Về dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học; PGS.TS. Nguyễn Thuý Hồng, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lí; GS.TS. Nguyễn Hữu Đức; PGS. TS. Lê Kim Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - ĐH Quốc Gia Hà Nội; GS.TS. Trần Công Phong - Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục cùng sự tham dự của các nhà quản lí giáo dục, các nhà khoa học giáo dục, các nhà lãnh đạo các cơ sở đào tạo giáo viên, các viện nghiên cứu, một số trường đại học cao đẳng, nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học.
Tại Hội thảo, các báo cáo và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung vào hai chủ đề chính là:
Thứ nhất, Đổi mới giáo dục ở Việt Nam - Chính sách đổi mới căn bản và toàn diện của Chính phủ Việt Nam. Các báo cáo, ý kiến tham luận tập trung vào phân tích những kết quả bước đầu của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông và từ đó xác định những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, trên nhiều phương diện khác nhau như mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy học, quản lí giáo dục, bồi dưỡng giáo viên, … Một phần quan trọng nữa là báo cáo về kết quả nghiên cứu của dự án nghiên cứu đổi mới giáo dục do Hội đồng Anh và Đại học Glasgow hỗ trợ - những triển vọng và thách thức.
Thứ hai, Kinh nghiệm từ các nước châu Á. Với nội dung này, các báo cáo và ý kiến trao đổi tập trung giới thiệu về các thành công và kinh nghiệm thành công trong giáo dục ở Singapore, Trung Quốc, Thượng Hải; những khác biệt và kinh nghiệm quản lí nhà trường, lãnh đạo nhà trường theo hướng đổi mới trong khu vực và toàn cầu,…
Hội thảo đã tổng hợp các báo cáo, ý kiến tham luận tập trung vào hai chủ đề trên, từ đó có những khuyến nghị về những nhiệm vụ cụ thể và thách thức đối với quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Hội thảo đặc biệt tập trung vào các vấn đề then chốt như: chương trình, mục tiêu và phương pháp đánh giá trong giáo dục phổ thông; đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đổi mới lãnh đạo trường học; kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới giáo dục.