Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai: 25 năm phát triển và trưởng thành (1992-2017)

Thứ năm - 16/11/2017 14:38
Lễ kỉ niệm 25 năm thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai (1992-2017) và 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2017)
Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai: 25 năm phát triển và trưởng thành (1992-2017)

Tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi đó, Lào Cai là một trong những tỉnh kinh tế kém phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn đầu tư hạn chế. Về giáo dục, toàn tỉnh khi đó có 14 “xã trắng” không có trường lớp; tỉ lệ mù chữ chiếm 52%; tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường chỉ đạt gần 40%; chưa có xã nào đạt chuẩn về giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; 101 xã chưa có trường trung học cơ sở (THCS); đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên các cấp học vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn. Trước tình hình đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ X (năm 1992) đã xác định: “Phát triển giáo dục, đào tạo cùng với khoa học công nghệ là khâu quan trọng, là động lực để đưa Lào Cai thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; trước mắt, phải tập trung thực hiện hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ”. Do đó, chỉ sau 8 tháng tái lập tỉnh, ngày 29/5/1992, Trường Trung học Sư phạm Lào Cai được thành lập theo Quyết định số 155/QĐ.TC của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai.
 

Những ngày đầu mới thành lập, nhà trường gặp muôn vàn khó khăn: cơ sở vật chất còn thiếu thốn; giáo trình, học liệu không đầy đủ; đội ngũ thiếu về số lượng và chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong trường chuyên nghiệp. Do đó, mọi công việc từ chuẩn bị cơ sở vật chất đến chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu và công tác tuyên truyền tuyển sinh đều được tiến hành khẩn trương. Ngày 15/10/1992, khóa học đầu tiên (gồm 3 lớp trung cấp sư phạm với 145 giáo sinh) đã được khai giảng chung với Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Vượt lên những khó khăn, thách thức của một cơ sở đào tạo mới được thành lập, nhà trường vừa tổ chức các hoạt động đào tạo, vừa đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh quy mô và xây dựng đội ngũ cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm học 1994-1995, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã có hơn 70 người với trên 400 sinh viên, những lớp “giáo sinh” đầu tiên đã ra trường bổ sung vào lực lượng giáo viên của ngành, đây là nguồn nhân lực quan trọng góp phần xóa “điểm trắng” về giáo dục của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ, tỉnh cần có số lượng lớn giáo viên tiểu học, do đó, nhà trường đã mở thêm nhiều lớp đào tạo giáo viên hệ: 12+6 tháng; 12+1 năm; 9+1; thậm chí là 5+3 tại các huyện, nhờ đó, quy mô dần tăng lên, năm 1999, đã có 24 lớp được mở tại nhà trường và nhiều lớp đặt ở các huyện. Số giáo sinh các hệ ra trường hàng năm với số lượng lớn, song vẫn không đủ cho các địa phương, vì vậy, nhà trường phải cử hàng trăm giáo sinh tới các huyện: Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa để tham gia dạy phổ cập. Với sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành, tháng 5/2000, tỉnh Lào Cai được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ, thành tích này được ghi nhận có đóng góp rất lớn của nhà trường. Xác định hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học tất yếu dẫn đến tăng quy mô trường, lớp cấp THCS và phổ cập ở cấp học này. Vì vậy, từ năm 1996, nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển “đi trước” “đón đầu”, chủ động liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái đào tạo văn bằng Cao đẳng Toán-Lí và Văn-Sử. Năm học 1999-2000, nhà trường đã liên kết đào tạo 13 lớp cao đẳng với hơn 600 sinh viên. Việc liên kết đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bổ sung giáo viên để ngành mở rộng trường, lớp cấp THCS và cũng là bước chuẩn bị cho nâng cấp nhà trường thành Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Cùng với đẩy mạnh công tác chuẩn bị mọi mặt để nâng cấp Trường, nhiều giáo viên đã được cử đi đào tạo thạc sĩ trong giai đoạn này. Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể đội ngũ trong 8 năm, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, ngày 02/10/2000, Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 4017/2000/ QĐ.BGDĐT-TCCB nâng cấp Trường Trung học Sư phạm Lào Cai thành Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức lớn lao, khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc và những đóng góp to lớn của nhà trường đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Sau khi nâng cấp, một trang sử mới được mở ra cho nhà trường, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Ngoài các ngành hiện có, cần phải mở thêm nhiều ngành để đào tạo được tất cả các loại hình giáo viên cho các ngành học Mầm non, Tiểu học, THCS. Trong thập niên đầu của thế kỉ XXI, nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực rất lớn, nắm bắt cơ hội này, nhà trường đã mở thêm các ngành đào tạo ngoài sư phạm, như: Tiếng Anh, Tiếng Trung Quốc, Việt Nam học, Khoa học Thư viện. Từ một vài ngành đào tạo những năm đầu, đến nay, nhà trường có 25 ngành (21 cao đẳng, 4 trung cấp) và 4 mã ngành bồi dưỡng. Việc mở thêm các ngành đi đôi với mở rộng và tăng quy mô, năm học 2006-2007, quy mô đào tạo của nhà trường đã đạt mức lớn nhất với 44 lớp chính quy với 1.847 sinh viên, trong đó có 38 lớp cao đẳng với 1.593 sinh viên. Hoạt động liên kết đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên các cấp được đẩy mạnh từ năm 2000, nhà trường đã liên kết với 7 trường đại học, học viện, đã đào tạo được 1577 giáo viên từ cao đẳng lên đại học. Từ năm 2003 đến 2006, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu, nhà trường đã tổ chức tuyển sinh đào tạo cho tỉnh Lai Châu 617 giáo viên trong đó có 407 giáo viên trình độ cao đẳng. Như vậy, nhà trường không chỉ đào tạo giáo viên, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh mà còn là nơi đào tạo nhân lực có trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực.

 
IMG 1495

Trong 25 năm qua kể từ khi thành lập, nhà trường đã đào tạo được 19.870 giáo viên hệ chính quy, trình độ cao đẳng và trung cấp cho các ngành học Mầm non, Tiểu học, THCS. Trong đó, đa số là con em các dân tộc thiểu số; liên kết đào tạo trình độ đại học 2899 giáo viên; liên thông đào tạo trình độ cao đẳng 3029 giáo viên; bồi dưỡng 3.392 giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục. Hiện nay quy mô đào tạo tại nhà trường vẫn cơ bản được giữ ổn định; lưu lượng của tất cả các hệ và trình độ đào tạo trung bình là 2000 người/năm; chất lượng đào tạo ngày càng được chú trọng, nâng cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh Lào Cai lần thứ XIV đã định hướng rõ nhiệm vụ phát triển GD-ĐT của tỉnh giai đoạn 2011- 2015 là: “Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; mở rộng hợp tác, liên kết với các trường, các cơ sở trong và ngoài nước trong đào tạo; xây dựng, nâng cấp và mở rộng các trường, các cơ sở đào tạo. Chuẩn bị tốt các điều kiện, yếu tố để có trường Đại học cộng đồng”.
Định hướng chỉ đạo trên đặt ra cho nhà trường nhiệm vụ là tiếp tục phát triển quy mô; tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Từ năm học 2010-2011, nhà trường là một trong số ít trường đã triển khai đào tạo tín chỉ. Việc thực hiện phương thức đào tạo này đã thay đổi căn bản nhận thức và các khâu trong quy trình đào tạo, nhất là hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy và quá trình tự học của sinh viên. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhà trường triển khai đào tạo theo định hướng phát triển năng lực, quy trình đào tạo một lần nữa thay đổi, tập trung vào: điều chỉnh bổ sung chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo; xây dựng chương trình chi tiết các môn học gắn với thực tiễn; tổ chức biên soạn giáo trình, học liệu và đổi mới kiểm tra, đánh giá theo năng lực.

Cùng với đào tạo theo học chế tín chỉ, việc triển khai đổi mới đào tạo theo năng lực, thực sự là “đòn bẩy”, “điểm nhấn” trong hoạt động chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới. Xác định nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của giảng viên, nhất là trong môi trường giáo dục đại học, do đó, nhà trường đã định hướng nhiều hoạt động để cán bộ, giảng viên tham gia nâng cao năng lực nghiên cứu. Từ khi thành lập đến nay đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu của giảng viên và sinh viên được nghiệm thu ở các cấp (cấp trường, cấp tỉnh, cấp Bộ), hàng trăm bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí, kỉ yếu hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; trong đó nhiều đề tài có chất lượng cao, ứng dụng thiết thực trong thực tế. Nhiều Hội thảo khoa học đã được tổ chức nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các giảng viên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp như: Năm 2013: Hội thảo quốc tế về “Nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh thông qua các sáng kiến kinh nghiệm và giải quyết vấn đề”; năm 2014: Hội thảo khu vực về “Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực”; năm 2016: Hội thảo về “Đổi mới đào tạo và nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển năng lực”; năm 2017: Hội thảo quốc gia về “Bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”...

Những năm gần đây, hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh đã khẳng định xu thế hội nhập phát triển; nhiều đề án, dự án có yếu tố nước ngoài được nhà trường triển khai mang lại hiệu quả đối với ngành giáo dục và với cộng đồng, như: Bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Mông - dự án SEQAP; Dự án bạn hữu trẻ em; Dự án giáo dục văn hóa nghệ thuật; Dự án tiếp cận công nghệ thông tin; Dự án nâng cao năng lực ngoại ngữ Access và Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Nhiều chuyên gia, trợ giảng, giáo viên tình nguyện của Hoa Kì, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đến công tác, giảng dạy tại trường; nhiều cán bộ, giảng viên của nhà trường đã được đi tập huấn, hội thảo ở nước ngoài. Việc tham gia tích cực vào các dự án, các đợt tập huấn, các cuộc hội thảo đã giúp cho giảng viên nâng cao năng lực chuyên môn. Từ năm 2013, Nhà trường đã cùng với 5 trường đại học của Việt Nam và 8 trường đại học của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc tham gia Diễn đàn “Hiệu trưởng các trường Đại học lưu vực Sông Hồng”, từ diễn đàn này, năm 2017, nhà trường đã cho 20 sinh viên chuyên ngành tiếng Trung sang học tại Trường Hoa Văn, Côn Minh.

Hiện nay đội ngũ của nhà trường đã có 118 cán bộ, giảng viên, nhân viên; trong đó có: 4 tiến sĩ, 76 thạc sĩ, 4 cao học, 10 đại học (đã đăng kí đi học vào năm 2018). Nhà trường có 14 đơn vị trực thuộc, gồm: 5 phòng, 6 khoa tổ, 3 trung tâm. Sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, giảng viên cả về số lượng và chất lượng không chỉ đáp ứng yêu đổi mới giáo dục, mà còn chuẩn bị cho sự phát triển nhà trường thành Trường Đại học trong tương lai và từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Với những đóng góp to lớn trong công tác đào tạo nhân lực, nhà trường liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được các cấp ghi nhận thành tích và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Năm 2004, hai lần được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Kỉ cương - Tình thương - Trách nhiệm” và hoạt động tích cực trong “Dự án đào tạo giáo viên THCS”; Ngày 06/9/2010, nhà trường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác đào tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc; Năm 2011, nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng 20 năm tái lập tỉnh với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự cống hiến miệt mài của toàn thể đội ngũ; năm 2012 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3; Năm 2016, nhà trường là đơn vị dẫn trong phong trào thi đua đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực và được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.

Trong 25 năm phát triển và trưởng thành, nhiều thầy cô giáo đã có những cống hiến xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển của nhà trường và của ngành, được các cấp tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” đã trở thành động lực để mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên vượt lên khó khăn thách thức cùng nhau chung tay xây dựng nhà trường phát triển vững mạnh góp phần tích cực vào công cuộc CNH, HĐH tỉnh Lào Cai nói riêng cũng như đất nước nói chung trong bối cảnh hiện nay.

 
IMG 1496

Tác giả bài viết: Tạp chí Giáo dục

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn của Tạp chí Giáo dục (tapchigiaoduc.moet.gov.vn) là vi phạm bản quyền!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây