Việt Nam hợp tác với Australia đẩy mạnh chất lượng giáo dục đại học

Chủ nhật - 19/03/2017 16:38
Ngày 16/3, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học Australia (TEQSA) kí kết Bản ghi nhớ, đồng thời tổ chức Hội thảo về đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến.
Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng (hàng 2 thứ 3 từ trái sang) và Đại sứ Australia tại Việt Nam (hàng 2 thứ 4 từ trái sang)
Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng (hàng 2 thứ 3 từ trái sang) và Đại sứ Australia tại Việt Nam (hàng 2 thứ 4 từ trái sang)

Tham dự lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng; Ông Craig Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam; Ông Anthony McClaran - Giám đốc điều hành TEQSA cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ GD&ĐT, Đại sứ quán Australia, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo trực tuyến.

Theo Bản ghi nhớ, Bộ GD&ĐT và TEQSA cùng hợp tác với nhau về một số nội dung như: Trao đổi các văn bản chính sách không có tính bảo mật về các cách tiếp cận đảm bảo chất lượng giáo dục, các quy định trong công nhận văn bằng, dịch chuyển sinh viên và cơ sở giáo dục.

Hợp tác trong việc xác định các cơ sở giáo dục đại học hoặc các cơ quan đối tác, các tổ chức cấp bằng hoặc các tổ chức kiểm định có ảnh hưởng đến uy tín của giáo dục đại học tại Việt Nam và Australia. Khi thích hợp, trao đổi cho nhau danh sách cách đánh giá giảng viên và chuyên gia, có tính đến những hạn chế trong hoạt động và quy định về bảo vệ dữ liệu liên quan.

Việc trao đổi này sẽ giúp tăng cường yếu tố quốc tế trong đánh giá của hai Bên. Mọi việc huy động chuyên gia của mỗi nước phải tuân theo hướng dẫn của hệ thống đăng ký và đảm bảo chất lượng của mỗi nước.

Bước đầu triển khai những hoạt động giúp thành viên của các tổ chức tương ứng của mỗi bên hiểu được hoạt động của phía đối tác. Phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến đảm bảo chất lượng đã được thỏa thuận, vì lợi ích của cả hai bên.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết, ở Việt Nam, công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học mới được chú trọng hơn 10 năm trở lại đây và đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Để đẩy mạnh công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương sử dụng các quy trình và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới, trước mắt là các tiêu chuẩn đánh giá của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN; tham khảo và học tập các mô hình đảm bảo và kiểm định chất lượng của các nước tiên tiến trên thế giới mà một trong các lựa chọn hàng đầu chính là Australia.

Đánh giá cao sự kiện ký bản ghi nhớ giữa hai bên, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng bày tỏ hy vọng sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa Bộ GD&ĐT với TEQSA sẽ có vai trò quan trọng cho bước phát triển mới của giáo dục đại học hai nước.

Cam kết Chính phủ Australia hỗ trợ công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam, Đại sứ Australia tại Việt Nam Chittick nhấn mạnh, nâng cao chất lượng và mở rộng cơ hội tiếp cận là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lai.

Ngay sau lễ ký kết là buổi hội thảo do Bộ GD&ĐT và Chính phủ Australia đồng tổ chức để lấy ý kiến về bộ công cụ được xây dựng để hỗ trợ các nước thành viên APEC trong đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến.

Bộ công cụ này lần đầu tiên được xem xét bởi 13 nền kinh tế APEC (trong đó có Việt Nam) vào 10/2016 và hiện nay đang được thử nghiệm trước khi hướng đến thông qua tại APEC vào cuối năm nay. Việt Nam là một trong ba quốc gia nhận được sự hỗ trợ tại chỗ trong dự án này.

Tại đây, các thảo luận xoay quanh vấn đề về phương hướng cũng như thách thức của Việt Nam trong kiểm định giáo dục trực tuyến và xem xét việc làm thế nào để bộ công cụ này có thể hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh quá trình đảm bảo chất lượng. Sự hỗ trợ này là rất kịp thời khi Việt Nam đang xây dựng những định hướng cho giáo dục từ xa.

Nguồn tin: Bộ GD-ĐT (http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4533)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây