Kỉ niệm 25 năm ngày thành lập Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Thứ ba - 22/11/2016 15:20
KỈ NIỆM 25 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM HÀ NỘI
(19/11/1991 - 19/11/2016)
 
Ngày 19/11/2016, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 25 năm ngày thành lập Trung tâm (19/11/1991 - 19/11/2016), đồng thời tổ chức đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
 
IMG 0495 resized

Vào đầu những năm 90, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, trước tình trạng người lao động thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội ngày càng gia tăng; lao động - việc làm trở thành vấn đề xã hội bức xúc cần phải giải quyết; để đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của Thủ đô; Ngày 19/11/1991, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3055/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm (GTVL) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội; nay là Trung tâm DVVL Hà Nội.

Trải qua quá trình 25 năm hoạt động, xây dựng và phát triển, từ vị trí yếu kém của một Trung tâm mới ra đời, cơ sở vật chất nghèo nàn, hiệu quả hoạt động thấp, đến nay Trung tâm DVVL Hà Nội đã trở thành một trong những Trung tâm hoạt động có hiệu quả, khẳng định được vị trí là Trung tâm DVVL của một thành phố lớn, có vai trò thúc đẩy thị trường lao động phát triển.

Đạt được kết quả đó là một chặng đường phấn đấu không mệt mỏi, bền bỉ của tập thể các lớp cán bộ, nhân viên Trung tâm DVVL Hà Nội - một tập thể gắn bó đoàn kết, biết hi sinh lợi ích trước mắt, cùng nhau giữ vững định hướng hoạt động để phát triển trở thành Trung tâm DVVL giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống các trung tâm DVVL trên địa bàn Thủ đô.

Quá trình 25 năm hoạt động, phát triển của Trung tâm DVVL Hà Nội là cả một quá trình liên tục, không ngừng; nhưng để khái quát, làm rõ hơn quá trình phát triển ấy xin được tạm thời phân chia thành các giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn từ năm 1991-1993

Theo Quyết định số 3055/QĐ-UB ngày 19/11/1991 của UBND TP. Hà Nội về việc thành lập Trung tâm Dạy nghề và GTVL thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Nguồn lực để khởi đầu cho hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và GTVL lúc đó gần như bắt đầu từ con số không: không có kinh phí hoạt động; (hoạt động theo cơ chế tài chính tự trang trải, lấy thu bù chi); nhân sự vẻn vẹn chỉ có 02 người do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội điều từ 02 đơn vị khác nhau về; không có trụ sở, phải mượn tạm một phòng 18m2 của Chi cục Điều động dân cư và Phát triển kinh tế Hà Nội (lúc đó trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) địa chỉ tại ngõ 33, phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm việc.

Ngày 10/01/1992, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã ra Quyết định số 01/QĐ-LĐTBXH điều chuyển 115m2 đất phía sau của Chi cục Điều động dân cư và Phát triển kinh tế Hà Nội để xây dựng trụ sở Trung tâm. Sự kiện Trung tâm có trụ sở làm việc chính thức đã khẳng định thêm sự tồn tại khách quan của Trung tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô.

Ngày 20/05/1993, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2043/QĐ-UB đổi tên Trung tâm Dạy nghề và GTVL thành Trung tâm Xúc tiến việc làm. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Xúc tiến việc làm Hà Nội được xác định theo Quyết định số 146/LĐ-TBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian này, Trung tâm đã tiếp nhận thêm một số cán bộ, thời điểm tháng 6/1993, số cán bộ làm việc tại Trung tâm là 11 người. Ban Giám đốc Trung tâm cũng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiện toàn gồm: Giám đốc và 01 Phó Giám đốc. Cuối năm 1993, Giám đốc Trung tâm ra Quyết định tạm thời thành lập 02 phòng trực thuộc là: Phòng Kế hoạch - Tổng hợp chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm; Phòng Hành chính - Quản trị chịu trách nhiệm quản lí nội vụ, đảm bảo điều kiện vật chất cho Trung tâm hoạt động.

Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình hoạt động, phát triển của Trung tâm mà những người có mặt trong giai đoạn đầu tiên đã vượt qua để đặt nền móng cho sự phát triển của Trung tâm sau này.

2. Giai đoạn từ năm 1994-2000

Điều kiện KT-XH của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong những năm 1994-1997 còn hết sức khó khăn. Trong lĩnh vực lao động - việc làm, một loạt các yêu cầu bức xúc cần được giải quyết như: Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động dôi dư do quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ; việc làm cho lao động Việt Nam đi hợp tác lao động tại một số nước Đông Âu phải về nước trước thời hạn do chế độ chính trị - xã hội ớ các nước đó thay đổi...

Trong bối cảnh đó, Ban Giám đốc Trung tâm đã quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ do cấp trên giao; kiên quyết không tổ chức các hoạt động không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Hiệu quả hoạt động tư vấn, GTVL của Trung tâm trong giai đoạn này đã đạt được kết quả tốt; bình quân mỗi năm Trung tâm tư vấn việc làm cho khoảng 12.000 lượt người; GTVL cho trên 9.000 lượt người, trong đó có 3.500 người nhận được việc làm (tỉ lệ kết nối cung - cầu đạt xấp xỉ 40%). Về hoạt động đào tạo nghề, mỗi năm Trung tâm đào tạo nghề cho từ 1.000 đến 1.200 người, tỉ lệ người lao động có việc làm sau khi được đào tạo chiếm trên 61% tổng số lao động đã đào tạo.

Với những kết quả đạt được, ngày 22/6/1996, Trung tâm đã được UBND thành phố ra Quyết định số 2719/QĐ-UB về việc thu hồi 2.082m2 đất do Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Nhất - Yên Hòa đang quản lí, sử dụng tại xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy) bàn giao để Trung tâm xây dựng trụ sở tại 215 phố Trung Kính hiện nay. Cuối năm 1997, công trình xây dựng trụ sở của Trung tâm xúc tiến việc làm Hà Nội tại Trung Kính, Yên Hòa, quận Cầu Giấy khởi công xây dựng; đầu năm 1999, công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng; đánh dấu một bước tiến mới của Trung tâm trong quá trình tăng cường cơ sở vật chất để trở thành một Trung tâm DVVL có vai trò chủ yếu trong việc kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn.

Thực hiện Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 31/10/1995 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm; Thông tư số 08/TT-LĐTBXH ngày 10/3/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định 72/NĐ-CP. Ngày 04/06/1997, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 2169/QĐ-UB về việc chuyển Trung tâm Xúc tiến việc làm Hà Nội thành Trung tâm DVVL Hà Nội. Nhiệm vụ của Trung tâm được quy định tại Điều 10 Nghị định số 72/NĐ-CP của Chính phủ.

 Ngày 23/02/1999, UBND TP. Hà Nội đã ban hành thêm Quyết định số 915/QĐ-UBND cho phép Trung tâm DVVL Hà Nội thực hiện nhiệm vụ giới thiệu và quản lí lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn thành phố theo tinh thần Nghị định số 85/NĐ-CP ngày 20/10/1998 của Chính phủ về việc tuyển chọn, sử dụng và quản lí người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm hoàn thành nhiệm vụ, ngày 25/08/1998 Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chính thức ra Quyết định số 140/QĐ-LĐTBXH thành lập 03 phòng nghiệp vụ thuộc Trung tâm là: Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Phòng Giáo vụ và Phòng Hành chính - Quản trị.

Đến lúc này, cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm đã tương đối hoàn thiện gồm Ban Giám đốc, các phòng nghiệp vụ và phòng chức năng. Bên cạnh đó, chi bộ Đảng và tổ chức Công đoàn của Trung tâm cũng được thành lập và hoạt động độc lập không còn phải sinh hoạt ghép với Chi bộ và tổ chức Công đoàn Chi cục Điều động dân cư và Phát triển kinh tế Hà Nội như trước nữa.

Đầu năm 1999, khi cơ sở tại Trung Kính, Yên Hòa được đưa vào sử dụng, Trung tâm có 02 trụ sở làm việc tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng và phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Năm 1998-1999, một loạt cán bộ mới được tiếp nhận về Trung tâm, đến nay một số người đã trở thành cán bộ chủ chốt. Tính đến thời điểm năm 2000, số cán bộ, nhân viên công tác tại Trung tâm là 35 người.

Có thể nói, giai đoạn 1994-2000 là giai đoạn Trung tâm xác lập được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống các cơ quan, đơn vị sự nghiệp ở TP. Hà Nội nói chung và trong hệ thống các Trung tâm DVVL nói riêng. Giai đoạn này, Trung tâm đã có bước phát triển toàn diện trên các mặt: chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy; cơ sở vật chất và cơ chế hoạt động. Hoạt động của Trung tâm không chỉ có uy tín đối với người lao động, người sử dụng lao động mà còn được các cơ quan quản lí nhà nước và các đối tác quốc tế đánh giá cao. Đây là giai đoạn tạo ra những tiền đề cần thiết cho sự phát triển bền vững của Trung tâm trong các giai đoạn tiếp theo.

3. Giai đoạn từ năm 2001-2006

Đây là giai đoạn Trung tâm tiếp tục khẳng định và củng cố được vai trò, uy tín của mình trên thị trường lao động. Cụ thể: giai đoạn từ năm 2001-2006, Trung tâm đã tiến hành tư vấn về chế độ, chính sách lao động, tư vấn về việc làm và học nghề cho khoảng 100.000 lượt người (trung bình khoảng 15.000 lượt người/năm); GTVL cho khoảng 60.000 người; trong đó 24.000 người nhận được việc làm ổn định, chiếm 17,5% tổng số người được giải quyết việc làm của Thành phố hàng năm, đào tạo nghề cho 4.800 người, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động và giảm tỉ lệ thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Trong giai đoạn này, Trung tâm có những hoạt động nổi bật như sau: theo sự chỉ đạo của Sở, Trung tâm đã tổ chức thành công 04 Hội chợ việc làm tại Trung tâm Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội). Ngày 12/06/2016 Trung tâm đã khai trương website vieclamhanoi.net. Đến nay, website vieclamhanoi.net đã trở thành website kết nối cung - cầu lao động có độ tin cậy cao, có số người truy cập đông nhất trong các website “Người tìm việc - Việc tìm người”. Ngày 24/03/2004 Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã ra Quyết định số 128/QĐ-LĐTBXH thành lập Phòng Tư vấn quan hệ lao động thuộc Trung tâm GTVL Hà Nội.

Nhìn chung giai đoạn từ năm 2001-2006, tất cả các hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm được đẩy mạnh, có chiều sâu và mang tính nghiệp vụ cao. Kết quả hoạt động của giai đoạn này đã củng cố thêm vai trò, vị thế của Trung tâm trong hệ thống các Trung tâm DVVL và trên thị trường lao động; tạo đà cho sự phát triển tiếp theo của Trung tâm.

4. Giai đoạn từ năm 2007-2011

Thực hiện Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005 của Chính phủ; ngày 13/04/2007, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 1460/QĐ-UBND về việc đổi tên và xác định lại chức năng nhiệm vụ của Trung tâm DVVL Hà Nội. Theo Quyết định này, Trung tâm được đổi tên từ Trung tâm DVVL Hà Nội thành Trung tâm GTVL Hà Nội.

Trước đó, ngày 25/01/2007 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có Quyết định số 25/QĐ-LĐTBXH về việc giao nhiệm vụ tổ chức, quản lí và vận hành Sàn giao dịch việc làm (GDVL) Hà Nội cho Trung tâm GTVL Hà Nội.

Căn cứ vào các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày 18/06/2007 Giám đốc Trung tâm đã có Quyết định số 32/QĐ-GTVL về việc sắp xếp bộ máy tổ chức để thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm theo quy định tại điều 7 Nghị định số 19/2005/NĐ-CP của Chính phủ; cụ thể: Trung tâm có 04 Phòng nghiệp vụ và 01 phòng chức năng như sau :
  • Phòng Tổ chức - Hành chính;
  • Phòng GTVL;
  • Phòng Thông tin thị trường lao động;
  • Phòng Tư vấn lao động;
  • Phòng Đào tạo nghề.
Các hoạt động chuyên môn được Trung tâm triển khai trong giai đoạn này, chủ yếu nhất là tổ chức, vận hành Sàn GDVL, kết nối cung - cầu lao động và thực hiện tốt chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

* Về Sàn GDVL

Từ năm 2007-2011, Sàn GDVL Hà Nội đã tổ chức được 115 Phiên GDVL với sự tham gia của 8.756 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và hàng trăm nghìn lượt người lao động. Đã có 71.621 lao động được tuyển dụng qua các Phiên GDVL, chiếm 11,9% kết quả giải quyết việc làm của toàn thành phố trong 5 năm.
Hiệu quả hoạt động của Sàn GDVL Hà Nội không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm của thành phố mà còn góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lí nhà nước về hoạt động GTVL trên địa bàn Hà Nội. Từ khi Sàn GDVL được khai trương và đi vào hoạt động đã hạn chế được cơ bản tình trạng môi giới, cò mồi, lừa đảo người lao động của các tổ chức GTVL hoạt động trái pháp luật trên địa bàn thành phố.

* Về thực hiện chính sách BHTN

Thực hiện Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN. Ngày 10/12/2009, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 6476/QĐ-UBND về việc bổ sung nhiệm vụ thực hiện chính sách BHTN cho Trung tâm GTVL Hà Nội. Phòng BHTN thuộc Trung tâm GTVL Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1166/QĐ-LĐTBXH ngày 23/11/2009 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và chính thức hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. (Như vậy, từ tháng 1/2010 Trung tâm GTVL Hà Nội có 05 phòng nghiệp vụ và 01 phòng chức năng ). Sau 02 năm triển khai thực hiện chính sách BHTN, Trung tâm GTVL đã tiếp nhận 20.292 người đến đăng ký thất nghiệp; Trung tâm đã tiến hành các thủ tục trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 18.209 người; tư vấn GTVL cho 18.474 người và 351 người được học nghề để sớm trở lại thị trường lao động.

Quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHTN, Trung tâm đã đảm bảo được phương châm thực hiện ba đúng: “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” nên được cả người sử dụng lao động và người lao động đón nhận một cách tích cực, được Cục Việc làm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội đánh giá cao, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy lao động thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được UBND thành phố giao, đến tháng 11/2011, bộ máy tổ chức của Trung tâm GTVL Hà Nội có: Ban Giám đốc, 05 phòng nghiệp vụ, 01 phòng chức năng với tổng số 85 cán bộ, nhân viên.

Bên cạnh việc tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, đến nay, Trung tâm đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các Quy chế thực hiện dân chủ cơ quan như: Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế sử dụng trang thiết bị công, Quy chế tổ chức, Quy chế thi đua, khen thưởng, nội quy cơ quan,... Tất cả các quy chế, nội quy trên đang được áp dụng nghiêm túc trong các hoạt động của Trung tâm DVVL Hà Nội. Trung tâm đã thành công bước đầu trong việc xây dựng tác phong, nền nếp và lề lối làm việc cho đội ngũ cán bộ, nhân viên theo hướng phát triển trở thành một Trung tâm chính quy, hiện đại.

Từ năm 2007-2011, các hoạt động giao lưu, thể thao, văn nghệ của Trung tâm đã được lãnh đạo Trung tâm quan tâm tổ chức, nhằm làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, nhân viên như: các cuộc giao lưu với Trung tâm GTVL các tỉnh thuộc Bắc Trung bộ, Tây Nam bộ; giao lưu nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Trung tâm cũng đã đạt được thành tích cao qua các Hội thi, Hội diễn do Cục Việc làm tổ chức.

Từ năm 2007-2012, Trung tâm DVVL Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Vai trò, vị thế của Trung tâm được khẳng định hơn rất nhiều trong hệ thống các trung tâm DVVL so với trước đây; Trung tâm đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho người lao động và người sử dụng lao động, nhất là trong vai trò gắn kết cung - cầu lao động. Uy tín của Trung tâm được nâng cao; hoạt động của Trung tâm đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp của thành phố trong kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm và từng thời kì.

5. Giai đoạn từ năm 2012 đến nay

Với những kết quả đạt được từ các giai đoạn trước, đến giai đoạn này Trung tâm đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hoạt động của Trung tâm tiếp tục được định hướng theo hai mảng hoạt động chính là thông tin thị trường lao động (bao gồm hoạt động Sàn GDVL) và thực hiện chính sách BHTN.

* Về hoạt động Sàn GDVL

Năm 2012, tần suất tổ chức các phiên GDVL định kì được thực hiện 01 phiên/tuần. Ngày 22/9/2014 UBND TP. Hà Nội ra Quyết định số 4883/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động Sàn GDVL TP. Hà Nội giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020”. Theo đó, năm 2015, Trung tâm tiếp tục nâng tần suất tổ chức các phiên GDVL định kì thành 02 phiên/tuần và hình thành mô hình các điểm GDVL vệ tinh. Năm 2016, thực hiện khai trương thành công 05 điểm GDVL vệ tinh tại 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm, Sóc Sơn và Mê Linh. Điểm GDVL là một hình thức mới trong GDVL, là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả gắn kết cung - cầu lao động trên địa bàn thành phố và đặc biệt nó xóa nhòa khoảng cách về địa lí giữa doanh nghiệp và người lao động khi tham gia các phiên GDVL thông qua việc phỏng vấn online. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm tổ chức 361 phiên, có 10.673 doanh nghiệp tham gia phiên với tổng số chỉ tiêu tuyển dụng tại phiên GDVL là 205.315 chỉ tiêu. Đã có 46.456 lao động được tuyển dụng trực tiếp tại các phiên GDVL. Sàn GDVL Hà Nội đã khẳng định được vị trí, vai trò là cầu nối không thể thiếu giữa doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn Thủ đô.

* Thực hiện chính sách BHTN

Sau khi được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách BHTN, Trung tâm DVVL Hà Nội đã nhanh chóng sắp xếp, bố trí nhân sự và ổn định bộ máy tổ chức để triển khai chính sách BHTN trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, từ tháng 7/2014 Trung tâm đã thí điểm thực hiện cơ chế 1 cửa trong việc giải quyết BHTN theo Đề án đã được UBND thành phố phê duyệt. Để tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách BHTN trên địa bàn Hà Nội, Trung tâm DVVL Hà Nội đã đồng thời thực hiện nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho người lao động khi giải quyết BHTN. Quy trình giải quyết BHTN theo Đề án đã rút ngắn được 3 ngày so với trước đây (Quy trình giải quyết BHTN theo Đề án thí điểm hiện nay là 17 ngày thay vì trước đây là 20 ngày), các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, đầy đủ, rõ ràng, phòng làm việc, trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được đảm bảo đầy đủ theo quy định. Vì vậy, đại đa số người lao động đến giao dịch công việc đều hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ và tinh thần làm việc của đội ngũ nhân viên, viên chức Trung tâm DVVL Hà Nội. Kết quả thực hiện BHTN từ 2012 - 31/10/2016:
- Số người nộp hồ sơ BHTN: 146.592
- Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 144.551
- Số người được tư vấn, GTVL: 141.532
- Số người được hỗ trợ học nghề: 6.285

Hoạt động tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách Pháp luật Lao động cho trung bình 55.000-60.000 lượt lao động/năm. Cung ứng, GTVL cho 12.918 lao động và đã có 4.340 người nhận được việc làm. Tổ chức khai thác thông tin thị trường lao động thường xuyên. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm Trung tâm DVVL Hà Nội đã đào tạo nghề bình quân trên 1.200 lao động chủ yếu các nghề ngắn hạn gắn với việc làm như: Nấu ăn, pha chế, sửa xe máy, may công nghiệp, Tin học,...
Ngoài kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính nêu trên, Trung tâm còn tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ khác như: Dịch vụ quản lí, cung ứng lao động cho 429 văn phòng đại diện các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam đóng trên địa bàn Hà Nội với 2.565 lao động. Hướng dẫn các thủ tục liên quan cho 1.110 lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề và GTVL cho các nhóm đối tượng lao động yếu thế như: người khuyết tật trên địa bàn thành phố, đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các đơn vị bảo trợ xã hội và đối tượng là các học viên cai nghiện ma tuý, người sau cai ma tuý tại các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động và trung tâm quản lí sau cai nghiện,...

Ngày 27/01/2015, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 409/QĐ-UBND về việc đổi tên Trung tâm GTVL Hà Nội thành Trung tâm DVVL Hà Nội. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm hoạt động căn cứ theo Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm DVVL.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, tính đến tháng 31/10/2016, Trung tâm có 164 cán bộ, nhân viên trong đó 130 người đã tốt nghiệp đại học và trên đại học; Đảng bộ Trung tâm có 45 đảng viên (38 đảng viên chính thức và 07 đảng viên dự bị); Trung tâm có tổ chức Công đoàn cơ sở với 155 đoàn viên công đoàn.

Có thể nói, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm DVVL Hà Nội đã có sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Vai trò, vị thế của Trung tâm tiếp tục được giữ vững, tiếp tục là chỗ dựa tin cậy cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

25 năm qua, cán bộ nhân viên Trung tâm DVVL Hà Nội đã ra sức thi đua thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND TP. Hà Nội và trực tiếp là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội giao và đã đạt được những kết quả nhất định, điều đó đã được minh chứng bằng nhiều phần thưởng cao quý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, UBND thành phố, các tổ chức chính trị: Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã tặng thưởng cho nhiều cá nhân, tập thể của Trung tâm xuyên suốt 25 năm kể từ ngày thành lập đến nay, phần thưởng đó đã khẳng định chặng đường phát triển, trưởng thành của Trung tâm. Thành quả đó cũng là sự ghi nhận công sức của bao thế hệ cán bộ, nhân viên Trung tâm, nhất là lớp người đi trước, lớp người đứng mũi chịu sào, vượt qua bao khó khăn thử thách, để tạo dựng nên một Trung tâm DVVL như hôm nay.

Với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể Trung tâm trong suốt 25 năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, các cá nhân và tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động trong Trung tâm đã được Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp ghi nhận thành tích và đã vinh dự được đón nhận nhiều danh hiệu thi đua cao quý của Đảng và Nhà nước; và hôm nay, trải qua 5 năm liên tục phấn đấu không ngừng, Trung tâm lại Vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Trung tâm.

Trên đây là một số vấn đề khái quát nhất về quá trình 25 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm DVVL Hà Nội. Những con số, những sự kiện đã trình bày qua từng giai đoạn nêu trên có thể không lấy gì làm to lớn và quan trọng nhưng nó hết sức có ý nghĩa, nhất là đối với những người đã có quá trình cống hiến cho sự phát triển của Trung tâm. Những con số và sự kiện đó phản ánh sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm đã vượt lên những khó khăn, thử thách trong cơ chế kinh tế thị trường; phản ánh sự vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu liên tục, để xứng đáng với vai trò là Trung tâm DVVL của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô.

Sự phát triển của Trung tâm hiện nay cũng không thể tách rời sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan cấp trên như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Cục việc làm; UBND TP. Hà Nội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và các Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện thuộc Thành phố; sự giúp đỡ, phối kết hợp trong hoạt động của các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; các công ti, trường đào tạo nghề trên địa bàn TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, có được thành quả hôm nay là cả một sự hi sinh to lớn, cống hiến quên mình của các lớp cán bộ đã và đang công tác tại Trung tâm, nhất là lớp cán bộ có mặt tại Trung tâm thời kì đầu mới thành lập; chính họ đã đắp nền xây móng cho sự phát triển của Trung tâm sau này.
 
IMG 0523 resized

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây