Chủ động, tích cực tham gia kiểm định chất lượng; công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng; cam kết, chịu trách nhiệm về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, khả năng có việc làm và hòa nhập thị trường lao động của người học.
7. Tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT
Hội nhập quốc tế vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Để hội nhập quốc tế đạt hiệu quả cao, trong năm học 2016-2017 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
7.1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hội nhập quốc tế trong giáo dục, trong đó đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đàm phán, kí kết các hiệp định, thỏa thuận với nước ngoài về hợp tác giáo dục, công nhận văn bằng, tín chỉ tạo cơ sở pháp lí để các cơ sở giáo dục hợp tác với nước ngoài.
7.2. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận chung của khu vực và quốc tế trong quá trình xây dựng, cập nhật chương trình và triển khai đào tạo, nghiên cứu khoa học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài, sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy chuyên ngành. Tích cực tham gia kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.
7.3. Nghiên cứu, đề xuất kinh nghiệm quốc tế về bồi dưỡng giáo viên, phát triển chương trình giảng dạy và sách giáo khoa, về kiểm tra, đánh giá HS ở giáo dục phổ thông. Tăng cường học tập kinh nghiệm quốc tế về áp dụng các mô hình đào tạo tiên tiến và giáo dục hướng nghiệp. Tham gia đánh giá quốc tế về chất lượng giáo dục phổ thông.
7.4. Các cơ sở giáo dục đại học chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài, thực hiện hợp tác nghiên cứu, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với các trường đại học có uy tín trên thế giới, quốc tế hóa các chương trình đào tạo trình độ đại học.
7.5. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ hợp tác quốc tế cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tăng cường cơ sở vật chất thông qua các nguồn vốn viện trợ, các chương trình, dự án hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là các vùng và các cơ sở giáo dục thuộc các khu vực còn nhiều khó khăn; các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm. Triển khai hiệu quả các nguồn học bổng ngắn hạn, dài hạn để gửi các giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên đi đào tạo, thực tập, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục tiên tiến ở nước ngoài. Đồng thời, xây dựng chính sách động viên, thu hút đội ngũ trí thức Việt Kiều về nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, cao đẳng.
7.6. Phối hợp với các bộ, ngành đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp đóng góp xây dựng đất nước.
7.7. Tiếp tục đổi mới công tác quản lí nhà nước về hợp tác quốc tế trong giáo dục. Trong đó, tiếp tục thực hiện phân cấp, trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục để nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động hợp tác quốc tế. Xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế của tất cả các địa phương và cơ sở giáo dục, hỗ trợ nâng cao năng lực về hợp tác và hội nhập quốc tế cho các cơ sở. Xây dựng cơ sở dữ liệu và cổng thông tin điện tử về hợp tác quốc tế của toàn ngành.
8. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT
8.1. Đối với giáo dục mầm non và phổ thông:
  • Thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015, lộ trình 2020.
  • Tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
8.2. Đối với các cơ sở giáo dục đại học:
  • Thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước như nguồn ODA, các chương trình , dự án hợp tác với nước ngoài, các nguồn xã hội hóa... để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
  • Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp theo mô hình phối thuộc để đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo, đồng thời giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp đặt ra.
9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước trong những năm sắp tới. Để thực hiện chủ trương này, trong năm học 2016-2017 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
9.1. Đổi mới phương pháp giảng dạy từ cung cấp kiến thức sang hỗ trợ phát triển năng lực và phẩm chất người học; đổi mới cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo đại học dựa trên kinh nghiệm của POHE, CDIO; đổi mới, cập nhật nội dung giáo trình, nhất là giáo trình các ngành khoa học kĩ thuật, khoa học quản lí.
9.2. Tăng cường kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, trên cơ sở đó tiến hành phân tầng và công khai kết quả kiểm định để xã hội, người học đánh giá, xếp hạng, đặc biệt là công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích các trường thực hiện các chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của thì trường lao động khu vực và quốc tế.
 
MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NĂM HỌC 2016-2017

1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD-ĐT

1.1. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục và liên quan đến ngành để phát hiện những văn bản bất cập, không còn phù với điều kiện thực tiễn, tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thường xuyên đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Hoàn thiện quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục, rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp, nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm giải trình; nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xử lí công việc.

1.2. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD-ĐT; kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp. Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lí, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống quản lí hành chính điện tử (e-office) kết nối với tất cả các cơ sở GD-ĐT và các cơ sở đào tạo trực thuộc. Hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Bộ GD-ĐT.

Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm các sai phạm.

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của CBQL giáo dục các cấp

2.1. Thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự của các cơ quan quản lí giáo dục các cấp, trước hết là Cơ quan Bộ GD-ĐT nhằm tinh gọn bộ máy, trên cơ sở sắp xếp nhân sự phù hợp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, theo nguyên tắc:

- Không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị. Tuân thủ quan điểm về cải cách hành chính: Một đơn vị được giao nhiều nhiệm vụ và một nhiệm vụ phải có một đầu mối chịu trách nhiệm.

- Rà soát, sắp xếp nhân sự phù hợp với năng lực chuyên môn và vị trí việc làm. Đối với nhân sự không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm thì điều động, bố trí công việc khác hoặc cho thôi việc.

2.2. Bổ sung, hoàn thiện chuẩn chức danh nghề nghiệp cán bộ, quản lí giáo dục trên cơ sở quy định chung của Nhà nước, trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan quản lí giáo dục để có được đội ngũ CBQL có tầm nhìn và có năng lực, tận tâm, năng động, sáng tạo.

2.3. Nâng cao trách nhiệm, kỉ luật, kỉ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBQL giáo dục. Xây dựng và hoàn thiện quy trình đánh giá, xếp loại, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng CBQL giáo dục theo hướng thực chất, hiệu quả; quan tâm thỏa đáng đến việc phát triển cán bộ trẻ, cán bộ có tài năng, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

2.4. Xây dựng cơ chế, chính sách gắn chi trả lương với kết quả và chất lượng công việc nhằm thu hút người tài, người có năng lực vào làm việc trong các cơ quan quản lí giáo dục, đồng thời có chính sách cụ thể để loại bỏ những công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ.

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT

3.1. Đề nghị chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho GD-ĐT, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách, cụ thể:

- Xây dựng và củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng quy mô phát triển giáo dục vùng khó khăn.

- Triển khai Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học theo Quyết định số 1625/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; đề xuất các chương trình, dự án giáo dục cho vùng khó khăn, dân tộc, miền núi nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục.

- Lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để tăng hiệu quả đầu tư trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các dự án thuộc chương trình chính sách phát triển giáo dục đại học vốn vay Ngân hàng thế giới; rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho các địa bàn khó khăn, nhất là đối tượng chính sách.

3.2. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học; không phân biệt công lập, tư thục trong chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên, giảng viên; thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg về cổ phần hóa  cơ sở giáo dục công lập; khuyến khích các cơ sở đào tạo thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP về thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập; thực hiện tốt quy định về ưu đãi đất đai, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Khuyến khích các cơ sở GD-ĐT đủ điều kiện thực hiện chương trình chất lượng cao với mức thu học phí tương ứng để có thêm nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.

3.3. Đẩy mạnh hợp tác song phương và đa dạng về GD-ĐT với các nước, tranh thủ tối đa sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, tăng cường kí kết hiệp định, thỏa thuận hợp tác với nước ngoài; tiếp tục triển khai Đề án hội nhập quốc tế về GD-ĐT đến năm 2020.

3.4. Nâng cao hiệu quả thực hiện các đề án, chương trình học bổng cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; tăng cường đối thoại chính sách về giáo dục với các nhà đầu tư nhằm thu hút nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư trong giáo dục; tăng số lượng học bổng cho các cán bộ,giảng viên, sinh viên đi học nước ngoài.

4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục

4.1. Công tác khảo thí thực hiện theo hướng đánh giá năng lực người học, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong khảo thí, đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho giáo viên và người học.

4.2. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp, trong đó kiểm định cả cấp chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, trên cơ sở đó phân tầng, xếp hạng, quy hoạch lại mạng lưới và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng để thực hiện thống nhất, hiệu quả. Tăng cường công tác tự đánh giá, cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo, khuyến khích tổ chức đánh giá đồng cấp để từng bước chuẩn bị cho công tác đánh giá ngoài và đăng kí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT

Quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho công tác truyền thông giáo dục để xã hội hiểu và chia sẻ về các chủ trương đổi mới của ngành. Xây dựng kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp, bài bản với sự tham gia của các vụ/cục thuộc Bộ, các cơ sở GD-ĐT, các cơ sở đào tạo và đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo, CBQL giáo dục các cấp. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương trong việc đưa tin về các hoạt động của Ngành, nhất là các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến để lan tỏa, khích lệ các thầy cô giáo, các em HS phấn đấu, vươn lên.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác truyền thông cho cán bộ, chuyên viên của các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ, các cán bộ phụ trách truyền thông tại địa phương và các cơ sở giáo dục.

Nguồn tin: Bộ GD-ĐT (Trích Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 và phương hướng nhiệm vụ giải pháp năm học 2016-2017 của ngành giáo dục và đào tạo). Bộ GD-ĐT ngày 05/08/2016)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây