BẢN TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TỈNH THANH HÓA

Thứ ba - 05/02/2019 09:02

MỞ RỘNG ĐỘ BAO PHỦ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ CỦA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
 
TẠI THANH HÓA

Số chuyên đề 3, năm 2019

     Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường và bước vào hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, thì tình trạng thất nghiệp đang là một trong những vấn đề nan giải và hết sức bức xúc. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, một bộ phận không nhỏ lao động do nhiều nguyên nhân khác nhau bị mất việc làm, đời sống rất khó khăn, ảnh hưởng đến trật tự an sinh xã hội.
     Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ra đời góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) được học nghề và tìm việc làm, sớm đưa họ trở lại làm việc. Bên cạnh đó BHTN còn giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp.
     Có thể khẳng định, BHTN là một biện pháp hỗ trợ NLĐ trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh việc hỗ trợ một khoản tài chính đảm bảo ổn định cuộc sống cho NLĐ trong thời gian mất việc thì mục đích chính của BHTN còn là sớm đưa những lao động thất nghiệp tìm được việc làm mới thích hợp và ổn định thông qua các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm.

1. Bảo hiểm thất nghiệp và vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong thị trường lao động
     Chính sách BHTN được thực hiện ở Việt Nam từ năm 2009 theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Đến năm 2015, BHTN được chuyển sang thực hiện tại Luật Việc làm (ban hành năm 2013, có hiệu lực từ năm 2015) và được cải cách nhằm mở rộng phạm vi bao phủ và tăng cường hiệu quả thực hiện. Chính sách BHTN hiện gồm 5 chế độ: 1) Trợ cấp thất nghiệp (TCTN); 2) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; 3) Hỗ trợ học nghề; 4) Chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng TCTN; 5) Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ (ngăn ngừa sa thải lao động).
     BHTN là một biện pháp hỗ trợ NLĐ giải quyết tình trạng thất nghiệp, nhằm trợ giúp kịp thời cho NLĐ trong thời gian chưa tìm kiếm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới.
     Việc ra đời chính sách BHTN nhằm đáp ứng nguyện vọng của NLĐ cũng như người sử dụng lao động, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân; đồng thời hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm phù hợp.
     Mục tiêu đầu tiên của BHTN là trợ giúp về mặt tài chính cho NLĐ bị mất việc làm để họ ổn định cuộc sống cá nhân và gia đình trong một chừng mực nhất định, từ đó tạo điều kiện cho họ tham gia vào thị trường lao động để có những cơ hội mới về việc làm. Đến nay, mục tiêu của BHTN đã được mở rộng hơn so với chức năng hỗ trợ thu nhập cho NLĐ bị thất nghiệp. Chính sách BHTN được thiết kế như một hình thức “bảo hiểm việc làm”. Mục tiêu của chính sách nhằm duy trì việc làm, hỗ trợ NLĐ thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới thông qua chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. Đồng thời, chủ sử dụng lao động được khuyến khích đào tạo lại cho NLĐ thay vì buộc phải sa thải lao động. Thông qua việc chú trọng vào trang bị kỹ năng cho NLĐ, BHTN không chỉ hướng đến mục tiêu duy trì việc làm cho NLĐ mà còn góp phần tăng năng suất của toàn bộ nền kinh tế. Như vậy, chính sách BHTN là một công cụ quản trị, điều tiết thị trường lao động nhằm nhanh chóng đưa NLĐ bị thất nghiệp trở lại thị trường lao động, rút ngắn thời gian tuyển dụng của doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí cơ hội của xã hội do chỗ việc làm trống không có người đảm nhận hoặc NLĐ không được sử dụng vì không có việc làm hoặc không có kỹ năng cần thiết để đảm nhận vị trí việc làm.

1
Sơ đồ 1. Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nguồn: Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP

2. Tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp ở Thanh Hóa
Tình hình tham gia BHTN

     Số lao động tham gia BHTN tăng đều trong vòng 3 năm qua. Năm 2016, số lao động tham gia BHTN là 250.499 người đã tăng lên 279.739 người, với mức tăng bình quân trên 14 nghìn người mỗi năm. Mặc dù vậy, tỷ lệ tham gia BHTN của lực lượng lao động tỉnh Thanh Hóa vẫn còn rất thấp, mới đạt 12,3% năm 2018, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tham gia BHTN của lực lượng lao động cả nước (26,2%).
     Số tiền bình quân đóng BHTN cũng tăng đều qua các năm, từ 850 nghìn đồng năm 2016 lên 940 nghìn đồng năm 2017 và lên 980 nghìn đồng năm 2018.

Biểu 1. Tình hình tham gia BHTN của người lao động Thanh Hóa, 2016-2018

Nguồn: Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa

     Năm 2018, toàn tỉnh có 8.409 đơn vị tham gia đóng BHTN cho NLĐ, chiếm khoảng 56% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, là các doanh nghiệp đóng BHTN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp nhà nước, và các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn.
     Tình trạng các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình có thuê mướn lao động trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT cho NLĐ diễn ra phổ biến và chưa có biện pháp chế tài xử lý hiệu quả là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ tham gia BHTN còn thấp. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang có xu hướng giảm dần đối tượng tham gia do quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nên sắp xếp, tổ chức lại lao động và hạn chế tuyển dụng lao động mới... 
     Tình hình giải quyết các chế độ BHTN:
     + Về nộp hồ sơ và hưởng trợ cấp thất nghiệp
     
Giai đoạn 2016-2018, số người nộp hồ sơ hưởng BHTN tăng 1,84 nghìn người, từ 17.618 người lên 19.460 người (trong đó 9,87% lao động được hưởng TCTN, số còn lại bị hủy quyết định hưởng do giải quyết sai hoặc hưởng không đúng quy định). Theo báo cáo của TTDVVL Thanh Hóa về việc thực hiện chương trình BHTN năm 2018 cho thấy:

  • Gần 70% lao động hưởng TCTN là nữ giới, 70,9% ở độ tuổi từ 24-40 tuổi.
  • Nhóm ngành có tỷ lệ lao động bị mất việc làm chủ yếu là: May - Giày da - Dệt: chiếm khoảng 46%; Điện, điện tử, điện lạnh: chiếm khoảng 14%; Xây dựng - Kiến trúc - Gỗ - Nội thất: chiếm khoảng 7%; Các ngành nghề khác: 33%
  • Tỷ lệ NLĐ khai báo đã tìm được việc làm trong thời gian hưởng TCTN rất thấp, đều dưới 2% trong vòng 3 năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ NLĐ đang hưởng TCTN nhận được việc làm do TTDVVL giới thiệu năm 2016, 2017, 2018 tương ứng là 3,68%; 7,1% và 6,1%.
  • Mức hưởng TCTN trung bình tháng của NLĐ tăng nhẹ, từ 2,12 triệu đồng/tháng năm 2016 lên 2,6 triệu đồng/tháng.
  • Số tháng hưởng TCTN trung bình của NLĐ năm 2016 là 3,83 tháng lên 4,1 tháng năm 2018.

     + Tình hình tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề
     Cùng với việc chi trả tiền trợ cấp để giúp lao động ổn định cuộc sống, tạo bước đệm trước khi tìm được việc làm mới thì hiện nay các TTDVVL trong cả nước cũng rất tích cực hỗ trợ lao động để tìm kiếm việc làm mới. Năm 2016, có 88,3% NLĐ được tư vấn, giới thiệu việc làm, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 35,2% năm 2018. Trong số đó, có chưa đến 8% NLĐ nhận được việc làm do TTDVVL giới thiệu. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do một số nguyên nhân cơ bản sau: (i) Lao động không có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm; (ii) Chất lượng thông tin việc làm chưa phong phú, chưa đáp ứng được với mong muốn của đa số lao động đến tư vấn, giới thiệu việc làm tại TTDVVL.
     Theo quy định, người tham gia BHTN bị mất việc làm được hỗ trợ học nghề để tìm việc làm mới. Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ người đang hưởng TCTN nhận hỗ trợ học nghề tại Thanh Hóa rất thấp, chưa đầy 1%. Nguyên nhân là do: lao động chủ động nghỉ việc để hưởng TCTN và có thể tìm việc làm mới nên không có nhu cầu học nghề. Ngoài ra, NLĐ thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, khi có việc làm được doanh nghiệp đào tạo ngay tại nơi làm việc nên không có nhu cầu học nghề.

Biểu 2. Tình hình giải quyết chế độ BHTN, 2016-2018

 

2016

2017

2018

Tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN (người)

17618

18076

19460

Tổng số người có quyết định hưởng TCTN (người)

17403

17954

19442

Mức hưởng TCTN bình quân hàng tháng (triệu đồng)

2.12

2.5

2.6

Số tháng hưởng TCTN bình quân của NLĐ

3.83

3.98

4.1

Tỷ lệ NLĐ được giới thiệu việc làm (%)

88.3

33.1

35.2

Tỷ lệ NLĐ đang hưởng TCTN nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu (%)

3.68

7.1

6.1

Tỷ lệ người đang hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề (%)

0.47

0.6

0.6

Nguồn: Trung tâm Giới thiệu Việc làm Thanh Hóa

     - Đánh giá của NLĐ về thực hiện BHTN
     Đa số người lao động hưởng TCTN tại Thanh Hóa đều hài lòng với công tác giải quyết TCTN. Kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của NLĐ hưởng TCTN cho thấy: có tới trên 96% lao động hài lòng với các vấn đề về tư vấn ban đầu, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hưởng TCTN, tư vấn việc làm, tư vấn học nghề… Chỉ một số rất ít - dưới 4% lao động không hài lòng với các vấn đề liên quan tới công tác TCTN.

Biểu 3. Đánh giá mức độ hài lòng của người hưởng TCTN
về công tác giải quyết TCTN tại tỉnh Thanh Hóa

Đơn vị: %

Chỉ tiêu

Rất hài lòng

Hài lòng

Không hài lòng

1. Tư vấn ban đầu trước khi nộp hồ sơ

 

 

 

Tư vấn về việc làm

54.8

44.1

1.1

Tư vấn về chính sách

48.4

50.5

1.1

Tư vấn về trình tự, thủ tục

50

48.5

1.5

2. Tiếp nhận hồ sơ hưởng TCTN

51.5

48.5

0

3. Giải quyết hưởng TCTN

51.5

48

0.5

4. Tư vấn về việc làm

48.5

50

1.5

5. Tư vấn học nghề

49.5

49.5

1.1

6. Giới thiệu việc làm

48.4

50.5

1.1

7. Giải quyết hỗ trợ học nghề

55

45

0

8. Thời gian chi trả TCTN

47.3

49.5

3.2

9. Hình thức chi trả TCTN

41.9

55.9

2.2

10. Thủ tục chi trả TCTN

52.7

47

0.3

Nguồn: Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa

3. Giải pháp mở rộng độ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp và nâng cao hiệu quả thực hiện các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp tại Thanh Hóa
     
Chính sách BHTN được thực hiện cách đây 10 năm, đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được một bộ phận NLĐ và doanh nghiệp tại Thanh Hóa đón nhận. Công tác giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ bị thất nghiệp tại Thanh Hóa được đánh giá cao, thể hiện ở tất cả các chỉ số đánh giá đều ở mức độ hài lòng và rất hài lòng.
     Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách BHTN tại Thanh Hóa vẫn tồn tại một số hạn chế như tỷ lệ tham gia BHTN so với lực lượng lao động còn khá thấp, mới đạt 12,3% năm 2018, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tham gia BHTN của lực lượng lao động cả nước (26,2%), chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền nhằm mở rộng đối tượng còn hạn chế, công tác quản lý doanh nghiệp và NLĐ chưa chặt chẽ, công tác thanh tra, kiểm tra hành vi nợ đóng, trốn đóng BHTN chưa hiệu quả.
     Bên cạnh đó, kết quả thực hiện chính sách tập trung nhiều vào bù đắp thu nhập từ khoản TCTN hơn là hỗ trợ NLĐ nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Nguyên nhân là do: (i) các chế độ tư vấn, giởi thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, hỗ trợ đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu rất đa dạng của NLĐ; (ii) chất lượng cung cấp các dịch vụ chưa cao nên chưa thu hút NLĐ tham gia; (iii) công tác quản lý, theo dõi tình trạng việc làm của NLĐ, biến động lao động trong doanh nghiệp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan, đơn vị còn yếu kém; (iv) bên cạnh đó nhận thức và hiểu biết của NLĐ về mục tiêu và ý nghĩa của chính sách BHTN và các chế độ của BHTN còn chưa đúng đắn...
     Để tiếp tục mở rộng độ bao phủ của BHTN và nâng cao hiệu quả thực hiện các chế độ của BHTN, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi khuyến nghị một số giải pháp sau:
     Thứ nhất, đổi mới và nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHTN đến đông đảo người dân Thanh Hóa: Xây dựng chiến lược tuyên truyền về BHTN với nội dung, hình thức phù hợp, hướng đến các đối tượng chưa tham gia BHTN như doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh hộ gia đình…; Phát triển đội ngũ tuyên truyền viên chuyên nghiệp, tuyên truyền gắn với tư vấn và giải đáp thắc mắc;
     Thứ hai, khắc phục tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHTN bằng các chế tài xử lý vi phạm hành chính về BHTN chặt chẽ và mạnh mẽ hơn, trong đó giao thẩm quyền xử phạt cho các cơ quan quản lý nhà nước về BHTN và cơ quan quản lý Quỹ BHXH.
     Thứ ba, tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư, doanh nghiệp, NLĐ giữa các ngành tư pháp, đầu tư, thuế, lao động và BHXH… để có đầy đủ thông tin nhằm xây dựng các chính sách mở rộng, thu hút đối tượng tham gia BHTN hiệu quả hơn.

     Thứ tư, nâng cao hiệu quả thực hiện các chế độ của BHTN theo hướng:

- Về chế độ tư vấn, giới thiệu  việc làm:
Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm: mở rộng mạng lưới với các doanh nghiệp trong kết nối, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các TTDVVL về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn;
Đa dạng hóa các kênh thông tin về thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng việc làm, ngành nghề đào tạo: qua tổng đài nhắn tin, email, fanpage, facebook…

- Về chế độ hỗ trợ đào tạo nghề: sửa đổi theo hướng ghép với Chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ hiện nay. Cụ thể:
Bổ sung danh mục các ngành nghề được hỗ trợ đào tạo phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau: theo nhóm tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn kĩ thuật, vùng miền và nhu cầu thị trường lao động;
Đổi mới và đa dạng hóa hình thức đào tạo: liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp…; mở rộng các trình độ đào tạo cho nhóm trình độ trung cấp, cao đẳng;
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho NLĐ sau khi tốt nghiệp; có chế tài theo dõi tình trạng việc làm và hiệu quả đào tạo nghề của học viên sau khi tốt nghiệp.

     Thứ năm, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong thực hiện BHTN: đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHTN, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHTN theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây