LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC TỈNH TÂY NINH:
ĐẶC ĐIỂM VÀ THỰC TRẠNG
Bản tin số 2, năm 2019
Trong những năm gần đây, lao động, việc làm phi chính thức (PCT) đang là vấn đề vô cùng quan trọng đang được Chính phủ và các Bộ/ngành quan tâm. Đặc biệt, “Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã trở thành đường lối, chủ trương lớn của toàn xã hội. Kể từ đó, có nhiều nghiên cứu, chính sách được ban hành kèm theo nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có khu vực PCT và lao động PCT, nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội và việc làm bền vững. Trong bối cảnh chung đó, Bản tin thị trường lao động tỉnh Tây Ninh số 2 sẽ dành nghiên cứu phân tích đặc điểm, xu hướng,… làm rõ các vấn đề liên quan đến lao động PCT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhằm góp thêm vào bức tranh chung về lao động PCT của Việt Nam.
1. Lao động phi chính thức là ai và họ có đặc điểm gì?
Lao động PCT là những lao động không có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và không được tham gia bảo hiểm xã hội (đặc biệt là bảo hiểm xã hội bắt buộc)[1].
Đặc điểm của lao động PCT dễ nhận thấy như: việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài; không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác, v.v… Những lao động này thường quay vòng, luẩn quẩn trong đói nghèo, cuộc sống không được đảm bảo, ít có những cơ hội đảm bảo về những điều kiện phúc lợi, an sinh xã hội… và cũng chính là những đối tượng rất được cần xã hội quan tâm.
2. Đặc điểm và chất lượng lao động phi chính thức tỉnh Tây Ninh
Quy mô và tỷ lệ lao động PCT ở Tây Ninh khá cao, và có xu hướng tăng nhanh trong vòng 5 năm qua: Năm 2018, có 309,1 nghìn lao động PCT trên địa bàn toàn tỉnh (chiếm 46,74% tổng lao động có việc làm). Trong đó: lao động PCT thuộc khu vực chính thức là 91,5 nghìn người (chiếm 29,6% tổng lao động PCT); lao động PCT thuộc khu vực PCT là 217,6 nghìn người (chiếm 70,4%). Giai đoạn 2014-2018, lao động PCT tăng nhanh với tốc độ tăng 6,97%/năm, tăng từ 236,1 nghìn người năm 2014 lên 309,1 nghìn người năm 2018 (tăng 73 nghìn người). Đây là hệ quả của tăng dân số từ những thập kỷ trước làm tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nhưng không được bố trí công việc hết ở khu vực chính thức, đã làm tăng mạnh lao động ở khu vực PCT. Đồng thời, những manh nha của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 từ năm 2016 đã ít nhiều có những tác động nhất định lên thị trường lao động tỉnh Tây Ninh, làm xuất hiện một số hình thức việc làm mới (như bán hàng, dịch vụ online...) góp phần làm tăng mạnh số việc làm PCT.
Biểu đồ 1. Số lượng lao động phi chính thức chia theo khu vực
chính thức/phi chính thức, giai đoạn 2014-2018
Đơn vị: 1000 người
Theo khu vực thành thị - nông thôn: Lao động PCT tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và tiếp tục xu hướng tăng. Năm 2018, tỷ lệ lao động PCT ở nông thôn chiếm 74,7%, cao gấp gần 3 lần so với khu vực thành thị. Giai đoạn 2014-2018, tỷ lệ lao động PCT ở khu vực nông thôn có xu hướng tăng nhẹ (3,1 điểm phần trăm (từ 71,6% năm 2014 lên 74,7% năm 2018), nhưng đây cũng là một trong những thách thức đối với các nhà làm chính sách trong việc đảm bảo chất lượng việc làm đối với khu vực này.
Theo giới tính: Đa số lao động PCT là nam giới. Năm 2018, tỷ lệ lao động lao động PCT nam giới chiếm 55,7%, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới là 44,3%. Trong vòng 5 năm qua, cơ cấu lao động PCT theo giới tính không thay đổi nhiều.
