Ngày 18/9/2018, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “05 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”. Đến dự Hội thảo có đ/c Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đ/c Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; đ/c Bùi Trường Giang - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đ/c Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đ/c Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQG Hà Nội và hơn 400 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học, trường phổ thông cùng các chuyên gia, các nhà khoa học.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG Hà Nội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của con người và Đất nước. Được ban hành năm 2013, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sau đó được Chính phủ cụ thể hoá thành các Chương trình hành động triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai cần phát hiện ra những vấn đề đổi mới như sự chuyển dịch trong nhận thức và chính sách cũng như hành động từ nhiều góc độ, đồng thời tiếp tục tìm ra những rào cản để điều chỉnh phương thức triển khai phù hợp, tạo sự đồng thuận và chia sẻ của toàn hệ thống và xã hội.
Tại Hội thảo, các nhà quản lí và các nhà khoa học đã đánh giá tổng quan về những thành tựu và thách thức sau 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo; những đổi mới về tự chủ đại học, thi và kiểm tra, đánh giá giáo dục; đổi mới trong giáo dục phổ thông; phân tích, thảo luận các kết quả và nêu ra những vấn đề trong quá trình triển khai đổi mới, đề xuất các giải pháp để công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo thành công.
Các đại biểu đã nghe 3 báo cáo chuyên đề trình bày các kết quả nghiên cứu liên quan tới các nhân tố quan trọng của nền giáo dục: Những đổi mới và chuyển biến trong giáo dục phổ thông; Những đổi mới trong phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo; Vấn đề tự chủ của các trường đại học.
Đại diện nhóm nghiên cứu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đã trình bày báo cáo “Giáo dục mầm non, phổ thông Việt Nam dần tiếp cận chuẩn quốc tế”. Theo đó, nhóm nghiên cứu nêu những kết quả nghiên cứu về giáo dục phổ thông trong 05 năm kể từ khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận sự chuyển biến trong chính sách được ban hành theo hướng chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, chất lượng giáo dục phổ thông, ở một góc độ nào đó, được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ, đầu tư về giáo dục được tăng cường tạo môi trường dạy học thuận lợi nhất cho giáo viên và học sinh, tăng cường xã hội hóa trong giáo dục. Đồng thời, có sự chuyển dịch về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo năng lực nhấn mạnh kĩ năng và ứng dụng thực tiễn, đổi mới sinh hoạt chuyên môn kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin. Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong chương trình giáo dục phổ thông và nêu một số khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý: Đồng bộ thể chế để tạo điều kiện tốt nhất cho học tập và giảng dạy; Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý các kiến thức quản trị cập nhật, thực tiễn đáp ứng chuẩn; Thiết kế chương trình đào tạo và bồi dưỡng theo hướng cá nhân hóa, tăng quyền chủ động của các trường và ứng dụng công nghệ thông tin…
Đại diện nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về đổi mới kiểm tra, đánh giá, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đã chỉ ra những kết quả nỗ lực đáng ghi nhận cũng như những tồn tại hạn chế trong ban hành các chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nghị quyết số 29-NQ/TW được thể chế hóa bằng chính sách ở tất cả các bậc đào tạo, trong đó ở bậc tiểu học chuyển dịch từ trọng tâm định lượng sang trọng tâm định tính, đồng thời đánh giá tổng kết - đánh giá quá trình, bám sát chuẩn đầu ra đối với bậc trung học và đại học. Báo cáo cũng cho rằng cần duy trì triết lý kiểm tra đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh, theo đó tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức, kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình… Định hướng về thi trung học phổ thông và tuyển sinh đại học cũng được nghiên cứu và cho thấy bước đầu triển khai có hiệu quả, kì thi đã đánh giá toàn diện, giảm áp lực xã hội, hình thức thi có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam… Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra, đánh giá vẫn gặp phải những rào cản nhất định như: việc tổ chức kì thi trung học phổ thông Quốc gia vẫn còn một số tiêu cực trong quá trình triển khai, kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định; năng lực kiểm tra, đánh giá của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Về vấn đề tự chủ đại học, TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết, đến nay, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân của trường đại học, được xem là chìa khóa nâng cao chất luợng đào tạo và chất lượng đầu ra, việc làm sinh viên… Văn hóa chất lượng được hình thành và phát triển, tạo sự cạnh tranh về chất lượng và tiếp cận tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tiêu biểu như: ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh lọt top 1000 đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS, trong đó ĐHQG Hà Nội xếp thứ 139 và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 142 đại học hàng đầu châu Á. Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hơn trong tuyển sinh, liên kết đào tạo và mở ngành đào tạo, đồng thời chủ động trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như liên kết thực hiện các hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, trước Nghị quyết số 29-NQ/TW thì quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn (đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế…) của các cơ sở giáo dục đại học còn bị hạn chế; Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học vẫn còn mang nặng tính hành chính hóa, chưa kiện toàn bộ máy quản trị trong điều kiện thực hiện tự chủ, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện. Sau Nghị quyết số 29-NQ/TW thì tự chủ toàn diện được thúc đẩy do thể chế hóa được nhiều chính sách nhằm tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học thông qua việc ban hành các văn bản, hành lang pháp lí.
Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về 3 vấn đề then chốt của giáo dục và đào tạo khi Nghị quyết 29 được ban hành và vận dụng vào thực tiễn.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, đây cũng là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW đến nay đã có hàng chục đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau được thực hiện, từ đó làm cơ sở để xây dựng các chính sách giáo dục phù hợp với thực tiễn. Theo Bộ trưởng, đây là bước chuyển quan trọng.
GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đánh giá cao và khẳng định vai trò quan trọng của việc tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, Bộ trưởng cho biết, để xây dựng được một chính sách, cao hơn là tầm chiến lược về giáo dục, không thể không có nghiên cứu sâu, đánh giá thực tiễn, không thể không có tư vấn của các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tầm nhìn dài hạn. Bộ trưởng đề nghị các vụ, cục lắng nghe, tiếp thu, cùng lĩnh hội các đề xuất, cùng phối hợp để các chính sách đề xuất có tính thiết thực, khả thi, hiệu quả và có tầm nhìn dài hạn.
Tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhận định, các báo cáo và các ý kiến trao đổi tại hội thảo đã nhấn mạnh những đổi mới về nhận thức, tư duy, triết lí giáo dục đến những chuyển biến của giáo dục và đào tạo trong 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trên cơ sở số liệu, điều tra, khảo sát, nhóm nghiên cứu của ĐHQG Hà Nội sẽ tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện nghiên cứu và công bố trước đông đảo công luận.
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn