Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Thứ năm - 29/03/2018 16:53

Ngày 28/03/2018, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ GD-ĐT về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu quán triệt nội dung buổi làm việc của tổ công tác tại Bộ GD-ĐT

Tin 29 03


Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng rất lớn của ngành giáo dục thời gian qua, như: tập trung cho xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, những đổi mới trong giáo dục đã tiếp cận với xu thế của khu vực và thế giới. Lãnh đạo Bộ, cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều nỗ lực trong tiếp cận những xu thế mới của khu vực, thế giới để hội nhập và cải cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhiệm vụ đã hoàn thành, Thủ tướng giao Tổ công tác chuyển tới Bộ GD-ĐT 5 vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm, đòi hỏi ngành giáo dục khắc phục.

  1. Việc hình thành các tổ hợp đề trong tuyển sinh khi có tình trạng các ngành kỹ thuật, tài chính, ngân hàng… lại tuyển sinh qua các môn Văn, Sử, Địa… Đây là việc khác so với trước đây nên được xã hội quan tâm, tuy đã giao quyền tự chủ cho các trường nhưng cũng phải cân nhắc, xem xét;
  2. Các vấn đề liên quan đến biên chế giáo viên, tuyển dụng giáo viên, tình trạng dư thừa giáo viên tại một số địa phương, như:  500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; tình trạng giáo viên làm hợp đồng 10 năm nhưng lương thấp hơn lương cơ bản. Đây tuy không phải là trách nhiệm của Bộ nhưng Bộ có trách nhiệm kiểm soát chung;
  3. Vấn đề bức xúc của xã hội về đạo đức, phẩm chất của nhà giáo như: ép học sinh học thêm, bạo lực học đường, chạy điểm, chạy trường gây mất niềm tin của xã hội. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua liên tục xảy ra tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo, hành hung giáo viên;
  4. Vấn đề công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư, được dư luận xã hội rất quan tâm, ngành Giáo dục cần giải trình rõ;
  5. Việc đẩy mạnh tiến độ triển khai xây dựng các trường đại học trọng điểm, các trường có thương hiệu, nổi trội trong khu vực và quốc tế.

Về công tác cải cách hành chính của Bộ. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới tích cực vừa qua nhưng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Tại buổi làm việc, Bộ GD-ĐT báo cáo với Tổ công tác tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/03/2018; việc rà soát, đơn giản cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lí của Bộ GD-ĐT:

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ

Thực hiện Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GD-ĐT đã thành lập Tổ Công tác, ban hành quy chế hoạt động của Tổ Công tác, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ.

Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, trong đó đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

Chú trọng hoàn thiện thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khắc phục các bất cập về GD-ĐT trong những năm qua. Năm 2017 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT hoàn thành 100% Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ GD-ĐT cũng đã trình ban hành 100% các văn bản quy định chi tiết thi hành luật được Quốc hội và Chính phủ giao. Ngoài ra, Bộ đang soạn thảo 02 dự án Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học), được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Chất lượng các hoạt động GD-ĐT ở tất cả các bậc học từng bước được cải thiện, nâng cao. Năm 2017, cả nước đã chính thức hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Bộ GD-ĐT đã đề nghị và được Chính phủ đồng ý miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn thực hiện từ năm 2018.

Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được nâng lên. Kỳ thi THPT quốc gia các năm 2016, 2017 được xã hội đồng thuận, đánh giá cao. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Châu Á Vật lí, Tin học và Olympic quốc tế môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học năm 2017 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với 31 huy chương (14 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 04 Huy chương Đồng) và 3 Bằng khen. Tham dự thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) dành cho học sinh trung học đạt kết quả cao, xếp thứ 3 toàn đoàn sau Hoa Kỳ và Ấn Độ về số lượng dự án được giải.

Ban hành các quy định nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học như: quy định về mở ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, liên kết đào tạo, đào tạo liên thông; quy chế đào tạo vừa học, vừa làm; quy chế đào tạo từ xa; quy chế đào tạo tiến sĩ; quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, nghiên cứu xây dựng mô hình trường đại học phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng, trình ban hành cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia đảm bảo tính khoa học và tương thích với hệ thống giáo dục các nước trong khu vực.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học được chú trọng. Tính đến ngày 20/03/2018, đã có 248 cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng, trung cấp sư phạm hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 109 trường đại học và 02 trường cao đẳng sư phạm được đánh giá ngoài; 60 trường đại học và 01 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 105 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi các tổ chức kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế; 04 trường đại học đã được được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp công nhận đạt chuẩn kiểm định trường đại học; 02 trường được đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN-QA 05 trường có tên trong danh sách những trường tốp đầu của Châu Á, 03 trường được gắn 3 sao bởi QS-Stars.

Công tác xây dựng xã hội học tập đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học các cấp triển khai xây dựng và tổ chức đánh giá mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”; triển khai xây dựng các mô hình học tập gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố, phát triển

Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 15/03/2018, Ngân hàng Thế giới đã ra Thông cáo báo chí, theo đó khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam (hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục). Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.

2. Tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/03/2018

Bộ GD-ĐT đã tập trung triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và không có nhiệm vụ quá hạn chưa thực hiện. Tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/3/2018, Bộ GD-ĐT nhận được 684 nhiệm vụ (giao trong văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản mật, tối mật, tuyệt mật, văn bản chỉ đạo, điều hành...). Đã hoàn thành 525 nhiệm vụ (trong đó có 51 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn); đang triển khai (trong hạn) 156 nhiệm vụ.

3. Bên cạnh những thành tích đạt được vẫn còn một số vấn đề bất cập, hạn chế mà dư luận quan tâm, Bộ GD-ĐT đã giải trình trước Tổ công tác:

- Bộ GD-ĐT đã làm việc với các địa phương để bảo đảm từ năm 2018, tuyển sinh phải có địa chỉ, dựa trên nhu cầu tuyển dụng. Bộ GD-ĐT chỉ có thể bảo đảm được vấn đề chuyên môn cho giáo viên, còn ra trường có xin việc được hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào việc tuyển dụng của địa phương, vị thế xã hội của nghề giáo…

- Về lương giáo viên, hy vọng trong đề án cải cách về lương tới đây, lương của giáo viên sẽ được cải thiện. Bởi hiện nay, lương của giáo viên mới ra trường rất thấp, muốn cải thiện phải có thâm niên, đó là bất cập lớn.

- Về vấn đề công nhận chức danh Giáo sư, phó Giáo sư: Ngày 31/03/2018 sẽ kết thúc việc rà soát hồ sơ của các ứng viên, nếu ứng viên nào không đáp ứng tiêu chuẩn thì kiên quyết không công nhận. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư. Để bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế, Bộ đang nghiên cứu rất kỹ, xem xét nhiều yếu tố và sẽ sớm trình Thủ tướng phê duyệt.

- Vấn đề một số trường đại học ngoài công lập đưa ra tổ hợp tuyển sinh “lạ”: Quan điểm của Bộ là ngành đào tạo phải bảo đảm chất lượng, Bộ sẽ rà soát, công bố công khai, minh bạch với những trường không thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh. Bộ đã trao đổi với các trường, nêu rõ quan điểm, nếu trường nào không thực hiện nghiêm túc thì Bộ sẽ có giải pháp xử lý.

- Về việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh: Năm 2018, Bộ dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện. Như vậy, cùng với kết quả năm 2017, Bộ GD-ĐT đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa 120/241 điều kiện hiện hành (chiếm 49,8%). Việc rà soát, cắt giảm không mang tính cơ học mà được xem xét cụ thể, chi tiết, kỹ lưỡng về tính cần thiết, hợp pháp, hợp lý của từng điều kiện.

- Bộ GD-ĐT cũng đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, giảm từ 23 xuống còn 21 đơn vị hành chính; sắp xếp lại từ 25 phòng thuộc vụ, thanh tra, văn phòng xuống còn 10 phòng (giảm 15 phòng); các phòng trong các cục giảm từ 24 xuống còn 17 phòng (giảm 7 phòng); giảm 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Tổ công tác cùng Đại diện của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế Việt Nam và đại diện các đơn vị theo dõi lĩnh vực GD-ĐT của Văn phòng Chính phủ đánh giá cao về kết quả hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT. Đồng thời, đề nghị Bộ tiếp tục rà soát những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gắn liền với những cơ chế chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô theo cơ chế thị trường của Chính phủ để có giải pháp cắt giảm, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho người dân trong lĩnh vực GD-ĐT.

Thay mặt Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu những ý kiến đóng góp từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng, đẩy mạnh cải cách, tạo niềm tin cho xã hội, Bộ sẽ mạnh dạn cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư trên tinh thần đảm bảo chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh.

Tác giả bài viết: Tạp chí Giáo dục

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn của Tạp chí Giáo dục (tapchigiaoduc.moet.gov.vn) là vi phạm bản quyền!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây