Hội thảo được tổ chức xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhà trường, từ đòi hỏi thực tế của đời sống xã hội.
Mục tiêu của Hội thảo là: "Tiếp cận với cơ sở lí luận và thực tiễn hoạt động Giáo dục thẩm mĩ và xây dựng môi trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở các trường mầm non trong nước, các nước trong khu vực và một số nước Châu Âu nhằm thay đổi nhận thức của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí trong lĩnh vực giáo dục thẩm mĩ và cho trẻ làm quen tiếng Anh nói riêng, giáo dục mầm non nói chung, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo".
Hội thảo tập trung vào các nội dung:
+) Cơ sở lí luận của việc tổ chức hoạt động giáo dục thẩm mĩ trong trường mầm non qua các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật tạo hình và cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh của một số nền giáo dục trong và ngoài nước;
+) Thực tiễn việc tổ chức hoạt động giáo dục thẩm mĩ và xây dựng môi trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong trường mầm non ở Việt Nam hiện nay;
+) Đề xuất những biện pháp nhằm phát triển hoạt động giáo dục thẩm mĩ và xây dựng môi trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo mô hình lấy trẻ làm trung tâm cho các trường mầm non ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu xã hội, xu thế hội nhập quốc tế trong nền kinh tế thị trường.
Về thành phần tham gia Hội thảo:
+) Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các đồng chí lãnh đạo/chuyên viên đại diện cho các Vụ chuyên môn thuộc Bộ GD-ĐT, đại diện Tạp chí Giáo dục-Bộ GD-ĐT, các nhà khoa học/nhà quản lí thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các cơ sở đào tạo, các cơ sở GDMN; đoàn cán bộ/chuyên môn/khoa học của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nhà Trang và Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp. Hồ Chí Minh.
+) Đoàn chuyên gia của Trường Đại học Tổng hợp Zealand – Đan Mạch; ThS. Judith Loh, Phó chủ tịch Hiệp hội GDMN Malaysia; Giáo sư Masafumi Ogawa – Trường Đại học Yokohama, Nhật Bản; ThS. Susan Downey – Trường Đại học Victoria – Úc, TS. Bodil Morten Prestid, Chuyên gia Đan Mạch; ...

NGƯT, TS. Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Nhà trường cùng Chủ tịch đoàn điều khiển Hội thảo
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 80 bài tham luận, đã biên tập gửi đăng 63 bài trong Tạp chí Giáo dục số đặc biệt tháng 8/2017 và 21 bài đưa vào Kỉ yếu của hội thảo. Các bài viết được chuyên gia gửi đến từ các trường Đại học, Cao đẳng có uy tín trong và ngoài nước như: Trường Đại học tổng hợp Zealand (Đan Mạch); Trường Đại học Yokohama (Nhật Bản); Trường Đại học Victoria (Úc); Hiệp hội Giáo dục Mầm non Malaysia; Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT), Trường Đại học Sư Phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp. Hồ Chí Minh, … Như vậy, có thể thấy, vấn đề mà hội thảo đặt ra là thiết thực, mang tính thời sự, nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà làm công tác giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng.