Giáo dục thường xuyên: Tổng kết năm học 2019-2020 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021

Thứ ba - 22/09/2020 10:41

Thực hiện Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của Ngành giáo dục; Quyết định số 2084/QĐ-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2020-2021; Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục thường xuyên (GDTX)… Bộ GD-ĐT đã tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với GDTX như sau:

I. Những kết quả đạt được của giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020

1. Kết quả đạt được của giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020

Năm học 2019-2020, các địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, quy hoạch lại và khắc phục việc phá vỡ mạng lưới cơ sở GDTX trên địa bàn do việc sáp nhập các Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trung tâm giáo dục nghề nghiệp thực hiện chưa đúng quy định hiện hành. Trong đó, tổng số cơ sở GDTX trong cả nước là 16.652 trung tâm; với số lượng học viên theo học các chương trình GDTX gồm: - Số người học để lấy bằng và học các chương trình bồi dưỡng (không lấy bằng) có 12.552.909 lượt người tham gia học tập; - Số người tham gia học ngoại ngữ và tin học ứng dụng là hơn 1.618.131 lượt người; - Số người tham gia học nghề ngắn hạn là hơn 120.747 lượt người; - Số người theo học lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ là hơn 44.392; - Số người tham gia học chương trình GDTX cấp THCS và THPT là trên 260.708 học viên; - Số người học bồi dưỡng thường xuyên gần 222.320 lượt người; - Số người học giáo dục kĩ năng sống là 2.361.329 người; Số người học liên kết đào tạo là 38.534 người; - Số cán bộ, công chức được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số là 31.110 người.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung xây dựng xã hội học tập đã có bước chuyển biến rõ rệt. Nhiều Sở GD-ĐT đã có giải pháp tuyên truyền thiết thực, hiệu quả và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ  và Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã; xây dựng kế hoạch và đăng kí tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO…

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các TTGDTX, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đáp ứng nhu cầu học thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, nhiều Sở GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan biên soạn các tài liệu đặc thù riêng của địa phương về chính trị, pháp luật, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các chuyên đề phổ biến kiến thức. Nhiều thành tựu khoa học, công nghệ mới về lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã được nông dân ứng dụng thành công và nhân rộng trong cộng đồng. Các TTGDNN-GDTX cũng có nhiều giải pháp thúc đẩy nhân dân tham gia học tập suốt đời. Cụ thể:

1.1. Đối với công tác xóa mù chữ

Công tác chỉ đạo ở nhiều nơi đã được chú trọng, các biện pháp nâng cao chất lượng xóa mù chữ ở nhiều địa phương vẫn được tăng cường. Trong năm học 2019-2020, cả nước đã huy động được hơn 44.392 người theo học lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Vì vậy, công tác xóa mù chữ đã có những tiến bộ đáng kể, tỉ lệ người biết chữ tăng dần; tuy nhiên, hiện tượng tái mù chữ vẫn cao, tập trung vào độ tuổi 36-60.

1.2. Đối với Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện

Năm học 2019-2020, mạng lưới TTGDTX, TTGDNN được duy trì ổn định. Hệ thống Trung tâm này là nòng cốt tại các địa phương trong việc nâng cao trình độ văn hóa, bồi dưỡng nâng cao năng lực việc làm, phân luồng học sinh sau THCS… Các Trung tâm đã từng bước đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng có chất lượng, nâng cao năng lực tự chủ theo lộ trình và khẳng định vị thế là cơ sở hạt nhân góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Nhiều Trung tâm đã triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tăng cường phối hợp với các Sở, ban, ngành, cá nhân liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, như: giáo dục kĩ năng sống; đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; các lớp chuyên đề phổ biến kiến thức cho cán bộ, công chức, HS, sinh viên và người lao động...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lí đã được thực hiện mạnh mẽ và triệt để. Công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông đã được các TTGDTX, TTGDNN-GDTX một số nơi được duy trì. Các Sở GD-ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Chương trình GDTX cấp THCS và THPT và thường xuyên thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện này.

1.3. Đối với Trung tâm học tập cộng đồng

TTHTCĐ ngày càng hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu nâng cao tỉ lệ người lao động tham gia học tập tại TTHTCĐ. Năm học 2019-2020, các TTHTCĐ đã chú trọng vào các hoạt động sau:

- Đẩy mạnh công tác quản lí, nâng cao chất lượng TTHTCĐ.

- Tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu cho TTHTCĐ.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, báo cáo viên, cộng tác viên đông về số lượng và đảm bảo chất lượng.

- Huy động tất cả các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của TTHTCĐ.  - Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại Trung tâm.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và phát triển TTHTCĐ.

1.4. Đối với Trung tâm ngoại ngữ, tin học

Năm 2019-2020, số lượng các Trung tâm ngoại ngữ, tin học là 5.582 Trung tâm (tăng 1.608 Trung tâm so với năm học 2018-2019). Mạng lưới Trung tâm ngoại ngữ, tin học rải đều khắp cả nước và tập trung nhiều ở những tỉnh, thành phố lớn. Các trung tâm ngoài công lập, trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài đã có vai trò rất lớn, hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học cho HS, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân. Các địa phương đã làm tốt vai trò quản lí việc tổ chức giảng dạy của các Trung tâm ngoại ngữ, tin học. Một số tỉnh thành khác đã chỉ đạo các Trung tâm ngoại ngữ, tin học dạy tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Lào) cho cán bộ, công chức và chiến sỹ công an biên phòng...

1.5. Đối với Trung tâm giáo dục kĩ năng sống

Hiện nay, toàn quốc có 634 Trung tâm giáo dục kĩ năng sống. Trong năm học vừa qua, các Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng sống trong các nhà trường; chỉ đạo các trường tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo môi trường thuận lợi để giáo dục kĩ năng sống cho HS. Nhờ đó, công tác giáo dục kĩ năng sống có sự chuyển biến tích cực trong các trường ở từng cấp học. Đối với các Trung tâm giáo dục kĩ năng sống do các tổ chức, cá nhân thành lập, các Sở GD-ĐT đã tăng cường kiểm tra, rà soát về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình...; qua đó, hoạt động giáo dục kĩ năng sống về cơ bản đảm bảo nội dung, chất lượng hoạt động.

1.6. Công tác truyền thông

Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân về GDTX đã có bước chuyển biến rõ rệt. Các kênh và công cụ truyền thông đã được đa dạng hóa, ứng dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Viber...) để thông tin nhanh, kịp thời và tăng cường kết nối truyền thông theo cả ngạch dọc và ngang giữa Bộ GD-ĐT với các Sở GD-ĐT, giữa các Sở GD-ĐT với nhau và với báo chí, truyền hình..., các chuyên gia và các bên liên quan khác. Truyền thông đã trở thành giải pháp hữu hiệu giúp nhiều địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quản lí nhà nước đối với GDTX; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận trong xã hội về các chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Ngành liên quan đến lĩnh vực GDTX.

2. Những tồn tại, hạn chế

- Mạng lưới cơ sở GDTX phát triển chưa tương xứng với nhu cầu học tập của người dân. Việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDTX chưa đồng bộ, còn có một vài địa phương thực hiện không đúng quy định của Luật Giáo dục và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Công tác quản lí, chỉ đạo, giám sát của một số Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT về GDTX chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; một số TTGDTX, Trung tâm GDNN-GDTX và TTHTCĐ hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy được nguồn lực, thế mạnh của cơ sở.

- Chất lượng GDTX vẫn còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các TTGDTX còn thiếu thốn, ít được đầu tư xây dựng; công tác quản lí còn có vấn đề bất cập; công tác kiểm tra, thanh tra chưa được thường xuyên; chưa có được những biện pháp phù hợp, tích cực để nâng cao chất lượng dạy học; chưa có quy định tiêu chuẩn cán bộ quản lí các Trung tâm GDNN-GDTX nhằm đảm bảo duy trì hoạt động có hiệu quả. Việc thực hiện phân luồng, việc dạy học văn hoá kết hợp dạy nghề triển khai chưa đúng quy định hiện hành.

- Một số địa phương chưa quan tâm đến việc học tập của người lớn, xây dựng xã hội học tập; công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số nơi còn hạn chế cả nội dung và hình thức; nội dung tuyên truyền - còn nghèo nàn. Tỉ lệ huy động người học xóa mù chữ ở những vùng khó khăn còn thấp, kết quả không bền vững, hiện tượng tái mù chữ còn khá lớn; cách thức tổ chức học, phương pháp dạy xóa mù chữ chưa phù hợp với đặc điểm tâm lí, văn hóa của người dân tộc thiểu số; chưa có chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm huy động người dân tộc thiểu số học xóa mù chữ.

- Một số Trung tâm hoạt động chưa đúng quy định; cơ sở vật chất chưa phù hợp; hình thức, phương pháp tổ chức giáo dục kĩ năng sống chưa hiệu quả; việc giáo dục kĩ năng sống còn nặng về lí thuyết, thiếu tính thực hành. Nhiều Trung tâm chưa tổ chức điều tra nhu cầu học tập ngoại ngữ, tin học, công nghệ thông tin - truyền thông trên địa bàn; chưa tổng kết, rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Trung tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Số trung tâm ngoại ngữ, tin học ngày càng phát triển về số lượng nhưng công tác kiểm tra chất lượng hoạt động, hiệu quả đào tạo của các cấp quản lí còn ít, chưa xứng tầm với quy mô phát triển. Đội ngũ giáo viên nước ngoài không ổn định dẫn đến hiệu quả giảng dạy chưa cao.

3. Đánh giá chung

- Mạng lưới cơ sở GDTX ngày càng được củng cố và phát triển; đặc biệt là mạng lưới các TTHTCĐ phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động.

- Nhận thức của cán bộ và người dân về lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chuyển biến tích cực. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong quá trình xây dựng xã hội học tập được tăng cường. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập; xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án và đưa vào chương trình phát triển KT-XH hàng năm của địa phương để thực hiện.

- Việc đa dạng hóa nội dung chương trình GDTX và tập trung phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn đã từng bước đáp ứng yêu cầu và nhu cầu không ngừng nâng cao kĩ năng và phát triển chuyên môn cho người lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương.

- Việc đẩy mạnh công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của các cán bộ quản lí, giáo viên GDTX, các tầng lớp nhân dân trong xã hội và thu hút được sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mở ra những cơ hội và vận hội mới cho GDTX.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2020-2021

Nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với GDTX cần tập trung vào các vấn đề sau: tăng cường tuyên truyền quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ của GDTX được quy định tại Luật Giáo dục; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lí nhà nước đối với GDTX và hoạt động quản trị trong các cơ sở GDTX; tập trung tăng cường nền nếp, kỉ cương, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đa dạng hoá các hoạt động gắn với đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng đối với các cơ sở GDTX; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lí, dạy và học; chủ động ứng phó trước tình hình dịch bệnh Covid-19; gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học trong việc hỗ trợ nguồn học liệu mở, các khoá học từ xa, trực tuyến đại chúng cho người học ở mọi lứa tuổi; nâng cao hiệu quả xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng dạy học chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề, thực hiện phân luồng học sinh sau THCS hiệu quả; quan tâm dạy tiếng Việt và truyền bá văn hoá dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nâng cao năng lực quản lí nhà nước đối với GDTX.

Trong đó, toàn Ngành cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm sau:

- Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập.

- Tăng cường thực hiện công tác xóa mù chữ tại các địa phương, chú trọng các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đổi mới công tác quản lí, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển mạng lưới các cơ sở GDTX, như: đối với TTGDTX/TTGDNN-GDTX, đối với Trung tâm học tập cộng đồng, đối với các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX (Trung tâm ngoại ngữ, tin học, Trung tâm giáo dục kĩ năng sống...).

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở GDTX.

- Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT đối với GDTX.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần đáp ứng các yêu phát triển KT-XH của địa phương.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông.

- Đổi mới và đẩy mạnh công tác báo cáo, thi đua, khen thưởng.

Trên cơ sở của những nội dung chính trên đây, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, các Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Sở GD-ĐT phản ánh kịp thời về Bộ GD-ĐT (qua Vụ GDTX).

Tác giả bài viết: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây