Ngày 05/7/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 và 6 tháng cuối năm 2019. Chủ trì và dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, các thứ trưởng, đại diện Văn phòng Chính phủ, các cục, vụ đơn vị thuộc cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị được nghe các báo cáo: Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nhiệm vụ 06 tháng đầu năm 2019; kế hoạch công tác tháng 7 và 06 tháng cuối năm 2019; Kết quả công tác chỉ đạo điều hành 06 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp công tác tháng 7 và 06 tháng cuối năm 2019; Công tác thi THPT quốc gia năm 2019; Công tác tuyển sinh ĐH năm 2019 và thực hiện tự chủ theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
Kết quả thực hiện nhiệm vụ 06 tháng đầu năm 2019 của Bộ cho thấy:
Các đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm 2019 và các nhiêm vụ chỉ đạo của lãnh đạo Bộ giao; ưu tiên tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế và trình ban hành được một số văn bản quan trọng như: Trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành Nghị quyết thí điểm mở rộng quyền tư chủ của 03 trường đại học; Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025; nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025; Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, CBQL các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GDĐT giai đoạn 2019-2030 và Nghị quyết huy động nguồn lực xã hội của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2019.
Tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng; tích hợp, lồng ghép các nhiệm vụ được giao vào các nội dung, công việc đang triển khai của Bộ, của ngành Giáo dục, không để sót nhiệm vụ.
Tập trung triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ quan của ngành, đạt được một số kết quả nhất định. Đẩy mạnh việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; triển khai nghiêm túc việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo gắn với đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục; triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan Bộ; chỉ đạo tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, triển khai công tác ứng xử trong trường học; tăng cường thanh kiểm, kiểm tra công tác hành chính và quản lý nhà nước trong các đơn vị trực thuộc Bộ; chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đảm bảo trật tự, an toàn, nghiêm túc, khách quan, trung thực. Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trên phạm vi cả n ước. Một số hiện tượng vi phạm Quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của Kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Công tác phố hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các ban đảng và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện chính sách về GDĐT, các văn bản, báo cáo liên quan.
Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như:
- Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm muộn, chất lượng một số văn bản còn hạn chế; nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chậm được ban hành, còn tình trạng xin lùi thời hạn; một số văn bản luật đang chồng chéo; do đó, khi ban hành các văn bản dưới luật gặp nhiều khó khăn vướng mắc; một số văn bản có phạm vi nghiên cứu rộng, quy định chính sách đặc thù, nội dung nghiên cứu khá phức tạp, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, lấy ý kiến các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan nên một số văn bản được giao chưa hoàn thành theo kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2019.
- Công tác định hướng dư luận trong việc tuyên truyền thông tin, kết quả hoạt động của Bộ, của ngành còn chưa thực sự hiệu quả.
- Việc tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới gặp khó khăn do không đủ ứng viên tham gia[1].
- Còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương. Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập; còn tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số địa phương, cơ sở giáo dục.
- Tỷ lệ giải ngân thấp này chủ yếu là do chậm muộn trong việc trình nộp, thẩm định và phê duyệt kế hoạch tài chính năm 2019, một số hoạt động không triển khai được như dự kiến do không đủ nhà thầu tham dự.
- Nguồn lực huy động xã hội hóa cho GDĐT còn thấp so với tiềm năng, chưa đáp ứng tình hình phát triển và đảm bảo sự bền vững[2]; hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các cơ sở giáo dục công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công - tư… còn đơn lẻ, không tạo sự đột phá trong toàn hệ thống.
Để phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Bộ GD-ĐT đã xác định một số nhiệm vụ trong tâm tháng 7 và 6 tháng cuối năm 2019 như sau:
1. Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật
1.1. Văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
a) Trong tháng 7/2019, các đơn vị phải hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 01 văn bản (Vụ GDĐH).
b) Trong 06 tháng cuối năm 2019, các đơn vị phải hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 06 văn bản, gồm: 01 văn bản thuộc CTCT của 06 tháng đầu năm 2019 đang soạn thảo (đã nêu ở phần trên) và 05 văn bản thuộc CTCT 06 tháng cuối năm 2019 (của Vụ GDTrH (02), Vụ GDĐH (02), Vụ TCCB, Vụ CTHSSV)[3].
1.2. Văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng
a) Trong tháng 7/2019, các đơn vị phải hoàn thiện, trình Bộ trưởng ký ban hành 05 văn bản (Cục NGCB: 02 văn bản; Vụ GDTC, Vụ GDQPAN, Vụ GDTX mỗi đơn vị: 01 văn bản).
b) Trong 06 tháng cuối năm năm 2019, các đơn vị phải hoàn thiện trình 53 văn bản, gồm: 06 văn bản thuộc CTCT của 06 tháng đầu năm 2019 chưa hoàn thành (đã nêu ở phần trên) và 47 văn bản thuộc CTCT 06 tháng cuối năm 2019 (Vụ GDDT: 08 văn bản; Vụ GDCTHSSV, Cục QLCL mỗi đơn vị: 06 văn bản; Cục NGCB, Cục CSVC: 05 văn bản; Vụ GDĐH, Vụ GDQPAN mỗi đơn vị: 04 văn bản; Vụ GDTrH, Thanh tra mỗi đơn vị: 03 văn bản; Vụ TCCB, Cục HTQT, Cục CNTT mỗi đơn vị: 02 văn bản; Vụ GDMN, Vụ GDTH, Vụ GDTX, Vụ GDTC, Văn phòng mỗi đơn vị: 01 văn bản).
1.3. Luật Giáo dục (sửa đổi)
Phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước để công bố Luật Giáo dục (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục (sửa đổi); tổ chức soạn thảo 05 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giáo dục (sửa đổi) để đảm bảo các nghị định có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực với Luật Giáo dục (sửa đổi).
2. Kế hoạch nhiệm vụ tháng 7 và 06 tháng cuối năm 2019
2.1. Trong tháng 7 năm 2019, các đơn vị phải hoàn thành 08 nhiệm vụ theo Quyết định 68 và 52 nhiệm vụ theo kế hoạch của các đơn vị. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GDĐT (mức độ 3, 4); ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học và quản lý (Cục Công nghệ thông tin).
- Xây dựng, ban hành các thông tư về quy chế bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, phổ thông; tiêu chuẩn cán bộ quản lý phòng, sở GDĐT (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục).
- Kiện toàn tổ chức nhân sự, chức năng, nhiệm vụ, quy chế tổ chức, điều kiện hoạt động của Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam (Văn phòng); rà soát, hướng dẫn sắp xếp các trường dự bị dân tộc, PTDTNT trực thuộc Bộ (Vụ Giáo dục dân tộc).
- Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hình thức khuyến khích thi đua dạy tốt, học tốt và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục (Vụ Thi đua - Khen thưởng).
- Tổng kết, đánh giá các phương pháp đổi mới dạy và học ở các trường THCS/THPT (Vụ Giáo dục Trung học); sơ kết công tác đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng an ninh đối với các cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ theo Quyết định số 607/QĐ-TTg ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ kéo dài Đề án (Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh).
- Tổ chức diễn đàn toàn cầu của UNESCO về giáo dục vì phát triển bền vững và Công dân toàn cầu; Hội thảo quốc tế phát triển Vật lý và sơ kết Chương trình Vật lý (Cục Hợp tác quốc tế).
2.2. Trong 06 tháng cuối năm 2019, các đơn vị phải hoàn thành 23 nhiệm vụ theo Quyết định số 68 và 68 nhiệm vụ theo kế hoạch của các đơn vị còn tồn đọng của 06 tháng đầu năm chưa hoàn thành; 80 nhiệm vụ theo Quyết định số 68 và 404 nhiệm vụ theo kế hoạch công tác 06 tháng cuối năm 2019.
3. Một số nhiệm vụ trọng tâm khác
3.1. Tháng 7 năm 2019
a) Chỉ đạo công tác chấm thi, thanh tra chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và công bố kết quả tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 bảo đảm đúng quy chế, nghiêm túc, khách quan (Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục Đại học chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan).
b) Rà soát, điều chỉnh kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2019 bảo đảm khả thi, hiệu quả, ưu tiên nhiệm vụ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ giao và giải quyết những vấn đề mà dư luận bức xúc (Vụ Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị).
Rà soát báo cáo điều chỉnh chương trình công tác của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ; điều chỉnh chương trình soạn thảo văn bản năm 2019 của Bộ (Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan).
c) Trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Vụ Giáo dục Đại học chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan).
d) Hoàn thành báo cáo tổng kết năm học 2018 - 2019 lĩnh vực chỉ đạo của các đơn vị (theo Kế hoạch số 493/KH-BGDĐT ngày 07/6/2019 và đề cương báo cáo đã gửi các đơn vị), gửi về Văn phòng để tổng hợp chung trước ngày 05/7/2019; phối hợp với VTV7 hoàn thiện kịch bản và video clip tổng kết năm học 2018 - 2019 (Văn phòng và các đơn vị).
Tổ chức Hội nghị Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo vào ngày 19 và 20/7/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, phương hướng nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của toàn ngành (Văn phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan); chuẩn bị nội dung để tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 các cấp học và một số lĩnh vực công tác vào đầu tháng 8 năm 2019 (Các vụ bậc học, các đơn vị).
Ban hành Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019 - 2020 (Văn phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị).
đ) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Văn phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và Nhóm Nghiên cứu).
e) Hoàn thành báo cáo chuẩn bị cho phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực (Văn phòng Hội đồng đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên).
g) Trả lời kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đảm bảo ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề (Các đơn vị).
3.2. Trong 06 tháng cuối năm 2019
Các đơn vị tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ gắn với kế hoạch công tác của Bộ; tiếp tục thực hiện đồng bộ 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 05 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra; tập trung giải quyết dứt điểm các công việc tồn đọng trong 06 tháng đầu năm 2019. Đồng thời, thực hiện một số nhiệm vụ sau:
a) Về công tác soạn thảo văn bản
- Tập trung triển khai xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025 (Vụ Kế hoạch - Tài chính);
- Ưu tiên hoàn thành các văn bản thuộc chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng giao; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để sớm ban hành các văn bản đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Các đơn vị);
- Lập danh mục và kế hoạch soạn thảo văn bản trong năm 2020 để triển khai có hiệu quả Luật Giáo dục (sửa đổi) (Vụ Pháp chế, các đơn vị).
b) Về giáo dục mầm non, phổ thông
- Chỉ đạo các địa phương công tác chuẩn bị cho năm học mới và khai giảng năm học 2019-2020 (Các đơn vị);
- Tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1 của các nhà xuất bản; hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường; tiếp tục triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình mới (Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì, phối hợp với Dự án RGEP, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục);
- Tuyển chọn học sinh tham dự Olympic quốc tế và khu vực các môn văn hóa (Cục Quản lý chất lượng); hướng dẫn và triển khai phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT (Vụ Giáo dục Trung học);
- Tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, trang bị kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương (Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên); Chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục tập trung rà soát điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trường học trước khi bước vào năm học mới; tập trung chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học, chăm sóc sức khỏe HSSV và vấn đề đảm bảo vệ sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm trường học trong năm học mới 2019-2020 (Vụ Giáo dục thể chất).
c) Về giáo dục đại học
Tập trung các nguồn lực hoàn thành Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm” và “Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH, cơ sở giáo dục, đào tạo” đã được Bộ Nội vụ cơ quan theo dõi tổng hợp các vấn đề liên quan đến các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 19 nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ đổi tên thành “Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục ĐH công lập” (Vụ Giáo dục Đại học);
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và phát triển các không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ (Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên).
d) Về giáo dục thường xuyên
Kiểm tra việc thực hiện hoạt động cấp văn bằng/chứng chỉ tại một số cơ sở giáo dục; ban hành và hướng dẫn thực hiện thông tư quy định bộ tiêu chí đánh giá “đơn vị học tập” áp dụng cho các cơ quan Bộ, cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
đ) Một số nhiệm vụ khác
- Rà soát phân bổ ngân sách nhà nước và công tác giải ngân của các đơn vị thuộc Bộ năm 2019, trên cơ sở đó điều chuyển kinh phí của những đơn vị không giải ngân được sang đơn vị khác; lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ, trong đó cần bám sát nhiệm vụ được giao, đồng thời tách riêng kinh phí triển khai thực hiện Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để gửi Bộ Tài chính tổng hợp (Vụ Kế hoạch - Tài chính).
- Ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 (Các đơn vị).
- Xây dựng Đề án tổ chức thi/xét thăng hạng giáo viên năm 2019 cho các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; hoàn thiện, khai thác cơ sở dữ liệu đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng bảng lương đề xuất ngành Giáo dục; nghiên cứu, rà soát hệ thống các văn bản hiện hành về hệ thống tiêu chuẩn chức danh, thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên; kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác tinh giản biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại một số địa phương (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục).
- Rà soát các vấn đề GDĐT trong toàn ngành; chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo (Vụ Giáo dục Đại học); các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng); việc thực hiện cơ chế tự chủ, vấn đề dân chủ trong nhà trường (Vụ Tổ chức cán bộ); tình trạng vi phạm pháp luật về văn bằng, chứng chỉ (Cục Quản lý chất lượng).
- Thanh tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thanh tra việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xét tuyển và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019; kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg khối sở GDĐT; kiểm tra công tác thanh tra, việc thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, công tác phòng chống tham nhũng tại một số đơn vị trực thuộc Bộ; ban hành Quy trình thanh tra tự chủ và Quy trình thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học (Thanh tra).
Một số hình ảnh:
Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nhiệm vụ 06 tháng đầu năm 2019; kế hoạch công tác tháng 7 và 06 tháng cuối năm 2019
Ông Nguyễn Viết Lộc - Chánh Văn phòng Báo cáo kết quả công tác chỉ đạo điều hành 06 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp công tác tháng 7 và 06 tháng cuối năm 2019
Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng báo cáo công tác thi THPT quốc gia năm 2019
[1] Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết tác giả sách giáo khoa đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu tổ chức biên soạn sách giáo khoa từ đầu năm 2018, khi dự thảo chương trình GDPT được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi; các biên tập viên sách giáo khoa có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các nhà xuất bản nên không được phép dự tuyển tự do.
[2] Hiện cả nước mới có trên 3.200 dự án đầu tư theo định hướng xã hội hóa trong lĩnh vực GDĐT với số vốn đăng ký trên 53.000 tỷ đồng. Các nguồn lực của xã hội huy động chủ yếu từ các cá nhân thông qua học phí và đóng góp thiện nguyện, chưa huy động được sự tham gia rộng rãi, đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và đội ngũ trí thức Việt kiều. Việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các cơ sở GDĐT công lập tiến triển chậm.
[3] (1) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ TCCB - CTCT tháng 6/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). (2) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm (Vụ GDĐH - CTCT tháng 7/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). (3) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo (Vụ GDĐH - CTCT tháng 8/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). (4) Nghị định của Chính phủ quy định về học bổng chính sách và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Vụ GDCTHSSV - CTCT tháng 9/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). (5) Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (Vụ GDTrH - CTCT tháng 10/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). (6) Nghị định của Chính phủ quy định về chuyển đổi loại hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao (Vụ GDTrH - CTCT tháng 11/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn