Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có bài phát biểu chào mừng các tân GS, PGS năm 2016 cùng toàn thể đại biểu, thân nhân, bè bạn của các tân GS, PGS đã có mặt trong buổi lễ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, chủ chốt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu theo chuẩn quốc gia, dần tiệm cận chuẩn mực của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Chủ trương này cũng tạo cơ sở để xác định vai trò, trách nhiệm và phương hướng phấn đấu cho cán bộ khoa học, giáo dục, đồng thời là cơ sở đề xuất và thực hiện các chính sách, chế độ sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức có trình độ, uy tín cao. Năm nay, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS lần thứ 25. Bộ trưởng bày tỏ niềm vui mừng, trong năm 2016, đã có thêm 65 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 638 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu bền bỉ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của các tân GS, PGS. Đây cũng là kết quả của sự hỗ trợ, động viên, thậm chí là sự hi sinh từ các gia đình (cha, mẹ, chồng, vợ, anh, em, con cái), sự hỗ trợ, tạo điều kiện, động viên từ cơ quan và đồng nghiệp của các tân GS, PGS. Đây cũng là truyền thống hiếu học của dân tộc, đã và đang tiếp tục được phát huy.
Bộ trưởng, Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn, chất lượng đội ngũ còn phải tiếp tục phấn đấu. Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 đã tiếp tục góp phần quan trọng để nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức và giảng viên đại học, thúc đẩy việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới và đưa các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội.
“Đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đã khó; phát huy được vai trò, năng lực, uy tín của các chức danh này tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan, đơn vị lại càng khó hơn. Tôi mong rằng, các tân GS, PGS năm 2016 tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với chức danh được công nhận và bổ nhiệm. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương phối hợp cùng với Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo văn bản mới thay thế Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo văn bản mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận với cách làm và chuẩn mực của các nước có nền giáo dục tiên tiến theo lộ trình thích hợp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và GS. Trần Văn Nhung trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư cho đại biểu.
Cũng trong buổi lễ, dự và có bài phát biểu với các tân GS, PGS năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, đặc biệt là các GS, PGS đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ nói riêng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói tri thức là vốn liếng quý báu, là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ, sức mạnh của dân tộc.
Yêu cầu phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của đất nước cùng xu hướng toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của tri thức, đội ngũ trí thức, các nhà giáo, nhà khoa học.
Theo Phó Thủ tướng, không chỉ là những nhà khoa học, nhà sư phạm giỏi trong nghiên cứu, trong giảng dạy để đào tạo ra nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân có chất lượng được thừa nhận trong nước và quốc tế, các GS, PGS còn là tấm gương về nhân cách trong nhà trường, trong nghiên cứu, trong giảng dạy, trong đời sống, trong xã hội. Vì vậy, dù pháp luật đã quy định rõ GS, PGS là chức danh khoa học do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm nhưng GS, PGS cũng là chức danh được xã hội, được nhân dân đặc biệt tôn trọng.
Từ năm 1980 đến năm 2015, sau 24 đợt xét, trong 36 năm, tổng số lượt GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.619, trong đó có 1.680 GS và 9.939 PGS. Đội ngũ GS, PGS ở nước ta đã và đang đóng góp tích cực, quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong số 65 GS có 59 nam (90,77%), 6 nữ (9,23%), 73,85% là giảng viên trong các trường đại học và học viện. Trong 638 PGS có 449 nam (70,38%), 189 nữ (29,53%), 6 người dân tộc thiểu số, 79,62% là giảng viên trong các trường đại học và học viện. |
Trung tâm Truyền thông giáo dục
Nguồn tin: Bộ GD-ĐT (http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4337)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn