BẢN TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TỈNH TÂY NINH

Thứ năm - 18/04/2019 16:51

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TỈNH TÂY NINH

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM

 Ở TÂY NINH

Bản tin số 3, năm 2019

     Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường và bước vào hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, tình trạng thất nghiệp đang là một trong những vấn đề nan giải và ngày càng trở thành hiện tượng của xã hội. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, một bộ phận không nhỏ lao động do nhiều nguyên nhân khác nhau bị mất việc làm, đời sống rất khó khăn, ảnh hưởng đến trật tự, an sinh xã hội.
     Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ra đời sẽ góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) được học nghề và tìm việc làm, sớm đưa họ trở lại làm việc. Bên cạnh đó, BHTN còn giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp.

1. Một số nét về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong thị trường lao động
     Chính sách BHTN chính thức được luật hóa bằng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, có hiệu lực từ 2007. Theo lộ trình áp dụng Luật, chính sách BHTN được triển khai thực hiện từ 01/01/2009 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Đến năm 2015, BHTN được chuyển sang thực hiện tại Luật Việc làm (ban hành năm 2013, có hiệu lực từ năm 2015) và được cải cách nhằm mở rộng phạm vi bao phủ và tăng cường hiệu quả thực hiện. Chính sách BHTN hiện gồm 5 chế độ: (i)Trợ cấp thất nghiệp (TCTN), (ii) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; (iii) Hỗ trợ học nghề; (iv) Chế độ BHYT trong thời gian hưởng TCTN; (v) Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) (ngăn ngừa sa thải lao động).

     Bảo hiểm thất nghiệp là một biện pháp hỗ trợ NLĐ giải quyết tình trạng thất nghiệp, nhằm trợ giúp kịp thời cho NLĐ trong thời gian chưa tìm kiếm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới[1].
     Việc ra đời chính sách BHTN nhằm đáp ứng nguyện vọng của NLĐ cũng như người sử dụng lao động, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp trong chi trả trợ cấp mất việc cho NLĐ, nhằm ổn định đời sống NLĐ, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và tái hòa nhập thị trường lao động (TTLĐ).

Sơ đồ 1. Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nguồn: Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP

     Mục tiêu đầu tiên của BHTN là trợ giúp về mặt tài chính cho NLĐ bị mất việc làm để họ ổn định cuộc sống cá nhân và gia đình trong một chừng mực nhất định, từ đó tạo điều kiện cho họ tham gia vào TTLĐ để có những cơ hội mới về việc làm. Đến nay, mục tiêu của BHTN đã được mở rộng hơn so với chức năng hỗ trợ thu nhập cho NLĐ bị thất nghiệp. Chính sách BHTN được thiết kế như một hình thức “bảo hiểm việc làm”. Mục tiêu của chính sách nhằm duy trì việc làm, hỗ trợ NLĐ thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới thông qua chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. Đồng thời, chủ sử dụng lao động được khuyến khích đào tạo lại cho NLĐ thay vì buộc phải sa thải lao động. Thông qua việc chú trọng vào trang bị kỹ năng cho NLĐ, BHTN không chỉ hướng đến mục tiêu duy trì việc làm cho NLĐ mà còn góp phần tăng năng suất của toàn bộ nền kinh tế. Như vậy, chính sách BHTN là một công cụ quản trị, điều tiết TTLĐ nhằm nhanh chóng đưa NLĐ bị thất nghiệp trở lại TTLĐ, rút ngắn thời gian tuyển dụng của doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí cơ hội của xã hội do chỗ việc làm trống không có người đảm nhận hoặc NLĐ không được sử dụng vì không có việc làm hoặc không có kỹ năng cần thiết để đảm nhận vị trí việc làm.

1


2. Tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp ở Tây Ninh
2.1.Tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp

     Năm 2018, toàn tỉnh Tây ninh có nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN là 14.282 người, giảm 626 người so với năm 2017 (14.908 người). Đồng thời, số người có quyết định hưởng TCTN năm 2018 là 14.445 người (giảm 438 người so với năm 2017). Năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở Tây Ninh là 2,4%[2] (cao hơn 0,21 điểm phần trăm so với tỷ lệ chung của cả nước (tương ứng là 2,19%).
     Giai đoạn 2016-2018, số lao động tham gia BHTN có xu hướng tăng lên đáng kể: năm 2016, số người tham gia BHTN là 180.318 người. Đến năm 2018, số lượng này tăng lên thành 185.961 người (tăng 3,12% so với năm 2016). Có thể nói đây là một dấu hiệu đáng mừng, bước đầu chứng tỏ việc tuyên truyên phổ biến các chính sách BHTN đã được lan truyền rộng rãi và hiệu quả. Đồng thời, đây cũng thể hiện việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng người sử dụng lao động và NLĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Biểu đồ 1: Số lượng và tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp Tây Ninh
giai đoạn 2016-2018

Đơn vị:người, %

Nguồn: Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh, giai đoạn 2016-2018

     Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có xu hướng biến động nhẹ và có xu hướng tăng lên: Năm 2018, tỷ lệ người tham gia BHTN là 98,58% tổng số người tham gia lực lượng lao động (tăng 3,83 điểm phần trăm so với năm 2016). So với tổng số người tham gia TTLĐ, có thể nói hầu hết số lao động làm việc trên địa bàn tỉnh đã  tham gia BHTN. Đây là một dấu hiệu đáng mừng không chỉ đối với Tây Ninh mà còn đối với cả hệ thống BHTN nước ta trong việc quán triệt nâng cao ý thức và thực hiện chính sách BHTN hiệu quả cho NLĐ.
     Năm 2018, toàn tỉnh có 2.467 đơn vị tham gia đóng BHTN cho NLĐ (tăng 26,64% so với năm 2016 là 1.948 đơn vị tham gia). Tình trạng các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình có thuê mướn lao động trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT cho NLĐ diễn ra phổ biến và chưa có biện pháp chế tài xử lý hiệu quả là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ tham gia BHTN còn thấp. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang có xu hướng giảm dần đối tượng tham gia do quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nên sắp xếp, tổ chức lại lao động và hạn chế tuyển dụng lao động mới...

2.2. Tình hình giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp

     v Về nộp hồ sơ và hưởng trợ cấp thất nghiệp

     Giai đoạn 2016-2018, số người nộp hồ sơ hưởng BHTN tăng 442 người, từ 13.840 người năm 2016 lên 14.282 người năm 2018. Tỷ lệ người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN ở Tây Ninh xoay quanh mức 8% và có xu hướng biến động thất thường trong giai đoạn này: Giai đoạn 2016-2017, tỷ lệ người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tăng 0,05 điểm phần trăm, từ 8% năm 2016 lên 8,05% năm 2017. Nhưng đến giai đoạn 2017-2018 thì tỷ lệ này lại có xu hướng giảm xuống (giảm 0,24 điểm phần trăm, từ 8,05% năm 2017 xuống còn 7,81% năm 2018).

Biểu 1. Tình hình giải quyết chế độ BHTN, 2016-2018

Chỉ tiêu

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN (người)

13.840

14.898

14.282

Tổng số người có quyết định hưởng TCTN (người)

13.622

14.883

14.445

Tổng số người thất nghiệp được tư vấn

13.840

14.908

14.482

Tỷ lệ người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN

8,00

8,05

7,81

Tỷ lệ NLĐ đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN sau khi được TTDVVL tư vấn mà không nộp hồ sơ nêu trên

0,07

0,07

1,38

Tỷ lệ người đang hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề (%)

2

2

2,5

Nguồn: Trung tâm Giới thiệu Việc làm Tây Ninh

     Xét trong tổng số người thất nghiệp được tư vấn, thì tỷ lệ NLĐ không nộp hồ sơ hưởng TCTN rất thấp, nhưng lại có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2016-2018: Năm 2016, tỷ lệ NLĐ đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN sau khi được tư vấn mà không nộp hồ sơ hưởng BHTN là 0,07%, nhưng đến năm 2018 tỷ lệ này lại tăng lên 1,38%.

     v Tình hình tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề
     Cùng với việc chi trả tiền trợ cấp để giúp lao động ổn định cuộc sống, tạo bước đệm trước khi tìm được việc làm mới, hiện nay các trung tâm giới thiệu việc làm trong cả nước cũng rất tích cực hỗ trợ lao động để tìm kiếm việc làm mới: Hầu hết số người nộp hồ sơ hưởng TCTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ NLĐ nhận được việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu không cao. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do một số nguyên nhân cơ bản sau: (i) Lao động không có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm; (ii) Chất lượng thông tin việc làm chưa phong phú, chưa đáp ứng được với mong muốn của đa số lao động đến tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm.
     Theo quy định, người tham gia BHTN bị mất việc làm được hỗ trợ học nghề để tìm việc làm mới. Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ người đang hưởng TCTN nhận hỗ trợ học nghề tại Tây Ninh còn rất thấp, chỉ xoay quanh mức 2%. Nguyên nhân là do: lao động chủ động nghỉ việc để hưởng TCTN và có thể tìm việc làm mới nên không có nhu cầu học nghề. Ngoài ra, NLĐ thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, khi có việc làm được doanh nghiệp đào tạo ngay tại nơi làm việc nên không có nhu cầu học nghề
     v Đánh giá của NLĐ về thực hiện BHTN
     Đa số NLĐ hưởng TCTN ở Tây Ninh đều hài lòng với công tác giải quyết TCTN. Kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của NLĐ hưởng TCTN cho thấy: có tới trên 96% lao động hài lòng với các vấn đề về tư vấn ban đầu, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hưởng TCTN, tư vấn việc làm, tư vấn học nghề… Chỉ một số rất ít, dưới 1% lao động không hài lòng với các vấn đề liên quan tới công tác tư vấn học nghề.

Biểu 2. Đánh giá mức độ hài lòng của người hưởng TCTN về công tác giải quyết TCTN tại tỉnh Tây Ninh

Đơn vị: %

Chỉ tiêu

Rất hài lòng

Hài lòng

Không hài lòng

1. Tư vấn ban đầu trước khi nộp hồ sơ

 

 

 

Tư vấn về việc làm

10%

90%

0%

Tư vấn về chính sách

5%

95%

0%

Tư vấn về trình tự, thủ tục

0%

100%

0%

2. Tiếp nhận hồ sơ hưởng TCTN

4%

96%

0%

3. Giải quyết hưởng TCTN

0%

100%

0%

4. Tư vấn về việc làm

0%

100%

0%

5. Tư vấn học nghề

10%

80%

1%

6. Giới thiệu việc làm

0%

100%

0%

7. Giải quyết hỗ trợ học nghề

0%

100%

0%

8. Thời gian chi trả TCTN

0%

100%

0%

9. Hình thức chi trả TCTN

0%

100%

0%

10. Thủ tục chi trả TCTN

0%

100%

0%

Nguồn: Trung tâm Giới thiệu Việc làm Tây Ninh

3. Giải pháp mở rộng độ bao phủ Bảo hiểm thất nghiệp và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Tây Ninh

2

     Chính sách BHTN được thực hiện cách đây 10 năm, đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được một bộ phận NLĐ và doanh nghiệp tại Tây Ninh đón nhận. Chính sách BHTN ở Tây Ninh ngày càng khẳng định vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, đem lại lợi ích cho các bên: NLĐ, người sử dụng lao động, nhà nước, cơ sở dạy nghề và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHTN.
     - Hệ thống văn bản hướng dẫn BHTN đã tương đối hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện.
     - Công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt, trong việc tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh.
     - Công tác tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú và luôn tích cực cải tiến quy trình tư vấn nên số người được tư vấn và chất lượng tư vấn ngày càng được nâng cao.
     - Nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động ngày càng được nâng cao. NLĐ đã ý thức việc học tập, nâng cao trình độ để chuyển đổi nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với bản thân họ, tại nhiều địa phương, NLĐ sẵn sàng bỏ thêm nhiều chi phí học nghề, ăn ở, đi lại,… bù vào phần chênh lệch so với chi phí được hỗ trợ để hoàn thành hết khóa học nghề.
     Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách BHTN tại Tây Ninh vẫn tồn tại một số hạn chế như sau:
     - Chính sách BHTN hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ  NLĐ sau khi bị thất nghiệp mà chưa có nhiều biện pháp chủ động để hỗ trợ NLĐ nhằm duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.
     - Một số NLĐ và người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách BHTN:
     + Tâm lý NLĐ chỉ muốn nhận TCTN mà không quan tâm đến các chế độ khác như: tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Một số NLĐ còn chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc khai báo tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng TCTN;
      + Nợ đọng BHTN còn khá lớn, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách BHTN. Mặt khác, phần lớn người sử dụng lao động chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động.
     - Công tác quản lý lao động còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của NLĐ, các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định.

     Bên cạnh đó, kết quả thực hiện chính sách tập trung nhiều vào bù đắp thu nhập từ khoản TCTN hơn là hỗ trợ NLĐ nhanh chóng quay trở lại TTLĐ. Nguyên nhân là do: (i) các chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin TTLĐ, hỗ trợ đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu rất đa dạng của NLĐ; (ii) chất lượng cung cấp các dịch vụ chưa cao nên chưa thu hút NLĐ tham gia; (iii) công tác quản lý, theo dõi tình trạng việc làm của NLĐ, biến động lao động trong doanh nghiệp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan, đơn vị còn yếu kém; (iv) bên cạnh đó nhận thức và hiểu biết của NLĐ về mục tiêu và ý nghĩa của chính sách BHTN và các chế độ của BHTN còn chưa thực sự hiệu quả...
     Để việc thực hiện BHTN có hiệu quả cần tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư, doanh nghiệp, NLĐ giữa các ngành tư pháp, đầu tư, thuế, lao động và bảo hiểm xã hội…
     v Thứ nhất, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHTN:
     - Tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp để nâng cao hơn nữa nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện chính sách BHTN…;
     - Nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện BHTN đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm đối với NLĐ;
     v Thứ hai, khắc phục tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHTN
     Tăng cường các chế tài xử lý vi phạm hành chính về BHTN, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHTN theo hướng quy định thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHTN cho các cơ quan quản lý nhà nước về BHTN và cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội;
      v Thứ ba, tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư, doanh nghiệp, NLĐ giữa các ngành tư pháp, đầu tư, thuế, lao động và BHXH… để có đầy đủ thông tin nhằm xây dựng các chính sách mở rộng, thu hút đối tượng tham gia BHTN hiệu quả hơn.
      v Thứ tư, nâng cao hiệu quả thực hiện các chế độ của BHTN theo hướng:
     - Chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm:
     + Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin TTLĐ, tư vấn, giới thiệu việc làm: mở rộng mạng lưới với các doanh nghiệp trong kết nối, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các TTDVVL về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn;
      + Nâng cao năng lực cho cán bộ của TTDVVL: bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn;
      + Tăng cường vai trò và trách nhiệm của tư vấn viên; thí điểm giao chỉ tiêu giới thiệu việc làm thành công, giảm tỷ lệ hưởng TCTN của NLĐ cho từng tư vấn viên;
     - Chế độ hỗ trợ đào tạo nghề:
      + Mở rộng đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ đang tham gia BHTN nhưng có nguy cơ bị thất nghiệp do trình độ, kỹ năng, độ tuổi không đáp ứng yêu cầu công việc…;
     + Bổ sung danh mục các ngành nghề được hỗ trợ đào tạo phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau: theo nhóm tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn kĩ thuật, vùng miền và nhu cầu TTLĐ;
      + Đổi mới và đa dạng hóa hình thức đào tạo: liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp…; mở rộng các trình độ đào tạo cho nhóm trình độ trung cấp, cao đẳng;
     v Thứ năm, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong thực hiện BHTN: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHTN, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHTN theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
     Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHTN: thực hiện giao dịch điện tử trong tham gia và giải quyết hưởng BHTN; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, cơ sở dữ liệu về BHTN; chia sẻ dữ liệu thu - chi và giải quyết các chế độ BHTN;...

 

[1] Bảo hiểm xã hội Việt Nam

[2] Nguồn: Tổng cục Thống kê, Điều tra Lao động – Việc làm năm 2018
 

Mọi thông tin xin liên hệ:
Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh
Địa chỉ: Số 1291, khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh
Số điện thoại: 0276.3822.621;
Fax: 066.3825.147
Email: dvvltayninh@gmail.com
Website: http://vltayninh.vieclamvietnam.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây