Ngày 10-11/10/2019, nhân kỉ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Hà Nội (1959-2019) và khoa tiếng Nga, hưởng ứng “Năm chéo Việt - Nga” (2019-2020), Trường Đại học Hà Nội phối hợp với Phân viện Puskin trực thuộc Cục hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT đồng chủ trì Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga trong giai đoạn mới”. Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Thanh Minh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội và đông đảo các nhà khoa học, giáo viên và giảng viên tiếng Nga của Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Myanmar,… và Việt Nam.
Hội thảo với mục tiêu nhằm tạo diễn đàn chia sẻ thông tin về các thành tựu mới trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga, giới thiệu các cách tiếp cận sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ và giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, dịch thuật, nghiên cứu liên văn hóa; qua đó tăng cường khả năng liên kết nghiên cứu giữa các nhà Nga ngữ học trong và ngoài nước. Nội dung chính của Hội thảo tập trung vào những vấn đề sau: - Nghiên cứu, giảng dạy Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Nga ở các bậc học phổ thông, đại học và sau đại học; - Những vấn đề mới về lí luận, phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy tiếng Nga, Văn học Nga và tiếng Nga chuyên ngành; - Dịch thuật Nga - Việt. Những kĩ năng và kiến thức cần thiết đối với nghề phiên dịch trong bối cảnh toàn cầu hóa; - Đổi mới trong dạy học tiếng Nga: ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy và học; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; - Khảo thí tiếng Nga theo chuẩn của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Ảnh 1. Các tiết mục văn nghệ chào mừng Hội thảo (do sinh viên Trường Đại học Hà Nội
và các em học sinh Trường THPT Đại sứ quán Nga tại Việt Nam biểu diễn)
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội nhấn mạnh: Hôi thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu và đào tạo tiếng Nga diễn ra vào thời điểm Trường Đại học Hà Nội đang triển khai nhiều hoạt động hướng đến Lễ kỉ niệm 60 năm thành lập Trường, cũng tròn 60 năm xây dựng và phát triển của Khoa tiếng Nga, là một sự kiện rất có ý nghĩa, không chỉ quảng bá những thành tựu của khoa tiếng Nga đối với các nước bạn bè quốc tế mà còn khẳng định Khoa tiếng Nga thực sự là cầu nối hợp tác nghiên cứu và đào tạo tiếng Nga trong khu vực và quốc tế.
Ảnh 2. PGS.TS. Nguyễn Văn Trào phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước như Việt Nam, Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Myanmar,... và đã lựa chọn 50 bài tham luận tiểu biểu nhất. Các ý kiến đều tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề về phương pháp giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Nga và dịch thuật.
Ảnh 3. Quang cảnh buổi Hội thảo
Sau phiên toàn thể diễn ra vào sáng ngày 10/10/2019, Hội thảo có hai phiên họp của các tiểu ban vào buổi chiều cùng ngày. Trong khuôn khổ Hội thảo, ngày 11/10 diễn ra buổi tập huấn: “Nâng cao trình độ cho giảng viên, giáo viên tiếng Nga”, trong đó các chuyên gia Nga có bài giảng về đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trong dạy và học tiếng Nga.
Ảnh 4. Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn