Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhân dịp kỉ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan Giai đoạn II (IPP2) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học” trong các ngày 20, 21 và 22/9/2018 tại Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) là Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan đồng chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2014-2018 với tổng ngân sách 11 triệu Euro. Trong những năm qua, IPP2 đã tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam mô hình mới trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo và xây dựng năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh, hướng tới nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Diễn đàn nhằm tạo cơ hội kết nối hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm, tri thức, bài học thực hành tốt nhất của các trường đại học hàng đầu Phần Lan về thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kết nối với khu vực doanh nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học. Trong khuôn khổ Diễn đàn, IPP2 giới thiệu Dự thảo cuối Tài liệu nghiên cứu về giáo dục khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học - khuyến nghị đối với Việt Nam do Nhóm nghiên cứu trong nước kết hợp với các chuyên gia quốc tế của IPP2 thực hiện.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Trường đại học là thành tố quan trọng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Các trường đại học mạnh phải là các chủ thể nghiên cứu mạnh, là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Diễn đàn
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định: Những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn trân trọng vun đắp và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan trên lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm của các trường đại học Phần Lan và Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu khoa học, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học là sự kiện rất có ý nghĩa, hướng tới kỉ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan trong năm 2018”.
Tại Diễn đàn, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, Kari Kahiluoto nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo là lĩnh vực quan trọng trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan. IPP đóng góp vai trò quan trọng trong hợp tác của hai nước, thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Việt Nam.
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto phát biểu tại Diễn đàn
TS. Phạm Thị Ly - Trưởng nhóm nghiên cứu Chương trình IPP2 có bài tham luận
“Giáo dục đại học hướng tới thúc đẩy khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”
Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu nhận định các trường đại học của Việt Nam mới chỉ chú trọng vào hoạt động đào tạo mà chưa có điều kiện tập trung cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp và kết nối với doanh nghiệp. Để khắc phục vấn đề này, các đại biểu cho rằng thời gian tới cần tăng cường vai trò chủ thể của các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, có giải pháp khuyến khích kèm theo bắt buộc các trường đại học, đặc biệt là đại học công nghệ triển khai mạnh hơn chức năng nghiên cứu và kết nối với khu vực công nghiệp, doanh nghiệp.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Đại diện của các trường đại học, học viện (Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Đại học Cần Thơ
và Học viện Ngân hàng) tham gia phần thảo luận
Diễn đàn tiếp tục phiên làm việc ngày 21/9 với chủ đề “Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” với một số tham luận có giá trị như: “Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đẳng cấp thế giới - Kinh nghiệm của Phần Lan và Đại học Aalto” của TS. Olli Vuola, Giám đốc Chương trình Aalto Ventures, Đại học Aalto; Thuyết trình của GS.TS. Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Trường; Giới thiệu về hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng như: Đại học Ngoại thương, Đại học Nguyễn Tất Thành, Cao đẳng Công nghiệp Huế; “Sử dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Thúc đẩy hợp tác 3 nhà (Nhà nước - Trường đại học - Doanh nghiệp) tại Đại học Công nghệ Tampere, Phần Lan” của ông Harri Länsipuro, Giám đốc Koivusaari Consulting, Đại học Công nghệ Tampere...
Ngày 22/9, Ban Quản lý Dự án IPP2 cùng đại diện các trường đại học Phần Lan và Việt Nam tới làm việc, khảo sát thực địa tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là một trong những trường đại học Việt Nam đi đầu trong hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các hoạt động trong 03 ngày Diễn đàn không chỉ mang lại thông tin hữu ích cho các trường mà còn tạo cơ hội để các trường đại học trong nước được gặp gỡ, kết nối hợp tác với đối tác Phần Lan, các trường bạn, các cơ quan nghiên cứu, quản lí, hoạch định chính sách về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo.
Tác giả bài viết: Tạp chí Giáo dục
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn