Ngày 06/7/2019 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã long trọng tổ chức trực tuyến Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 để đánh giá những kết quả đã thực hiện được, những tồn tại khó khăn vướng mắc trong năm học vừa qua, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ năm học mới nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 44 của Chính phủ và kết luận 51 của Ban Bí thư về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ đại diện cho các bộ, ban ngành Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện ở điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và chỉ đạo Hội nghị
Năm học 2018-2019 là năm học sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; vừa là năm bản lề, vừa là năm bứt phá để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục (sửa đổi) và tổ chức thực hiện; tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và tập trung triển khai thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 05 nhóm giải pháp cơ bản của ngành theo Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Kết quả nổi bật ngành GD-ĐT đã đạt được cho thấy:
Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GD-ĐT thực hiện; toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa.
Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ở giáo dục phổ thông được nâng cao. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được tích cực thực hiện; thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh có bước chuyển biến. Chất lượng GDĐH ngày càng được quan tâm, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành trong từng cơ sở GDĐH; một số trường ĐH đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên.
Khung năng lực giáo viên ngoại ngữ, bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, các hệ thống trực tuyến bồi dưỡng giáo viên về năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm đã được hoàn thành; số lượng giáo viên đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ của các cấp học được nâng lên.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học ngày càng được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu của các cấp học đã được thống kê; dữ liệu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa, thiếu giáo viên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo. Việc cắt giảm các thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt.
Kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực, hiệu quả, đánh giá đúng chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng làm căn cứ để xác định chất lượng GDĐH, vị thế và uy tín của cơ sở GDĐH.
Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, nhiều thỏa thuận, bản ghi nhớ đã được ký kết. Nhiều cơ sở GDĐT đã chủ động tích cực hội nhập quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu.
Kết quả thanh tra đã góp phần phòng ngừa, phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý và kịp thời kiến nghị xử lý vi phạm, đề xuất các biện pháp khắc phục, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nền nếp trong hoạt động giáo dục.
Công tác truyền thông đã có nhiều đổi mới. Thông tin hai chiều giữa Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT đã được duy trì và phát huy hiệu quả hơn trong việc thực hiện xử lý và trao đổi thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số hạn chế như:
Công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương vẫn còn bất cập; Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non.; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống; Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả; Chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; kỹ năng và năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thấp; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp; Còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La); phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.
Thực hiện theo phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, năm học 2019-2020, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020; khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, trong đó tập trung thực hiện tốt 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: 1) Rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD-ĐT; 2) Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 3) Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; 4) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; 5) Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Giáo dục mầm non: Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Giáo dục phổ thông: Tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Giáo dục đại học: Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục đại học; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra.
Giáo dục thường xuyên: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Kết luận Hội nghị Thủ tướng đã nhấn mạnh, yêu cầu ngành Giáo dục có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện tinh thần Chính phủ bứt phá, giáo dục bứt phá.
Hình ảnh tại một số điểm cầu
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn