BẢN TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TỈNH THANH HÓA: THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC TỈNH THANH HÓA

Thứ hai - 14/01/2019 20:47

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TỈNH THANH HÓA
THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC[1] TỈNH THANH HÓA

Bản tin số 2, Số chuyên đề, tháng 1 năm 2019

     Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông thứ ba của cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh và thủ dô Hà Nội), với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao (82,68%). Theo ước tính, mỗi năm Thanh Hóa có khoảng 3 vạn người bước vào độ tuổi lao động. Đây là một vấn đề lớn của toàn xã hội khi phải giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập và an sinh xã hội cho những lao động này. Trước những nỗ lực lớn của tỉnh và sự vào cuộc của cả nước, mỗi năm cũng chỉ giải quyết được vài chục nghìn việc làm mới[2] cho lao động Thanh Hóa (bao gồm cả việc làm trong nước và việc làm ngoài nước). Do đó, khu vực phi chính thức (PCT) tiếp tục đóng vai trò là “giá đỡ” cho phần lớn lao động mới bước vào thị trường lao động. Tuy nhiên, với đặc điểm nổi bật của việc làm trong khu vực PCT là bấp bênh, thu nhập thấp và thời gian làm việc kéo dài, điều kiện làm việc không đảm bảo…  cần có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc làm trong  khu vực này, cũng như việc làm phi chính thức trong cả khu vực chính thức để đạt được mục tiêu về việc làm bền vững. Trước bối cảnh đó, nghiên cứu “Thực trạng việc làm phi chính thức tỉnh Thanh Hóa” là rất cần thiết nhằm phân tích, đánh giá đặc điểm, thực trạng việc làm phi chính thức của tỉnh, làm cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng việc làm phi chính thức, đóng góp vào bức tranh chung của thị trường lao động cả nước.  
1. Đặc điểm và thực trạng lao động phi chính thức tỉnh Thanh Hóa
     
Năm 2018, toàn tỉnh có 2.167 nghìn lao động có việc làm, trong đó, lao động phi chính thức là 891,1 nghìn người, chiếm 41,1% tổng lao động có việc làm. Lao động PCT thuộc khu vực chính thức là  467,4 nghìn người người, chiếm 52,5 % tổng lao động PCT và lao động PCT thuộc khu vực PCT là 423,7 nghìn người, chiếm 47,5% tổng lao động PCT.
     Giai đoạn 2014-2018, lao động PCT có xu hướng tăng, từ 564,2 nghìn người năm 2014 lên 612,1 nghìn người năm 2016 (tăng 47,9 nghìn người), nhưng đã tăng mạnh lên 891,1 nghìn người vào năm 2018 (tăng 279 nghìn người). Đây là hệ quả của tăng dân số từ những thập kỷ trước làm tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nhưng không được hấp thụ hết ở khu vực chính thức, đã làm tăng mạnh lao động ở khu vực phi chính thức. Đồng thời, những manh nha của cuộc CMCN lần thứ 4 từ năm 2016 đã ít nhiều có những tác động nhất định lên TTLĐ tỉnh Thanh Hóa, làm xuất hiện một số hình thức việc làm mới (như bán hàng, dịch vụ online...) góp phần làm tăng mạnh số việc làm phi chính thức.

Biểu đồ 1. Số lượng lao động phi chính thức chia theo khu vực chính thức/phi chính thức, giai đoạn 2014-2018

Đơn vị: 1000 người

Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động – việc làm, giai đoạn 2014-2018

Theo khu vực thành thị - nông thôn: Phần lớn lao động phi chính thức tập trung ở nông thôn. Năm 2018, toàn tỉnh có 80,3% lao động PCT ở khu vực nông thôn, cao gấp hơn 4 lần so với khu vực thành thị (19,7%). Tỷ lệ lao động này không có sự biến động đáng kể trong vòng 5 năm qua. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân đã gây áp lực không nhỏ tới vấn đề đảm bảo chất lượng việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

Biểu 1. Cơ cấu lao động phi chính thức chia theo khu vực thành thị/nông thôn và giới tính, 2014- 2018

Đơn vị:%

 Chỉ tiêu

2014

2016

2018

Theo khu vực

100,0

100,0

100,0

Thành thị

19,1

19,7

19,7

Nông thôn

80,9

80,3

80,3

Theo giới tính

100,0

100,0

100,0

Nam

66,3

61,8

65,4

Nữ

33,7

31,8

34,6

            Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động – việc làm, giai đoạn 2014-2018

     Theo giới tính: Phần lớn lao động phi chính thức là nam giới. Năm 2018, có đến 65,4% lao động PCT là nam giới, trong khi tỷ lệ lao động PCT ở nữ giới là 34,6%.  Trong vòng 5 năm qua, cơ cấu LĐ PCT theo giới tính không có sự biến động nhiều. Mặc dù vậy, tỷ lệ lao động phi chính thức ở nam giới có xu hướng giảm xuống 0,9 điểm phần trăm (từ 66,3% năm 2014 xuống còn 65,4% năm 2018).
     
Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT): Hầu hết lao động PCT ở Thanh Hóa không có CMKT. Kết quả tính toán cho thấy, năm 2018, có 736,5 nghìn lao động PCT không có CMKT (chiếm 82,7% tổng số lao động PCT). Ngược lại, có 154,5 nghìn lao động PCT có CMKT từ sơ cấp trở lên (17,3%), trong đó, nhóm có tỷ lệ cao nhất là nhóm sơ cấp (8,1%) và nhóm có tỷ lệ thấp nhất là nhóm cao đẳng (1,4%).

Biểu đồ 2. Cơ cấu lao động phi chính thức chia theo trình độ CMKT, 2014- 2018

Đơn vị:%

Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động – việc làm, giai đoạn 2014-2018

     Giai đoạn 2014-2018, lao động PCT có xu hướng tăng nhanh ở nhóm đại học trở lên, tăng 2,55 điểm phần trăm (từ 1,8% năm 2014 lên 4,4% năm 2018); nhóm sơ cấp tăng 1,1 điểm phần trăm (từ 7% năm 2014 lên 8,1% năm 2018); trong khi đó lại có xu hướng giảm mạnh nhất ở nhóm trình độ trung cấp, giảm 2,1 điểm phần trăm (từ 5,5% năm 2014 xuống còn 3,4% năm 2018); giảm 0,8 điểm phần trăm ở nhóm không có CMKT.
     
Theo nhóm ngành kinh tế: Phần lớn lao động PCT ở Thanh Hóa là lao động tự làm trong các ngành: Xây dựng; Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Công nghiệp chế biến chế tạo; Dịch vụ lưu trú và ăn uống. Năm 2018, có 25,6% lao động PCT làm việc trong ngành xây dựng; có 25,5% lao động PCT làm việc trong ngành bán buôn và b/lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; có 19,5% lao động PCT làm việc trong ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.
     
Theo nhóm nghề: Phần lớn LĐ PCT của Thanh Hóa tập trung ở nhóm Thợ thủ công và các thợ khác có liên quan. Năm 2018, có 35% LĐ PCT là thợ thủ công và các thợ khác có liên quan; 32% LĐ PCT làm các công việc dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng; 19% làm nghề giản đơn; còn lại là các nghề khác.

Biểu đồ 3. Tỷ lệ lao động PCT chia theo nghề, năm 2018

Đơn vị:%

Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động – việc làm, giai đoạn 2014-2018

Về thu nhập: Năm 2018, thu nhập bình quân của LĐ PCT là 4,08 triệu đồng/tháng, trong đó, thu nhập của LĐ PCT ở khu vực chính thức khoảng 5,353 triệu đồng/tháng, thu nhập của LĐ PCT ở khu vực PCT là 4,295 triệu đồng/tháng (thấp hơn khu vực CT 1,058 triệu đồng/người/tháng).

Biểu đồ 4. Thu nhập và thời gian làm việc bình quân của lao động PCT, năm 2018

Đơn vị:1000 đồng, Giờ

Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động – việc làm, giai đoạn 2014-2018

     Về thời gian làm việc: Năm 2018, thời gian làm việc bình quân của LĐ PCT là 52,06 giờ/tuần, ở khu vực PCT là 50,29 giờ/tuần.
Kết luận chung:
     
Quy mô (891,1 nghìn người) và tỷ trọng (41,1%) lao động phi chính thức ở tỉnh Thanh Hóa còn khá lớn và đang có xu hướng tăng trong giai đoạn 2014 – 2018, sẽ là một thách thức trong việc thiết kế chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng việc làm cho những đối tượng lao động này.
     
Lao động phi chính thức tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn (80,3% - năm 2018) và chủ yếu là lao động nam (65,4% - năm 2018).
     
Cũng như đặc điểm chung của LĐ PCT của cả nước, hầu hết lao động PCT ở Thanh Hóa không có chuyên môn kỹ thuật (82,7% - năm 2018), tuy nhiên, tỷ lệ lao động không có CMKT đang có xu hướng giảm nhẹ trong vòng 5 năm qua.
     
Phần lớn lao động PCT là lao động tự làm trong xây dựng (25,6% - năm 2018), bán buôn bán lẻ, sửa chữa oto, xe máy (25,5% - năm 2018) và công nghiệp chế biến chế tạo (19,5%).
     
Lao động PCT tập trung nhiều ở nhóm thợ thủ công (35% - năm 2018) hay làm các công việc dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng (32%).
     
Năm 2018, nhìn chung thời gian làm việc bình quân giữa hai khu vực chính thức và phi chính thức có sự chênh lệch (1,77 giờ/tuần) và chênh lệch về thu nhập bình quân giữa hai khu vực Chính thức và phi chính thức (1,058 triệu đồng/người/tháng).
 2. Hàm ý chính sách
     
Thứ nhất, điều chỉnh, bổ sung các chính sách riêng, cũng như lồng ghép vào các chính sách chung của tỉnh các nội dung hướng tới bảo đảm và nâng cao chất lượng lao động, việc làm phi chính thức; nâng cao hiệu lực thi hành các văn bản, chính sách này nhằm bao phủ mọi đối tượng lao động phi chính thức. Trách nhiệm của nhà nước là bảo đảm các quyền cơ bản cho người lao động về việc làm, trong đó có sự bảo vệ thông qua thúc đẩy ký kết hợp đồng lao động, tham gia BHXH và bảo vệ các điều kiện làm việc tối thiểu, thi hành những điều luật về tiền lương và thu nhập công bằng, bảo vệ người lao động trước sự xâm phạm, lạm dụng của chủ sử dụng lao động và các đối tượng khác. Cần có cơ chế thưởng – phạt nghiêm minh, giám sát hiệu quả đối với từng ngành nghề, đơn vị thuê lao động khu vực PCT trong việc bảo đảm an toàn lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của cộng đồng.
     
Thứ hai, tăng cường nhận thức và hiểu biết của lao động phi chính thức về pháp luật lao động và các chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm và bảo hiểm xã hội. Trước hết, lồng ghép vào các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật lao động cho lao động phi chính thức. Cần có các hình thức tuyên truyền phù hợp, đơn giản, dễ hiểu cho những đối tượng lao động này. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ngoài việc chỉ thông tin tren hệ thống loa phát thanh của xã/phường. Đặc biệt, cần có đầu tư thích đáng từ ngân sách của tỉnh cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin này.
     
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp cho lao động phi chính thức. Cần chú trọng hơn nữa đến các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động phi chính thức. Mở rộng đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề và nâng mức hỗ trợ để đào tạo nghề hiệu quả hơn cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, cần thiết kế cả các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn phù hợp với nhu cầu và năng lực học tập của lao động phi chính thức nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế địa phương. Tập trung nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp để lao động nông thôn có thể áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất lao động và thu nhập.
     
Thứ tư, tăng cường quan hệ lao động và cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho lao động phi chính thức. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế báo cáo về lao động của các cơ sở SXKD, hệ thống thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm, tư vấn pháp lý cho người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường chế tài đối với những hành động cố tình vi phạm các quy định hiện hành về ký hợp đồng lao động, thực hiện các quy định về an toàn lao động, đóng BHXH cho người lao động. Quan trọng hơn nữa, cần có chế tài nghiêm khắc để xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm việc ký kết HĐLĐ và đóng BHXH cho người lao động hay không đảm bảo tiền lương và thu nhập, chế độ làm thêm giờ và các quyền lợi khác cho người lao động.
     
Thứ năm, tăng cường, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội cho lao động phi chính thức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đảm bảo tính tuân thủ của các chủ cơ sở SXKD trong việc ký kết HĐLĐ và đóng BHXH bắt buộc cho người lao động theo quy định của Luật. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của lao động PCT về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cần đào tạo cán bộ chuyên trách về công tác tuyên truyền, đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ bảo hiểm xã hội cho cán bộ bưu điện là đại lý thu bảo hiểm xã hội để đạt hiệu quả cao hơn trong việc gia tăng số lượng người tham gia hiểm xã hội tự nguyện hàng năm.

 

[1] Sách “Lao động phi chính thức năm 2016”, TCTK 2017.

[2] Năm 2018, sắp xếp được khoảng 68,8 nghìn lao động Thanh Hóa có việc làm mới (Tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa quý IV và cả năm 2018).

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây