Tới dự Hội thảo, có
TS. Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Uỷ viên thường trực Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
TS. Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học;
PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học;
TS. Lê Thanh Oai, Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục - Bộ GD-ĐT;
TS. Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc Gia Hà Nội; Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Sư phạm, các khoa trong trường và đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lí, giáo viên, hiệu trưởng một số trường THPT.
Hội thảo tập trung vào một số vấn đề:
Những vấn đề lí luận và thực tiễn của đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên tại các trường sư phạm theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp và các chính sách đối với giáp viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay; Vai trò, tiềm năng và các giải pháp nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học giáo dục của các trường sư phạm trong bối cảnh hiện nay; Các giải pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp, năng lực dạy học cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhiều bài viết đã được gửi về, thẩm định và được đăng tải trong Kỉ yếu Hội thảo. Ngoài bài phát biểu khai mạc Hội thảo của
GS. TS. Nguyễn Văn Minh và Báo cáo đề dẫn Hội thảo của
PGS. TS. Trương Thị Bích, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, Kỉ yếu đã đăng tải 50 bài báo khoa học, tập trung nghiên cứu và giải quyết hai vấn đề đặt ra ở trên.
Tại Hội thảo,
TS. Nguyễn Vinh Hiển đã phát biểu chỉ đạo, nêu những vấn đề, những yêu cầu của Ngành, của Bộ GD-ĐT liên quan đến đội ngũ giáo viên, đến chương trình giáo dục,… để định hướng cho các thảo luận, các giải pháp đề xuất. Hội thảo đã ghi nhận được nhiều lượt ý kiến trao đổi, cùng với 05 báo cáo chính thức, với không khí thẳng thắn, cởi mở, tập trung và tâm huyết.
GS. TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đọc một số kết luận của Hội nghị như sau:
Thứ nhất, các trường sư phạm phải tích cực, chủ động hơn nữa trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng thực tiễn đổi mới giáo dục;
Thứ hai, cần nghiên cứu, xem xét lại và thường xuyên điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho gắn với thực tiễn giáo dục, nhu cầu xã hội đối với sản phẩm đào tạo;
Thứ ba, nghiên cứu về hai mô hình đào tạo song song hay hai giai đoạn trong đào tạo giáo viên để triển khai một cách có hiệu quả, nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm đào tạo;
Thứ tư, cần có những điều chỉnh trong công tác thực tập sư phạm, trong hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm trong các nhà trường sư phạm theo hướng thiết thực hơn; nhiều thời gian hơn;
Thứ năm, cần nghiên cứu xác định năng lực giảng viên của các trường sư phạm trong đào tạo năng lực nghề nghiệp để chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như chất lượng đào tạo.
Một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm: Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên của các trường sư phạm; sự phối hợp giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học giáo dục trong đào tạo giáo viên.