Hôm nay, ngày 13/11/2018, tại toà nhà Cục Tần số, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và khai giảng Khoá bồi dưỡng Nâng cao kiến thức Quản lí nhà nước về Báo chí.
Ảnh 1. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu, giao nhiệm vụ cho lớp học
Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của Khoá bồi dưỡng đồng thời yêu cầu có sự đổi mới về nội dung cũng như hình thức giảng dạy theo hướng tăng cường tương tác giữa giảng viên với học viên; giữa giảng viên, học viên với thực tiễn, cơ sở hoạt động báo chí. Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số định hướng cho công tác báo chí, gợi mở cho các học viên trong lớp về những vấn đề quan trọng trước mắt đối với công tác báo chí:
Thứ nhất, báo chí phải có trách nhiệm nhận thức và định hướng, góp phần mạnh mẽ vào việc xây dựng một dòng chảy chính của xã hội; tạo nên sự đồng thuận, niềm tin và khát vọng xã hội vào sự phát triển, sự thành công và chung sức xây dựng đất nước. Điều này cũng đồng thời yêu cầu các cơ quan báo chí cần xác định được ngưỡng phê phán để từ đó thúc đẩy sự phát triển đất nước, phụng sự nhân dân.
Thứ hai, trong mỗi giai đoạn lịch sử, phóng viên, người làm báo cần phải là và nhất định phải là những người đáng tin cậy, được tin cậy từ nhân dân, từ xã hội, từ tổ chức. Chỉ có như vậy, nhân dân, niềm tin của nhân dân mới đặt vào báo chí, làm theo những điều tốt đẹp mà báo chí chúng ta công bố, hướng tới.
Thứ ba, các cơ quan báo chí cần phải chủ động đổi mới, năng động, hướng tới việc tự chủ tài chính ở một mức độ nào đó, mở rộng dịch vụ và chức năng (chẳng hạn như tư vấn hay định hướng truyền thông cho doanh nghiệp, phân tích thị trường, đánh giá thị trường, …) để nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải sống tốt, sống khoẻ được bằng nghề.
Thứ tư, báo chí phải tìm và tạo ra sự khác biệt nhằm hướng tới mục tiêu chung của toàn ngành, của đất nước. Chẳng hạn như cần phải tập trung vào việc đưa tin chính xác (có kiểm chứng) hơn là đưa tin nhanh nhất; khai thác, sử dụng công nghệ mới (như công nghệ AI, Big Data, …) để làm việc cũ và cả những việc mới, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động.
Thứ năm, căn cứ vào nghị quyết Trung ương, việc quy hoạch báo chí đã và đang tiếp tục được thực hiện một cách tích cực và trách nhiệm, từng nơi, từng đơn vị, từng vấn đề vì mục tiêu phát triển.
Thứ sáu, Bộ sẽ tăng cường quản lí nhà nước về công tác báo chí trên tinh thần phát triển và phụng sự, vì sự phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sau phát biểu khai mạc, Bộ trưởng đã dành thời gian để “tương tác” (theo cách nói của Bộ trưởng) và trả lời các câu hỏi của học viên - phóng viên trong lớp học. Các câu hỏi liên quan tới vấn đề quản lí sự phát triển, quản lí trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có vấn đề trí tuệ nhân tạo, vấn đề mạng xã hội và hoạt động quản lí nhà nước về lĩnh vực báo chí, về chiến lược quản lí nhà nước về báo chí trong giai đoạn tới. Trong đó, Bộ trưởng có chỉ đạo về sự chủ động tiếp cận với cuộc sống xã hội, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các đơn vị và các lãnh đạo các cơ quan báo chí cần chủ động sử dụng thành tựu của khoa học công nghệ trong công tác báo chí (như duyệt bài, nghiên cứu định hướng đối tượng bạn đọc, xu thế hay nhu cầu của công chúng,…). Tiếp đó, Bộ trưởng khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lắng nghe và yêu cầu sự phản hồi, đóng góp, đề xuất cho Bộ những ý kiến từ chính các đơn vị báo chí, truyền thông về không chỉ thực trạng mà còn cả các giải pháp quản lí nhà nước về lĩnh vực báo chí. Từ đó, Bộ, Chính phủ sẽ có những quyết sách, chính sách thực tiễn, chính xác, phát triển dành cho công tác báo chí, thúc đẩy sự phát triển của báo chí, xứng tầm nhiệm vụ được giao.
Ảnh 2. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi và chụp ảnh lưu niệm với học viên lớp Bồi dưỡng
Học viên của lớp học là các các cán bộ lãnh đạo, cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo các cơ quan báo chí trên cả nước, gồm các cơ quan Trung ương và địa phương. Nội dung, chương trình bồi dưỡng sẽ được triển khai thông qua 07 chuyên đề, 01 ngày đi thực tế và các bài kiểm tra, thu hoạch theo quy định. Các chuyên đề bồi dưỡng tập trung vào các vấn đề quan trọng, thiết thực về công tác quản lí nhà nước về báo chí như chiến lược và kế hoạch phát triển cơ quan báo chí; quản lí nhà nước về báo chí; quản lí và điều hành cơ quan báo chí và tác nghiệp báo chí trong môi trường công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; quản lí nhân lực, quản lí tài chính trong cơ quan báo chí; quan hệ công chúng và quản trị thương hiệu;… Chứng chỉ sẽ do Trường Cán bộ Quản lí của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Ảnh 3. Ban tổ chức và học viên lớp học lắng nghe phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn