Thực hiện Nghị quyết 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngày 18/08/2018 tại Trường ĐHSP - Đại học Huế tổ chức “Hội thảo quốc gia về lí luận và phương pháp dạy học Sinh học lần thứ nhất” với chủ đề “Giảng dạy sinh học đáp ứng đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở phổ thông”. Đây là một hoạt động thiết thực, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên môn Sinh học, đáp ứng với nhu cầu mới của xã hội. Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu giáo dục, các nhà khoa học ở các trường đại học, Viện nghiên cứu, trường cao đẳng, giáo viên phổ thông gặp gỡ, thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm thông qua các báo cáo tại hội thảo.
Về dự Hội thảo:
Đại biểu của Đại học Huế có: TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế; TS. Nguyễn Chí Bảo, Phó Trưởng Ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường, Đại học Huế.
Các nhà khoa học, đại diện các trường đại học tham dự Hội thảo gồm có:
PGS.TS. Nguyễn Quang Vinh, Nguyên chủ nhiệm bộ môn PPDH Sinh học, Trường ĐHSP Hà Nội; GS.TS. Đinh Quang Báo: Chủ biên chương trình môn Sinh học, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội; PGS.TS. Lê Đình Trung, Nguyên trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường ĐHSP Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Nguyên chủ nhiệm bộ môn PPDH Sinh học, Trường ĐHSP Hà Nội; PGS. TS. Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình môn Khoa học Tự Nhiên, Nguyên Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐHSP Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Văn Đính, Trưởng Khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường ĐHSP Hà Nội 2; PGS.TS. Mai Văn Hưng, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Chu Hoàng Mậu, Trường ĐHSP-Đại học Thái Nguyên; TS. Ngô Văn Hưng, Vụ Giáo dục Trung học Phổ thông, Bộ GD-ĐT; TS. Lê Thanh Oai, Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục, Bộ GD-ĐT; PGS.TS. Nguyễn Đình Nhâm, Trưởng Phòng Sau Đại học, Trường Đại học Vinh; TS. Trần Thanh Sơn, Phó Trưởng Khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Quy Nhơn; TS. Nguyễn Đức Hưng, Phó Trưởng Khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sài Gòn; PGS.TS. Phan Thị Thanh Hội, Trưởng Bộ môn PPDH, cùng đoàn Đại biểu Trường ĐHSP Hà Nội.
Đại diện Trường ĐHSP - Đại học Huế có: PGS. TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐHSP - Đại học Huế, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, cùng quý thầy trong Ban Giám hiệu nhà trường; Quý Thầy Cô đại diện lãnh đạo các khoa, phòng của trường ĐHSP - Đại học Huế;
Hội thảo hân hoan chào đón các nhà khoa học, các nhà quản lý là tác giả các bài báo gửi tham gia Hội thảo, các quý thầy cô, anh chị nghiên cứu sinh, học viên và các em sinh viên, Đài truyền hình Việt nam - VTV8, Đài phát thanh và truyền hình Thừa Thiên Huế - TRT, Báo Giáo dục Thời đại, Báo Thừa Thiên Huế, Bản tin Đại học Huế và Bản tin Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã đến dự và đưa tin về Hội Thảo.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP - Đại học Huế, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo đã phát biểu chào mừng, khai mạc Hội thảo.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo tặng hoa,
chúc mừng GS.TS. Đinh Quang Báo: Chủ biên chương trình môn Sinh học, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Để thực hiện những mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra, ngày 28/11/2014 Quốc hội khoá 13 đã ra Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK GDPT với mục tiêu: “Đổi mới chương trình, SGK GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”. Thủ tướng Chính phủ (2015) đã ra Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT.
Thực hiện nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Trường ĐHSP - Đại học Huế đã ban hành chương trình hành động cụ thể, với mục tiêu: Xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đổi mới đào tạo và bồi dưỡng giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và SGK, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Trường cũng đã xác đinh được 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để từng bước đưa nhà trường thành trung tâm đào tạo giáo viên có uy tín của Miền Trung và cả nước.
Trong khuôn khổ các hoạt động triển khai Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Chương trình GDPT mới, Trường ĐHSP - Đại học Huế tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia về LL&PPDH bộ môn Sinh học lần thứ nhất với chủ đề “Giảng dạy sinh học đáp ứng đổi mới chương trình và SGK ở phổ thông”.
Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo
Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các nhà quản lý từ các trường cao đẳng, đại học, THPT, các viện nghiên cứu trên khắp mọi miền đất nước như: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tỉnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang.
Các báo cáo khoa học đã được gửi đến Hội thảo với các loại hình và nội dung khác nhau liên quan đến chủ đề “Giảng dạy sinh học đáp ứng đổi mới chương trình và SGK ở phổ thông”, 47 bài báo khoa học đã được tuyển chọn đưa vào kỷ yếu, các nghiên cứu tập trung giải quyết các vấn đề sau:
1. Nâng cao hiệu quả đào tạo và bồi dưỡng giáo viên môn Sinh học đáp ứng đổi mới chương trình và SGK ở phổ thông
Các bài báo tập trung làm rõ sự cần thiết phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sinh học về cả chuyên môn và năng lực sư phạm trong bối cảnh đổi mới chương trình GDPT trên phương diện lý luận và thực tiễn; những định hướng đào tạo, bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên, sinh viên sư phạm nói chung, ngành sinh học nói riêng. Có thể kể đến những bài báo như: “Bồi dưỡng giáo viên sinh học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới” của tác giả Đinh Quang Báo - Phan Thị Thanh Hội; “Nguyên tắc xây dựng và sử dụng mô hình dạy học kết hợp (blended learning) trong dạy học đại học” của tác giả Dương Tiến Sỹ; “Sách giáo khoa môn khoa học tự nhiên - kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” của tác giả Mai Sỹ Tuấn - Nguyễn Thị Thanh Thuỷ; “Đề xuất giải pháp bồi dưỡng giáo viên sinh học ở trường trung học cơ sở nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới” của tác giả Lê Văn Thắng; “Định hướng tổ chức hoạt động giáo dục stem tại khoa sinh học” của tác giả La Việt Hồng - Nguyễn Thị Việt Nga - Mai Thị Hồng - Nguyễn Thị Minh Phương - Phạm Thị Bích Hà… Các bài viết đều xác định là cần phải đổi mới đào tạo và bồi dưỡng giáo viên theo định hướng phát triển năng lực; “Khái niệm then chốt và tổ chức dạy học các khái niệm Di truyền học trong chương trình giáo dục phổ thông mới” của tác giả Chu Hoàng Mậu và cộng sự.
PGS.TS. Phan Thị Thanh Hội, Trưởng Bộ môn Lí luận và PPDH Sinh học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội,
trình bày báo cáo tại Hội thảo
2. Đổi mới phương pháp dạy học môn sinh học theo định hướng phát triển năng lực người học
Đây là hướng có nhiều bài viết theo nhiều khía cạnh khác nhau về đổi mới PPDH: Dạy học trải nghiệm, dạy học dự án, dạy học theo nhóm nhỏ, mô hình lớp học đảo ngược… Theo hướng này có các bài: “Thiết kế và sử dụng hoạt động trải nghiệm tìm hiểu khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cho học sinh trung học phổ thông” của tác giả Ngô Thị Hoàng Vân và cộng sự; “Quán triệt phân hóa vi mô trong dạy học nhóm” của tác giả Nguyễn Văn Hồng; “Đề xuất mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học chu kì tế bào và quá trình nguyên phân, Sinh học 10” của tác giả Nguyễn Thị Hằng; ”Tổ chức nghiên cứu trường hợp trong dạy học Sinh học ở trung học phổ thông nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh” của tác giả Đặng Thị Dạ Thuỷ; “Dạy học Sinh học theo phương pháp bàn tay nặn bột nhằm phát triển năng lực khám phá tự nhiên cho học sinh THCS” của tác giả Đinh Khánh Quỳnh; “Vận dụng dạy học hợp tác để đánh giá tính sáng tạo cho học sinh trong dạy học phần Sinh học cơ thể - Sinh học 11” của tác giả Đặng Văn Nhật Quang...
Nhiều tác giả đã quan tâm đến việc xác định các phương pháp kiểm tra, đánh giá và đề xuất một số biện pháp đánh giá học sinh trong dạy học sinh học: “Xây dựng chuẩn đánh giá kĩ năng thiết kế hoạt động trải nghiệm của sinh viên ngành sư phạm sinh học” của tác giả Trần Thị Gái - Nguyễn Đình Nhâm; “Thiết kế các câu hỏi trắc nghiệm khách quan chứa hình ảnh trong môn Sinh học để rèn luyện kỹ năng phân tích - tổng hợp cho học sinh ở trường trung học phổ thông” của tác giả Phạm Thị Phương Anh; Phương pháp đánh giá đa dạng loài: Một hướng dẫn chi tiết cho sinh viên thông qua bộ mẫu côn trùng” của tác giả Ngô Văn Bình; “Vai trò của đánh giá quá trình trong dạy học theo tiếp cận năng lực” của Nguyễn Thị Hải Yến.
3. Dạy học tích hợp và dạy học phân hoá trong môn Sinh học, môn khoa học tự nhiên ở THCS
Nhiều bài báo trong hướng này đã thể hiện sự dày công trong tìm hiểu những kinh nghiệm của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới trong việc tổ chức dạy học theo hướng tích hợp và phân hoá ở nhiều môn học trong đó có môn Sinh học và KHTN. Theo hướng này đáng chú ý có các bài: “Dạy khái niệm sinh sản ở cấp độ cơ thể (Sinh học 11)” của tác giả Nguyễn Ngọc Linh; “Tích hợp nội dung giáo dục biến đổi khí hậu ở đới ven bờ các tỉnh duyên hải miền Trung vào dạy học môn vi sinh vật học môi trường” của tác giả Biền Văn Minh - Đặng Thị Thu Hiền; “Tích hợp giáo dục môi trường thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học phần sinh thái học-THPT” của tác giả Nguyễn Thị Diệu Phương; “Tích hợp dạy học lí thuyết và thực hành trong dạy học phần phân loại học thực vật” của tác giả Trần Thị Thảo; “Thiết kế hoạt động dạy học chủ đề vật sống - môn khoa học tự nhiên - THCS theo chu trình trải nghiệm đáp ứng định hướng đổi mới Giáo dục Phổ thông” của tác giả Trương Thị Thanh Mai và cộng sự; “Một số biện pháp dạy học phân hoá trong dạy bài “hoán vị gen”, Sinh học 12 THPT” của tác giả Nguyễn Thị Hằng Nga…
Ngoài các hướng chính nêu trên, các bài báo tham gia hội thảo lần này còn đề cập đến các khía cạnh liên quan đến giảng dạy môn Sinh học: Việc phân chia hệ thống chủ đề trong môn Sinh học, xây dựng hệ thống kiến thức sinh học trong đào tạo giáo viên tiểu học, đổi mới dạy học các bài thí nghiệm thực hành, định hướng phát triển các năng lực nghiên cứu khoa học, giải quyết vấn đề trong dạy học môn Sinh học…
Tại Hội thảo, các đại biểu lắng nghe và trực tiếp trao đổi ý kiến với một số báo cáo điển hình do các tác giả trình bày như:
Hội thảo Khoa học Quốc gia về LL&PPDH bộ môn Sinh học lần thứ nhất với chủ đề "Giảng dạy sinh học đáp ứng đổi mới chương trình và SGK ở phổ thông" đã đem đến luồng sinh khí mới, sự quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên nói chung, giáo viên ngành Sinh học nói riêng đáp ứng đổi mới GD-ĐT, nâng cao chất lượng dạy và học môn sinh học, môn KHTN theo định hướng phát triển năng lực người học.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
PGS. TS. Nguyễn Quang Vinh, Nguyên chủ nhiệm bộ môn Lí luận và PPDH bộ môn Sinh học,Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
phát biểu tại Hội thảo
TS. Ngô Văn Hưng, Vụ Giáo dục Trung học Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tác giả bài viết: Tạp chí Giáo dục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn