Trong hai ngày 01/08 và 02/08/2018, Hội thảo tâm lí học đường quốc tế lần thứ 6, với chủ đề “Vai trò của tâm lí trường học trong việc đảm bảo sức khỏe tâm lí cho học sinh và gia đình”, đã diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hội thảo do CASP-I (Liên hiệp Phát triển Tâm lí Học đường Quốc tế) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Tham dự hội thảo có sự góp mặt của 4 chuyên gia - học giả uy tín đầu ngành về tâm lí học đường từ các trường Đại học, trung tâm nghiên cứu lớn của Hoa Kì; 10 chuyên gia khác đến từ các nước châu Á; 200-300 chuyên gia, giáo viên, giảng viên trong nước; cũng như hàng trăm phụ huynh học sinh.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia tâm lí trong nước và quốc tế
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh những nghiên cứu và ứng dụng của tâm lí học đường Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập; trong khi đó nhiều học sinh có biểu hiện của sự bất ổn tâm lí, những vụ tự tử, trầm cảm dần trở thành “vấn nạn” đáng báo động...
Hội thảo là dịp để công bố kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực tâm lí học trường học; phát triển tâm lí học trường học; kết nối, vận động các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông, các chuyên gia/các chuyên viên tâm lí, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông trong và ngoài nước và các bậc phụ huynh trong việc xây dựng, quy hoạch, phát triển ngành, nghề, dịch vụ tâm lí học trường học tại Việt Nam và trên thế giới.
Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh-Sinh viên, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 95% các trường THCS, THPT thành lập tổ tư vấn tâm lí; đảm bảo 100% học sinh phổ thông được tham gia công tác tư vấn học đường bài bản, trách nhiệm. Từ hội thảo này, Khoa Tâm lí giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tổng hợp các nội dung, kinh nghiệm của chuyên gia, trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu với Bộ GD-ĐT để Bộ có thể hoạch định ra các văn bản tốt hơn, triển khai công tác tư vấn tâm lí đạt hiêu quả cao nhất; các cơ sở đào tạo sư phạm có ngành tâm lí giáo dục sẽ tham mưu cho các địa phương, cũng như Bộ GD-ĐT để thành lập các trung tâm can thiệp chuyên sâu, hướng đến giải quyết các trường hợp cá biệt, có dấu hiệu tâm lí nặng của học sinh…
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo
Hội thảo cũng có điểm nhấn quan trọng là các bàn tròn dành riêng cho phụ huynh, sinh viên, báo chí, và chuyên gia. Tại đây, mọi người có thể thảo luận trực tiếp với nhau về các nội dung: Hãy trở thành một chuyên gia Tâm lí học đường; Thuận lợi và thách thức trong việc xây dựng phòng tâm lí học đường tại trường phổ thông; Vai trò của phụ huynh trong việc vận động quyền lợi cho con em khuyết tật; Vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về Tâm lí học đường.
Ngoài ra, còn có các khóa tập huấn ngắn hạn (mini-skill workshop) như: kỹ năng xây dựng lớp học hạnh phúc dựa trên cơ sở tâm lí học trường học (PGS.TS Trần Thị Lệ Thu); ứng dụng phương pháp chánh niệm trong lớp học (TS. Lê Nguyên Phương); Tham vấn tập trung vào giải pháp ngắn gọn trong trường học: Kỹ năng thực hành và chiến lược (GS.TS. John J.Murphy)…
GS. TS John J.Murphy thuyết trình về tâm lí học đường
Hội thảo đã phát hành cuốn Cẩm nang tâm lí học đường, nhằm hướng dẫn cho phụ huynh - thầy cô giáo cách nhận biết 16 triệu chứng bệnh - hành vi tâm lí học đường thường gặp phải, đồng thời phân tích biểu hiện, nguyên nhân, phương pháp khắc phục. Cẩm nang cũng cung cấp những thuật ngữ cơ bản chuyên ngành (song ngữ) để thầy cô và phụ huynh dễ dàng tra cứu, đảm bảo tính chính xác - khoa học. Đây là một tài liệu quan trọng được Ban chuyên môn - Ban tổ chức, nhóm chuyên gia thuộc CASP-I soạn thảo.
Cuốn cẩm nang được phát hành tại hội thảo
Điểm nhấn của hội thảo là tương tác thông minh dựa trên nền tảng kết nối (platform) thông qua công cụ “QR code biến đổi”. Theo Ban tổ chức, đây sẽ là hội thảo khoa học đầu tiên trên thế giới mà các đối tượng tham dự được tương tác chủ động với mọi thông tin liên quan đến hội thảo một cách chính xác, dễ dàng và nhanh chóng chỉ bằng cách quét mã QR đơn giản mà không cần đăng nhập vào website hay tải bất kì một phần mềm nào.
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Kính gửi ban biên tập của tạp chí giáo dục, em là một giao viên dạy ở trường phổ thông ,em muốn tham khảo cuốn cẩm nang tâm lý học đường thì phải làm thế nào ạ? Em xin cảm ơn ạ.