Biểu 1. Cơ cấu lao động phi chính thức chia theo khu vực
thành thị/nông thôn và giới tính, 2014-2018
Đơn vị:%
Chia theo |
Năm 2014 |
Năm 2016 |
Năm 2018 |
Theo khu vực |
100,0 |
100,0 |
100,0 |
Thành thị |
28,4 |
32,0 |
25,3 |
Nông thôn |
71,6 |
68,0 |
74,7 |
Theo giới tính |
100,0 |
100,0 |
100,0 |
Nam |
55,3 |
54,2 |
55,7 |
Nữ |
44,7 |
45,8 |
44,3 |
Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động - việc làm, TCTK, 2014-2018
Theo Trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT): Hầu hết lao động PCT ở Tây Ninh không có trình độ CMKT. Năm 2018, toàn tỉnh có gần 275 nghìn lao động không có CMKT, (chiếm 92,2% tổng lao động PCT). Giai đoạn 2014-2018, tỷ lệ lao động PCT không có CMKT có xu hướng tăng nhẹ, 0,4 điểm phần trăm (từ 91,8% năm 2014 lên 92,2% năm 2018). Bên cạnh đó, tỷ lệ các nhóm lao động PCT có trình độ trung cấp và cao đẳng cũng có xu hướng tăng (với mức tăng tương ứng 0,2 và 0,3 điểm phần trăm). Ngược lại, nhóm có trình độ sơ cấp và đại học trở lên có xu hướng giảm, (với mức giảm tương ứng là 0,5 và 0,4 điểm phần trăm). Qua đây có thể thấy được giai đoạn 2014-2018, tỷ lệ nhóm lao động PCT có xu hướng gia tăng ở nhóm trình độ trung cấp, cao đẳng tăng, và có xu hướng giảm đi ở nhóm trình độ sơ cấp và đại học trở lên.
Biểu 2. Cơ cấu lao động phi chính thức theo trình độ CMKT, 2014-2018
Đơn vị:%
Chia theo trình độ CMKT |
Năm 2014 |
Năm 2016 |
Năm 2018 |
Không có CMKT |
91,8 |
86,9 |
92,2 |
Sơ cấp |
5,2 |
5,4 |
4,7 |
Trung cấp |
1,6 |
2,9 |
1,8 |
Cao đẳng |
0,4 |
1,0 |
0,7 |
Đại học trở lên |
1,0 |
3,8 |
0,7 |
Tổng số |
100 |
100 |
100 |
Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động - việc làm, TCTK, 2014-2018
Theo vị trí việc làm: Lao động PCT ở Tây Ninh tập trung cao nhất ở nhóm “lao động tự làm” (chiếm đến 46,2% tổng số), tiếp đến là nhóm lao động làm công hưởng lương (chiếm 39,6% tổng số); tiếp đến là nhóm lao động hộ gia đình và chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh (chiếm 12,3% tổng số).
Biểu đồ 2.Tỷ lệ lao động PCT chia theo vị thế việc làm, năm 2018
Đơn vị:%
Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động - việc làm, TCTK, 2018
Theo nhóm ngành kinh tế chính: lao động PCT tập trung cao nhất ở nhóm ngành Dịch vụ (chiếm 65% tổng số), tiếp đến là ở nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng (33,5% tổng số) và thấp nhất ở nhóm ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong nhóm ngành Dịch vụ, lao động PCT chủ yếu làm việc ở các ngành như: “bán buôn, bán lẻ, sửa chữa oto, môtô...” 19,5%, “công nghiệp chế biến, chế tạo” - 11,6%, “dịch vụ lưu trú và ăn uống” - 9,8%, “xây dựng” - 9,2%, “vận tải kho bãi” - 3%.
Theo nhóm nghề: Gần một nửa lao động PCT ở Tây Ninh làm các nghề dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng. Năm 2018, có 46,2% lao động PCT làm các nghề dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng; 25,1% là thợ thủ công và các thợ khác có liên quan; 16,9% làm các nghề, công việc giản đơn; 8,7% là thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị; còn lại là các nghề khác.
Biểu đồ 3. Tỷ lệ lao động PCT chia theo nghề, năm 2018
Đơn vị:%
Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động - việc làm, TCTK, 2018
Năm 2018, Thu nhập bình quân của lao động PCT của Tây Ninh là 5,15 triệu đồng/tháng, trong đó, thu nhập của lao động PCT ở khu vực chính thức khoảng 6 triệu đồng/tháng, thu nhập của lao động PCT ở khu vực PCT là 4,78 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc bình quân của lao động PCT là 44,76 giờ/tuần, trong đó, thời gian làm việc của lao động PCT ở khu vực chính thức là 45,51 giờ/tuần, ở khu vực PCT là 44,45 giờ/tuần. Có thể nói, thu nhập bình quân của lao động PCT của tỉnh không phải là thấp. Tuy nhiên, nhóm lao động này vẫn là một nhóm đối tượng chịu thiệt thòi trong việc hưởng thụ các chính sách về bảo hiểm, phúc lợi và an sinh xã hội; tính chất công việc của họ cũng không được đảm bảo.
Biểu đồ 4. Thu nhập và thời gian làm việc của lao động phi chính thức, năm 2018
Đơn vị: 1000 đồng, giờ/tuần
Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động - việc làm, TCTK, 2018
Như vậy, quy mô và tỷ lệ lao động PCT ở Tây Ninh đã cao (chiếm gần 50% tổng số lao động có việc làm) và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây sẽ là một thách thức nhằm nâng cao năng suất, chất lượng việc làm để đạt được mục tiêu việc làm bền vững của toàn tỉnh và của cả nước.
Phần lớn lao động PCT tập trung ở khu vực nông thôn sẽ gây áp lực lớn cho khu vực này, đòi hỏi cần các chính sách việc làm cần phải tập trung mạnh mẽ hơn đối với khu vực này, đặc biệt là các chính sách riêng của tỉnh nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng việc làm cho khu vực nông thôn.
Với hơn 90% lao động PCT không có CMKT, chủ yếu là lao động tự làm và lao động làm công hưởng lương, làm các nghề dịch vụ cá nhân, bảo vệ, bán hàng, thợ thủ công… trong một số ngành dịch vụ hay công nghiệp chế biến chế tạo, cho thấy lao động PCT đang làm các công việc khá nhỏ lẻ, manh mún, với năng suất thấp, thu nhập không cao, thiếu ổn định và bền vững.
3. Hàm ý chính sách
Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các Bộ/ngành đã thực thi nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng việc làm, hướng tới chính thức hóa việc làm PCT, nhưng việc thực thi các giải pháp chính sách thị trường lao động chưa hiệu quả, tỷ lệ lao động, việc làm PCT của cả nước, cũng như của các địa phương còn khá cao, chất lượng lao động nói chung và lao động PCT nói riêng còn rất thấp, không được như kỳ vọng. Để có thể đạt được mục tiêu chung về việc làm bền vững, không chỉ các cấp/Bộ/ngành, mà đối với từng địa phương, từng tỉnh cần vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn, có các chính sách phù hợp hơn với đặc điểm từng địa phương và cần quyết liệt thực hiện nhằm rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể với Tây Ninh, có một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ lao động PCT chuyển đổi sang chính thức thông qua khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực PCT chuyển sang khu vực chính thức. Hiện nay, Chính phủ và các Bộ/ngành đã ban hành khá đầy đủ các chính sách, thông tư hướng dẫn nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ đất đai, thuế, vốn, mặt bằng sản xuất..., tuy nhiên việc thực thi văn bản chưa thật sự hiệu quả. Do đó, vai trò của các tỉnh rất quan trọng trong việc đẩy mạnh hiệu quả thi hành các văn bản này. Trước hết, cần quân tâm hơn nữa đến lao động PCT nói chung và lao động PCT trong khu vực PCT nói riêng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, trong các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, ở các nghề như dịch vụ cá nhân, bảo vệ, bán hàng... để tiếp tục hỗ trợ họ cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng việc làm, dần dần chuyển đổi sang việc làm chính thức.
Thứ hai, tăng cường quan hệ lao động, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho lao động PCT ở khu vực chính thức thông qua tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường chế tài đối với những hành động cố tình vi phạm các quy định hiện hành về ký hợp đồng lao động, thực hiện các quy định về an toàn lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quan trọng hơn nữa, cần có chế tài nghiêm khắc để xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm việc ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hay không đảm bảo tiền lương và thu nhập, chế độ làm thêm giờ và các quyền lợi khác cho người lao động.
Thứ ba, tăng cường nhận thức và hiểu biết của lao động PCT về pháp luật lao động và các chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm và bảo hiểm xã hội. Trước hết, tỉnh Tây Ninh cần có chủ trương lồng ghép nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật lao động cho lao động nói chung và lao động PCT nói riêng trong các nội dung tuyên truyền của tỉnh. Riêng đối với lao động PCT, cần có các hình thức tuyên truyền phù hợp, đơn giản, dễ hiểu cho những đối tượng lao động này. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ngoài việc chỉ thông tin trên hệ thống loa phát thanh của xã/phường. Đặc biệt, cần có đầu tư thích đáng từ ngân sách của tỉnh cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin này.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp cho lao động PCT. Cần chú trọng hơn nữa đến các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động PCT. Mở rộng đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề và nâng mức hỗ trợ để đào tạo nghề hiệu quả hơn cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, cần thiết kế cả các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn phù hợp với nhu cầu và năng lực học tập của lao động PCT nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế địa phương. Tập trung nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp để lao động nông thôn có thể áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động và thu nhập.
Thứ năm, tăng cường, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội cho lao động PCT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đảm bảo tính tuân thủ của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo quy định của luật. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của lao động PCT về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cần đào tạo cán bộ chuyên trách về công tác tuyên truyền, đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ bảo hiểm xã hội cho cán bộ bưu điện là đại lý thu bảo hiểm xã hội để đạt hiệu quả cao hơn trong việc gia tăng số lượng người tham gia hiểm xã hội tự nguyện hàng năm./.
[1] Sách “Lao động phi chính thức năm 2016”, TCTK 2017.
Mọi thông tin xin liên hệ:
Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh
Địa chỉ: Số 1291, khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh
Số điện thoại: 0276.3822.621; Fax: 066.3825.147
Email: dvvltayninh@gmail.com
Website: http://vltayninh.vieclamvietnam.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn