Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp gỡ giáo viên tiêu biểu xuất sắc công tác tại các huyện đảo, xã đảo

Chủ nhật - 13/11/2016 23:02
Sáng 13-11, tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc gặp gỡ thân mật, ấm cúng với 42 thầy cô giáo tiêu biểu xuất sắc đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo. Cùng tham dự có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội LHTNVN Nguyễn Phi Long, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện thân mật với các thầy cô giáo tại cuộc gặp gỡ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện thân mật với các thầy cô giáo tại cuộc gặp gỡ

Ước mơ về cái bánh mỳ

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí thân mật khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, cuộc gặp này không đơn thuần là để vinh danh mà để Bộ trưởng được lắng nghe những tâm sự chân thật, được trao đổi những vấn đề đời thường từ chính những thầy cô đang công tác ở những nơi khó khăn nhất

11

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lại Sơn
(huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang)

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), người có 29 năm công tác ở vùng đảo mở đầu câu chuyện với Bộ trưởng bằng những giọt nước mắt khi nhớ lại những ngày đầu tiên đến đảo, đó là cảnh phương tiện đi lại không có, để đến được điểm trường lẻ phải mất vài giờ đi bằng ghe thuyền rồi leo núi, đó là cảnh thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, đó là nỗi vất vả khi vận động được học sinh đến trường và duy trì được sĩ số lớp. Theo thời gian những nỗi vất vả ấy cũng dần qua đi, nhường chỗ cho tình yêu trường, yêu lớp, yêu học trò của cô. Giờ đây mong muốn lớn nhất của cô giáo Thủy là các em học sinh ở xã đảo sẽ được tiếp cận với phương tiện dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu, phòng dạy ngoại ngữ.

12

Thầy giáo Lê Xuân Quyết, giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây,
huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa

Là một trong những giáo viên trẻ nhất trong số 42 giáo viên được vinh danh lần này, thầy giáo Lê Xuân Quyết, giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa mang đến những câu chuyện giản dị nhưng vô cùng cảm động về học trò ở Trường Sa, đó là những buổi học áo đẫm mồ hôi vì nóng, đó là ước mơ được ăn một cái bánh mỳ từ đất liền gửi ra của một em học sinh mà cũng khó thực hiện vì một chuyến ra đảo kéo dài tới chục ngày, bánh mỳ đã không còn hạn sử dụng. Nhưng trong câu chuyện đầy ắp khó khăn đó là lấp lánh ý chí, lương tâm người thầy vì tương lai thế hệ trẻ trên vùng đảo tiền tiêu của tổ quốc. Ước mơ của thầy Quyết là được cập nhật thông tin, kết nối tri thức phục vụ cho công việc nghiên cứu và giảng dạy (hiện nay việc kết nối thông tin tại đảo Trường Sa rất khó khăn).

Đến từ Trường THCS Sơn Hải (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), thầy Đoàn Văn Kiều có 17 năm công tác ở vùng đảo, câu chuyện của thầy là niềm vui khi trường đảo những năm qua đã có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đặc biệt có học sinh đã đạt giải Ba trong cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức. Mong muốn được xem xét để tăng thêm thu nhập cho giáo viên công tác tại vùng đảo bởi hiện nay chi phí đi lại, chi phí cuộc sống ở những nơi này đắt đỏ hơn đất liền của thầy Kiều cũng là mong muốn chung của rất nhiều thầy cô giáo đang công tác trên nhiều vùng đảo.

13

Cô giáo Nguyễn Thị Hợi, giáo viên Trường THCS Bản Sen
(huyện Vân Đồn, Quảng Ninh)

Gửi đến Bộ trưởng tâm tư của một người đã có gần 30 năm công tác trên vùng đảo Vân Đồn, Quảng Ninh, cô giáo Nguyễn Thị Hợi, giáo viên Trường THCS Bản Sen cho rằng, dù đã được đầu tư khá nhiều nhưng khoảng cách giữa học sinh trên đảo với đất liền vẫn còn khá xa, đặc biệt công nghệ thông tin còn hạn chế. Vì vậy, cô Hợi mong rằng thời gian tới sẽ được quan tâm đầu tư để Trường THCS Bản Sen có thêm phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Cuộc trò chuyện với Bộ trưởng còn là dịp để các thầy cô giáo vùng đảo được chia sẻ về một số vấn đề quan tâm xung quanh các chế độ chính sách về miễn giảm học phí, chính sách tiền lương đối với giáo viên vùng bãi ngang hay về công tác thi đua khen thưởng theo thông tư của Bộ GD&ĐT. Nhưng dù là mong muốn gì hay chia sẻ khó khăn đến đâu thì trong câu chuyện của các thầy cô giáo cũng luôn thể hiện rõ tình yêu, sự tâm huyết với nghề, quyết tâm bám trường, bám đảo, vì học sinh thân yêu.

Không có cách thoát nghèo nào tốt hơn là học

Lắng nghe tâm sự của các thầy cô giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ sự xúc động trước những nỗ lực vượt qua khó khăn cũng như sự khiêm nhường của mỗi thầy cô.
14
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các thầy cô giáo tại cuộc gặp gỡ

Bộ trưởng chia sẻ: “Thường những người phấn đấu xuất sắc, tận tụy với công việc thì lại ít nghĩ đến đề nghị cho mình. Việc các thầy cô ít kiến nghị là điều dễ hiểu nhưng người làm lãnh đạo cần phải hiểu chứ không phải kiến nghị ra thì mới giải quyết. Và qua câu chuyện của các thầy, tôi phần nào đã hiểu”

Hiện nay, đối với vùng khó khăn, Đảng và Nhà nước rất quan tâm bằng những chính sách cụ thể nhưng so với yêu cầu vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đối với các xã, huyện vùng đảo, khó khăn không thua kém gì những vùng thuộc diện 30A nếu không nói là hơn. Bởi cái khó nhất chính là cách biệt với đất liền, thiếu thốn các dịch vụ để phục vụ đời sống vật chất và tinh thần.

15

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao tặng Bằng khen cho giáo viên tiêu biểu

Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, vùng xã đảo nói riêng và vùng khó khăn nói chung, biện pháp gốc rễ nhất là phải giúp cho thế hệ trẻ biết chữ, được học hành để họ sẽ thoát nghèo bền vững. Về lâu dài, đó mới là điều căn cơ.

“Những vùng biển đảo là nơi tiền tiêu, trấn ải của Tổ quốc, những công dân sinh ra từ đảo được học hành, gắn bó, yêu quê hương đất nước thì đó mới những người chiến sĩ tiên phong nhất, chốt đảo, cắm đảo. Các thầy cô giáo tăng cường đến đảo đã quý rồi nhưng làm sao để có được lực lượng kế cận trưởng thành ngay từ những vùng đảo xa xôi mới là giài pháp bền vững. Đó cũng chính là hiệu quả của việc đầu tư cho giáo dục một cách “đặc biệt” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

16

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ chụp ảnh lưu niệm
cùng 42 thầy cô giáo tiêu biểu đến từ các huyện đảo, xã đảo

Đối với nhóm vấn đề các thầy cô nêu ra trong cuộc gặp về điều kiện trường lớp, Bộ trưởng nêu rõ, thời gian tới, sẽ chỉ đạo các Sở để cùng các dự án, các nhà tài trợ có kế hoạch đầu tư đồng bộ, chất lượng tốt. Đối với việc học sinh ở một số vùng đảo muốn học cao hơn phải về đất liền nhưng điều kiện kinh tế hạn chế, thời gian tới Bộ sẽ quan tâm đến chế độ, chính sách đối với học sinh, đồng thời mong muốn các nhà tài trợ gây quỹ học bổng, các trường đại học, cao đẳng miễn giảm học phí cho các em.

Về đội ngũ giáo viên hiện đang công tác ở các vùng đảo, Bộ trưởng lưu ý, thầy phải là tấm gương chứ không chỉ đơn thuần là gieo “con chữ” hay giỏi công tác chuyên môn khoa học. Muốn làm được điều đó phải đảm bảo cuộc sống cho các thầy cô. Chúng ta phải có những hỗ trợ thiết thực để các thầy cô nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài chế độ chính sách còn cần quan tâm đến các điều kiện tiếp cận nâng cao trình độ cho các thầy cô.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi mong rằng 42 thầy cô có mặt trong buổi gặp gỡ hôm nay sẽ là những đại diện của Bộ trưởng tại mỗi vùng đảo để mỗi chủ trương, biện pháp, thông điệp của ngành sẽ được truyền tải hai chiều, đi vào từng vấn đề cụ thể và thiết thực”.

Ghi nhận những đóng góp của các thầy cô giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao tặng bằng khen cho 42 giáo viên tiêu biểu xuất sắc công tác tại các huyện đảo, xã đảo.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Nguồn tin: Bộ GD-ĐT (http://www.moet.gov.vn/tintuc/pages/huong-toi.aspx?ItemID=4351)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây